Liêu Thái/Người Việt
QUẢNG BÌNH (NV) - Mười hai giờ trưa, lúc này lẽ ra là giờ nghỉ của mọi người. Nhưng
không, khi chúng tôi bước vào xã Hải Ninh, mọi ánh nhìn đều hướng
về phía chúng tôi, và khi đưa máy lên chụp ảnh thì người dân bao
vây, yêu cầu trình thẻ nhà báo và nói rõ lý do chụp ảnh... Dường
như người dân nơi đây cảnh giác đến mức cao nhất với bất kỳ chuyển
động nào chung quanh họ.
Người dân Hải Ninh sống phụ thuộc vào biển. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Sau khi nói chuyện, giải thích và làm quen với nhau, chúng tôi được
một nhóm người mời vào nhà ngồi uống nước. Họ là những người bị mất
đất trong dự án xây sân gofl của FLC. Một số người đã mua đất trong
khu vực này theo diện đấu giá và có sổ đỏ (sổ nghiệp chủ đất) hẳn
hoi nhưng khi chính quyền bán đất cho FLC (mà trên danh nghĩa là
cho thuê dưới 50 năm) thì những đất của FLC chồng lên đất của bà
con. Nhà nước yêu cầu bà con phải di dời và nhận đền bù. Nhưng mức
đền bù không thỏa đáng cũng như còn quá nhiều khuất tất trong
chuyện bán đất nên bà con biểu tình.
Ông Hảo, một người dân ở Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình cho chúng
tôi biết: “Ðất mà FLC đang khai thác là rừng phòng hộ của Hải Ninh.
Hơn nữa đây là khu vực bà con trước đây trồng phi lao và bạch đàn,
mọi chuyện đền bù chưa thỏa đáng và có nhiều điều cần phải giải
thích.”
“Bởi vì nhà nước chỉ là người quản lý, đất là của toàn dân, chính
vì vậy khi bán đất cho ai thì phải hỏi ý kiến của người dân. Ðằng
này mấy ổng mời qua loa vài người đi họp rồi bảo rằng đã họp dân và
âm thầm bán. Bây giờ đụng tùm lum...”
“Riêng chủ tịch xã Hải Ninh, Phạm Văn Liệu, đã úm của nhân dân gần
hai chục hecta đất và nhận tiền đền bù gần hai chục tỉ đồng rồi dọt
mất, giờ trốn rồi. Chuyện nhà nước cách chức ông ta thì chỉ là trò
đùa. Bởi không cách chức thì ông ta cũng đã bỏ đi trước đó. Vấn đề
bà con cần là phải truy nã ông ta về đây để chịu tội chứ cách chức
mà làm gì!”
Khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình cá chết, người đàn ông này tức
giận, nói như quát: “Chúng tôi bị vây tứ bề. Biển thì không còn để
đánh bắt, dân đi đánh bắt xa bờ như tôi không chịu nổi cảnh rượt
tàu của Trung Quốc, có người phải mua giấy thông hành mỗi năm cả
ngàn đô la (giấy này do hải giám Trung Quốc bán cho ngư dân Việt
Nam khi đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa), lùi vào bờ thì không
còn cá để đánh. Giờ trên bờ cũng bị lấy đất. Hỏi chúng tôi sống làm
sao đây?”
“Mấy lúc trước còn bán được con cá mà đi chợ. Gần một tháng nay có
cái gì để sống đâu. Quán xá thì im lìm đóng cửa, nông nghiệp thì
mất mùa vì sương muối và hạn hán, nước nhiễm mặn, còn ngư nghiệp
thì cá chết. Bây giờ còn miếng đất trồng phi lao và bạch đàn người
ta cũng lấy mất. Như vậy chúng tôi không biểu tình thì phải làm
gì?”
Ngày thất nghiệp của những người bán cá. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Nghe chúng tôi đặt câu hỏi liệu biểu tình có mang lại hy vọng gì
cho tương lai, có đòi được những quyền lợi chính đáng của bà con
không thì ông lắc đầu chua chát: “Khó đấy, nghe có vẻ như còn lâu
người ta mới buông tay. Nhưng càng như vậy chúng tôi càng quyết
tâm!”
“Vì đã đến lúc người dân cần phải suy nghĩ thật kỹ về vận mệnh của
mình cũng như của dân tộc mình rồi. Với cái đà trong tùng ngoài xẻo
kiểu này thì nhân dân sẽ chết phơi mình giống như những con cá biển
kia mà thôi. Mà không biết rồi đây chúng tôi còn cầm hơi để mà cầm
cự được bao lâu, vì kinh tế của dân Hải Ninh đã bắt đầu khủng
hoảng... Chúng tôi luôn chờ đợi sự hưởng ứng và ủng hộ của người
đồng bào khắp mọi miền...”
*Công an trực 24/24
Tạm biệt người đàn ông trong làng Hải Ninh, chúng tôi ra khu vực
đất mà công ty FLC đang khai thác, xây dựng khu phức hợp du lịch,
nghỉ mát và vui chơi của họ. Phải nói rằng khu đất này quá rộng, cả
ngàn hecta. Giữa một bãi biển bạt ngàn phi lao, bạc hà và bạch đàn,
thỉnh thoảng có vài cây cờ vàng cắm trên một ụ đất. Hỏi thăm người
dân cùng đi thì chúng tôi biết được đó là mốc cắm vị trí đất đã có
sổ đỏ của dân làng. Xe xúc xe ủi đã nhiều lần hất văng dấu mốc
nhưng hất xong thì bà con lại cắm.
Ðến khu vực đang xây dựng, chúng tôi chỉ biết đứng xa mà chụp hình
chứ không thể vào bên trong được bởi chốt công an, dân phòng chắn
ngan đường. Nôm na là “nội bất xuất, ngoại bất nhập, không cần biết
lý do.” Chúng tôi lòng vòng đi chụp hình một lúc thì có một công an
chạy xe gắn máy thật nhanh đến chỗ chúng tôi. Lúc này anh tài xế
taxi đã nhấn ga chạy thẳng vào khu xóm của những người dân mà chúng
tôi gặp lúc đầu.
Gặp lại người đàn ông lúc nãy chúng tôi thấy yên tâm hơn. Ông nói
rằng ở đây công an và dân phòng chốt trực 24/24, họ mang lương khô
ăn tại chỗ, thỉnh thoảng có người mang cơm hộp ra cho họ để giữ an
ninh cho FLC vì sợ bà con sẽ đến biểu tình và lật đổ xe xúc, xe ủi
của FLC. Và những ai không may vào khu vực này chụp hình thì có thể
bị tịch thu máy ảnh không cần lý do, thậm chí bị bắt về đồn để hỏi
một số việc nếu thấy cần thiết.
Người đàn ông nói chuyện lúc ban đầu kêu gọi một số người dân trong
xóm ra, họ cùng đi xe gắn máy tiễn chúng tôi ra đường cái lớn. Ra
đến đây ông không quên dặn chúng tôi cố gắng chạy nhanh về nhà.
Ðương nhiên là đến đây thì chúng tôi đổi xe taxi khác để đi. Còn
anh tài xế thì tìm một quán nước ven đường để nghỉ ngơi bởi anh đã
quá mệt mỏi sau một buổi sáng dài dậm dặt lái xe đưa chúng tôi đi.
Chốt dân phòng và công an tại xã Hải Ninh nhằm ngăn cản dân vào biểu tình trong ủy ban xã. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Ði được một đoạn, chúng tôi xuống xe và lại bắt xe khách đi Hà
Tĩnh, vì lúc này đường sá tương đối thông thoáng. Ðến Hà Tĩnh, một
hoang cảnh khác lại hiện ra trước mắt. Xác cá chết không còn thấy
trên biển vì ở đây, mỗi ngày có đến ba nhóm luân phiên nhau đi thu
dọn xác cá. Một nhóm thuộc hội phụ nữ xã của các xã, một nhóm thuộc
đoàn thanh niên xã và một nhóm thiện nguyện viên tự phát bởi các
sinh viên.
Gặp một người phụ nữ đang đi nhặt xác cá, chúng tôi không hỏi thăm
về chuyện cá chết nữa mà hỏi thăm về vấn đề lương thực. Bà giới
thiệu mình tên Nhị, từng là thanh niên xung phong thời chiến tranh,
bà cho biết: “Hầu hết lực lượng thu dọn cá chết đều là những người
trước đây là thanh niên xung phong. Vì đa phần các chị khi hết tuổi
thanh niên xung phong thì đã già, không có chồng con nên cũng
rảnh...”
“Ðời sống thì chắc chắn là đói tới nơi rồi. Cá chết bất ngờ quá nên
mình đâu có tính đến chuyện dự trữ. Bây giờ chủ yếu là dự trữ nước
mắm và muối. Chứ với đà này mai mốt mắm muối gì cũng độc hại tất.
Khó mà lường được. Hầu hết nhân dân đều mong mỏi cái Formosa kia
phải đóng cửa bởi từ lúc nó mọc lên ở đây đến nay có quá nhiều tai
ương cho người Việt Nam.”
“Tai ương đầu tiên là nạn xì ke ma túy, chích choác, cho vay nặng
lãi, cờ bạc tràn lan, thanh niên ăn chơi trụy lạc. Sau đó là ô
nhiễm môi trường và quĩ đất của người dân ngày càng hẹp lại. Thử
nghĩ một khi con người hư hỏng, đất đai không có để canh tác và rơi
vào tay Trung Quốc hết thì rõ ràng là dân mình đang ở trọ trên đất
nước, chính người Trung Quốc mới là ông chủ thật sự. Bởi họ được
nhà nước bênh vực và được ưu tiên khai thác đất của dân.”
“Nói cho cùng là dân Hà Tĩnh bây giờ quá khốn khổ bởi đã mất mọi
thứ, nạn đói đang đe dọa, công an, cơ động thì trực 24/24 để nhòm
ngó nhân dân có phản ứng gì không. Thử hỏi như vậy thì chúng tôi
sống làm sao bây giờ?”
Câu hỏi “làm sao bây giờ?” của người phụ nữ Hà Tĩnh trên bãi biển
Kỳ Anh làm cho chúng tôi đau nhói cả ngực và lại tiếp tục đi, mà
thực sự đôi khi chúng tôi cũng tự hỏi rồi đây, cả chúng tôi cũng sẽ
sống ra sao đây?”
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen