Trọng
Nghĩa
Ngày 19/12/2014, bên lề hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mêkông,
hai Thủ tướng Trung Quốc và Thái Lan đã ký thỏa thuận theo đó Bắc Kinh sẽ đầu tư
trên 10 tỷ đô la nhằm xây dựng hai tuyến đường sắt tại Thái Lan. Chính quyền
Bangkok dĩ nhiên đã rất hài lòng trước "món quà" này của Bắc
Kinh.
Tuy nhiên, trong một bài xã luận công bố hôm nay, 13/01/2015,
nhật báo Thái Lan The Nation đã nêu bật hai trường hợp Việt Nam và Miến Điện để
kêu gọi chính quyền cảnh giác với các đề án phát triển của Trung
Quốc.
Đối với tờ báo thuộc loại có uy tín nhất tại Thái Lan này, dự án
đường sắt do Trung Quốc tài trợ sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho Thái Lan nhưng
cũng hàm chứa nhiều hiểm nguy. Có hai bài học từ Việt Nam và Miến Điện mà chính
quyền Prayut Chan-o-cha cần rút tỉa kinh nghiệm.
Theo The Nation, nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong việc phát triển hạ
tầng cơ sở không phải là một điều sai lầm, nhưng nước chủ nhà phải có một chiến
lược mạnh về đầu tư và phát triển nếu muốn các đề án hợp tác thành công. Các
nước trong khu vực đã có nhiều kinh nghiệm trong việc làm ăn với các nhà thầu
Trung Quốc, và không phải lúc nào cũng có kết quả tốt.
Tờ báo Thái Lan trước hết nêu lên trường hợp của Việt Nam, vừa
nổi cộm lên với sự kiện đích thân Bộ trưởng Bộ Giao Thông Việt Nam Đinh La
Thăng, công khai quở trách đại diện một nhà thầu Trung Quốc về các tai nạn liên
tiếp xẩy ra trên công trường xây dựng đường sắt ở Hà Nội.
Báo The Nation ghi nhận hai chi tiết : (1) Đề án xây dựng tuyến
xe lửa nội thành Hà Nội với tín dụng ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc, và do Trung
Quốc làm chủ thầu, đã liên tục gặp chậm trễ, khiến vốn đầu tư bị đội lên mức 300
triệu đô la. (2) Tuyên bố đầy bực tức của ông Thăng trước thái độ vô trách nhiệm
của nhà thầu Trung Quốc, cảnh cáo là không nên viện cớ Việt Nam vay vốn của
Trung Quốc mà không chịu thay đổi cung cách làm việc vì : « Chúng tôi không
thể đánh đổi tính mạng của người Việt Nam để lấy những khoản vay (của Trung
Quốc). »
Về trường hợp Miến Điện, nhật báo Thái Lan nhắc lại sự kiện một
phụ nữ 56 tuổi bị bắn chết và một số người khác bị thương trong cuộc biểu tình
chống mỏ đồng do một tập đoàn Trung Quốc khai thác. Đây là một tranh chấp kéo
dài từ lâu giữa cư dân địa phương và tập đoàn Trung Quốc, nhưng chính quyền Miến
Điện đã tỏ ra bất lực trong việc giải quyết.
Cư dân tại khu mỏ đồng Letpadaung ở Monywa rất phẫn uất trước
việc hàng ngàn mẫu đất của họ đã bị trưng dụng cho mỏ đồng. Vào tháng 11/2012,
hơn 100 người trong đó có đến 67 nhà sư đã bị thương khi cảnh sát giải tán thô
bạo một cuộc biểu tình phản đối.
Đối với The Nation, một trong những điểm cần cảnh giác là sự
kiện các nhà thầu Trung Quốc, công cũng như tư, đã tham gia vào nhiều đề án phát
triển quốc tế từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cách hành xử của các công ty Trung
Quốc về mặt xã hội và môi trường lại không được quốc tế chấp nhận.
Ngoài ra quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với nước chủ nhà
cũng làm cho vấn đề rắc rối thêm. Trong trường hợp Việt Nam, quan hệ Hà Nội –Bắc
Kinh đã trở nên căng thẳng do vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Vụ giàn khoan
HD-981 đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ đối với Bắc Kinh, kéo theo các cuộc biểu
tình đập phá cơ sở bị cho là của Trung Quốc. Trong không khí căng thẳng đó,
chính phủ cũng như người dân Việt Nam khó có thể nhẫn nhịn trước những "sai
sót" trong những đề án do Trung Quốc hỗ trợ.
Trường hợp Miến Điện có khác đôi chút, vì chính quyền Naypyidaw
trên mặt chính trị và kinh tế vẫn dựa vào Trung Quốc. Cho dù Tổng thống Thein
Sein đã đình chỉ đề án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ đô la do Trung Quốc
tài trợ vào năm 2011, nhưng nhiều đề án khác vẫn tiếp tục và và gặp chống đối
của người dân tại chỗ.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen