Sonntag, 19. März 2017

THỔ NHĨ KỲ KHÓ ĐOÁN

tka23 post
Những năm gần đây,  Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng  khi mà Tổng thống Erdogan từ chối để cho những người đồng cấp phương Tây kiểm soát và ngày càng đưa đất nước này đi theo hướng ngược lại so với những gì phương Tây kỳ vọng ở ông.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ mất kiên nhẫn với phương Tây
Dẫu biết rằng Liên minh châu Âu (EU) đã “nhử” họ bằng chiêu bài đàm phán gia nhập khối này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đặt niềm tin vào “củ cà rốt” ấy kể từ khi chính thức là ứng viên xin gia nhập hồi tháng 12/1999 đến nay. Nhưng cuối cùng thì hy vọng đó cũng dần dần tan biến.
“Củ cà rốt” mang tên ứng viên xin gia nhập EU đã  đặt Thổ Nhĩ Kỳ trong sự kiểm soát tương đối lâu nhưng Ankara đã không để mình bị “xỏ mũi” thêm nữa. Họ đã tìm thấy một chỗ dựa và đủ mạnh mẽ để thách thức EU, đe dọa phá vỡ các thỏa thuận với liên minh này, bao gồm thỏa thuận ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp đạt được 1 năm trước nếu EU từ chối miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

EU đã sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một con đập ngăn làn sóng người tị nạn và nhập cư đổ về châu Âu. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ  tốn hàng tỷ USD và gây ra hàng loạt mối nguy về an ninh.
Nhưng đổi lại, châu Âu không thể thực hiện cam kết của họ với Thổ Nhĩ Kỳ về việc miễn thị thực cho công dân nước này bởi lo ngại thị trường lao động của khối sẽ  tràn ngập  vì làn sóng người trẻ Thổ Nhĩ Kỳ vào đây tìm việc.
Trong khi châu Âu thoái thác và tìm kiếm những thỏa thuận khác với Libya và các nước vùng cận Sahara để giải quyết khủng hoảng nhập cư, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ý thức được họ có thể mất đi lợi thế đàm phán và gia tăng sức ép với EU.
Khi giọt nước tràn ly
Cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7/2016 đã đẩy căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây lên một mức  độ mới.
Tổng thống Erdogan đã cáo buộc Mỹ có dính líu đến việc tổ chức cuộc đảo chính này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích phương Tây nhiều hơn vì đã không những không lên án quyết liệt những kẻ đảo chính mà còn chỉ trích ông “mượn gió bẻ măng” thanh trừng nội bộ.
Những cáo buộc gần đây nhằm vào Thủ tướng Đức Angela Merkel là một tín hiệu rõ rệt nhất cho thấy quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đã thay đổi đáng kể như thế nào.
Thậm chí, ông Erdogan mới đây còn lên tiếng chỉ trích, gọi việc chính phủ Đức cấm một bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vận động cho cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức “không khác gì một hành động của Đức Quốc xã.”
Giọt nước tràn ly có lẽ là khủng hoảng ngoại giao với Hà Lan, nước vừa cấm máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh và trục xuất Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Họ có thể chặn máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ như họ muốn nhưng hãy xem máy bay của họ từ giờ đến Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào” – Tổng thống Erdogan tuyên bố trước đám đông tại Istanbul.
Ông Erdogan thậm chí gọi người Hà Lan là “tàn quân của Đức quốc xã” và là “quân phát xít”. Đại sứ Hà Lan tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không được trở lại đây sau kỳ nghỉ của ông ở quê nhà.
Phương Tây đang để mất Thổ Nhĩ Kỳ vào tay Nga?
Sự xuống cấp trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU chỉ càng giúp ích cho mối quan hệ giữa nước này với Nga.
Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang có dấu hiệu  ấm trở lại chỉ 7 tháng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay của Nga ở biên giới với Syria.
Điều đó không có nghĩa rằng Ankara và Moscow cùng nhìn về một hướng trong mọi vấn đề nhưng dường như 2 bên đã nhận ra rằng họ cần nhau như thế nào. Hai nước đã tăng cường phối hợp chiến đấu chống khủng bố ở Syria và trong việc tổ chức hội nghị hòa bình cho Syria ở Astana. Đó là chưa kể Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn có truyền thống quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ.
“Đối với Moscow, do đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây và bị hạn chế khả năng nhập lương thực vì cấm vận đối với các sản phẩm của phương Tây, nên quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lại càng quan trọng” – bà Maria Chủ tịch Hội nghiên cứu về Trung Đông (IMESClub) có trụ sở tại Moscow nhận định.
Trái với phương Tây, Nga không can thiệp vào chính sách nội bộ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và đó là lý do vì sao Moscow được coi là đối tác “dễ chịu” hơn đối với Ankara./.
Diệu Hương
 
__._,_.___

Posted by: anh truong <anhdalat23@yahoo.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen