Một số tổ chức quốc tế đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho nhà văn Nguyễn
Quang Lập.
Vào ngày Quốc tế Nhân quyền, 10 tháng 12 năm nay, người
viết nhận được từ thân hữu bên nhà, thư ngỏ kêu gọi trả tự do cho nhà văn Nguyễn
Quang Lập tức blogger Quê Choa và các blogger khác như Trương Duy Nhất, Nguyễn
Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ, v.v, “bị bắt với tội danh tương tự và chịu nhiều quy kết
phi lý tương tự”.
Sau khi xem thư ngỏ, ngoài sự trân trọng dành cho tấm
lòng của những người khởi xướng, người viết nghĩ, dựa trên lập trường của lãnh
đạo cao nhất của Việt Nam, được phổ biến rộng khắp, trước cộng đồng quốc tế và
trước nhân dân cả nước, có hy vọng từ cuối năm 2014, qua năm 2015, tình hình đất
nước sáng sủa và tốt đẹp hơn: Thay vì bị khởi tố theo Điều 258 Bộ luật hình sự
với án tối đa 3 năm, nhà văn Nguyễn Quang Lập sẽ được tự do sau 9 ngày tạm giữ.
Hơn một tuần đi qua, thân hữu báo tin: Chính quyền Việt
Nam khởi tố nhà văn theo Điều 88 Bộ luật hình sự với án tối đa 20 năm!
Để kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2014, Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang viết:
“Thời nào cũng thế, nhân dân ta không dung thứ bất cứ ai,
bất cứ hành động nào làm xâm hại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đó chính là
đạo lý thiêng liêng nhất và là pháp lý công minh nhất! Ai vi phạm hoặc làm vấy
bẩn điều vô giá đó, người ấy không xứng đáng là người con đất Việt”.
Vào giữa tháng 10, nhân chuyến công du châu Âu, trong
trao đổi với học giả Đức ở Viện Koerber (Berlin, CHLB Đức), Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng nói:
“Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng
không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. Việt Nam
không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này.”
Người yêu nước
Lần đầu tiên, thư ngỏ có sự tham gia ký tên của những học
giả chuyên nghiên cứu về Việt Nam
Thỉnh thoảng, người viết viếng thăm blog của Nguyễn Quang
Lập, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ, bên cạnh một số blog khác.
Dù không hẳn hoàn toàn đồng ý với mọi ý kiến nêu trên
blog, người viết nhận thấy các blogger này mang một đặc tính chung: họ là người
yêu nước.
Dù nhân thân khác nhau, họ cùng khát khao đóng góp cho lợi
ích dân tộc, băn khoăn, lo lắng, trước bất công đầy rẫy trong xã hội, trước mối
đe dọa ngày càng to lớn từ phương Bắc.
Không ai phủ nhận được nguyên tắc một Việt Nam thật sự
dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền, sẽ là nước mạnh, được sự kính trọng, quý
mến của các nước và bầu bạn khắp nơi trên thế giới.
Do tham vọng bành trướng, bá quyền nước lớn, để Việt Nam
tiếp tục yếu kém và chấp nhận phụ thuộc, nằm trong tầm kiểm soát của họ, Trung
Quốc bằng mọi cách ngăn chặn Việt Nam thay đổi theo chiều hướng tich cực, ngăn
chặn Việt Nam đáp ứng “đòi hỏi khách quan của xã hội loài người”.
Do lợi ích phe nhóm, một bộ phận quyền lực trong nước, trực
tiếp hay gián tiếp, hậu thuẫn cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ chiến lược, hiểm
độc và lâu dài, đối với Việt Nam, cụ thể qua hành động bắt giữ và giam cầm những
người có quan điểm ôn hoà.
Hành động này khiến Việt Nam vi phạm cam kết khi ký Công
ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, và khi gia nhập Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc.
Hành động này gây quan tâm đến sự trung thực trong lập
trường của lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, ảnh hưởng rất bất lợi cho uy tín của
họ đối với dư luận ở trong và ngoài nước.
Nghiêm trọng nhất, hành động này công khai thách thức
lương tâm của tất cả người Việt Nam và thân hữu người nước ngoài.
Trong một thời gian ngắn, từ khi có tin nhà văn Nguyễn
Quang Lập bị khởi tố theo Điều 88 Bộ luật hình sự cho đến thời điểm hoàn tất
bài viết, số người ký tên vào thư ngỏ kêu gọi trả tự do cho ông và các blogger
khác tăng hơn 90%; lần đầu tiên, thư ngỏ có sự tham gia ký tên của những học giả
chuyên nghiên cứu về Việt Nam như Christoph Giebel, Shawn McHale, Morris Jung,
Scott Laderman, Erica Peters, Peter Zinoman, v.v.
Bà Eleanor Roosevelt, vợ Tổng thống Mỹ Franklin D.
Roosevelt, có câu quen thuộc: “Hãy thắp lên một ngọn nến thay vì nguyền rủa
bóng tối”.
Ngọn nến của người viết mang số thứ tự 1090.
Còn ngọn nến của Bạn?
Không bóng tối nào tồn tại khi con người để lương tâm dẫn
dắt hành động.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen