Ba ngày qua, hơn 2 tấn cá nuôi cùng hàng trăm kg cá biển tại Thừa
Thiên - Huế chết dạt bờ, trong khi nguyên nhân cá chết ở bốn tỉnh
miền Trung đang được điều tra.
Sáng 4/5, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng người dân
thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và xã Hải Dương (thị xã Hương
Trà) đã thu gom cá biển, cá nuôi chết hàng loạt để tiêu hủy, ngăn
chặn tình trạng sử dụng, mua bán cá chết. Cá lồng ở Thuận An và Hải
Dương được nuôi ngay cửa biển.
Lực lượng chức năng địa phương phối hợp cùng ngư dân xã Hải Dương
(thị xã Hương Trà) mang cá đi tiêu hủy. Ảnh: A.X.
|
Theo số liệu thống kê tạm thời của UBND tỉnh, tại thôn Hải Tiến
(thị trấn Thuận An), ba ngày qua có hơn 2 tấn cá nuôi lồng và tự
nhiên bị chết. Hộ ông Nguyễn Tân (61 tuổi, thôn Hải Tiến) bị cá
chết hàng loạt ở 25 hồ nuôi, gồm các loại hồng đỏ, chẽm, mú, dìa...
"Khi thủy triều dâng, nước biển tràn vào gần trưa 3/5 thì gia đình
phát hiện cá chết hàng loạt", ông nói.
Ông Tân cho biết, không riêng gia đình mình, nhiều hộ nuôi cá lồng
xung quanh cũng xảy ra tình trạng tương tự. "Cứ mỗi lồng là 2 tạ
cá. Như cá vẩu ngoài thị trường bán 240.000 đồng/kg, cá hồng
140.000 đồng/kg. Ba cha con tôi mất hết 25 lồng, thiệt hại hàng
trăm triệu", ông thở dài.
Bà Đoàn Thị Ưu (thôn Hải Tiến) cho biết thêm, chiều 4/5 ngư dân địa
phương ra biển vẫn phát hiện nhiều loài cá như doái, ngạnh biển,
thiều chết dạt bờ biển thị trấn Thuận An. Nếu những năm trước đây
là mùa đánh cá trích thì bây giờ ra biển không có loài cá này để
đánh. "Lần đầu tiên, chúng tôi thấy cá chết nhiều như vậy. Nhiều hộ
nuôi giờ xem như trắng tay", bà Ưu ngậm ngùi.
Ngay khi xảy ra tình trạng cá chết, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên –
Huế, ông Phan Ngọc Thọ đã xuống hiện trường kiểm tra và trực
tiếp chỉ đạo việc thu mua cá chết, mang tiêu hủy cho người dân.
Ảnh: A.X.
|
Cùng chung nạn cá chết, những người dân nuôi cá lồng ở phía Bắc cửa
biển Thuận An thuộc xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) cũng đang đứng
ngồi không yên. Ông Lê Xuân Hướng, phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương,
cho biết tình trạng cá chết tập trung ở hai thôn Thai Dương Thượng
Tây và Thai Dương Thượng Nam. Đến ngày 4/5, có khoảng một tấn cá
của gần 60 lồng nuôi chết với các loại mú, chẽm, hồng mỹ, hồng đỏ,
vẩu.
Vợ chồng anh Nguyễn Châm và chị Võ Thị Hồng Nguyệt (thôn Thai Dương
Hạ Nam, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) có 8 lồng cá, nuôi chủ yếu
là các loại mang giá trị thương phẩm cao như hồng mỹ, hồng đỏ,
chẽm, vẩu, nâu… với 4.500 con. Nhưng đến nay, anh chị chỉ còn lại chưa đến 1.000 con.
"Buổi sáng khi thủy triều vừa rút, hai vợ chồng ra xem thì thấy cá
lờ đờ, có hiện tượng phơi bụng. Đến đầu giờ chiều thì chết sạch",
chị Nguyệt kể.
Nhiều ngư dân trắng tay chỉ sau một đêm. Ảnh: A.X.
|
Ông Trần Duy Tuyến, Bí thư Thị ủy Hương Trà cho biết tình trạng cá
nuôi chết ở xã Hải Dương chỉ xảy ra rải rác trước đây nhưng thời
điểm này thì chết hàng loạt. Hiện tượng xuất hiện sau khi thủy
triều lên và chưa rõ nguyên nhân cá chết.
Theo ông Tuyến, ngoài việc khuyến cáo người dân không sử dụng số cá
chết, chính quyền đã huy động lực lượng thu mua lại với giá 10.000
đồng/kg rồi mang tiêu hủy, tránh tình trạng người dân buôn bán. Bên
cạnh đó, xã cử người túc trực 24/24 giờ tại cửa biển, khu nuôi cá
để thu gom, tạm thời không cho người dân ra đánh bắt cá ven bờ,
trên khu vực phá Tam Giang.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trưa 3/5 đã chỉ đạo đập ngăn mặn Thảo
Long trên sông Hương xả nước liên tục nhằm ngăn nước biển xâm nhập
vào.
Trước đó ngày 15/4, Thừa Thiên - Huế ghi nhận hiện tượng cá chết
tại xã Lộc Vĩnh và Thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc. Sau đó, cá
biển tiếp tục dạt bờ các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng
Điền). Theo thống kê bước đầu, khoảng 55 tấn cá nuôi của người dân
chết, ước tính thiệt hại 11 tỷ đồng. Riêng cá biển chết dạt bờ tỉnh
này chưa thống kê được.
Đắc Đức
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen