Ngày
thơ dại và tinh nghịch của những thằng nhóc đầu trần khét nắng, bắn bi
và tạt lon giữa trưa, tôi hay lân la và thèm hòa mình vào trò chơi dân
dã. Sau những lần bị xa lánh, vì cái tội... "con nhà giàu", cuối cùng
những thằng nhóc hàng xóm cũng xiêu lòng, khi tôi năn nỉ: "Cho tao chơi
với". Chán những trò chơi, chúng tôi rủ nhau trèo vào sân nhà người khác
để hái trộm ổi, chia nhau ăn.
Khi
ba và anh tôi đi tù, phản xạ tự nhiên của "tuổi biết buồn", tôi tự lánh
xa tụi nó, chỉ chui rúc trong nhà, ngoại trừ những lúc cắp cặp đến
trường. Giữa đời sống vật chất đủ đầy, nó bỗng trở nên vô nghĩa, khi gia
đình gặp bất hạnh. Tôi thu mình lại...
Có
lẽ từ đó, tôi không còn vô tư như chúng bạn. Lâu lắm, tình cờ gặp ngoài
đường, tụi nó hỏi: Sao mày già quá vậy?! Tôi gượng cười, gật nhẹ đầu và
lặng lẽ...
Thế hệ chúng tôi được nuôi dạy trong cách sống chan hòa, không tách biệt và không chọn chỗ đứng trên người khác.
***
Trong cuốn sách "Trần Huỳnh Duy Thức và con đường nào cho Việt Nam", tôi gặp lại [1] những lời dạy dỗ ngày xưa (trang 24/325):
"...Có
một lần, Thức bỏ nhà đi bụi suốt mấy tháng hè hồi lớp tám. Chính nhờ
lời cha dạy, phải học để làm người có ích đã kéo Thức ra khỏi những
tháng ngày hư hỏng, trở lại mái trường với một quyết tâm học cho giỏi
để gia đình không phải lo lắng vì mình. Ba Thức nói rằng ông cũng
không dạy anh yêu nước. Ông chỉ hướng cho con mình sống có nhân cách
và có ích, đừng vì mình mà làm tổn thương người khác, thì tự nhiên trẻ
con lớn lên sẽ sống có trách nhiệm với mình và đất nước...".
Giữa
những mừng vui, khi tù nhân lương tâm được trả tự do - dù không tin
"thiện tâm" của người CS - tôi nhớ về Trần Huỳnh Duy Thức với mức án tàn
khốc: 16 năm tù giam và 5 năm quản chế! Từng choáng váng với mức án đó,
tôi cứ ngồi suy nghĩ mãi về anh, như một tai ương định trước.
Trong
các tù nhân lương tâm 10 năm trở lại đây, Trần Huỳnh Duy Thức được biết
đến với tư cách doanh nhân trẻ thành đạt và giàu có một cách chân
chính. Đó là điều vô cùng hiếm hoi trong cuộc sống ngày nay, gọi là
"thành công", nhưng hầu hết được đo bằng kim tiền đi liền thủ đoạn.
Dư
luận vẫn không quên, Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt với lý do ban đầu "trộm
cước viễn thông". Sau khi quần nát sổ sách, theo thành ngữ "vạch lá tìm
sâu", CSVN không tìm ra một chút sơ hở nào để làm bằng cớ. Rồi vụ án
chuyển qua tội "kinh doanh trái phép". Manh mối để cố gán anh theo tội
danh này, cũng không tìm ra nổi. Cuối cùng, người CS dùng điều 79 Hình
luật kết tội anh.
Lúc
bấy giờ, tôi kinh ngạc và thầm thán phục Thức, chỉ vì lý do đầu tiên
duy nhất: Giữa trùng điệp văn bản gọi là "pháp lý" và chúng luôn sẵn
sàng thay đổi - với bạo quyền, với guồng máy khổng lồ cùng chân rết dày
đặc - để người CS dễ dàng ghép tội cho bất kỳ ai, nhưng họ đã thất bại
trước anh.
Tôi
nhìn Trần Huỳnh Duy Thức với tư cách một nhà quản trị giỏi, khi anh ung
dung vượt thoát các loại bẫy rập, bởi không một hóa đơn nào - loại
chứng từ dễ dàng vu khống nhất - bị bươi móc, coi như là tội phạm. Đó có
thể xem là một kỳ tích ở xứ sở chuyên xài luật rừng, không phải ai cũng
đủ khả năng đương đầu trước những lý lẽ ngược ngạo, sẵn sàng phủ chụp
để đạt mục đích triệt tiêu những người mà giới cầm quyền CSVN coi là
"nguy hiểm". Cũng từ thán phục đó, tôi quan tâm đến anh nhiều hơn.
Trong
"định hướng dư luận" khác, nhóm "Nghiên Cứu Chấn" gồm Thức - Định -
Long, bị lái sang cách nhìn: Những người "rủng rỉnh tiền", giờ chuyển
sang ham hố và rắp tâm tranh giành "công danh - quyền lực" (?!).
Tôi
tự hỏi, nếu thật vậy, có gì sai? Tại sao người tài (cứ cho rằng họ tự
huyễn hoặc đi chăng nữa) không được phép thi thố và khẳng định bản thân?
Điều quan trọng, quần chúng có công nhận những giá trị họ trình bày hay
không? Thêm vào đó, sự ham muốn như vậy (cứ coi như viễn vông, quá lố)
có làm hại xã hội không? Có kích thích các tài năng khác cùng bước ra
đua chen, như trong một vườn hoa với hàng trăm hương sắc? Đó là một xã
hội đa nguyên, chính người CS cố tình chối bỏ bằng mọi lý lẽ ác ý xuất
phát từ ác tâm.
Ông
Trần Quốc Hải - 44 tuổi, chế tạo ra chiếc máy bay đầu tiên ở Việt Nam -
ở tuổi 54, vừa được Campuchia phong tặng danh hiệu "Đại Tướng Quân" là
minh chứng tàn nhẫn nhất cho bản chất hẹp hòi của người CS với ca dao
[2]:
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Cũng
may (!), lĩnh vực ông Hải và con trai có năng khiếu, hứng thú, say mê
là khoa học kỹ thuật, nếu thay bằng khoa học chính trị, hẳn danh sách
hơn 600 tù nhân lương tâm Việt Nam [3] được bổ sung thêm hai người?!.
Danh
tiếng Đại Tướng Quân Trần Quốc Hải bắt đầu lan xa, có chuẩn bị cho hình
ảnh một vết cuốc thẳng tay cắm phập - trước mũi giày tiến lên sáng tạo
của hai cha con người nông dân bình dị - xuất phát từ bản chất ti tiện
và đố kỵ của người CS? Tai họa và thảm họa cho mảnh đất hình chữ S là
như thế!
Đó
cũng là câu trả lời cho hơn bảy năm về trước, khi nhóm "Nghiên Cứu
Chấn" bị xem là "tổ chức phản động" thay vì là chất men tạo cảm hứng cho
Việt Nam phát triển trong ôn hòa. Mẹ Việt Nam quả thật đớn đau!
Đại
Tướng Quân Trần Quốc Hải đã bán chiếc máy bay đầu tay [4] cho viện bảo
tàng Moma tại Mỹ. Toàn bộ số tiền bán được, ông dồn hết cho công việc
nghiên cứu các công trình khác.
Số
tiền ông Hải - ở tuổi tứ tuần - cầm trong tay, có lẽ ít hơn nhiều so
với hàng trăm tỉ đồng - lúc Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt - có được ở tuổi
43.
Gần
sáu năm trôi qua, nếu tính chỉ số lạm phát và khả năng chèo chống của
Thức trong nền kinh tế ngập tràn tuyệt vọng, biết đâu con số đó đã hơn
ngàn tỉ?! Nỗi chua chát đó, nếu có, nó không bao giờ hằn lên trên nếp
trán người CS đang vật vã với "nguồn thu ngân sách" trong tình hình "vay
chỉ để ăn tiêu" (!).
Ôi! Nhân tài Việt Nam! Sao khốn đốn đến vậy?!
***
Cả danh dự, sự nghiệp, tài sản của doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị nhà cầm quyền CSVN đang tâm đánh sập vào ngày 24/5/2009.
Tuy vậy, Trần Huỳnh Duy Thức bình thản thưa với cha mình: "...Nếu
muốn sống ở nước ngoài, như ba cũng biết, thì con đã có quốc tịch khác
từ lâu rồi [...] mong ba hiểu cho con và ủng hộ con đến cùng để đòi lại
công lý cho con, chứ không chỉ là tự do thân thể. Con tin rằng chúng ta
sẽ làm được, sẽ rất đau xót nếu tổ quốc từ chối mình để mình phải nghĩ
đến việc tị nạn, phải không ba?".
"Sao Thái Bạch phá sạch cùm gông" - đang ánh xạ lên con người bình dị Trần Huỳnh Duy Thức [5]. Tôi tin như thế!
(Viết nhân sinh nhật của doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức 29/11)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen