Phương Tôn
Cuốn hồi ký „Đi ngược dòng – Cuộc trốn chạy khỏi Bắc Hàn khốn khổ“
của Timothy Kang vừa được xuất bản như một cái tát vào mặt những
tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng Sản Bắc Hàn đứng đầu là Kim Jong-un.
Timothy Kang sinh năm 1986 tại Danchosi thuộc Bắc Hàn. Khi vừa mới
11 tuổi cậu bé đã cùng mẹ bỏ Bắc Hàn chạy trốn sang Trung Cộng. Do
cùng là loại thảo khấu, nhà cầm quyền Trung Cộng bắt giam người tỵ
nạn rồi trao trả cho Bắc Hàn. Kang bị tống giam hai năm tù khổ sai.
Như một phép lạ, cậu ta sống sót sau những năm bị đày đọa trong tù
rồi lại còn thoát được nhà tù lớn Bắc Hàn và hiện đang sống cùng vợ
tại Nam Hàn.
Hiện vẫn chưa có một thống kê chính xác về con số người bỏ trốn
khỏi Bắc Hàn, nhưng chính xác thì con số người thành công vượt ra
khỏi Bắc Hàn lại rất ít. Đến được vùng đất an toàn nhưng có lẽ
những người vượt tuyến thành công vẫn còn bị ám ảnh bởi sự dã man
tàn bạo của nhà cầm quyền nên đa số người tỵ nạn Bắc Hàn đều không
dám lên tiếng tố cáo chế độ. Kang là một trong số người hiếm hoi
viết lại hồi ký để lên án chế độ bất nhân, tố cáo cùng thế giới
những điều kiện giam giữ tồi bại trong các trại tù và các trại
cưỡng bức lao động của Bắc Hàn, và cũng để nhắc nhở cùng thế giới
về một loại động vật đi hai chân đang sống lầm than vất vưởng tại
Bắc Hàn nhưng hiện đang bị loài người bỏ quên.
Đặc biệt xin giới thiệu cùng bạn đọc đoạn ngắn trong tập hồi ký (do
Bild Online phổ biến) nói về trận đói thế kỷ từ năm 1994 đến năm
1997 tại Bắc Hàn. Thực sự tại xứ Cộng Sản này chẳng khi nào người
dân được no cơm, nhưng do sự ngu xuẩn cộng thêm lối tôn sùng xác
chết lãnh tụ đã thối rữa một cách bệnh hoạn của tập đoàn lãnh đạo,
người dân trong những năm này đành phải chịu chết vì đói. Họ ăn hết
tất cả những gì có thể nhai được và ngay cả cỏ cũng không còn đủ để
mà ăn!
* * *
Thời thơ ấu trong địa ngục
Tôi chào đời vào năm 1986 tại Unchŏn, một ngôi làng nhỏ thuộc
Danchŏnsi, Hamkyŏngnamdo. Đây là khu vực khai thác mỏ. Ở đây chẳng
có gì khác hơn là đá và bụi bay mù trời khi bị gió lốc. Toàn bộ phủ
màu xám nghịt, chẳng có màu sắc gì khác hơn, chẳng có màu xanh cây
cỏ. Mà nếu như có cây cỏ xanh thì người ta cũng ăn chúng ngay lập
tức. Chúng tôi bị đói ăn.
Khi vừa lên ba thì cha tôi qua đời do tai nạn. Mất cha, chúng tôi
mất luôn sự bảo bọc, nguồn sống và ngay cả căn hộ để ở. Không nơi
trú ngụ, mẹ phải dẫn tôi đi quanh quẩn từ chỗ này sang chỗ khác.
Đây là khoảng thời gian có đến chừng hai phần ba người dân Bắc Hàn
bị đói. Mẹ cũng chẳng có gì để nuôi tôi ăn.
Trong khoảng thời gian khá dài chúng tôi về sống cùng bà ngoại. Tôi
là cái gai nhọn trong con mắt của bà vì ngay chính bà cũng chẳng lo
được cho thân bà thì lấy gì để nuôi tôi. Bà xem tôi như là gánh
nặng mà bà phải nuôi ăn.
Cái đói làm hiện ra cái xấu xa được chôn dấu trong con người ta.
Đây là cái điều mà về sau này chính tôi cũng tự nhận thấy ngay
chính bản thân mình. Nó phá tan tình cảm gia đình trong cuộc chiến
giành nhau để được sống còn. Bà ngoại giao cho tôi cái rìu nhỏ để
đi chẻ củi như ngầm nói „có ăn thì phải có làm“. Giờ ngồi viết lại
thật khó mà nghĩ rằng hồi đó tôi vừa bốn tuổi. Hàng ngày tôi đi ra
khỏi cái thành phố xám nghịt để vào rừng, ra ruộng mót củi, mót củ,
mót đậu. Từ khoai tây, đến ngũ cốc, bắp, củ cải… tất cả những gì
tìm thấy tôi đều gom nhặt đem về. Mỗi khi có ít nhiều đem về thì bà
ngoại vui lắm, còn như đi về với hai bàn tay trắng thì bà lại chửi
mắng.
Phần số bi thương xảy ra cho gia đình cha ghẻ của tôi khi ông nội
của ông vô tình làm vỡ tấm kính khung hình của Kim II Sung trong
lúc lau chùi.
Hàng xóm biết vụ việc, thế là đêm hôm sau ông ta biến mất không để
lại dấu vết. Tại Bắc Hàn, một khi bạn có lời không tốt về Kim II
Sung hay làm hư hại tấm hình của ông ta thì ngay lập tức bạn bị
tống vào trại tù chính trị, xem như bản án tử hình rồi sẽ không xa.
Chân dung của Kim II Sung và Kim Jong II được treo khắp mọi nơi.
Được dùng để trang trí nơi công cộng, treo trong mỗi lớp học và
trong nhà riêng cũng không được phép thiếu.
Thảm họa chết đói 1994-1997
Từ cái hồi tôi bé, khẩu phần lương thực do nhà nước phát được xem
như là cuộc sống căn bản. Nhưng sau cái chết của Kim II Sung, thời
gian để tang được kéo dài từ một trăm ngày lên đến ba năm, rồi đảng
lại tuyên bố bắt đầu chiến dịch được gọi là cuộc „Chinh hành lớn“.
Trên nguyên tắc người dân được phát khẩu phần ăn nhưng thực tế thì
hàng hóa chẳng bao giờ đến tay người dân, do đó những năm kế tiếp
có đến hơn ba triệu người bị chết đói. Trận đói này là một thảm họa
của đất nước mà không ai có thể tưởng tượng được bởi vì ngay cả cỏ
cũng không đủ để mà ăn.
Người dân hoàn toàn lệ thuộc vào khẩu phần lương thực được phát,
nên đến khi nhà nước không phát nữa thì người ta đành chịu chết đói
đặc biệt là giới trí thức. Chỉ có những người như tôi, chịu nhổ gốc
cỏ, cạo vỏ cây mà ăn hoặc đi trộm cắp thực phẩm mới thoát qua được
giai đoạn đói này để sống cho đến ngày hôm nay. Con số người chết
không thể nào tính cho hết. Có những khu chung cư không còn ai sống
sót vì đói. Đi đâu cũng nghe tiếng khóc than vì thân nhân qua đời.
Cỏ là bữa ăn chính
Để sống sót chúng tôi phải ăn cỏ hàng ngày. Gạo và bắp thì càng
ngày càng hiếm. Thỉnh thoảng nguyên cả ngày chúng tôi chẳng có gì
để ăn. Tôi còn nhớ bữa ăn cỏ đầu tiên trong đời.
„Mày muốn sống thì mày phải ăn – ngay cả khi chỉ là cỏ mà thôi! Mình
đi mót cỏ mà ăn“, mẹ nói. Vừa ngay khi đó thì tôi xây xẩm mặt mày
vì hệ tuần hoàn có vấn đề sau vài ngày chẳng có gì để nhét vào
bụng. Mẹ đi chừng vài tiếng đồng hồ đem về được một lố cỏ ăn được.
Không riêng gì chúng tôi mà rất nhiều người sau khi bị ngưng cung
cấp khẩu phần lương thực phải đi nhổ cỏ mà ăn, cái loại cỏ mà trước
đây chỉ dành cho heo ăn. Tôi từng nghĩ rằng chỉ có thú vật mới ăn
cỏ nhưng nay không ngờ lại đến phiên chúng tôi.
Khi nghe mẹ gọi „ Chŏl có đồ ăn đây!“ tôi liền ngồi bật dậy thật
sung sướng. Mẹ nấu cỏ rồi bỏ vào ít muối. Đã một vài ngày bao tử
của tôi chẳng phải làm việc gì. Tôi nhai một vài cọng cỏ đắng chát
nhưng nó cứ vướng nơi cổ họng. Cuối cùng thì tôi phải phun nó ra.
„ Chŏl khi mày muốn sống thì mày phải ăn cỏ! Mày không chịu ăn thì
mày sẽ chết! Mày có muốn chết chung với tao không?“ Mẹ quá đau khổ.
Bà cũng chẳng có gì khác để cho tôi ăn nữa. Bà lại đút cỏ vào miệng
tôi. Tôi cố tìm cách nuốt nhưng nó vẫn nghẹn nơi cuống họng. Tôi
làm thinh nằm xuống trong khi nước mắt trào ra.
Đứa bé con chết đói
Dì tôi có đứa bé con chưa đầy năm nhưng dì không có sữa cho nó bú
vì dì chẳng có gì để ăn. Cứ mỗi lần đứa bé khóc rú lên vì đói thì
dì lại đẩy nó vào bầu vú đã cạn sữa, nhưng cái kiểu này cũng chẳng
lừa nó được lâu, vậy là nó khóc thét lên, không không ngừng. Tiếp
như vậy vài ngày thì nó cạn tiếng vì đuối sức. Cuối cùng thì nó
chết trên lưng cõng của dì.
Xã hội như đóng băng, lạnh lùng và không có một thay đổi dù nhỏ
nhặt nhất. Bất kể ở đâu, dù có mỏi mắt tìm kiếm cũng chẳng có một
dấu vết của tình yêu, của sự sống. Cái câu nói dễ dàng nhất, thông
dụng nhất như là „Mẹ yêu con“, „Bà thương cháu“, „anh yêu em“ tôi
chưa bao giờ được nghe từ ngày được sinh ra đời. Tôi chẳng biết cái
chữ „Tình yêu, Tình thương“ có ý nghĩa như thế nào. Ngay cả trong
gia đình người ta cũng chẳng để ý, nhường nhịn nhau. Người nào lo
thân người nấy. Mỗi khi có liên hệ cùng nhau thì liền xảy ra cãi vã
sinh ra thù hận.
Phương Tôn
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen