Mittwoch, 14. Januar 2015

NHẬP… SÂU VÀ BÁN MUA TẬN DIỆT VỚI THƯƠNG LÁI TRUNG QUỐC!

Giáo Sư Hà Văn Thịnh - Đại Học Huế
Báo chí cho biết mỗi ngày, hải quan, biên phòng cửa khẩu bắt giữ hàng tạ… sâu nhập lậu. Toàn bộ sâu bày bán trên các kệ hàng để nuổi chim, cá cảnh từ Hà Nội đến TP. HCM đều nhập từ trung Quốc (VNN, 09:24 GMT+7, 9.1.2015).
Chưa hết: Các thương nhân TQ lùng mua hạt na, hoa Thanh Long một ngày trước khi nở, gốc và rễ hồ tiêu, cá sấu con, gỗ trắc non, lá trầu không, cà gai leo, banh lông, ốc bươu vàng, đỉa… theo cách đưa giá lên trời, khi các mặt hàng thu gom nhiều thì… bỏ chạy, khiến cho bao nhiêu người điêu đứng (VNN, 08:01 GMT+7, 8.1.2015)!
Lùng tìm trên báo chí thế giới, không hề thấy bất kỳ một kiểu kinh doanh nào như thế; thậm chí gần giống thế. Cũng không có bất kỳ nước nào mà giới kinh doanh lại nhẹ dạ, cả tin, thích ăn xổi, rồi sống chết mặc bay như thế.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Chẳng lẽ các loại ‘sâu’ ở ta nhiều như thế vẫn còn phải nhập đều đều sao? Các nguy hại từ sâu không được kiểm định về lâu dài sẽ phát tán ra sao? Mua hoa hay gốc rễ, cây non…, nếu không nhằm mục đích tận diệt thì là cái gì? Đã đến lúc cần phải có những quy định nghiêm khắc để kiểm soát việc nuôi cá chậu, chim lồng hay chưa?
Tất nhiên, không thể đổ lên đầu những người dân đang thiếu ăn, thiếu mặc rằng họ hám lợi trước mắt mà quên nghĩ chuyện đường dài. Đói thì đầu gối phải bò. Vấn đề ở đây là các cơ quan có trách nhiệm phải thống nhất trên cả nước một quy định rõ ràng về việc bán mua bất hợp pháp với những chế tài nghiêm khắc nhất, chẳng hạn, trục xuất và phạt thật nặng mọi cá nhân có hành vi buôn bán trái phép về tội phá hoại kinh tế quốc dân. Các chính quyền địa phương cũng không thể trả lời là không biết những việc làm sai trái mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự ‘tiếp tay’ cho sự phá hoại, dù vô tình hay cố ý.
Những chuyện đau lòng và vô lý trên đây, nếu suy rộng ra thì hệ lụy có nhiều lắm. Các loại sản vật mà thương lái TQ thu mua theo kiểu tận diệt trên, hầu hết là ‘đặc sản’ hoặc là thế mạnh của nước ta. Chẳng hạn, trái na Chi Lăng nổi tiếng thơm ngon sẽ đến ngày bị na từ TQ (hạt giống Chi Lăng) cạnh tranh đến… mất hết giống. Thử hình dung hàng vạn quả na bị hủy để lấy hạt, bán hết cho TQ sẽ lãng phí ra sao?
Về mặt xã hội, nếu người dân cứ vặt hết lá trầu, đào hết gốc tiêu thì vài ba tháng nữa, lấy gì để sống, rồi bất ổn xã hội sẽ đến, kéo theo nó là vô vàn các tệ nạn.
Về mặt văn hóa, có thể nói nuôi chim trong lồng là sự phản văn hóa, phá hoại môi trường trầm trọng. Cái gọi là thú chơi cổ xưa ấy (“truyền thống”?), chẳng nên khuyến khích một chút nào mà rất cần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ sau này về cái sai trái của trò chơi đua đòi phi lý. Chỉ còn vài nước như TQ, Việt Nam là vẫn đeo đẳng cái thú cầm tù chim chóc để mua vui! Nếu như làm một cuộc điều tra trên diện rộng, sẽ thấy ở các thành phố, thị xã, độ tuổi người nuôi chim nhiều nhất hiện nay là… thanh niên(!) Rõ ràng, sự lười biếng và nhàn rỗi bất hợp đang trở thành một vấn nạn đáng báo động.
Nhập sâu để vui chơi, có lẽ đang là thành ngữ cay đắng của cái thời tận diệt nguồn sinh tồn, thậm chí đua nhau nuôi đỉa cho ngập đầy ruộng đồng để bán kiếm sống mấy ngày. Có lẽ nào sống chung với sâu, ‘phổ biến’ sâu khắp hang cùng ngõ hẻm lại là văn hóa, là điểm nhấn ‘đặc thù’ của một nền kinh tế, ‘chỉ dấu’ đáng phát triển của một xã hội? 
Còn một câu hỏi nhức buốt: Tại sao không thấy nước nào có chuyện thương lái TQ đến lừa lọc mà quanh đi quẩn lại chỉ thấy người ta mãi hoài chọc trời khuấy nước trên đất Việt Nam mình?
Hà Văn Thịnh

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen