Sonntag, 1. März 2015

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam kêu gọi vận động cho luật biểu tình

 VRNs (27.02.2015) – Sài Gòn – Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (NBĐLVN) hôm nay 26/2 đã công bố một lá thư nhằm kêu gọi vận động cho việc hình thành luật biểu tình tại Việt Nam, giữa lúc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang nhóm họp và cho ý kiến về một số dự thảo luật.
Trong lá thư, tổ chức dân sự này kêu gọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước cùng các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp “ủng hộ cuộc vận động luật Biểu tình tại Việt Nam.”
Đồng thời, tổ chức này cũng đưa ra một bản dự thảo luật biểu tình để lấy ý kiến đóng góp, cũng như thu thập chữ ký ủng hộ và sau đó chuyển giao cho Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Quốc Hội Việt Nam trước đó hồi tháng 5/2014 đã quyết định đưa dự án luật biểu tình gây nhiều tranh cãi vào chương trình làm luật năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 12/2014 cũng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình.
Hội NBĐLVN hôm 26/2 cũng kêu gọi các cá nhân và tổ chức người Việt “tạo tác động sâu sắc, và có những hành động cần thiết đối với Nhà nước và Quốc hội Việt Nam nhằm thông qua luật Biểu tình ngay trong năm 2015.”
Cũng theo quan điểm của hội, biểu tình là một quyền công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam nhưng cho đến nay đã không có bất kỳ văn bản luật hướng dẫn nào được ban hành.
Vì thế, lá thư ngỏ viết tiếp, “việc hình thành đạo luật như vậy, bảo đảm sự chỉ dẫn cho việc thực thi quyền biểu tình của công dân, vừa bảo đảm được nền tảng pháp lý cho chính quyền điều chỉnh hành vi biểu tình.”
Hội cũng khẳng định “tự do ngôn luận không thể có nếu như công dân không có quyền sử dụng không gian công cộng để bày tỏ quan điểm của mình.”
Tổ chức dân sự Hội NBĐLVN ra mắt hồi tháng 7/2014 tại Sài Gòn với mục đích “bảo vệ các nhà báo bị giam cầm, đào tạo phóng viên trẻ và vận hành một trang mạng tin tức nhằm… thúc đẩy dòng chảy tự do thông tin” tại Việt Nam.
*****

VNTB - Thư phát động cuộc vận động luật Biểu tình

Kính gửi:

Các công dân Việt Nam;

Người Việt Nam ở nước ngoài;

Các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong và ngoài nước.


Hiến pháp Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2013 đã quy định biểu tình là một quyền của công dân. Cũng theo Hiến pháp, chính quyền không thể sử dụng các văn bản dưới luật để điều chỉnh quyền biểu tình của người dân.

Nhưng trong thực tế, từ Hiến pháp 1992 đến nay đã không có bất kỳ văn bản luật nào được ban hành dành cho quyền biểu tình của công dân. Nhà nước cũng thể hiện thái độ hoàn toàn thiếu thiện chí khi nhiều lần, tìm mọi cách trì hoãn việc xây dựng và đưa luật biểu tình ra Quốc hội. Năm 2015 cũng có nhiều khả năng luật Biểu tình sẽ bị hoãn thêm một lần nữa.

Trong bối cảnh ấy, nhiều biểu thị chính đáng của các giai tầng chịu thiệt thòi như công nhân, nông dân, tiểu thương, nạn nhân môi trường… dù tăng lên, nhưng đã bị cô lập đến mức tối thiểu. Nhân quyền xuống dốc trầm trọng.

Chúng tôi khẳng định rằng:

- Tự do ngôn luận sẽ chẳng thế có nếu như công dân không có quyền sử dụng không gian công cộng để bày tỏ quan điểm của mình.

- Chính phủ không thể có cải cách thể chế nếu không bắt đầu bằng việc tôn trọng quyền tự do biểu tình của công dân.

Trong khi đó, cần phải hiểu rõ ràng rằng, Luật Biểu tình không chỉ cần cho người dân, mà còn cho cả chính quyền.

- Đối với người dân, luật là sự bảo đảm, sự chỉ dẫn cho việc thực thi quyền biểu tình.

- Đối với chính quyền, luật cung cấp các quyền năng, các công cụ pháp lý cần thiết cho việc điều chỉnh hành vi biểu tình. Với một đạo luật như vậy, vừa bảo đảm được quyền của người dân, vừa bảo đảm được nền tảng pháp lý cho cách hành xử của chính quyền.

Người dân hành xử đúng, chính quyền hành xử đúng, chính quyền không chỉ có được đồng thuận xã hội mà còn cả trật tự - an toàn xã hội. 



Nhằm góp phần giải quyết tình hình bức xúc trên, trong thời gian qua Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã cùng một nhóm luật sư, luật gia, chuyên gia tổ chức nghiên cứu và xây dựng dự thảo luật biểu tình, trên cơ sở tham khảo thông lệ, văn bản quốc tế và những điều kiện đặc thù của Việt Nam về biểu tình.

Quyền biểu tình rất đáng được xem là một trong những tiêu chí đầu tiên cho sự nghiệp dân chủ hóa ở Việt Nam, căn cứ vào Quyền tự do biểu đạt (Điều 19, Điều 20); Quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 21, Điều 22) của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR, 1966); Nghị Quyết 24 của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc 24 về Cổ xúy và Bảo vệ Nhân quyền trong bối cảnh biểu tình ôn hòa (ngày 21 tháng 3 năm 2013.)

Vì lý do thiết thân ấy, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam rất mong mỏi các công dân Việt Nam và người Việt khắp nơi trên thế giới, cùng các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong và ngoài nước, gạt bỏ những trở ngại và mâu thuẫn (nếu có) để ủng hộ cuộc vận động luật Biểu tình tại Việt Nam, tạo tác động sâu sắc, cũng như có những hành động cần thiết đối với Nhà nước và Quốc hội Việt Nam nhằm thông qua luật Biểu tình ngay trong năm 2015.

Dự luật biểu tình được công bố lấy ý kiến rộng rãi trên mạng Internet và sau đó đúc kết, chuyển giao kết quả dự luật hoàn chỉnh cho các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mở mục “Vận động luật Biểu tình” như một diễn đàn để đón nhận các ý kiến nhiều chiều, các bài viết phản biện liên quan đến luật Biểu tình.

Mọi ý kiến và bài viết đóng góp, ghi danh ủng hộ xin gửi về địa chỉ email của Ban Cải cách thể chế thuộc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam: bancctc@gmail.com

Hãy vì quyền biểu tình hiến định của người dân Việt Nam!

Sài Gòn, ngày 26 tháng 2 năm 2015

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam 



Danh sách ký tên ủng hộ dự luật Biểu tình: (họ tên, nghề nghiệp/ chức danh (nếu có), nơi cư trú)


Họ và tên
Nghề nghiệp/chức danh
Nơi cư trú



ĐT, VRNs
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen