S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao)- Từ 1979 đến nay là gần nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian
này đã có hai đợt di dân tập thể từ Việt Nam: thuyền nhân
cũ và những thuyền nhân mới - ancient boat people and
nouveaux boat people. Giữa hai lớp người này có nhiều
điểm dị biệt nhưng chính sách của nhà đương cuộc Hà Nội
thì trước sau như một, hoàn toàn xuyên suốt và nhất quán: “Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với
chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời lãi
thu về thì rất nhanh.” Nói cho nó gọn thì đây là một hình
thức buôn dân của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Nước họ
còn dám bán thì buôn dân, tất nhiên, chỉ là chuyện nhỏ...
đều mang gốc gác Việt
liều lĩnh bỏ quê nhà
bằng đường dây người lậu
đi cầu thực phương xa
những con người khốn khó
tâm hồn rách tả tơi
xuất xứ từ nghèo đói
mang giấc mơ đổi đời
Bắc Phong - “Những Người Rơm”
Cuối năm, blogger Hoàng Giang gửi đến độc giả một câu chuyện rất “nhẹ nhàng” và “đáng
yêu” ngăn ngắn:
“Tôi mới đọc được mẩu tin nho nhỏ, mà chắc chả mấy ai bận tâm, mẩu
tin cũng nhẹ nhàng tình “củm” có tựa đề là “How did this Swedish
cat turn up in south France?”. Tức là có một chú mèo tên là Glitter
sống ở Bromolla, miền nam Thụy Điển mất tích đã 8 tuần. Anh chủ
Sammy Karlsson tưởng chừng như sẽ không có hy vọng tìm lại được
Glitter nữa thì bỗng dưng vào đúng tuần lễ Thanksgiving, anh nhận
được một cuộc gọi từ vùng Nimes tại miền nam nước Pháp hỏi anh về
chú mèo lông xù này.
Sammy ngạc nhiên tới mức anh tưởng người ta đang đùa cợt mình,
nhưng khi bức hình được gửi đến, thì chú mèo đó chính xác là
Glitter của anh. Trong một bài phỏng vẫn, anh nói đùa rằng “Có lẽ
Glitter đã phải lòng một cô gái Pháp nào đó, và chàng quyết định
đội chiếc mũ bê rê.” Hiện chàng mèo đang được tiêm phòng và làm
quốc tịch Pháp sau đó sẽ được gửi trả về với chủ tại Thụy
Điển.
Câu chuyện mới đáng yêu làm sao, cứ tưởng tượng một chú mèo thong
dong trên khắp nẻo phố châu Âu, chu du hơn 1,700km, mà tự dưng cũng
muốn mình được như thế, vô lo vô nghĩ...
Ước muốn được “thong dong trên khắp nẻo phố châu Âu” của Hoàng
Giang tuy không có gì là viển vông nhưng vẫn rất xa vời, và
mỗi lúc một thêm xa, nếu chúng ta (chả may) sinh ra là... người Việt Nam – cái
xứ sở mà nhiều người dân phải cầm cố nhà cửa/ruộng vườn
mới đủ chi trả cho con cái một chuyến đi ra khỏi nước.
Dù giá quá đắt nhưng không phải ai đi (rồi) cũng đến. Hãy
nghe qua một mẩu đối thoại giữa một cô gái Việt, và người
bạn trai (đồng cảnh) từ hai phòng giam sát cạnh nhau - trong
một nhà tù nào đó ở Âu Châu:
Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói:
“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm
ngay bên cạnh em chết ngạt.”
“Chết!?”
“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở
cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất.
Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.
The Vietnamese girl, believed to be 16,
had been crammed into a tiny space
behind the dashboard of a car stopped at Dover.
Ảnh & chú thích: dailymail.co.uk
Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi
về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường
dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi
về... Anh có nghe không đấy?”
“Nghe rõ cả.”
“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh
nghĩ có đúng không?”
“Chắc đúng.”
“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang
đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều.
Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó
tựa vai em lầm bầm 'Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn
về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.' Giọng nó như đứa
trẻ con ba tuổi.” (Tâm Thanh - “Người Rơm”).
Người rơm còn có một tên gọi khác, dễ nghe hơn, theo ngoại
ngữ: nouveaux boat people - những thuyền nhân mới. Khác với lớp người tị nạn từ
Việt Nam vào cuối thế kỷ trước, những kẻ đến sau không
còn được thế giới chào đón nữa.
Nhân loại, xem chừng, đã oải. Không ai còn đủ kiên nhẫn và
bao dung với những kẻ khốn cùng, (không vốn liếng, không ngoại ngữ, không nghề nghiệp, không
cả một mảnh giấy tùy thân) cứ tiếp tục đến mãi từ một xứ sở… Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc!
Thêm một điều khác biệt nữa là tuy được gọi tên "những
thuyền nhân mới" nhưng họ không vượt biên bằng thuyền.
“Trong cuộc hành trình dài bằng phần nửa vòng trái đất, họ thường
bám trên các xe vận tải hạng nặng xuyên qua Châu Âu. Trốn trong
những thùng chứa hàng trong xe, họ phải ép xác, có khi chịu đựng
không ăn uống trong nhiều ngày...” (PhươngVũ Võ Tam Anh, “Người Việt Khốn Khổ Tại Paris”).
Sau khi đặt chân được đến miền đất hứa (Anh Quốc) có một
hiện tượng lạ xẩy ra là lớp người rơm, ở tuổi vị thành
niên, đều mất biến - theo bài tường thuật (Missing Kids UK) của Sam Judah, qua Tạp Chí Thời Sự BBC:
"Người ta tin rằng hầu hết các trường hợp đều được các băng đảng
đưa lậu vào Anh, bị cảnh sát phát hiện và đưa vào các trung tâm
chăm sóc.
Các em rõ ràng là không bỏ trốn khỏi những kẻ bắt giữ mình, mà còn
thường trốn khỏi các gia đình nhận nuôi dưỡng mình và các trung
tâm chăm sóc để trở lại với những kẻ đó, nhằm tìm cách trả các
khoản nợ lớn và nhằm để gia đình ở Việt Nam khỏi bị trả thù.
Văn, một cậu bé người Việt 15 tuổi, mà dường như được đăng tải
trên trang mạng trẻ mất tích dưới một cái tên khác, đã được đưa
lậu vào Anh bằng xe tải và đã bị buộc phải giúp việc nhà cho
những kẻ đã đưa cậu vào. Sau đó, cậu được đưa vào làm ‘thợ vườn’
ở một số trại trồng cần sa trên cả nước...
Hồi năm ngoái, 96 thiếu niên người Việt đã được chuyển tới cho cơ
quan quản lý tình trạng buôn bán người của chính phủ, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều đối tượng được cho là nạn
nhân ở tuổi vị thành niên nhất tại Anh. BBC, nghe được hôm 18 tháng 2 năm 2014, còn cho biết thêm một
khía cạnh tồi tệ khác: “Số liệu từ Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh Quốc (NCA) cho thấy trẻ
em từ Việt Nam nằm đầu bảng danh sách bị đưa lậu vào Anh vì mục
đích lạm dụng tình dục.”
Người rơm ở rừng Calais, Pháp Quốc. Ảnh: radiochantroimoi
Cập nhật hơn, The Guardian, số ra ngày 23 tháng 5 năm 2015, có bài tường thuật (“3,000 children enslaved in Britain after being trafficked from
Vietnam”) của hai ký giả Annie Kelly và Mei-Ling McNamara. Xin ghi lại
vài đoạn ngắn, theo bản dịch (“3.000 trẻ em bị buôn bán từ ‘đất nước Hồ Chí Minh’ sang Anh làm nô
lệ”) của blogger Nguyễn Công Huân:
Giống như nhiều trẻ em Việt Nam khác, Hiền đã được đưa đến Anh để
sống một cuộc đời nô lệ hiện đại. Em cuối cùng phải vào tù về tội
trồng cần sa...
Chuyến đi của Hiền tới Anh Quốc bắt đầu khi em bị bắt cóc khỏi làng
lúc 5 tuổi bởi một người nói rằng ông ta là chú của em. Như một đứa
trẻ mồ côi, em không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo những
mệnh lệnh của người khác. Em đã mất năm năm đi qua nhiều quốc gia
bằng đường bộ, hoàn toàn không biết mình đã đi qua những đâu, từ
Việt Nam qua biên giới giữa Pháp và Anh để tới một căn nhà ở
London. Ở đây em phải làm nô lệ trong nhà trong 3 năm, nấu ăn và
dọn dẹp cho nhóm những người Việt đi ra vào ngôi nhà em bị giam
giữ...
Trong lời khai với cảnh sát, Hiền nói rằng em vẫn không hiểu chính
xác loại cây em trồng là cây gì, mặc dù em hiểu rằng nó rất có giá
trị. Em chăm sóc đám cây, sử dụng thuốc trừ sâu khiến em bị ốm, và
chỉ rời căn hộ khi em giúp chuyển các cây cần sa này tới nơi khác
để sấy khô. Em bị khóa trong nhà, bị đe dọa, bị đánh đập và bị cô
lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Ảnh: theguardian
Ước mơ của đám trẻ con Việt Nam đang bị giam giữ trong
những trang trại trồng cần sa, hay những nơi mua bán tình
dục - nếu có - hẳn không phải là được "thong dong trên khắp
nẻo phố châu Âu" (như chú mèo Glitter trong câu chuyện của
Hoàng Giang) mà là được trở lại quê hương. Được “cơ cực ở
nhà với mẹ suốt đời,” như nguyên văn tâm sự của một nhân
vật (dẫn thượng) của nhà văn Tâm Thanh.
Chuyện hồi hương, buồn thay, cũng không dễ dàng chi - theo
tường trình của thông tín viên Lê Hải, từ Luân Đôn:
"Khi đã vào đến nước Anh rồi thì tùy thuộc vào chính quyền
Việt Nam có chịu nhận những người này về hay không. Thường thì
số lượng người bị trục xuất về Việt Nam gia tăng khi giữa hai
nước có các đoàn công tác cấp cao, và chính phủ Anh có thể đề
nghị tăng viện trợ để đổi lại bằng chuyện Việt Nam nhận người
về."
Cách ứng xử của những người lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay
(Luân Đôn phải tăng viện trợ Hà Nội mới chịu nhận người
về) dễ làm người ta liên tưởng đến lời lẽ cứng rắn trong bức
thư mà ông Lý Quang Diệu gửi cho bà Thủ Tướng Anh, về vấn đề thuyền nhân Việt Nam,
vào ngày 5 tháng 6 năm 1979. Xin được trích dẫn đôi dòng,
theo bản Việt Ngữ của nhà văn Phạm Thị Hoài:
“Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại, cho nhân dân và các nhà lãnh đạo
trên toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính là kẻ
tích cực xúc tiến cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt hại nặng nề cho
các nước Đông Nam Á...
Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính
đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời thu về thì
rất nhanh.”
(People and leadears throughout the world must be told, again and
again, that this is the government of the Socialist Republic of
Vietnam which has actively promoted this massive migration, causing
havoc to the countries of Southeast Asia...
They have cold, calculating minds, which, whilst incapable of
compassion to their own people, are nevertheless most acute in
computing cost-benefits.)
Nguồn: Margaret Thatcher Foundation
Từ 1979 đến nay là gần nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian
này đã có hai đợt di dân tập thể từ Việt Nam: thuyền nhân
cũ và những thuyền nhân mới - ancient boat people and nouveaux boat people.
Giữa hai lớp người này có nhiều điểm dị biệt nhưng chính
sách của nhà đương cuộc Hà Nội thì trước sau như một,
hoàn toàn xuyên suốt và nhất quán: “Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với
chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời lãi
thu về thì rất nhanh.”
Nói cho nó gọn thì đây là một hình thức buôn dân của giới lãnh đạo Việt Nam hiện
nay. Nước họ còn dám bán thì buôn dân, tất nhiên, chỉ là
chuyện nhỏ.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen