Hoàng Giang - Blog Trong Lòng Hà Nội - VOA
19/03/2017
Trong blog của mình, tôi đã đề cập đến vấn đề lạm dụng trẻ em qua
rất nhiều bài viết, đặc biệt trong khoảng thời gian có 2 sự kiện
diễn ra song song, đó là vụ diễn viên hài Minh “béo” bị bắt giữ
tại Mỹ do có hành vi ấu dâm với trẻ vị thành niên và một bé gái bị
lạm dụng bởi ông Nguyễn Khắc Thủy (sinh năm 1940) tại Vũng Tàu. Cho
đến nay, khi mà vụ án Minh “béo” được giải quyết xong xuôi, phạm
nhân đã mãn hạn tù và quay trở lại Việt Nam thì vụ tại Vũng Tàu
vẫn lửng lơ, chưa có quyết định xét xử từ phía tòa án chính quyền
dù rất nhiều bằng chứng đã được cung cấp, thậm chí có nguy cơ bị
đình chỉ. Chỉ duy nhất một thông tin được biết thêm: đó là kẻ xâm
hại cháu bé từng là giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh Vũng Tàu,
kiêm Đảng viên lâu năm. Chi tiết tưởng chừng cỏn con nhưng lại là
lời giải đáp cho sự chìm xuồng đáng ngờ của vụ này.
Đầu năm 2017, liên tiếp 2 vụ ấu dâm khác xảy ra, tại Hà Nội và Sài
Gòn. Tại Hà Nội, một bé gái 8 tuổi bị xâm hại ngay trong khu vực
sinh sống của mình bởi nghi phạm Cao Mạnh Hùng, hàng xóm của gia
đình bé. Sau khi bị tố cáo và bị công an địa phương bắt để xét xử
nhưng được thả về ngay lập tức, nghi phạm cùng vợ con đã chuyển chỗ
ở ngay trong ngày. Gây phẫn nộ nhất là hành vi không cảm thấy hổ
thẹn của y, trái lại còn thách thức gia đình nạn nhân khi cậy mình
có mối quan hệ rộng rãi. Tại một trường tiểu học ở quận Thủ Đức,
Sài Gòn, một em học sinh 6 tuổi bị xâm hại ngay trong khuôn viên
nhà trường. Nhưng khi được yêu cầu điều tra thì giáo viên trong
trường lại khẳng định cháu nghịch chơi bị té ngã, chảy máu vùng
kín. Camera an ninh tại thời điểm đó bỗng dưng bị hư hỏng, không
lưu giữ được hình ảnh.
Tôi không hiểu sao đến thời điểm hiện tại, những bộ trưởng bộ giáo
dục, bộ văn hóa hay bất cứ một ngài tai to mặt lớn nào có đủ thẩm
quyền trên đất nước này vẫn im phăng phắc không một lần lên tiếng.
Phải chăng sự thờ ơ, im lặng của các quan chức này là minh chứng
rõ ràng cho một xã hội mà những kẻ có tiền là có quyền. Tại sao đến
thế kỷ của văn minh, ánh sáng mà trong môi trường giáo dục, những
lớp học kiến thức về tình dục, về tâm sinh lý của trẻ em vẫn không
được dạy dỗ phổ biến? Các buổi họp phụ huynh vẫn lu bu chuyện đóng
các khoản phí phát sinh mà không phải là chia sẻ về cách bảo vệ con
em mình? Những buổi chào cờ đầu tuần kéo dài cả tiếng đồng hồ chỉ
xoay quanh điểm thành tích, xếp hạng? Tại sao không một ai trong
chúng ta dám nói thẳng rằng những tên đồi bại kia là đáng tội nhưng
chính chúng ta cũng đóng góp một phần không nhỏ tạo môi trường dễ
dàng cho chúng lộng hành?
Những câu chuyện về xâm hại trẻ em dạo gần đây cùng một lúc được
biết đến rất nhiều và làn sóng phẫn nộ từ dư luận bùng lên nhưng
dường như chỉ như bọt bong bóng xà phòng vụn vỡ khi mà báo chí chỉ
đơn giản là kền kền đói tin mà nói viết nhăng cuội chứ không theo
đuổi đến cùng. Gia đình bé gái ở Vũng Tàu đã từng ngỡ ngàng vì
không ít phóng viên nhắn tin đòi thêm tiền để viết thêm về vụ việc.
Tất cả chỉ như món mồi ngon để truyền thông lao vào cắn xé, những
kẻ hiếu kỳ nhào nặn bóp méo câu chuyện, các nhà đạo đức học lên
tiếng bảo vệ gay gắt… Mạng xã hội là một phương tiện chia sẻ mang
tính lan truyền cao nhưng tồn tại ngắn hạn. Có thể ngày hôm nay
đang “hot” đấy nhưng ngày mai lại im lìm ngay tức khắc. Tất cả
những cái “like”, “share” không đem trả lại được tuổi thơ yên bình
cho các bé nạn nhân, và chắc chắn cũng không đảm bảo được môi
trường trong sạch, an toàn cho trẻ em Việt. Việc cần làm là những
hành động thiết thực như dán biển hiệu, băng rôn thông báo toàn khu
dân cư sinh sống (các thanh niên hội Đoàn, Đảng, hội phụ nữ, tổ dân
cư họp hàng tuần để làm gì?), môi trường giáo dục như nhà trường
lớp học cần có các buổi nói chuyện phổ biến về vấn đề xâm hại trẻ
em cho phụ huynh và các em học sinh… Phản ứng, thái độ quyết liệt
của chính mỗi cá thể trong cộng đồng này là một cái tát vào mặt
những kẻ đã và đang có ý định đồi bại với trẻ nhỏ, chứ không phải
những lời kêu gọi rỗng tuếch được truyền qua mạng ảo. Việt Nam với
những tòa nhà được xây cao hơn, những khu sinh sống khang trang
hơn, hiện đại hơn nhưng chỉ như lớp vỏ bọc hào nhoáng cho sự xuống
cấp của giáo dục, của đạo đức đang lộng hành.
Hoàng Giang – Blog Trong lòng Hà Nội
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen