Mittwoch, 21. Januar 2015

'Lãnh đạo CS Việt Nam nên đàng hoàng với dân hơn'

 17.12.14  Chân Dung Quyền Lực
Lãnh đạo Việt Nam nên tôn trọng người dân hơn mà không nên 'khinh rẻ họ' khi được dân và cử tri chất vấn về chính sách của lãnh đạo, một số nhà quan sát từ Việt Nam và hải ngoại bình luận với BBC hôm Chủ Nhật.

Họ nói thêm các lãnh đạo nên chấm dứt cách nói năng theo lối 'dân chủ bảo ban', 'quan phương', 'dạy dỗ' với người dân, trong lúc họ 'tự nhận' là người 'đầy tớ' của dân, 'phụng sự dân' và làm việc 'dưới sự giám sát' của dân.
Đảng CSVN đang chuẩn bị kế hoạch về nhân sự cao cấp cho kỳ Đại hội vào năm 2016.
Gần đây truyền thông Việt Nam thuật lại lời của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một Giáo sư chuyên ngành xây dựng Đảng được cho đã là 'vặn lại' cử tri trong lần tiếp xúc hôm thứ Bảy (06/12/2014).
Theo đó, khi đáp lại những ý kiến chất vấn của người dân về chính sách được cho là 'quá mềm yếu', 'thiếu kiên quyết', 'thiếu chủ động' của giới lãnh đạo Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo trước Trung Quốc, ông Trọng đáp lại:

"Cử tri nói Việt Nam vẫn mềm quá, cần kiên quyết hơn nhưng kiên quyết hơn là như thế nào, kích động dùng vũ lực, tuyên chiến?"

Bình luận với BBC về phát biểu này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà quan sát tình hình Việt Nam từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, hôm 14/12 nói:

"Ông Nguyễn Phú Trọng trong khi trả lời câu hỏi này đã lấy một cái sự xấu nhất (tình huống xấu nhất) có thể xảy ra để trả lời câu hỏi.

"Tôi nghĩ, nếu cử tri đúng thì họ chỉ hỏi có cương quyết hơn thêm không, chứ không phải là muốn đánh nhau với Trung Quốc."
Ông Đặng Xương Hùng
'Không nên khinh dân'

Và nhà quan sát từ Hoa Kỳ bình luận thêm về thái độ của lãnh đạo Việt Nam thông qua phát biểu của ông Trọng:

"Và tôi nghĩ rằng người ta cũng không nên khinh rẻ dân chúng.

"Khi mà dân chúng, người cử tri hỏi những câu hỏi đàng hoàng, thì người ta cũng nên trả lời một cách đàng hoàng mà không nên thái quá."

Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội này, ông Trọng còn được truyền thông nhà nước trích dẫn lời nói:

"Ta vẫn là hàng xóm láng giềng ăn đời ở kiếp với Trung Quốc, có phải 'xúc đất đổ đi' được đâu.

"Cần đảm bảo chủ quyền nhưng cũng phải giữ cho được chế độ, giữ được cho sự lãnh đạo của Đảng, giữ môi trường an toàn, ổn định để phát triển."

Báo chí Việt Nam cũng dẫn lời vị lãnh đạo 70 tuổi của Đảng nhắc lại nguyên tắc:

"Yêu nước nhưng phải đúng hướng vì các đối tượng xấu rất muốn Việt Nam sai lầm, một bước đi sai lầm, dù là nhỏ nhất cũng sẽ bị lợi dụng để phá hoại."

Hôm thứ Bảy, một cựu quan chức ngành Ngoại giao Việt Nam bình luận với BBC:

"Những câu mà ông Tổng bí thư nói rõ ràng đó là phát biểu của những nhân vật bị 'hội chứng Nguyễn Cơ Thạch' tác động mạnh nhất," ông Đặng Xương Hùng, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

"Tức là một con người chỉ nghĩ đến áp lực của Trung Quốc và có những cam kết nào đó, nếu anh trung thành với tôi, tôi sẽ bảo đảm lợi ích của anh, bảo đảm cái ghế của anh trong giới lãnh đạo Việt Nam," ông Hùng, người đang cư trú chính trị tại Thụy Sỹ, bình luận.

'Không có đủ tầm'

Cho rằng phát biểu của nhà lãnh đạo Đảng cộng sản có thể 'chưa xứng tầm', ông Đặng Xương Hùng nói thêm:

"Ông Phú Trọng là con người đi lên từ đường Đảng, ông ấy chỉ có những lý thuyết về chủ nghĩa Marx-Lenin, chứ còn ông ấy không có một tầm quan sát quốc tế, cũng như tầm để dẫn dắt dân tộc trong một bối cảnh quốc tế, nhất là với một ông hàng xóm, láng giềng Trung Quốc.

"Mà những câu nói của ông chứng tỏ rằng là, nói thế như là nói bây giờ mình ở cạnh một kẻ 'mất dạy', mình cũng phải 'mất dạy' theo họ, thế thì còn nói làm gì nữa.

"Không có đủ tầm của một người giữ trọng trách mà giữ sinh mệnh của 90 triệu dân."

Báo chí Việt Nam cũng dẫn lời ông Trọng nói với các cử tri 'nhắc lại kết quả' chuyến thăm Nga và Belarus trong năm 2014 của ông, theo đó:

"Ông Tổng bí thư quả quyết, Việt Nam muốn làm bạn với cả thế giới thì với những nước lân cận, quan hệ càng phải khăng khít, gần gũi, nhất là với nước bạn láng giềng cùng chung con đường xã hội chủ nghĩa," tờ Dân trí trích lời nhà lãnh đạo Đảng cộng sản nói.

Bình luận về quan điểm này của ông Trọng, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:

"Tôi nghĩ rằng Việt Nam muốn làm bạn với thế giới thì phải suy nghĩ rằng ai có thể giúp đỡ cho Việt Nam, ai có thể củng cố quyền lợi và lợi ích cho Việt Nam.

"Nếu mà chỉ dựa vào cái gọi là các nước xã hội chủ nghĩa, thì tôi nghĩ như thế chỉ còn một vài ba nước, mà chưa chắc gì những nước gọi là 'xã hội chủ nghĩa' thực ra là xã hội chủ nghĩa.

"Tôi muốn nói là Trung Quốc, và nếu dựa vào Trung Quốc, mà nếu nói là dựa vào xã hội chủ nghĩa, thì tôi thấy việc này là định nghĩa chưa hẳn đúng, trong khi Trung Quốc là nước đang đe dọa Việt Nam trên nhiều lãnh vực."

'Nên rút kinh nghiệm'

Liên quan tới việc Việt Nam nên có chính sách liên kết với đối tác ra sao để đảm bảo an ninh quốc gia, lãnh thổ, lãnh hải cho phù hợp, trong một cuộc trao đổi hôm 13/12, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế nói với BBC:

"Vấn đề của Việt Nam bây giờ là riêng Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề liên quan cái này hay không?

"Thì tôi nghĩ là trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, hay là sự tìm kiếm một sự cân bằng với Trung Quốc, thì Việt Nam không thể chỉ dựa vào sức mình mà cần phải kết hợp các lực lượng khác.

"Và tôi hoàn toàn tán thành một chủ trương là phải lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa các sự đe dọa, hay là mối nguy từ phía Trung Quốc," nhà quan sát này nói với BBC.
Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế
Còn về cung cách hành xử, phát ngôn của lãnh đạo Việt Nam với dân, hôm Chủ nhật, một nhà quan sát trong nước không muốn tiết lộ danh tính nói với BBC:

"Tôi nghĩ rằng thế hệ lãnh đạo tới đây của Việt Nam nên rút kinh nghiệm, các vị ấy sẽ không nên tiếp tục cách thức mà có thể nói là 'dân chủ bảo ban', quan phương như ngày xưa của Vua Chúa phong kiến hay ngồi trên ngó xuống dân để mà dạy bảo.

"Bản thân tư duy ấy, cách thức lãnh đạo, ăn nói như thế cho thấy là tầm nhận thức về dân chủ, về lãnh đạo có thể đã có nhiều hạn chế, nếu không nói là đã lạc hậu, lỗi thời, quan phương, phong kiến, mà không còn phù hợp nữa với thời đại," ý kiến này nói.

Truyền thông Việt Nam hôm Chủ Nhật đưa tin Thủ tướng Việt Nam vừa có một cuộc tiếp xúc với cử tri ở Hải Phòng, nơi ông là dân biểu đại diện.

Liên quan đối sách của Việt Nam với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và bang giao, ông Nguyễn Tấn Dũng được báo chí Việt Nam dẫn lời nói:

"Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được."

Trước đó, trong phiên chất vấn tại Quốc hội Việt Nam hồi tháng 11/2014, ông Dũng cho hay trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen