Charles A.O. Makmot - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Tôi và vài người bạn đang đọc đi đọc lại cuốn sách miễn phí
tuyệt vời, Từ Độc tài Đến Dân chủ của Gene Sharp. Chương tôi thích nhất là chương ba có tựa đề “Quyền lực đến từ đâu?” Trong chương này tác giả trích truyện ngụ ngôn Trung Hoa vào thế
kỷ thứ mười bốn của Lưu Cơ:
Một ông lão ở nước Chu còn sống nhờ bắt khỉ phục vụ mình. Người
nước Chu gọi ông là “hầu công”.
Mỗi buổi sáng, ông lão đều tập họp bọn khỉ lại ở ngoài sân, rồi ra
lệnh cho con khỉ già nhất dẫn cả bọn lên núi hái trái cây. Theo
luật mỗi con khỉ phải nộp một phần mười số trái cây hái được cho
ông lão. Con nào không làm đúng như thế sẽ bị đánh bằng roi dã man.
Tất cả những con khỉ đều khổ sở vô cùng, nhưng không dám than van.
Ngày nọ, một con khỉ nhỏ hỏi những con khỉ khác:
“Có phải ông lão đã trồng tất cả các cây ăn trái này?”
Những con này nói: “Không, chúng mọc tự nhiên.”
Con khỉ nhỏ hỏi thêm: “ Vậy chúng ta có thể lấy trái cây mà chẳng
cần xin phép ông lão?”
Những con này đáp: “ Đúng, chúng ta ai lấy cũng được.”
Con khỉ nhỏ hỏi tiếp: “Như vậy, tại sao chúng ta nên lệ thuộc vào
ông lão; tại sao tất cả chúng ta phải phục vụ lão?”
Con khỉ nhỏ chưa nói dứt lời thì tất cả những con khỉ khác bất ngờ
ngộ ra và thức tỉnh.
Ngay tối hôm ấy, canh chừng thấy ông lão đã ngủ say, bọn khỉ phá
hủy tất cả các rào chắn của trại đã giam cầm chúng, rồi phá hủy tan
tành cả trại. Chúng cũng lấy tất cả trái cây ông lão cất trong kho
đem vào rừng, và không bao giờ trở lại. Ông lão cuối cùng chết
đói.
Gene Sharp chẳng do dự trích thêm lời bàn của Úc Ly Tử:
“Trên đời có nhiều kẻ trị dân bằng thủ đoạn chứ không phải bằng đạo
lý chính nghĩa. Thử hỏi họ có khác gì hầu công trong truyện. Họ
không biết mình dại. Vì một khi người dân hiểu ra, thủ đoạn của họ
chẳng còn dùng được nữa.”
Câu hỏi xác đáng cho tôi và tôi tin cũng cho các bạn tôi những
người yêu nước là: Quyền lực của người lãnh đạo của bất luận quốc
gia nào xuất phát từ đâu? Nếu chúng ta có thể hiểu thấu được cách
thức quyền lực chính trị hoạt động này, chúng ta có thể vận dụng sự
thấu hiểu ấy tốt hơn. Vì thế tôi muốn bàn đến vài điểm rất quan
trọng mà Lưu Cơ đã ám chỉ trong ngụ ngôn rất hay của ông:
1. Ông lão còn sống nhờ bắt khỉ phục vụ mình.
Truyện kể ông lão còn sống nhờ bắt khỉ phục vụ mình. Hãy lưu ý
truyện không nói bọn khỉ còn sống nhờ phục vụ ông lão. Những con
khỉ này có thể tự sống được như chúng đã tự sống được trong biết
bao nhiêu năm trời trước khi ông lão đến bắt chúng phục vụ ông.
Chắc hẳn lúc ấy ông còn trẻ khi chúng bắt đầu phục vụ ông rồi từ
đấy cả một thế hệ khỉ ra đời chỉ biết phục vụ ông.
Ngày xưa chắc hẳn ông đã làm nên kỳ tích anh hùng là rào chiếm đất
đai, hạ sát những loại thú ăn thịt khỉ cho nên những con khỉ cảm
thấy có bổn phận phục vụ ông. Mặt khác, ông lão có thể đánh bại con
khỉ đầu đàn và rồi đe dọa giết sạch tất cả các con khỉ còn lại. Như
vậy, bọn khỉ có thể sợ quá phải khuất phục.
2. Mỗi buổi sáng, ông lão đều tập họp bọn khỉ lại ở ngoài sân, rồi
ra lệnh cho con khỉ già nhất dẫn cả bọn lên núi…
Ông lão chọn ra những con khỉ cầm đầu dựa trên những phẩm chất biểu
lộ nhưng ông cũng lưu tâm đến phong tục văn hóa của khỉ. Vì vậy con
khỉ lớn tuổi nhất, có lẽ cũng mạnh nhất, được chọn làm con khỉ đầu
đàn và trách nhiệm của nó là chỉ huy những con khác.
3. Theo luật mỗi con khỉ phải nộp một phần mười số trái cây hái
được cho ông lão.
Ai đặt ra luật này, tôi hỏi? Tại sao một phần mười mà không một
phần trăm? Những con khỉ mà trước khi ông lão xuất hiện đều tự do
hái và ăn trái cây nhiều vô kể trong thiên nhiên có được hỏi ý kiến
về luật này? Tôi chắc chắn có nhiều con khỉ hỏi con khỉ đầu đàn
những câu hỏi này. Tôi tự hỏi con khỉ đầu đàn trả lời chúng ra sao.
4. Con nào không làm đúng như thế sẽ bị đánh đập dã man.
Tôi chợt nảy ra câu hỏi thú vị là: Làm thế nào ông lão tuy không đi
vào rừng để đếm mỗi ngày mỗi con khỉ hái được bao nhiêu trái cây mà
lại biết được con khỉ nào không nộp đủ 10%? Phải chăng, dưới sự chỉ
dẫn của con khỉ đầu đàn, ông đã chỉ định vài con khỉ làm công việc
“kiểm kê” vào lúc cuối ngày khi tất cả những con khỉ đi hái trái
cây trở về? Phải chăng những con khỉ được giao việc kiểm kê không
phải hái trái cây mà chúng còn được hưởng thành quả lao động của
bạn mình ở một nơi đặc biệt mà ông lão đã dành riêng cho chúng?
Phải chăng chúng đã chọn ra 10% trái cây nào ngon nhất và to nhất
từ trong đống trái cây của bạn mình nên nhờ thế ăn ngon hơn những
con khỉ khác rất nhiều. Bởi lẽ đàn khỉ chắc hẳn hái được rất nhiều
trái cây cho nên những con khỉ làm công việc kiểm kê này tha hồ mà
chọn lựa trái cây vì ông lão không ngừng ban cho chúng rất nhiều
trái cây để bọn chúng luôn trung thành với ông.
Biết ông lão không phải lúc nào cũng ở gần bên và chắc tin tưởng
chúng mà giao chìa khóa nhà kho, những con khỉ được hưởng đặc quyền
này có thể ăn xén trái cây trong kho mà ông lão không biết?
Phải chăng ông lão thực sự có thời gian và sức lực để đánh bọn khỉ
bằng roi? Tôi nghĩ ông chọn những con khỉ khỏe nhất để thay ông
đánh những con khỉ khác.
5. Tất cả những con khỉ đều khổ sở vô cùng, nhưng không dám than
van.
Lời khẳng định này thật thú vị và rất gợi mở bởi lẽ chắc hẳn có vài
con khỉ được ban nhiều đặc quyền. Phải chăng nhiều con khỉ khổ sở
nhưng vẫn tin tưởng cuộc sống của chúng dù sao cũng tốt hơn dưới sự
bảo vệ của ông lão? Phải chăng ông hay đe dọa bọn khỉ là những loại
thú ăn thịt chúng rồi sẽ quay trở lại đến mức chúng đành cam phận?
Phải chăng những con khỉ trẻ ra đời dưới sự thống trị của ông không
thể nào liên hệ với quá khứ nên chỉ biết phục tùng theo? Hay những
con khỉ lớn tuổi hơn, sau vài lớp học với ông lão về quá khứ kinh
hoàng của chúng, chỉ truyền đạt lại những chuyện đáng sợ về những
con khỉ bị hổ báo ăn thịt?
Phải chăng chúng cố tình quên những câu chuyện về tự do? Khi chúng
tự do đi lại khắp nơi trong rừng, khi chúng thích đâu ngủ đó? Phải
chăng có thể chúng làm như không biết sự thật là tất cả các luật lệ
đều được tất cả các con khỉ tán thành?
Tại sao, với tất cả những đau khổ này, chúng không dám than van?
Phải chăng vì than van bị cấm hay có thể bị trừng phạt với nhiều
roi vọt hay còn tàn tệ hơn?
6. Ngày nọ, một con khỉ nhỏ hỏi những con khỉ khác: “Có phải ông
lão đã trồng tất cả các cây ăn trái này?” Những con này nói:
“Không, chúng mọc tự nhiên.” Con khỉ nhỏ hỏi thêm: “ Vậy chúng ta
có thể lấy trái cây mà chẳng cần xin phép ông lão?” Những con này
đáp: “ Đúng, chúng ta ai lấy cũng được.”
Những câu hỏi rất trọng tâm! Những câu hỏi này không chỉ đi thẳng
vào điểm then chốt của nỗi khổ đau của chúng mà những câu hỏi này
còn được con khỉ nhỏ hỏi một cách rất thông minh. Con khỉ này chắc
hẳn đã bị những con khỉ khác khỏe hơn làm việc cho ông lão bắt nạt
nhiều nhất nhưng dẫu sao nó vẫn thương những con khỉ đồng loại. Nó
ắt hẳn đã nghe mẹ kể những chuyện về thời tự do ngày xưa nên ao ước
những ngày tự do ấy trở lại.
Khi chúng vào rừng hái trái, tôi đoán nó nhanh chóng tách ra khỏi
đàn. Nó ắt hẳn đã tiếp xúc với những con khỉ chưa bao giờ chịu cảnh
nô lệ. Nhưng thay vì xin tỵ nạn và ở lại với những con khỉ tự do
ấy, nó chọn quay trở về với đàn và chia sẻ những câu chuyện này với
những con khỉ bạn. Nó quyết chí tự học hỏi rất cần cù cách thức
giải phóng đồng loại mình.
Nó càng ngày càng can trường hơn bất chấp bao hăm dọa và răn đe của
con khỉ đầu đàn và những con khỉ khác nịnh hót ông lão. Vào ngày nó
hỏi câu hỏi ấy, nó tự nhiên trở thành thủ lãnh của đàn khỉ.
Lời đáp cho những câu hỏi này ắt hẳn phải là kết quả của nhiều lần
huấn luyện mà nó đã hướng dẫn cho một số con khỉ được tuyển chọn để
dạy chúng rằng chúng có thể tự do và cũng chỉ cho chúng thấy trái
cây thực ra là quyền của tất cả con khỉ.
Tại sao lại phải hỏi? Vì lời giải cho cuộc đấu tranh đầy thử thách
của chúng đã luôn luôn có sẳn ở trong lòng chúng! Hãy lưu ý là
những câu hỏi của con khỉ nhỏ cũng diễn ra theo từng giai đoạn và
ắt hẳn trước đấy những câu hỏi này ban đầu đã được đặt ra cho một
nhóm nhỏ những con khỉ nhỏ. Khi số lượng thành viên nòng cốt tăng
lên với những con khỉ càng biết nhiều hơn và khôn ngoan hơn thì
chính tự do đã luôn luôn có sẳn ở trong lòng chúng bắt đầu thể
hiện!
7. Con khỉ nhỏ hỏi tiếp: “Như vậy, tại sao chúng ta nên lệ thuộc
vào ông lão; tại sao tất cả chúng ta phải phục vụ lão?”
Sau khi cuộc mưu tìm tự do của tất cả con khỉ đã chín muồi, con khỉ
nhỏ nhưng khôn ngoan hỏi câu hỏi sinh tử mà phá tan xiềng xích gông
cùm đang giam hãm chúng!
8. Con khỉ nhỏ chưa nói dứt lời thì tất cả những con khỉ khác bất
ngờ ngộ ra và thức tỉnh.
Thật là ngày tuyệt vời khi tất cả những con khỉ bao gồm con khỉ đầu
đàn, các con khỉ thi hành luật một phần mười và những con khỉ đánh
roi trừng phạt thảy đều trở nên thấu hiểu và nhận thức tất cả chúng
đều đang ở trong nhà tù. Con khỉ đầu đàn và lũ khỉ nịnh nọt chắc
xấu hổ và ân hận biết bao.!
Tuy nhiên chúng mau chóng tha thứ cho nhau và nghĩ ra kế hoạch.
9. Ngay tối hôm ấy…
Tại sao vào chính ngay đêm ấy? Vì không có con khỉ nào, sau khi
khám phá mình có thể tự do, lại muốn ở tù thêm dù chỉ một ngày. Tự
do trở thành nhu cầu khẩn thiết và cấp bách mà chẳng có gì ngăn
chặn được.
10. …canh chừng thấy ông lão đã ngủ say,..
Tại sao giữa đêm khuya vắng lặng? Tại sao không giữa ban ngày để
chúng có thể nhìn rõ ràng hơn cái gì chúng cần phải phá hủy? Và tại
sao chờ ông lão ngủ say? Tại sao, chúng đánh lúc ông lão dể bị tổn
thương nhất?
11. Bọn khỉ phá hủy tất cả các rào chắn của trại đã giam cầm chúng,
rồi phá hủy tan tành cả trại.
Tại sao lại phá hủy tất cả các rào chắn của trại giam nếu chúng
không dự định trở lại? Vì những ai đã thoát được sẽ không muốn
những kẻ khác phải trải qua cảnh nô lệ như mình! Ông lão biết đâu
có thể lại đi bắt bầy khỉ mới về phục vụ ông?
Chúng phá tan tành cả trại. Chúng không để lại dấu vết nào của cuộc
đời nô lệ của chúng trước đây.
11. Chúng cũng lấy tất cả trái cây ông lão cất trong kho…
Tại sao không để lại cho ông một ít trái cây ông có ở trong kho? Vì
trước tiên tất cả trái cây đều thuộc về chúng cho nên chúng phải
lấy lại. Bất công đã gây ra phải được sửa sai.
12. đem vào rừng…
Tại sao không đuổi ông lão đi và ở lại trong nhà ông, qua đấy chế
nhạo ký ức tàn ác của ông? Chính là vì lý do chúng hành động không
phải vì căm thù mà vì công lý. Chúng cũng không muốn chính cách đối
xử tàn ác như thế có chỗ để lại trỗi dậy lần nữa. Chúng ra đi bỏ
lại đằng sau tất cả mọi thứ.
13. và không bao giờ trở lại.
Chúng đã hoàn toàn từ bỏ trong tâm hồn và thể chất cách đối xử độc
đoán mà chúng đã chịu đựng và sẽ không bao giờ trở lại với tình
cảnh ấy.
14. Ông lão cuối cùng chết đói.
Điều thú vị là chúng để cho ông lão sống. Ông đã già rồi, chúng có
thể giết ông lão để thỏa mãn sự trả thù nhưng thay vì thế chúng
quyết định từ chối cho ông chính điều mà giúp ông còn sống. Đó là
sự phục vụ, phục tùng, và trung thành của chúng.
Ông lão chỉ còn lại một số phận duy nhất. Chết đói.
“Trên đời có nhiều kẻ trị dân bằng thủ đoạn chứ không phải bằng đạo
lý chính nghĩa. Thử hỏi họ có khác gì hầu công trong truyện. Họ
không biết mình dại. Vì một khi người dân hiểu ra, thủ đoạn của họ
chẳng còn dùng được nữa.”
Vậy, quyền lực đến từ đâu?
Nguồn:
Dịch từ blog Afrikanpatriot ngày 4/5/2012. Tựa đề của người dịch là
lời của Étienne de La Boétie trong tác phẩm kinh điển đầu tiên về
bất bạo động “Discourse on Voluntary Servitude” được viết ra cách đây gần 500 năm.
Bản tiếng Việt:
__._,_.___
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen