Mittwoch, 15. März 2017

Hòa Thượng nói không sai!


                                                  Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (Chánh Pháp)

“Các con lớn lên trong thời đại thanh bình, nhưng các con lại bị ném vào giữa một xã hội mất hướng. Quê hương và đạo pháp là những mỹ từ thân thương nhưng đã trở thành sáo rỗng. Các bậc cao tăng thạc đức, một thời đã đánh thức lương tâm nhân loại trước cuộc chiến hung tiền, đã giữ vững con thuyền đạo pháp trong lòng dân tộc; nay chỉ còn lại bóng mờ, và quên lãng.”

“Chớ khoa trương bảo vệ Chánh Pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma Vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức.”
Thích Tuệ Sỹ

                       Đôi nét về Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ



                                                                         Thầy Tuệ Sỹ ở đâu đó tại tỉnh Lâm Đồng.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh ngày 15 tháng 2, 1943 tại tỉnh Pakse, nước Lào, nguyên quán Quảng Bình, Việt Nam.

Từ năm 6 tuổi Thầy đã thọ giới Sa Di ở Huế. Năm 12 tuổi Thầy về Sài Gòn, sau đó trở lại tu học tại chùa Từ Đàm ở Huế, Phật Học Viện ở Nha Trang, rồi về thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Gò Vấp. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965. Thầy được đặc cách bổ nhiệm Giáo Sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị rất cao, như Đại Cương Về Thiền Quán, Triết Học Về Tánh Không. Thầy rất giỏi về chữ Hán và biết nhiều ngọai ngữ như Anh, Pháp, Đức, thông thạo tiếng Pali và tiếng Phạn.

Thầy Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa. Thầy làm nhiều thơ, chơi dương cầm, viết một số truyện ngắn đặc sắc. Thầy ở trong Ban Biên Tập của tạp chí Khởi Hành và là chủ bút tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Thầy say mê hai bộ kinh Pháp Hoa và Duy Ma Cật, chứa đầy những vị Bồ Tát xả thân vào đời để cứu nhân độ thế. Với những ảnh hưởng cao đẹp của các vị đó, Thầy Tuệ Sỹ đã xả thân cứu đời, tích cực tranh đấu ôn hòa cho quyền của con người và bảo vệ Phật Pháp sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam từ năm 1975. Và thầy đã trở thành một cái gai trước mắt nhà cầm quyền cộng sản.

Sau năm 1975, Thầy Tuệ Sỹ về Nha Trang làm rẫy. Đến năm 1977 Thầy vào Sài Gòn sống ở chùa Già Lam. Đầu năm 1978, Thầy bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam trong nhà tù cải tạo cho tới đầu năm 1981.

Ba năm sau Thầy lại bị bắt cùng với giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 tăng ni, sĩ quan cũ của Quân Lực VNCH. Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 9 năm 1988, không có luật sư biện hộ, CSVN đã kết án tử hình hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội âm mưu võ trang lật đổ chính quyền qua việc lập ra tổ chức Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam. Chùa Già Lam bị công an vây bắt người, tịch thu tài sản.

Nhờ sự tranh đấu tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai. Tháng 10, 1994, cùng với 200 tù nhân, Thầy tham gia biểu tình đòi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc và đòi hỏi các quyền khác, nên bị Cộng Sản đầy ra Bắc. Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu cho nhân quyền Hellman-Hammet Awards ngày 3 tháng 8, 1998.

Năm 1998, Hà Nội phóng thích thầy cùng với một số người khác. Trước khi thả, nhà cầm quyền CS yêu cầu Thầy ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ Tịch Trần Đức Lương. Thầy trả lời, “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi.” Công an nói không viết đơn thì không thả, Thầy không viết và tuyệt thực. Cuối cùng Hà Nội đã phải phóng thích Thầy sau 10 ngày tuyệt thực.

Tháng 4 năm 1999, Hòa Thượng Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đề cử Thầy Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Ngày 14-9-1999 Công An bắt Thầy lên trụ sở làm việc về “những hành động phạm pháp” phát hiện trong máy vi tính của Thầy bị tịch thu. Thầy Tuệ Sỹ phản đối những lời vu cáo của Công An trong khi bị thẩm vấn.

Với trách nhiệm Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thầy Thích Tuệ Sỹ hiện nay là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ trong công cuộc đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

 
Trong mấy năm gần đây, Hòa Thượng Tuệ Sỹ đã rời chùa Già Lam, lên sống ở Lâm Đồng. Hay như lời viết của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (ở San Diego) trong một bài viết đầu năm 2017: “Tuệ Sỹ - Người gầy trên quê hương điêu tàn. Tuệ Sỹ - Người ẩn mình dưới lòng hố thẳm hun hút, Tuệ Sỹ - Trên đỉnh Trường Sơn chót vót sương mù, mây trắng. Những hình dung từ tiêu biểu cho một con người như còn lảng vảng đâu đó, náu mình trong khói đá. Ẩn hiện trên khói sóng. Nhấp nhô trên những lượng nước bạc đầu của đại dương. Hiển hiện trên quê hương điêu tàn. Núp sâu trong lòng người khốn khó. Ngày cũng như đêm luôn có ở những nơi đó. Có như một linh hồn mục nát, đọa đày giữa muôn triệu linh hồn đau thương, gầy guộc. Luôn kêu gào thấu trời xanh, nhưng những kẻ quyền uy tham vọng ở nơi đó vẫn bịt tai, nhắm mắt như loài khỉ nhảy nhót trên cành cây vô lương tri. Như bầy thú hoang dẫm nát núi rừng nơi chúng ở.”

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen