Bs Nguyễn Văn Đức
Các chai đựng thuốc bác sĩ biên toa cho bạn luôn luôn có dán nhãn.
Trên nhãn này có nhiều chi tiết bạn cần lưu ý.
Nhãn dán trên các chai thuốc của mỗi nhà thuốc trình bày một khác,
rồi có nhãn chữ to dễ đọc, có nhãn chữ nhỏ li ti khó đọc, nhưng nói
chung, đều gồm các phần cần thiết sau đây.
Địa chỉ, số điện thoại nhà thuốc
Ở phía trên cùng của nhãn dán bao giờ cũng là địa chỉ (thường in
đậm và tô màu), số điện thoại của nhà thuốc, có khi kèm theo số
fax.
Bây giờ rất nhiều bác sĩ làm hồ sơ điện tử và dùng toa thuốc điện
tử gửi thẳng đến nhà thuốc theo ý của chính phủ, nên bác sĩ cần địa
chỉ của nhà thuốc để gửi toa điện tử đến đúng nhà thuốc bạn muốn.
Địa chỉ nhà thuốc trên nhãn của chai thuốc bạn mang theo khi đến
khám bệnh càng rõ ràng càng giúp bác sĩ làm việc mau lẹ. (Địa chỉ
của nhà thuốc CVS để trên nhãn thuốc của họ tệ nhất, chữ nhỏ li ti
không ai đọc được.) Nếu có việc cần gọi hỏi nhà thuốc, số điện
thoại dễ đọc của nhà thuốc trên nhãn cũng giúp bạn hoặc bác sĩ
nhanh chóng liên lạc với nhà thuốc.
Phần trên của nhãn thường cũng để tên của người bác sĩ biên toa cho
bạn, tên của bạn (thường in đậm) và ngày bạn lấy thuốc từ nhà
thuốc. Lấy thuốc ở nhà thuốc, bạn nhớ xem ngay tên bạn trên chai
thuốc có đúng không, hay nhà thuốc đã đưa nhầm chai thuốc của người
khác cho bạn. Bác sĩ khi nhìn chai thuốc lạ bạn cầm đến, cũng liếc
mắt xem bác sĩ chuyên khoa nào biên thuốc này cho bạn, và bạn lấy
thuốc từ nhà thuốc ngày nào, để tính ra bạn dùng thuốc có đều
không.
Tên thuốc và chỉ dẫn cách dùng thuốc
Phần giữa nhãn dán trên chai thuốc bao giờ cũng là tên thuốc, phân
lượng thuốc, thí dụ “Metformin 850 mg tablet”, và chỉ dẫn cách dùng
thuốc, thí dụ “Uống 1 viên ngày 1 lần sau khi ăn”.
Tên thuốc và chỉ dẫn cách dùng thuốc thường được viết to cho dễ
đọc.
Khi dùng thuốc, bạn nhớ đọc kỹ phần này để dùng thuốc cho đúng:
uống thuốc mấy lần mỗi ngày, và vào lúc nào trong ngày: buổi sáng,
buổi tối, trước khi ăn, sau khi ăn, …
Số lượng thuốc, số lần “refill”
Nhãn dán trên chai thuốc nào cũng ghi số lượng thuốc, cho biết có
bao nhiêu viên thuốc chứa trong chai, thí dụ 30, 60, 90 viên, … Ở
gần đấy thường là số lần “refill” (lấy thuốc thêm sau khi bạn dùng
hết thuốc), thí dụ 1, 2, 3, … lần refill, và ngày thuốc hết hạn.
Những thuốc quan trọng, bác sĩ cho 5 lần “refill” tối đa, và sau đó
bạn cần trở lại tái khám với bác sĩ, những thuốc không quan trọng,
bác sĩ có thể cho tối đa 11 lần “refill”.
Chỗ ghi số lượng thuốc thường ở gần chỗ tên thuốc hoặc dưới chỗ chỉ
dẫn cách dùng thuốc. Tệ nhất là nhãn của nhà thuốc CVS, ghi số
lượng thuốc và số lần “refill” rất nhỏ, lại để ở tít đàng sau của
nhãn nên khó tìm, khó đọc.
Lấy thuốc ở nhà thuốc nào, bạn tìm hiểu và tập làm quen với nhãn
dán trên các chai thuốc của họ, để khi lấy thuốc ở nhà thuốc, bạn
kiểm lại, xem có sự sai lầm nào, bạn báo ngay cho nhà thuốc biết để
họ sửa chữa. Các nhà thuốc Việt Nam thường có nhãn thuốc trình bày
giản dị, dễ xem, lại thường viết bằng chữ Việt và ghi chú thuốc
dùng để chữa bệnh gì. Nếu không giỏi tiếng Anh, bạn nên lấy thuốc ở
các nhà thuốc Việt Nam, để việc liên lạc dễ dàng, nếu có thắc mắc
gì, ở nhà bạn có thể gọi điện thoại nhờ nhà thuốc giải thích.
Đi khám bác sĩ, bạn cũng nên đem hết các chai thuốc theo (các chai
thuốc mới nhất, không nên mang các chai cũ, vì có khi bác sĩ đã đổi
thuốc, và các số lần “refill” trên các chai thuốc cũ không còn
đúng) để bác sĩ kiểm thuốc, xem có sự sai lầm nào không; Medi-Cal,
Medicare và các bảo hiểm đều muốn bác sĩ phải thường xuyên kiểm
thuốc người bệnh đang dùng, vì bất cứ sự sai lầm nào cũng đều có
thể ít nhiều gây hại cho người bệnh và bác sĩ phải chịu trách
nhiệm.
Lưu ý đọc các chi tiết trên nhãn dán các chai thuốc, bạn giúp chính
mình, đồng thời giúp nhà thuốc và bác sĩ tránh được những sai lầm,
đôi khi rất nguy hiểm, trong việc dùng thuốc.
Bs Nguyễn Văn Đức
__._,_.___
Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen