Trong khoa học có phép ngoại suy (extrapolation) tức từ những sự
kiện đã biết để đoán về những gì chúng ta chưa biết. Trong toán học
thì phép này cho kết quả chính xác cao, thí dụ như ta biết khoảng
cách từ trạm phát sóng điện thoại di động A đến B, các trạm này nằm
trên đường thẳng A-B và cách đều nhau, ta biết khoảng cách A-B, với
ngoại suy ta sẽ biết trạm C ở đâu và cách A bao xa. Hay nếu các dữ
kiện đã biết đi theo một khuôn mẫu/pattern bất biến như 2,4,6,8, ?
thì không khó để đoán ra số tiếp theo là 10. Nhưng trong xã hội học
thì kết quả thường có tính xác suất (statistics) và độ khả dĩ, như
cho một nam một nữ sống chung trong một mái nhà thì mối quan hệ là
nhiều thứ (vợ chồng, tình nhân, đôi bạn, đồng chí, kẻ thù...) và
xác suất là vợ chồng thì phần trăm có thể cao hơn.
GS Carl Thayer cho rằng Đảng CSVN hiện nay chỉ còn vướn cái vỏ chế
độ cho nên kết quả cũng chưa biết mèo nào cắn miễu nào, chỉ có điều
là nó không trong sáng như trong các nước dân chủ "Theo tôi trong
nội bộ đảng cũng có đủ sự đa đảng để tôi có thể nói là có thể sẽ có
sự ngạc nhiên vào cuối đại hội" (RFA 14/1 bit.ly/1SsesO5).
Nhà quan sát Bùi Quang Vơm thì cho rằng ông Trương Tấn Sang sẽ là
sự ngạc nhiên mà ông Thayer nói đến "Trong không khí đã thống nhất
phương án không có ông Dũng, thì phương án tốt nhất để loại trừ ông
Trọng lại là ông Sang. Bởi vì trong ông Sang, nhìn kỹ một chút sẽ
thấy có cả ông Dũng lẫn ông Trọng", ông Vơm nhận xét ông Sang
"trung thành với đảng, không quá cứng với Tàu nhưng lại ủng hộ thân
Mỹ", và theo ông "quan trọng nhất là ông Sang sẽ là người duy nhất
chặn nhát kiếm từ tay ông Quang chém xuống người ông Dũng." (Basam
15/1 bit.ly/1P0u7lm).
Nhà dân chủ BS Phạm Hồng Sơn nhận xét là "hầu như không có một cơ
chế nào để Đảng CSVN biết tự tiết chế, kìm hãm những hành vi đục
khoét, sách nhiễu, trấn áp hoặc kiểm soát quá đà nhân dân" cho nên
nếu chế độ này được duy trì thì chính quyền "chuyên chĩa mũi súng
'chống khủng bố' vào nhân dân; và luôn gọi đổng nhân dân tiến bộ là
'thù địch'?"
Về những người ngoài Đảng đang bị lôi kéo vào, BS Sơn nhận xét "Có
lẽ trong sự quẫn bách âu lo cho vận mệnh dân tộc, nhiều người vẫn
đang cố kiên trì đánh tiếng cổ xúy, vận động cho ông này, ông
kia... Ngoại trừ các cổ xúy có ngòi bút đã bị xoắn theo chiều bổng
lộc, đã để ngọn lửa ân oán riêng tư bốc quá cao hoặc là một hỗn hợp
của cả hai..." (Basam 18/1 bit.ly/1S0v6mv).
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Raymond Burghardt, cho rằng "Đảng
CSVN đang trong tình trạng hết sức bối rối, không biết nên chọn vị
trí nào trong cái tam giác Mỹ-TQ-VN" (VOA 18/1 bit.ly/1Kn8VAF). Theo ông, “Ông Dũng dường như hiểu rõ tầm quan trọng của các
quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ. Cho nên đối với Hoa Kỳ, thì nếu
ông được chọn thì đó là kết quả thoải mái hơn đối với nước Mỹ”.
Mặc dù biết Ban Tuyên Giáo là một cơ chế nói láo có tổ chức của
Đảng, có thể cho người chết biết nói "Tau khoẻ, có chi mô", kiểm
soát tất cả khoảng 800 cơ quan truyền thông báo chí "lề phải", và
"lề trái" tuy không có tiếng nói chính thức, nhưng có thông tin đa
chiều mà qua đó sự thật dễ được nhận diện hơn, nhưng ta thử dựa vào
các tuyên bố chính thức của Đảng về Đại Hội 12.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban
Tuyên giáo nói rằng "Các phương án được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ;
vừa thể hiện tính kế thừa, vừa đảm bảo trẻ hóa" (tuoitre 18/1 bit.ly/1JbHaQs). Ở đây ta nên lưu ý hai điểm lớn (1) tính kế thừa và (2) trẻ hoá.
Nó là nền tảng cho ông Trọng ở lại và 3 nhân vật Quang, Phúc, Ngân
vào tứ trụ.
Ông Hoàng cho biết HNTU14 chỉ chọn một phương án thôi
(Trọng-Quang-Phúc-Ngân) qua đó chỉ một người quá tuổi là ông Trọng
ở lại "Bộ Chính trị họp thảo luận và thống nhất đề nghị với TƯ chọn
phương án chỉ ở lại 1 trường hợp để bảo đảm tính kế thừa, ổn định
và tạo điều kiện trẻ hóa cán bộ, nên không chọn phương án ở lại
2-3". Ông cho biết "Tập thể Bộ Chính trị họp, thảo luận và thống
nhất rất cao, giới thiệu 1 đồng chí ở lại tham gia khóa 12, còn 9
đồng chí ủy viên Bộ Chính trị còn lại đều xin rút để tạo điều kiện
trẻ hóa đội ngũ cán bộ."
Ông Hoàng bênh vực giải pháp ông Trọng là TBT, cho rằng "các kỳ ĐH
Đảng từ trước đến nay thỉnh thoảng cũng có một ít thay đổi nhưng
không nhiều về nhân sự so với đề xuất của TƯ", ông "tin rằng ĐH sẽ
chấp nhận căn bản phương án đề xuất của TƯ, vì TƯ sát tình hình
nhân sự hơn." Tuy nhiên, ông xác nhận rằng "quy chế bầu cử do TƯ
ban hành không hạn chế quyền ứng cử, đề cử tại Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XII" và danh sách đưa vào đại hội chỉ là dự kiến "Với
trách nhiệm của một cấp ủy tiền nhiệm thì giới thiệu một phương án
để cấp ủy mới nghiên cứu thôi" (thanhnien 18/1 bit.ly/1V0Kj6f).
Điều rõ ràng là những người trong cơ chế Đảng đang ra sức đánh ông
Dũng, và chiến lược của họ là ai làm TBT cũng được, ngoại trừ ông
Dũng. Chiến lược này làm cho ông Dũng cô thế, vì những người từng
theo ông Dũng đều long lanh ánh mắt với cơ hội cho riêng mình trong
5 năm tới.
Ông TS Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đã kích ông Dũng
bằng những câu nặng nề như "nguy cơ lớn nhất vẫn là chủ nghĩa cá
nhân, bè phái, phường hội trong Đảng. Một ông làm quan mà lôi tới
30 người họ mạc vào bộ máy cầm quyền thì còn gì là tổ chức nữa",
hay "nhân danh nguyên tắc tập trung dân chủ để đối phó với cấp
trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức nơi họ phụ trách
thành “bầu trời riêng”, với “tôn ti riêng”, biến nơi họ phụ trách
thành một đảng phong kiến, cha truyền con nối, họ mạc."
Để thu hút thêm hậu thuẩn trong chiến dịch loại trừ ông Dũng, ông
Nhị Lê hứa hẹn (CS hứa!) phe ông Trọng sẽ cho phổ thông đầu phiếu
"chúng ta cũng đang từng bước hoàn thiện chế (độ) và các thiết chế
để hướng tới như vậy", và ông không cho biết khi nào "Đó là một vấn
đề cần tiếp tục nghiên cứu" và có lẽ là thiên thu nghiên cứu
(baomoi 18/1 bit.ly/1V0M5o2).
Theo ông Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng CSVN Lê Quang Vĩnh thì
Ban Chấp hành Trung ương khóa mới được lựa chọn sẽ có Phiên họp thứ
nhất vào chiều 27/1. Tại đây, Ban Chấp hành sẽ bầu vị trí Tổng
bí thư (BBC 18/1 www.bbc.in/1SZ8TWE).
Có thể nói là cuộc tranh chấp giữa ông Trọng và ông Dũng là cuộc
tranh chấp đa sắc thái với các đặc tính như Đảng vs Chính Phủ, bảo
thủ vs cải cách, trâu cột vs trâu ăn, nghiêng TQ vs nghiêng HK,
kiên trì Mác-Lê vs chuyển đổi mô hình chính trị, ngoại giao quốc
phòng nhịn nhục vs ngoại giao quốc phòng kiện tụng, trả thù vs
khinh khi, lãnh đạo tập thể vs lãnh đạo cá nhân... Nó đưa tới tình
trạng "3 đánh 1 không chột cũng què" trong tứ trụ.
Trong cuộc chiến này, yếu tố ngoại bang không thấy hay chưa thấy
bên phía HK, có lẽ do TT Obama đã cam kết với ông Trọng hồi tháng
7/2015 khi ông Trọng viếng HK rằng HK tôn trọng và không can thiệp
vào nội bộ VN để thay đổi chế độ. Trong khi đó nó khá lộ liễu bên
phía Trung Quốc như ngay sau khi vừa xong HNTU13
(từ 14-21/12/2015) thì ông Nguyễn Sinh Hùng của phe Trọng đi
TQ gặp Tập Cận Bình, viếng thắp hương đền Thờ Mao Trạch Đông, cùng
những cam kết thắt chặt thêm tình "hữu nghị đại cục", hay TQ được
quyền đem quân chống "khủng bố" ở VN.
Cơ chế CS đã đưa tới tình trạng "Gậy ông (CS) đập lưng ông (CS)"
qua chủ nghĩa lý lịch và cơ chế đảng trị. Chủ nghĩa lý lịch nó đang
nhát ma những người CS mà trường hợp cô Nguyễn Thanh Phượng con gái
rượu của ông Dũng đã thể hiện. Cơ chế đảng trị nó tròng kim cô lên
đầu thủ tướng, thủ tướng phải làm theo lệnh của Bộ Chính Trị qua
ông TBT, thất bại thì thủ tướng phải chịu trách nhiệm và thành công
thì Đảng hưởng. Cơ chế này nó đưa tới tình trạng "cha chung không
ai khóc" các đảng viên cứ tha hồ đụt khoét các công ty quốc doanh
(Vinashin, Vinalines...) và trách nhiệm chung tức không cá nhân nào
chịu trách nhiệm, hay chịu theo kiểu "rút kinh nghiệm" mà ông
Nguyễn Bá Thanh nói sợi dây kinh nghiệm nó dài rút hoài rút không
hết.
Để bảo đảm hạ được Dũng, ông Trọng ngoài việc có lợi thế cơ chế như
nắm Tổng bí thư, nắm Ban tổ chức TƯ (qua Tô Huy Rứa phe ông), nắm
Tiểu ban nhân sự, nắm Chỉ thị 244 (người cũ không được quyền ứng cử
hay ai đó đề cử), ông còn hứa hẹn với Hoa Kỳ để HK an tâm là VN sẽ
thực thi Hiệp ước TPP bằng cách đem ra bàn và thông qua trong
HNTU14, rằng VN sẽ thông qua TPP vào tháng 2/2016, có nghĩa là
quyền lợi HK không mất, ai là TBT thì TPP vẫn được thực thi.
Phe ông Trọng dùng 2 mồi nhữ để thu phục những thành phần muốn bảo
vệ đảng và những thành phần đam mê quyền lực. Nguyên tắc "kế thừa"
để thành phần muốn bảo vệ đảng an tâm ủng hộ ông, nguyên tắc "trẻ
hoá" để thành phần đam mê quyền lực còn trong độ tuổi bỏ rơi ông
Dũng.
Ông Sang, một nhà đại cơ hội, bỏ rơi ông Dũng với hy vọng chính ông
là giải pháp như ông Vơm nhận xét. Ông Phúc vì muốn trở thành thủ
tướng đã bỏ ông Dũng từ khoảng 2 năm nay cho nên Chân Dung Quyền
Lực và blog Phúc Phản Phúc mới ra đời. Ông Nhân, sợ ngồi chung
xuồng chết chìm với ông Dũng nên không mạnh mẽ bênh vực ông Dũng
trong TU14, bà Kim Ngân tiến thân bằng nhan sắc nên cũng không ra
mặt bênh vực ông Dũng trong TU14.
Hình như trong lúc nguy nàn ông chỉ còn có Tô Lâm và Võ Văn Thưởng.
Theo ông Thayer, ông Tô Lâm có nhiều khả năng sẽ là bộ trưởng Bộ
Công An. Ông Thưởng có nhiều khả năng sẽ là Bí thư Saigon. Trong
khi đó, ông Quang đóng vai con bài ace chủ, không bên nào dám phế.
Ông Quang đã cùng ông Dũng để hạ ông Phùng Quang Thanh, nay đến
lượt ông Quang hạ ông Dũng để nắm CTN và sẽ kim luôn TBT sau một
năm ông Trọng giúp chuẩn bị, rồi ông Trọng rút lui. VN sẽ theo chế
độ CS Công An trị, quyền lực to lớn nằm vào tay ông Quang, tệ hơn
TQ vì ông Tập không phải là công an.
HK và TQ đang vừa cộng tác kinh tế vừa đấu tranh giành ảnh hưởng
trong vùng, cho nên cả hai bên dường như không muốn người của một
phe nào thắng thế, vì vậy Quang đáp ứng tiêu chuẩn cho tình thế ba
rọi này, vì Quang được TQ đào tạo và đi HK để làm việc rất lâu với
nhiều cơ quan hôm tháng 3/2015.
Theo nghiên cứu của Bloomberg, miền Bắc theo CS nhiều hơn miền Nam,
với khoảng 6% dân vs 2%, cho nên tỷ lệ đại diện trong ĐH12 với
1,510 đại biểu là khoảng 60/40 (xem bản đồ), cho nên nếu bỏ phiếu
do trung thành cá nhân thì phe ông Trọng áp đảo, ông Dũng chỉ còn
hy vọng là các đại biểu bỏ phiếu cho đường lối, chính sách và hệ
thống giá trị để có cơ may.
Theo ông Thayer, nếu ông Dũng ở trong một bối cảnh mở và minh bạch
thì sẽ có nhiều khả năng trở thành tổng bí thư mới, nhưng VN không
mở như vậy. Theo ông, sự gia hạn thời gian tại chức cho ông Trọng
là một bước đi sai lầm cho VN vì VN cần phải hội nhập với quốc tế.
Trong trường hợp như vậy thì sẽ là một sự tiếp tục của bế tắc, nếu
Trọng được ở lại thêm 1 năm, thì đó sẽ là một năm mất đi, một sự
đình trệ.
Theo ông Thayer, Bộ Chính trị đa phần không ủng hộ ông Dũng. Trong
HNTU14 ông Dũng vừa cô đơn vì bị đồng chí bỏ rơi, vừa bị nhục nhã
trước các đòn thù của ông Trọng. Cánh cửa trở thành TBT của ông
Dũng càng ngày càng hẹp dần và đang đóng lại. Tình thế của Đảng
CSVN với một khối đảng viên khổng lồ khoảng 4.5 triệu đang chín mùi
để chuyển đổi ôn hoà ra thành đa đảng, thay thì bị nịt trong chiếc
áo Mác-Lê không co dãn được trong khi khối đảng viên đang mập lên
mà trí óc Đảng thì rối loạn. Đảng cần giải quyết tình trạng đa tiểu
đảng để tự giải phóng hay tự sụp đổ.
Hôm 19/1 BCT họp kín trước 1 ngày trù bị (20/1) để dẹp
loạn, ngăn ngừa chống đối, giữ cho một mình ông Trọng ra và 3 ông
Dũng, Sang, Hùng xếp giáp về vườn. Chức TBT không thay đổi (Trọng,
sau 1 năm là Quang) còn các chức CTN, TT, CTQH thì có thể hoán
chuyển nếu ĐH trở nên căng thẳng. ĐH sẽ chọn 185 uỷ viên chính thức
(tuy thông báo 180) và 20 uỷ viên dự khuyết. Tình hình căng thẳng
dù là ở bên ngoài ĐH, như việc tưởng niệm 19/1 các chiến
sĩ hy sinh vì tổ quốc để bảo vệ Hoàng Sa, nó sẽ không dễ dàng và có
thể bị giải tán.
Ông Dũng buông tay đầu hàng, được biết vì 3 lý do chính:
(1) cái bẫy mà ông Trọng gài quá chặc chẽ và đa dạng, chuẩn bị chu
đáo từ sau HNTU6, dùng cơ chế, điều lệ đảng, đội hình, số đông,
Nghị quyết 4, Chỉ thị 244, dư luận, quyền lợi, tâm lý lo sợ..., (2)
các đồng chí của ông đã phản bội lại ông trong lúc ông cần họ nhất,
lúc nguy nàn tường tận kẻ vong ân. Ông cay đắng với tình đồng chí,
ông đau đớn khi bị ông Trọng và phe cánh hạ nhục, (3) ông cần
bảo toàn tính mạng nếu không muốn là một Nguyễn Bá Thanh thứ hai.
Khi quyền lực của ông ở trong công an và quân đội không còn nữa thì
ông đã trở thành cá nằm trên thớt, bất cứ lúc nào, nếu ông manh
động, thì đều có thể "theo chân về với ông bà, nắp sau nải chuối
ngắm gà khoả thân".
Ông Trọng nói nếu Biển Đông có gì thì làm sao yên ổn để ngồi đây
bàn chuyện đại hội, có nghĩa là chấp nhận hy sinh chủ quyền cho sự
trường trị của Đảng. Trong khi vấn đề của VN nó bao gồm nhiều sự
việc vừa khẩn cấp vừa vĩ mô vượt trên tầm hệ thống đương hữu: nó là
vấn đề địa chính trị; nó là vấn đề chế độ chính trị cần thay đổi để
tạo nội lực; nó là vấn đề TQ chỉ có hướng tiến nam, cả bộ lẫn thuỷ,
nhưng TQ độc tài nên VN phải yếu và lệ thuộc; nó là vấn đề VN nên
dám đi trước TQ trong việc dân chủ hoá đất nước; nó là vấn đề cộng
tồn với TQ, và cộng tồn chỉ có được khi cả hai đều cùng có chế độ
dân chủ; nó là vấn đề cần học cách xây dựng đất nước (nation-state
building) của các nước văn minh dân chủ thiên chúa giáo để có thể
chiến thắng họ (beat them at their own game).
Để làm được các việc này, VN cần dựa vào nội lực dân tộc, nội lực
của toàn dân đang sống bên trong VN, cũng như khoảng 5 triệu bên
ngoài VN.
Nhưng tiếc thay, Đảng CSVN chỉ quan tâm vấn đề chia ghế để tiếp tục
đè đầu cỡi cổ nhân dân.
Lê Minh Nguyên
18/1/2015
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen