Mittwoch, 11. März 2015

Báo nói 'tàu Trung Quốc,' biên phòng bảo 'tàu nước ngoài'

 
09.03.2015, ĐÀ NẴNG (NV) - Trong khi báo chí Việt Nam nói Biên phòng Đà Nẵng vừa đuổi một “tàu đánh cá của Trung Quốc” khỏi lãnh hải Việt Nam thì chỉ huy lực lượng này chỉ xác nhận đó là “tàu nước ngoài.”
alt

Tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu của Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 5 năm ngoái. (Hình: VietnamNet)
Báo chí tại Việt Nam cho biết, sau khi nhận được thông tin từ ngư dân về “một chiếc tàu đánh cá giống như chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc từng đâm chìm một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng hồi tháng 5 năm ngoái,” đang hiện diện cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 18 hải lý, lực lượng Biên Phòng Đà Nẵng đã điều động hai tàu truy đuổi chiếc “tàu đánh cá” đó.
Cuối cùng, chiếc “tàu đánh cá” xâm phạm lãnh hải Việt Nam đã chạy khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên đối chiếu những thông tin có liên quan đến sự kiện chiếc tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị đâm chìm hồi tháng 5 năm ngoái, khi đang đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì tàu đã đâm chìm tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152 của ngư dân Đà Nẵng không phải “tàu đánh cá” mà là tàu có vũ trang của Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, trả lời CNN, ông Đặng Văn Nhân, thuyền trưởng tàu đánh cá mang số hiệu DNA 90152, cho biết, tàu của ông bị một con tàu có vũ trang của Trung Quốc đâm hai lần vào hai bên hông cho lật ngang. Mười thành viên trong thủy thủ đoàn phải nhảy xuống biển và sau đó, được một tàu đánh cá của Việt Nam vớt.
Cũng vào thời điểm vừa kể, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã phủ nhận sự kiện tàu của Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu đánh cá DNA 90152. Theo hãng thông tấn này, tàu đánh cá DNA 90152 đã “quấy rối tàu đánh cá của Trung Quốc đang đánh bắt trong vùng biển gần đảo Hoàng Sa” và bị lật sau khi “chen lấn” với “tàu đánh cá của Trung Quốc.”
Trở lại sự kiện vừa xảy ra hôm 7 tháng 3, dẫu xác nhận có sự kiện này song một viên đại tá tên Lê Tiến Hưng là tham mưu trưởng Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Đà Nẵng, nhấn mạnh, chỉ có thể xác định đó là “tàu nước ngoài,” không thể khẳng định đó là “tàu đánh cá của Trung Quốc” vì chưa “bắt tận tay, day tận trán.”
Ông Hưng nói thêm, muốn xác định đó là tàu của quốc gia nào thì phải bắt được, phải lập biên bản, xác định hành vi phạm tội, địa điểm phạm tội, trang thiết bị được sử dụng để phạm tội trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để xử lý theo pháp luật của Việt Nam.
Ông Hưng giải thích, sở dĩ phải cẩn thận trong việc thông tin vì Trung Quốc có thể phản ứng trong khi Biên Phòng Đà Nẵng lại không bắt quả tang.
Trong cuộc trò chuyện với VOA, viên đại tá tham mưu trưởng Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Đà Nẵng cung cấp số liệu cho biết, trong năm ngoái, có khoảng 300 lượt tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm khu vực cách bờ biển Đà Nẵng từ 40 hải lý đến 50 hải lý nhưng không xác định bao nhiêu trong số này là tàu đánh cá của Trung Quốc.
Cũng theo ông Hưng thì năm ngoái, đã xảy ra sáu trường hợp tàu đánh cá của Trung Quốc đâm vào hoặc bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân hai tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa tại vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tham mưu trưởng Biên Phòng Đà Nẵng nói rằng, lực lượng biên phòng đã thiết lập và duy trì liên lạc với ngư dân nhằm “phát huy sức mạnh của quần chúng” vì lực lượng này “hoạt động trên tất cả các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
Cũng qua ngư dân, báo chí Việt Nam thường xuyên loan tin các loại tàu của Trung Quốc (bao gồm tàu đánh cá, tàu hải giám, chiến hạm) vừa liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông khai thác trái phép hải sản, vừa khiêu khích tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. (G.Đ)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen