Mittwoch, 13. Mai 2015

20 cây bút 'từ bỏ Hội nhà văn VN'


  • 9 giờ trước
                                     
                       Một số thành viên của nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập

Hơn 20 nhà văn, nhà thơ đã ký tên vào đơn tuyên bố từ bỏ Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN), trong đó có nhiều người nổi tiếng như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Đỗ Trung Quân, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Lá đơn được đăng tải trên trang mạng xã hội của các thành viên trong nhóm viết:

"Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam, đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy."
"Đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản."
"Nhận thấy khả năng thay đổi trên càng không thể xảy ra khi lãnh đạo HNVVN đã tự tiện tước quyền tham gia Đại hội lần 9 sắp tới của chúng tôi với lý do chúng tôi là thành viên của một ban vận động thành lập một văn đoàn tương lai – đó là việc làm vi phạm trắng trợn điều lệ hiện hành của HNVVN, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên và công dân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút."
"Chúng tôi tuyên bố từ bỏ Hội nhà Văn Việt Nam kể từ ngày hôm nay, 11 tháng 5 năm 2015."
Hội Nhà văn Việt Nam trước đó đã có hành động được cho là “loại bỏ” những hội viên trong nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam.
Trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở TP. HCM ngày 5/5, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở TP. HCM và tham gia Văn đoàn độc lập.
Chín người này là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng.
Tổ chức này xuất hiện tháng Ba năm ngoái với lời kêu gọi về “quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm”.
Lý do Hội nhà văn Việt Nam đưa ra để loại chín người này là họ tham gia một tổ chức “không được thừa nhận và có dấu hiệu phạm pháp”, theo tin từ đại hội nhà văn khu vực TP. HCM.
'Điều cần thiết'
Các nhà văn, nhà thơ ký tên từ bỏ Hội nhà văn Việt Nam
Nguyên Ngọc
Đỗ Trung Quân
Nguyễn Quang Lập
Nguyễn Huệ Chi
Phạm Đình Trọng
Võ Thị Hảo
Bùi Minh Quốc
Đặng Văn Sinh
Hoàng Minh Tường
Lê Hiền Phương
Ngô Thị Kim Cúc
Nguyễn Quang Thân
Thùy Linh
Vũ Thế Khôi
Ý Nhi
Dư Thị Hoàn
Trịnh Hoài Giang
Dạ Ngân
Nguyễn Duy
Trần Kỳ Trung
Trả lời BBC ngày 12/5, nhà thơ Đỗ Trung Quân, một trong những người ký tên vào đơn, nói cá nhân ông cho rằng đó là "điều cần thiết".
Ông cũng cho biết ông "không ngạc nhiên" trước quyết định của Hội nhà văn Việt Nam.
"Thực ra mà nói cá nhân tôi thì có thể đoán trước , chỉ có không biết rõ thời điểm, và tôi không ngạc nhiên lắm."
"Sự lựa chọn của cá nhân tôi đối với Hội nhà văn, không có nghĩa là tôi phê phán các hội viên chưa từ bỏ Hội."
"Tôi bày tỏ thái độ đối với những người cầm nắm hội chứ không phải các anh em hội viên. Không phải khi chúng tôi ra rồi thì xem anh em trong hội là thế này thế nọ."
Ông cho biết cho đến nay, ông chưa nhận được phản hồi nào từ những người bên trong Hội nhà văn Việt Nam về quyết định của mình.
"Nhưng tôi nhận được nhiều phản hồi của những người bên ngoài hội," ông nói.
"Một trong những lời chú sâu sắc nhất với cá nhân tôi, là 'chúc mừng anh đã trở về nhân cách ngang bằng với một người dân đen'," ông cho biết thêm.
Trong số 20 người, có bốn người cũng đồng thời tuyên bố rời bỏ cả Văn đoàn độc lập, gồm: Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Nguyễn Duy và Trần Kỳ Trung.
Ông Trần Kỳ Trung nói với BBC: "Nhà văn muốn có tự do, không muốn phải lệ thuộc. Văn đoàn hay Hội nhà văn mình đều tôn trọng, nhưng tôn trọng nhất là sự tự do.”
Ông Trung cho biết “không có ai” vận động buộc ông rời bỏ cả hai tổ chức.
Nhìn về tương lai, ông nói: “Bất cứ ai, khi thấy một tổ chức đáp ứng được yêu cầu của họ, tổ chức đó làm đất nước tiến bộ, sẽ có rất nhiều người ủng hộ tổ chức đó.”

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen