Freitag, 20. März 2015

"Cơn bão S219 Hành Trình Đến Tự Do" bao giờ tan? Có lối thoát hay không?


Hải Triều

“Miền Nam ơi từ thuở tiêu tan                            
Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!”                                                                                           
 ( Nguyễn Chí Thiện)

     1. “Cơn bão S219 Hành Trình Đến Tự Do.”
Cơn bão tuyết tàn phá, hành hạ miền Đông Bắc Hoa Kỳ và Đông Canada dường như chưa hoàn toàn tan. Tuyết thỉnh thoảng vẫn còn rơi, đường vẫn còn tai nạn, nhưng chắc chắn vài tuần nữa khi mùa Xuân đến từ từ, cơn ác mộng bão tuyết 2015 sẽ qua đi. Nhưng có một điều tôi quan ngại là "cơn bão S219" từ Ottawa sẽ khó mà tan biến dễ dàng. Lý do lòng mẹ thiên nhiên/Mother Nature, dường như hiền và không cố chấp, ngoan cố như "những đứa con của bà", nhất là những đứa con dòng Việt Nam.
Trong hơn tháng qua, vấn đề dự luật S219 "Hành Trình Đến Tự Do" đã tạo ra cơn bão tranh cãi, bất hòa và tấn công nhau giữa những người Việt Nam trên toàn thế giới qua báo chí, net, facebook và paltalk...Chưa bao giờ những chiêu chụp mũ, mạt sát, tấn công nhau tàn mạt như trong những ngày vừa qua khi chuyện S219 “Hành Trình Đến Tự Do” được tung ra công luận.
Trung tâm điểm gây ra tranh biện và tấn công nhau, kể cả sự thọc tay của các thành phần Việt gian và Việt cộng, chính là chuyện  dự luật S219 dùng hay gắn liền ngày 30/4, được gọi là ngày Quốc Hận 30/4, vào trong S219. Nếu S219 lấy một ngày nào đó trong lịch Canada liên quan tới ngày chính phủ Canada nhận những người tỵ nạn “boat people” Việt Nam đến Canada làm ngày “Hành Trình Đến Tự Do”, mà không lấy ngày 30/4, thì chắc chắc không có bất cứ một ai phản đối như trong tình trạng hiện nay.

    2. Quốc Hận 30 tháng Tư: nỗi đau lịch sử không thể đổi tên…
Là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, sau khi ra tù, vượt biển đến Pulau Bidong tháng 5 năm 1980 và cuối năm 1980 được định cư ở Canada, cũng như hàng trăm ngàn đồng bào Việt Nam được chính phủ Canada nhận cho định cư trước hay sau gia đình tôi, tôi tri ơn Canada đã cho chúng tôi đất sống, và bất cứ ngày nào Canada chọn làm ngày “Hành Trình Đến Tự Do” cho người Canada gốc Việt cũng đều là ngày 
cần vinh danh, tri ơn và mừng vui, trừ ngày 30/4.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, suốt 40 năm nay vẫn là ngày Quốc Hận, ngày tang của cả một dân tộc đang chìm dần vào bóng đêm lịch sử mà lộ trình mất Việt Nam vào tay Trung cộng phương Bắc là một thảm họa ngày càng đến gần.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, ngày mà cả toàn dân miền Nam khóc hận, nhà tù mọc lên trên khắp nước, tài sản người dân bị tịch thu vào tay bạo quyền Hà Nội, ngày mà “kẻ thắng trận trả thù người bại trận” không thương tiếc, không tình người… trước thái dộ thờ ơ của thế giới, kể cả những cường quốc, những quốc gia có ký vào Hiệp định Paris 1973 bị cộng sản chà đạp…
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, hàng triệu người trốn chạy cộng sản, bỏ nước ra đi, vượt rừng, vượt biển, hàng trăm ngàn xác thân Việt Nam vùi chôn trong rừng núi, trên đại dương … mà nay nó được coi là ngày tang chung của cả một dân tộc…
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, đến nay đã 40 năm, cả nước bị đầy lùi, tụt hậu vào vũng lầy chậm tiến, áp bức và đói khổ, và tương lai đang bế tắc không có đường thoát để có ngày dân tộc Việt Nam có được tự do và hạnh phúc…
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, vô số những sĩ quan, viên chức miền Nam bị cộng sản thảm sát, hành quyết trong ngững ngày đầu cộng sản chiếm trọn miền Nam, vô số những tư sản bị tịch thu tài sản, bị đưa vào tù hay tự tử, hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam không có súng trong tay bị tập trung giam trong những trại tù lao động khổ sai trên khắp nước, và vô số chết trong cái trại tù… trước sự vô tình của thế giới. Chúng 
tôi, những người tù cộng sản khó mà quên những tàn bạo của CSVN kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, vô số đồng bào miền Bắc từng mong miền Nam giải phóng được miền Bắc, khi hay tin Sài Gòn sụp đổ… đã khóc hận ngậm ngùi cho một tương lai đen tối của họ và của cả dân tộc. Ở ngoài Bắc, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã phải tuyệt vọng nghẹn ngào uất hận…” Miền Nam ơi! Từ thuở tiêu tan. Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn…” Ngày 30 tháng Tư năm 1975 cũng là ngày tang của cả vô số đồng bào miền Bắc Việt Nam…
Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là thảm họa đen tối nhất trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam, nó dẫn Việt Nam đến dần một tuyệt lộ không thấy được lối ra… Và ngày 30 tháng Tư năm 1975 chính là ngày Quốc Hận của dân tộc Việt Nam.
Nói chung, không có bất cứ người Tây phương nào hiểu và cảm thông hết những bi thương, thống hận của người Việt Nam khi nghĩ đến ngày 30 tháng Tư. Người Việt Nam mang nặng nỗi đau này suốt theo chiều dài lịch sử đã 40 năm nay. Đó là ngày Quốc Hận 30 tháng Tư của họ, những người tìm được tự do, những người còn nằm trong tù cộng sản, những người còn kẹt trong nước, kề cả gần nửa triệu nấm xương tàn dưới lòng biển, trong rừng sâu… Vì thế, không nên và không thể lấy bấy cứ một tên nào khác để đặt hay gọi cho ngày Quốc Hận 30 tháng Tư. 

   3. Liệu “S219 Hành Trình Đến Tự Do” sẽ có lối thoát hay sẽ bế tắc? Tình hình sẽ đi về đâu?
Hiện nay, trên khắp thế giới nói chung, và nhất là tại Hoa Kỳ và Canada, có hai khuynh hướng, hay nói rõ hơn, có hai thành phần người Việt tỵ nạn cộng sản, trước vụ S219 ra đời, là anh em “một nhà”, sau khi S219 tung ra, bỗng chia ra hai phe, phe ủng hộ và phe chống S219… “dàn trận” trên paltalk, internet, FB chỉ trích, chụp mũ, tấn công nhau gần như cạn tàu ráo máng…
Cùng lúc đó, nhà nước CSVN cũng lên tiếng chống S219, nhưng thực ra điều họ chống không quan trọng bằng điều họ thấy được sự phân hóa và chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại qua vụ S219. Chúng ta không ai muốn “cơn bão S219” kéo dài để cộng sản khai thác và ngồi uống trà vỗ tay…
Dự luật S219 Hành Trình Đến Tự Do, nếu lấy một ngày nào đó thích hợp đánh dấu ngày Canada mở rộng vòng tay đón người tỵ nạn cộng sản Việt Nam, không dùng ngày 30 tháng Tư thì chắc chắn không có những ngộ nhận, những phản đối từ nhiều thành phần cộng đồng Việt tỵ nạn trên thế giới, và người ta sẽ hân hoan chào mừng ngày bà con tỵ nạn Việt Nam thoát được ngục tù cộng sản và đến được bờ tự do ở Canada. 
Dự luật S219 toàn bộ nội dung hoàn toàn tích cực, nó ghi nhận sự bất hạnh của miền Nam Việt Nam khi cộng sản vi phạm hiệp định Paris chiếm Sàigòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, và Canada là một trong những quốc gia mở của đón nhận hang trăm ngàn thuyền nhân tỵ nạn cộng sản. Việc lấy môt ngày khác ngày 30 tháng Tư mà người Việt Nam tỵ nạn toàn thế giới tưởng niệm là ngày Quốc Hận không là một việc khó khăn và không thể chọn lựa.
Hiện nay, dự luật S219 chưa được thông qua/pass và người ta đang dự liệu một số tình huống: 
Nếu S219 được thông qua/pass thành luật thì liệu sự phân hóa, đánh phá nhau tàn bạo có nghiêm trọng hơn và khó có cơ hội hàn gắn giữa những thành phần chống cộng không? Có điều chắc chắn là dù S219 có được Hạ viện Canada thông qua thành luật thì luật này cũng không có tác dụng áp chế hay áp đặt bất cứ điều gì lên trên những buổi lễ tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng Tư hàng năm của các cộng đồng, các hội 
đoàn người Việt ở Canada!
Nếu S219 được thông qua với một ngày hợp lý nào đó mà không dùng ngày 30 tháng Tư thì liệu “cơn bão S219 Hành Trình Đến Tự Do” có tan biến cùng với những phân hóa giữa các thành phần chống cộng hay không? Và tại Canada, người Canada gốc Việt vẫn tiếp tục tưởng niệm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư hàng năm, và đến ngày 219 Hành Trình Đến Tự Do, người Canada gốc Việt có thể tổ chức mừng ngày mình thoát khỏi ngục tù cộng sản theo tin thần 219 không có ngày tang 30 tháng Tư trong đó..
Nếu vì một lý do phức tạp và tế nhị dẫn đến sự phân hóa trong cộng đồng người Việt trên mặt toàn cầu nói chung và riêng Canada nói riêng, mà Hạ Viện Canada bỏ qua S219… thì liệu “cơn bão 219” có tan biến, hay sự phân hóa nói trên vẫn còn tiếp diễn dài dài khi bàn tay ma quái của nghị quyết 36 CSVN tiếp tục khai thác những gì có lợi cho họ?
Trên đây là một số nan đề người Viết gửi đến quý độc giả, bà con… để có ý kiến đóng góp hầu tìm ra một lối thoát cho vấn đề đang gây phân hóa giữa các thành phần chống cộng khắp nơi tại hải ngoại. “Cơn bão S219” càng kéo dài, càng có lợi cho tà quyền Hà Nội…

   4.Thử tìm lối thoát, người viết kẹt  giữa “tai nạn” văng miểng trong vụ S219
Mấy tuần trước đây, khi vụ S219 nổ ra từ miền Đông Canada và lan nhanh như bão Katrina qua Hoa Kỳ rồi khắp thế giới… thì các hội đoàn Việt Nam ở miền Tây Canada, nhất là ở Vancouver, BC… không hề biết tới S219. Một số người ở xa, nhất là trên các hệ thống/diễn đàn paltalk chắc nghĩ nước Canada nhỏ xíu, người ở Vancouver, Canada như ông Hải Triều, tức Lamson 9…phải biết và phải phản ứng, biều tình, 
viết bài chống đối… Và lập tức, các loại miểng “núp lùm, chàng hảng, hèn, chit đi cho rồi…” cứ ào ào văng vào Lamson9… mà không cần nghe hắn trình bày, phân giải. Miểng văng từ cả hai phía chống và ủng hộ S219!
Ngay từ lúc đầu, tôi đã trình bày thái độ và việc tôi sẽ phải làm mà tôi nghĩ là có tác dụng hơn một bài lên tiếng mà thủ tướng và các dân biểu Canada không đọc và không hiểu tường tận khi tôi viết báo bằng tiếng Việt. Tôi đã nói rõ quan điểm của tôi ngay từ đầu là không có bất cứ ai,bất cứ điều gì, luật gì xóa bỏ được ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trong lòng tôi và trong lòng các cộng đồng tỵ nạn Việt Nam trên toàn thế giới, 
cả bên trong Việt Nam. Tôi chọn cách im lặng để tiếp xúc với các dân biểu Canada để trình bày vấn đề như một sự lựa chọn hợp lý!
Trước khi đưa bài này lên các mạng truyền thông, tôi đã tiếp xúc, giải thích với các dân biểu Canada bằng một lá thư trình bày tại sao Ngày 30 tháng Tư là ngày Quốc Hận của toàn dân Việt Nam, và bất cứ dự luật nào liên quan tới người Việt tỵ nạn cộng sản, cũng không nên đổi tên hay tạo ra một hình thức nào đó gây ra những ngộ nhận có thể bị xuyên tạc hay hiểu lầm. Toàn bộ những điều tôi phân tích và nêu lên trong phân đoạn 2 Quốc Hận 30 tháng Tư: nỗi đau lịch sử không thể đổi tên… đã được chuyển đến một số dân biểu Canada, những nhân tố có thầm quyền trực tiếp trong cuộc debate S219 trong Hạ Viện. 
Tôi đã nói công khai chuyện này, tôi đã làm chuyện này… nhưng thiên hạ không lý gì tới luận điểm, lập trường của kẻ khác mà chỉ biết ôm giữ cái lý của minh… để rồi nặng lời gần như mạt sát với người chia sẻ khác ý mình… Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục làm công việc đấu tranh riêng của tôi, nhưng quả tình, tôi cũng bắt đầu “biết sợ paltalk”!

    5.Kết luận:                                                                                                                     
Một lối thoát mong manh khỏi “cơn bão S219 Hành Trình Đến Tự Do”
Tôi không biết “cơn bão S219 Hành Trình Đến Tự Do” này sẽ đi về đâu, nhưng tôi biết là đảng PC cầm quyền của thủ tướng Harper, đảng của ông Ngô Thanh Hải, có đa số dân biểu tại Hạ Viện Canada. Nếu họ đồng lòng yểm trợ S219 lấy ngày 30 tháng Tư làm mốc thời gian cho cuộc “hành trình đến tự do” thì S219 sẽ thành luật 219 Hành Trình Đến Tự Do. Nếu điều này xẩy ra, chắc chắn sự phân hóa, chống nhau giữa 
những thành phần tỵ nạn cộng sản tại Canada, Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới sẽ còn tồn tại và tiếp diễn không biết đến bao giờ chấm dứt…! 
Đây là điều tôi đã trình bày cụ thể khi chuyển thư tôi đến các dân biểu Canada để mong họ vì sự đoàn kết trong khối người Việt tỵ nạn cộng sản, các dân biểu Canada sẽ cẩn trọng hơn trong tranh luận và biểu quyết. Bất cứ dạo luật nào ra đời mà tạo ra sự phân hóa giữa người Việt tỵ nạn cộng sản với nhau thì tốt hơn không nên cho đạo luật đó ra đời.
Tôi đã chuyển đạt ý niệm hay quan điểm này đến các dân biểu Canada, và cũng cho họ biết dù tình huống ra sao, cộng đồng Việt Nam  tại Canada và trên toàn thế giới vẫn tổ chức tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư mỗi năm.
Vì quan ngại đến cuộc đấu tranh chung, tôi đã và đang gửi những dòng chữ thật lòng và thống thiết nhất của tôi đến các dân biểu Hạ Viện Canada và bà con Việt toàn thế giới đang còn quan tâm đến chuyện “S219 Hành Trình Đến Tự Do” với một niền hy vọng mong manh, mong manh như sợi gió Đông đang tàn dần ở vùng Đông Bắc Mỹ… Nếu “cơn bão S219” không tàn phai khi mùa Xuân đang đến với những phân 
hóa đang diễn ra như hiện nay… thì âu đó cũng là mệnh số, có thể không may trong cuộc đấu tranh cam go, phúc tạp rất cần sự đoàn kết đề chấm dứt chế độ cộng sản tại Việt Nam hầu mở ra một sinh lộ cho sự tồn vong của dân tộc…
Tháng sau, lễ tưởng niệm Quốc Hận 30 tháng Tư sẽ được Hội Người Việt Tự Do và các hội đoàn tổ chức tại Vancouver cũng như tất cả các nơi có cộng đồng Việt tỵ nạn trên thế giới, bất chấp cơn bão S219 còn bão bùng hay liệm tàn theo mùa Xuân đang đến!

Hải Triểu/ Lamson 9

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen