Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-12-20
2014-12-20
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn trên dốc Lombard – San Francisco trong chuyến đi Mỹ năm 2009.
Photo courtesy of blog Bùi Ngọc Tấn.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 vừa qua
đời hôm 16 tháng 12 vừa qua để lại cho người yêu mến văn chương cũng như
tư cách của ông một sự thương tiếc không kể hết.
“Chuyện kể năm 2000”
Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê nhà văn ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp
Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn viết
báo từ 1954. Năm 1968 Bùi Ngọc Tấn bị tập trung cải tạo 5 năm trong vụ
án Xét lại chống đảng. Khi bị bắt giữ, hơn một ngàn trang bản thảo của
ông cũng bị tịch thu.
Chuyện Kể năm 2000 viết về một người tù mang tên Tuấn mô tả lại cách
mà chính quyền Việt Nam trấn áp trí thức trong đó chính ông là nạn nhân
viết lại với tư cách một nhân chứng.
"Chuyện kể năm 2000" được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào tháng
Hai năm 2000 thì ngày 16 tháng Ba bộ Văn hóa -Thông tin đã ký quyết định
đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy.
Nhân vật có tên Nguyễn Văn Tuấn có thể là tác giả mà cũng có thể là
của tất cả mọi tù nhân bị bắt, bị cải tạo vì các tội chống nhà nước,
gián điệp, phản động…nói chung là không chấp nhận cái nhà nước muôn phần
xinh đẹp và dân chủ này. Tuấn mang khuôn mặt của những rách nát tả tơi
từ trong tù cho tới khi ra khỏi nhà tù. Anh ta là nghệ sĩ không được
ngẩng cổ lên hót như chim mà bị buộc phải cúi đầu ho khan như một gã ho
lao. Tuấn cũng là nhà văn nhà báo ngay cả nhà thơ…những ngòi viết không
còn được cung cấp mực nên phải dùng máu của mình để viết trên những
trang giấy mỏng tang giấu kín trong trại giam để một ngày nào đó cơ may
cho chế độ đã đến và chúng phát giác, xé bỏ trấn áp ngòi viết ây bằng
chính máu của anh ta.
Chuyện kể năm 2000 với những trang giấy trắng không có chữ mà chỉ có
hình ảnh. Hình ảnh hiện lên như bóng ma, như ám ảnh của chế độ đè nặng
lên tâm thức Việt Nam. Năm năm trong tù không dài nhưng qua ngòi bút Bùi
Ngọc Tấn đã khiến nhân vật thành hình tượng và những hình tượng tưởng
không còn là con người ấy vẫn cào cấu không ngừng đòi lại cái “chứng
minh làm người” mà chế độ cố tình tịch thu, xé bỏ.
Đây là một tác phẩm có thể nói là một bước ngoặc của văn học Việt Nam. Một tác phẩm sẽ sống lâu và còn giúp cho mọi người đọc nó nhận biết thực tại đời sống xã hội Việt Nam trong 50 năm của nửa cuối thế kỷ 20.
-Phạm Xuân Nguyên
Chế độ không muốn cách mạng mặc dù chúng lớn mạnh từ cách mạng. Chế
độ không muốn ai trở thành nổi bật hơn nó vì quyền lực không cho phép sự
kính trọng hiện hữu trong lòng người dân. Kính trọng phải bị thủ tiêu
và sự sợ hãi luôn là kim chỉ nam trong mọi lĩnh vực.
Chuyện kể năm 2000 không biết sợ hãi và vì vậy nó bị cấm in, cấm xuất
bản. Nhưng cả thế giới vẫn biết tới nó và ca ngợi và ấp ủ và nghiền
ngẫm nó. Nó được dịch nhiều thứ tiếng và được các chủng tộc khác với
Việt Nam chia sẻ.
Nó được so sánh với Dostoevsky, với Solzhenitsyn và nhiều cây bút
khác viết về nhà tù dưới chế độ cộng sản. Nhưng nếu để ý thì người tù
ấy, thân phận ấy không bao giờ được ra khỏi nhà giam vì phía sau cánh
cửa trại giam là cuộc sống bế tắc, đàn áp, đè nặng lên mỗi con người,
nhất là con người vẫn còn mang số tù trong lý lịch.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói về nhận xét của ông đối với Chuyện kể năm 2000:
“Thứ nhất đây là một cuốn tiểu thuyết. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết
tiểu thuyết chứ không phải tự truyện hay hồi ký mặc dầu nhân vật lấy từ
chính cuộc đời của anh, 5 năm lao tù của anh nhưng là tiểu thuyết và do
vậy kinh nghiệm cá nhân của Bùi Ngọc Tấn cộng với kinh nghiệm bạn tù và
những kinh nghiệm quan sát của một nhà văn trong đời sống xã hội nó hun
đúc lên thành hình tượng, thành nhân vật và do đó sức khái quát nó lớn
hơn. Sức thuyết phục, tác động nó mạnh hơn.
Trong đám ma của ông hôm nay rất nhiều bạn bè văn chương cũng
khẳng định như thế, đây là một tác phẩm có thể nói là một bước ngoặc của
văn học Việt Nam. Một tác phẩm sẽ sống lâu và còn giúp cho mọi người
đọc nó nhận biết thực tại đời sống xã hội Việt Nam trong 50 năm của nửa
cuối thế kỷ 20.
Điều quan trọng nữa là tâm thế của Bùi Ngọc Tấn trong tác phẩm này
cũng như các tác phẩm khác của anh từ khi anh trở lại văn đàn là một sự
nhân hậu ấm áp. Nếu đã trải qua những năm tháng trong nhà tù khắc
nghiệt như vậy mà có giọng hằn học, cay độc thì cũng là lẽ tất nhiên
nhưng không, ông đã chọn nói về những sự thật đó, nói về những nỗi đau
của con người, về những vấn đề xã hội nhân sinh bằng một giọng văn nhân
hậu, ấm áp mà đọc vào khiến người ta xúc động và càng thấy sự chân thực
toát lên và nhờ đó sự thật của đời sống của văn chương nó đạt được hiệu
quả.
Thành công bởi sự trải nghiệm đau khổ
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức đọc Chuyện kể năm 2000 với một
góc nhìn khác mà theo ông tiểu thuyết vẫn chưa đạt tới đỉnh cao mà đáng
ra nó phải có:
“Chuyện kể năm 2000 là sự thành công bởi sự trải nghiệm đau khổ mà
trong đó có rất nhiều dư vị đắng cay của bất công. Sự trải nghiệm của
trường đời. Học vấn của các nhà văn của chúng ta nó ít nhưng như anh Bùi
Ngọc Tấn anh ấy có trường đời và như vậy anh ấy đã bức phá hơn rất
nhiều nhà văn bình thường. Anh Bùi Ngọc Tấn bằng trải nghiệm đau khổ và
bất công về công lý trong chính hoàn cảnh của anh ấy không được hưởng
ánh sáng công lý khi bị đem xử. Anh đã lầm lũi sống như thế và khi ra tù
anh có khả năng viết cao hơn nữa bằng cái nguyên liệu mà anh đã kiếm
trong quá trình sống. Anh ấy đã hoàn toàn vượt lên cái sàn chung của hội
nhà văn Việt Nam. Văn học Việt Nam chúng ta có cây có rừng mà không có
cây lớn, chỉ sàn sàn giống nhau thì anh Bùi Ngọc Tấn vượt trội lên.
Nhưng mà để vượt lên tầng cao của bầu trời văn học có triết học, công lý
hay thần học như trong Anh em nhà Karamazov câu hỏi có Chúa hay không
thì anh Bùi Ngọc Tấn cũng chưa vươn tới tầm cao ấy. Cũng giống như một
loạt các nhà văn nổi tiếng của Việt Nam cũng chưa vươn tới bầu trời đấy
Tôi muốn nói tới tinh thần công lý mà anh ấy bị oan uổng và anh ấy
trải qua trong những đầm đìa khổ sở, tù đày thì việc của ảnh là hoàn
toàn tự sự. Mặc dù anh ấy nhìn thâm thúy nhưng vẫn trong nhà tù nó ở
khác thân thể anh ấy. Theo tôi anh không nhân cái việc thiếu công lý của
anh ấy ra toàn xã hội.”
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, với tính điềm đạm cố hữu, trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi ông cho biết:
“Câu chuyện nó báo hiệu cái tình trạng mất dân chủ, tình trạng đàn
áp, tình trạng bất công với những người lương thiện kiểu như tôi. Quyển
đó nó chỉ nói một cái tiền đề về tình trạng mất dân chủ, tình trạng ức
hiếp quần chúng hoặc ở dạng này dạng khác.
Chuyện kể năm 2000 là sự thành công bởi sự trải nghiệm đau khổ mà trong đó có rất nhiều dư vị đắng cay của bất công. Sự trải nghiệm của trường đời. Học vấn của các nhà văn của chúng ta nó ít nhưng như anh Bùi Ngọc Tấn anh ấy có trường đời.
-Nguyễn Hoàng Đức
Tôi cho rằng trong tiểu thuyết của tôi tôi đã đề cập những vấn đề
cơ bản để hiểu được cái trật tự xã hội này. Trong văn chương cái chủ yếu
thân phận con người nó khác với báo chí. Cũng như thân phận của cô Kiều
Nguyễn Du đã nói một gốc gác như thế để cho bây giờ chúng ta thương cảm gốc gác của nàng.
Tôi tiếc mình già rồi, bệnh tật lại lạc hậu nữa. Vài năm nay tôi
không đi đâu cả cho nên nhiều lúc cũng nổi nóng giá mà thế này giá mà
thế kia...thế hệ chúng tôi vốn còn cái gì thì viết cái đó thôi.”
Chuyện kể năm 2000 tuy sáng giá và nổi tiếng nhưng những người biết
và cận kề hay có dịp đến với tác giả của nó sẽ ngạc nhiên hơn vì tính
cách của ông, một tính cách nhân hậu, bao dung và thuyết phục người khác
bằng trái tim của ông. Nữ diễn viên điện ảnh, đạo diễn sân khấu Kim Chi
cho biết sự yêu mến của bà đối với nhà văn Bùi Ngọc Tấn:
“Chuyện kể năm 2000 anh đã mở mắt cho nhiều người nhìn thấy
biết sự thật. Với giọng văn tưng tửng, không chửi rủa mà anh cứ kể và
người đọc cứ cảm nhận. Tôi đọc đi đọc lại Chuyện kể năm 2000 hai ba lần.
Mới giây phút đầu tiên tôi làm quen vợ chồng anh nhưng mà có cảm
giác thân thiết tự bao giờ, rất là lạ. Tôi không nghĩ là năm nay anh lại
ra đi cho nên đối với tôi là một hụt hẫng mất mát. Chúng ta mất một con
người rất tâm huyết, tài năng một người dành cả quãng đời còn lại cho
công cuộc đòi dân chủ. Cả anh cả chị đều hiền lành, dịu dàng chân tình
và ấm áp. Trong ánh nhìn mình đã thấy thân thiện rồi.”
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cùng một chia sẻ:
“Kể từ khi tôi quen biết và trở nên thân thiết như một
người em một người bạn vong niên thì tôi thấy anh Tấn một nhà văn hết
sức nhân hậu, nồng hậu, ấm áp biết hài hước mặc dù luôn luôn đau đáu về
cuộc sống, văn chương.
Anh thường ngồi với nhau mà nói về điều đó mà người ta không thấy
anh dùng giọng cha chú, bề trên hay gì cả. Rất nhiều người trẻ cả độc
giả lẫn người viết trẻ đều cảm nhận ở anh Bùi Ngọc Tấn một sự hòa đồng,
bình đẳng và tin cậy ngay khi được gặp anh. Tin cậy trên trang viết và
tin cậy trong cuộc sống.”
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nằm xuống nhưng tình cảm bạn đọc dành cho
Chuyện kể năm 2000 và bạn văn đối với riêng ông vẫn nằm trang trọng
trong tim họ. Nếu gọi ông là nhà văn lớn trong hoàn cảnh hiện nay chắc
không đến nỗi quá lời. Ông lớn ở tài văn đã đành mà còn ở tư cách một kẻ
sĩ nữa.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen