Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan
Ảnh bên:Ngoài máy trồng mì, ông Trần
Quốc Hải còn sản xuất hàng loạt máy như máy nhổ củ mì, máy làm cỏ, máy bón
phân..., cơ giới hóa gần như toàn bộ quy trình trồng mì. Theo
RFA
Đó là câu nói chí lí của ông Trần Quốc Hải,
người mới được phong tướng quân bên Kampuchea. Đọc tin về hai cha con làm xe bọc
thép cho Kampuchea (KPC) và được phong tướng quân (1), tôi nghĩ bất cứ ai cũng
thấy ngậm ngùi cho thân phận của những người đam mê sáng chế ở VN.
Họ trở thành những người "tị nạn", vì ý tưởng
và công trình của họ không được chào đón, thậm chí bị cấm, ngay trên quê hương,
để rồi họ phải đi tìm đất khách để thực hiện ước nguyện của mình.
Hoá ra, hai cha con ông chính là người đã xây
dựng chiếc trực thăng mà báo chí nhắc đến trước đây. Số phận chiếc trực thăng đó
thoạt đầu không được may mắn vì bị quân đội "bắt giam", nhưng cuối cùng thì cũng
có cái may đến từ … Mĩ. Ông Trần Quốc Hải (người chế chiếc trực thăng) cho biết
một viện bảo tàng bên New York mua chiếc trực thăng về Mĩ để triển lãm. Phóng
viên RFA hỏi ông giá bao nhiêu, ông chỉ lịch sự nói là giá "ưu đãi" và ông "có
một số vốn kha khá để tiếp tục công trỉnh của tôi". Nhưng ông không chỉ chế trực
thăng, vì sau đó, ông còn chế hàng loạt máy nhổ củ mì, máy làm cỏ, máy rải phân,
v.v. Ông thực sự là một inventor – nhà sáng chế đúng nghĩa, chứ không phải làng
nhàng.
Nhưng công trình của ông không được chào đón ở
VN. Ông nói với phóng viên đài BBC rằng ông gặp rắc rối với chính quyền địa
phương và trung ương, vì chiếc trực thăng. Ông nói: "Khi làm trực thăng thì họ
nói thế này: thứ nhất là không phù hợp. Thứ hai là Việt Nam không có đủ trình
độ để chế tạo máy bay. Tôi cũng tranh luận với họ, nhưng họ cũng không muốn
tranh luận ra ngô ra khoai" (2). Ông cho biết thêm "Tôi nói ở châu Âu người ta
làm máy bay từ cách đây cả trăm năm, Việt Nam không lẽ thua họ? Tôi tự hào là
người Việt Nam chứ. Họ cũng im lặng không tranh luận, nhưng về họ viết văn
bản. Họ nói: “Anh chế rất là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”. Thế thì đã rõ:
người ta không muốn ông sáng chế. Có lẽ VN là nước duy nhất trên hành tinh này
khuyên công dân mình đừng sáng chế.
VN không chào đón và cấm ông sáng chế thì ông
phải tìm đất lành. Và, cái đất lành đó hoá ra là nơi rất gần VN: Kampuchea. Theo
như báo chí mô tả và chính ông thừa nhận thì KPC rất trọng vọng tài năng của
ông, nhất là trong việc phục hồi mấy chiếc xe bọc thép do Nga chế tạo. Ông kể
rằng thoạt đầu, ông chỉ kí hợp đồng chế tạo máy nông nghiệp cho KPC, nhưng khi
thấy xe bọc thép bị hư hỏng, ông đề nghị cho phép ông sửa chữa. (Cần nói thêm
rằng mấy xe này từng được các chuyên gia VN sang sửa, nhưng quân đội KPC không
hài lòng vì họ sửa mà vẫn còn hư hỏng, và họ không quan tâm đến "khách hàng").
Từ việc sửa xe bọc thép, ông phát hiện rằng mấy xe này không thích hợp với vùng
đầm lầy và nhiệt đới Đông Nam Á, nên ông đề nghị quân đội KPC cho ông cải tiến
xe bọc thép. Từ cải tiến xe bọc thép, ông tiến lên một bước quan trọng hơn là
làm ra xe bọc thép luôn! Như vậy, ông có công khá lớn với KPC, và không ngạc
nhiên khi Hoàng gia KPC phong cho ông chức danh "tướng quân".
Câu chuyện hai cha con ông Trần Quốc Hải làm
cho chúng ta phải suy nghĩ về môi trường khoa học kĩ thuật ở VN. Bây giờ thì ai
cũng biết VN có 24 ngàn tiến sĩ và hơn 10 ngàn giáo sư, phó giáo sư. Đó là một
con số "khủng" trong vùng. Nhưng cái độ ngũ đó làm được gì cho VN? Hình như
chẳng làm được gì nhiều. Số bài báo khoa học thì quá thấp. Còn số bằng sáng chế
càng kém hơn nữa. So sánh với các nước trong vùng như Singapore, Mã Lai, Nam
Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, VN là một nước có ít bằng sáng chế nhất. Số bằng
sáng chế được đăng kí ở USPTO chỉ đếm đầu ngón tay. Có năm chẳng có bằng sáng
chế nào được cấp. Mới đây, chúng ta còn biết rằng VN thực ra chưa sản xuất được
ốc vít! Do đó, công chúng VN chế nhạo giáo sư, tiến sĩ suốt ngày này sang năm
khác cũng có lí do. Một đất nước có quá nhiều "sư sĩ" mà làm không được cái đơn
giản nhất thì quả là đáng xấu hổ.
Ấy thế mà khi người khác làm được việc thì họ
không để yên, thậm chí mỉa mai, khinh thường. Ông Trần Quốc Hải chua chát nhận
xét: "Ở Việt Nam các nhà khoa học không làm được công trình nào cả, còn người
làm thì bị gán cho tên ‘Hai Lúa’ như tôi." Có một số chuyên gia nói rằng ông Hải
không biết gì về cơ học, điện học, nên không thể nào sáng chế được. Họ mỉa mai
rằng chiếc trực thăng do Hai Lúa sáng chế chỉ hơn đồ chơi một chút thôi. Tôi
không biết nhận xét như vậy có chính xác không, vì không có dịp nhìn tận mắt ra
sao, nhưng qua những sáng chế máy nông nghiệp của ông thì không thể nào nói là
"đồ chơi" được. Báo chí nói rằng lần đầu thì trực thăng do ông sáng chế ra cất
cánh không tốt, nhưng sau đó qua cải tiến, thì trực thăng cất cánh "ngọt xớt"
(chữ của hai ông Hai Lúa). Ôi, tôi thích cách nói đậm chất Hai Lúa và đặc "mùi
Nam Bộ" đó quá đi thôi! Như vậy, khó mà nói đó là đồ chơi được. Vả lại, rất
nhiều thiết bị quân đội không bắt đầu từ đồ chơi là gì. Đừng xem thường người ta
như thế trong khi bản thân mình chưa làm được gì dù với bằng cấp đầy mình. Thật
ra, nói theo cách nói của Tây là nếu anh chưa sáng chế được gì thì anh chưa đủ
tư cách để đánh giá sáng chế của người khác.
Nhưng tôi có thể nói rằng việc làm của ông Trần
Quốc Hải chẳng khác gì việc làm của ông Soichiro Honda ở bên Nhật lúc mới lập
nghiệp. Ông Honda kể lại rằng thời đó (sau thế chiến thứ II), ông là một thợ
máy, và ông cũng rất đam mê chế tạo xe. Ông chỉ đơn giản mua xe về, nghiền ngẫm,
và cải tiến xe đạp thành xe gắn máy. Hãng của ông chính là căn nhà nhỏ của gia
đình. Sau đó thì chúng ta biết cái xe Honda của ông trở thành một danh từ chung
của thế giới! Ngay cả sau này khi có chút tiền, ông lập “Honda Technical
Research Institute” (Viện Nghiên cứu kĩ thuật Honda), nghe thì rất "hoành
tráng", nhưng thực chất chỉ là một ngôi nhà gỗ nhỏ. Nhưng từ những bước đầu nhỏ
và đơn giản như thế mà ông có thể xây dựng được một "đế chế" Honda sau này. So
với ông Honda, ông Trần Quốc Hải có vẻ hoàn thiện hơn nhiều. Do đó, đừng xem
thường những cái sáng chế ban đầu, và cũng đừng mỉa mai người ta là chỉ "hơn đồ
chơi" một chút. Nói như thế là kiểu nói rất yếm thế.
Nhưng nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy hình như
có khá nhiều người Việt có tài toàn đi đầu quân bất đắc dĩ ở nước khác. Trước
đây, vào thế kỉ 15, Hồ Nguyên Trừng từng bị giặc Tàu bắt, và sau này ông có công
sáng chế súng cho Tàu. Một người sống vào thế kỉ 15 khác là ông Nguyễn An cũng
bị Tàu bắt làm tù binh, và sau này ông trở thành tổng công trình sư thiết kế và
xây dựng Tử Cấm Thành cho Tàu. Bọn Tàu dấu nhẹm chi tiết này, mãi đến khi một kí
giả Đức phát hiện thì chúng ta mới biết về công trạng của ông. Một người thuộc
dòng dõi hoàng tộc là Lý Long Tường, suýt tí nữa bị Trần Thủ Độ thủ tiêu, phải
chạy tuốt sang Cao Ly tị nạn, và sau này thành tướng của Đại Hàn. Có thể nói
Hoàng tử Lý Long Tường là người tị nạn vượt biển đầu tiên trong lịch sử VN. Sau
này thì kỉ lục vượt biển thuộc về người dân miền Nam Việt Nam. Bây giờ chúng ta
biết có hàng ngàn, có thể hàng vạn, chuyên gia gốc Việt đang "đầu quân" cho nước
ngoài. Trước đây, tôi đọc tin nói rằng người sáng chế ra máy tính IBM là người
Việt Nam tên là Trương Trọng Thi (Việt kiều Pháp). Xem ra, các chuyên gia, nhà
sáng chế người Việt có duyên với nước ngoài hơn là với Việt Nam.
Đáng lẽ, theo logic thông thường, một dân tộc
như thế thì VN phải giàu có chứ đâu phải nghèo hèn như hiện nay. Quả vậy, ông Lý
Quang Diệu từng nhận xét rằng VN đáng lẽ phải là một người khổng lồ, ở vị trí số
1 ở châu Á. Ông nhận xét như thế là vì ông đánh giá rất cao tinh thần sáng tạo
và sự nhạy bén của người Việt, ông hết lời khen sinh viên VN, ông dành những từ
ngữ đẹp nhất cho cộng đồng người Việt ở Mĩ. Nhưng ông chê rằng chính quyền VN
không biết trọng dụng người tài, và hệ quả là người tài ở Việt Nam đã định cư ở
nước ngoài hết rồi. Phải nói thêm là một số người tài của VN đang đầu quân cho
Singapore đấy. Không hiểu khi đọc bản tin về cha con ông Trần Quốc Hải và nhận
xét của ông Lý Quang Diệu, các nhà chức trách VN nghĩ gì. Có lẽ họ chỉ nhún vai
nói: đã làm đúng qui trình.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen