Freitag, 15. August 2014

Phản tỉnh nửa vời

Ðảng viên CS Nguyễn Ðăng Trừng bị khai trừ, một bài học cho những
đảng viên CS phản tỉnh nửa vời

 
Thiện Ý - VOA
 
Ngày 30-7, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM – đã công bố Quyết định số 3030 – QĐNS/TU về việc thi hành kỷ luật đảng viên Nguyễn Đăng Trừng, Bí thư Đảng đoàn, luật sư Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM.
Sau khi đọc bản tin trên mạng internet, chúng tôi không ngạc nhiên mà chỉ tiếc là ông Nguyễn Đăng Trừng đã không hành động như người bạn đồng môn chí thân Lê Hiếu Đằng, cũng là đồng chí hoạt động nằm vùng cho Việt cộng và trở thành một trong những thủ lãnh hàng đầu của cái gọi là “Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh đấu tranh chống Mỹ-Ngụy” (Sau đây xin gọi tắt “Phong trào”).

Lê Hiếu Đằng đã “phản tỉnh” trước khi qua đời một thời gian ngắn, tuy muộn màng, nhưng dứt khoát bằng hành động tự thú sai lầm và công khai tuyên bố quyết định ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), cùng một số hành động sau đó. Trong khi Nguyễn Đăng Trừng, theo chỗ chúng tôi được biết, cũng đã “phản tỉnh” từ lâu như Lê Hiếu Đằng và hầu hết các đảng viên được kết nạp qua “Phong trào”, nhưng vẫn giấu mặt, để giờ đây bị khai trừ khỏi đảng. Đã thế, điều gây thắc mắc cho mọi người quan tâm, là không biết luật sư Nguyễn Đăng Trừng nghĩ sao, có toan tính gì mà lại gửi văn thư số 135D/ĐLS ngày 1-8-2014 “Về việc yêu cầu thu hồi quyết định kỷ luật”?

I/- ĐÔI NÉT VỀ LUẬT SƯ NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, học luật tại Đại học Luật khoa Sài Gòn cùng với người em trai là Nguyễn Đăng Liêm, cả hai đều được Việt cộng móc nối tham gia “Phong trào” và được bí mật kết nạp vào đảng CSVN. Nguyễn ĐăngTrừng, từng là Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên đoàn Luật khoa và Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Đăng Trừng cùng Lê Hiếu Đằng tham gia “Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình” của Luật sư Trịnh Đình Thảo như một lực lượng chính trị quần chúng hổ trợ cho cái gọi là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” trên khắp các thành thị Miền Nam để cướp chính quyền. Vì tham gia Liên minh này, Nguyễn Đăng Trừng và một số cựu sinh viên luật nằm vùng khác cũng như nhiều sinh viên nằm vùng ở các phân khoa khác đã lộ mặt nên phải trốn vào bưng, sau khi làm cuộc “Tổng tiến công” mà không thấy nhân dân nổi dậy (mà chỉ thấy nhân dân bỏ chạy khi VC đến) nên đã bị thảm bại.
 
Sau 30-4-1975 cả hai anh em Trừng và Liêm đều trở thành sĩ quan công an tại Thành phố HCM. Theo một công an là cấp dưới của Nguyễn Đăng Trừng phạm tội tham ô bị nhốt chung phòng với người viết ở Sở Công an Thành phố khoảng năm 1979-1980, thì lúc đó Trừng mang cấp bậc Đại úy công an Đội trưởng KT.2 (Phòng bảo vệ kinh tế). Người công an này cho biết ông Trừng rất thanh liêm, điển hình là tem phiếu cấp mua xăng dùng không hết thì trả lại, không đem bán lại kiếm thêm tiền “cải thiện” (đời sống vốn khó khăn lúc bấy giờ) như phần đông cán bộ công nhân viên khác. Ông Trừng chỉ có tật hay nổi nóng với cấp dưới….

Sau này chúng tôi được biết thêm, Nguyễn Đăng Trừng cùng em trai là Trung úy Công an Nguyễn Đăng Liêm (từng giữ chức Trưởng Công an Cảng Sài Gòn) đều bị thuyên chuyển ra khỏi ngành công an. Nguyễn Đăng Trừng thì thuyên chuyển qua giữ chức Phó Đoàn bào chữa viên nhân dân Thành phố HCM (lúc đó chưa có quy chế luật sư đoàn) mà Trưởng đoàn là Triệu Quốc Mạnh, một Thẩm phán công tố Việt Nam Cộng Hòa, cũng là một đồng môn luật khoa hoạt động nằm vùng cho Việt cộng. Năm 1989 Đoàn Luật sư Thành phố HCM được thành lập, một thời gian sau, Triệu Quốc Mạnh được cử làm Khoa Trưởng trường luật đầu tiên tại Sài Gòn để đáp ứng với chính sách “Mở cửa”, Nguyễn Đăng Trừng lên thay làm Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố HCM cho đến ngày bị khai trừ khỏi đảng, trước khi tổ chức Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018).

Lý do Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng CSVN theo Quyết định khai trừ ngày 30-7-2014 là vì “Theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, từ năm 2012, đảng viên Nguyễn Đăng Trừng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM – trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn đã có khuyết điểm, vi phạm, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn Luật sư TP HCM, không tổ chức cho Đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn theo Quy chế làm việc đã ban hành. Thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư TP HCM vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm Quy chế làm việc của Đảng đoàn. Chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018) không đúng quy trình, thiếu công khai, minh bạch, phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán…”

Như vậy là quá rõ, tóm gọn lý do Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ là vì đã thực hiện nhiệm vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành Phố HCM một cách tùy tiện theo sáng kiến cá nhân, ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng.

II/- MỘT BÀI HỌC CHO CÁC ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN PHẢN TỈNH NỬA VỜI

Ls Nguyễn Đăng Trừng là một đồng môn Luật khoa Sài Gòn, không xa lạ với người viết, song không phải là bạn, càng không phải là “đồng chí” về mặt lý tưởng, vì ngay từ thời tuổi trẻ đến nay người viết vẫn đứng trên lập trường Quốc gia Dân Tộc, kiên trì đấu tranh cho lý tưởng tự do, dân chủ. Trong khi đồng môn Nguyễn Đăng Trừng cho đến lúc này bề ngoài vẫn tỏ ra trung thành với lý tưởng cộng sản, thể hiện qua thực tế vẫn đứng trong hàng ngũ của đảng CSVN, dù bị khai trừ vẫn gửi thư yêu cầu lãnh đạo đảng bộ Thành phố HCM rút lại quyết định khai trừ.

Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, Ls Nguyễn Đăng Trừng cũng như cố Luật gia Lê Hiếu Đằng và hầu hết các đảng viên đảng CSVN nói chung, các đảng viên được kết nạp vào đảng qua “Phong trào” trước năm 1975 nói riêng, nhờ thực tế đều đã lần hồi “phản tỉnh” từ lâu. 

Nhưng tất cả chỉ là sự “phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt” vì không dám công khai nói lên sự phản tỉnh của mình và không dám có những hành động cụ thể, tích cực tiếp theo để cải sửa những sai lầm của đảng CSVN, để chứng tỏ một sự phản tỉnh hoàn toàn.Vì vậy, về mặt khách quan, người ta cho rằng họ là những kẻ vì sợ bị bộ máy chuyên chính trấn áp, sợ tù tội, sợ mất đặc quyền, đặc lợi vốn dành cho giai cấp cán bộ đảng viên, nên đã chọn thái độ “mũ ni che tai” hay “ngậm miệng ăn tiền”. Nhưng về mặt chủ quan, để biện minh cho thái độ này thì cho đây là sự chọn lựa khôn ngoan, phù hợp với thực tế khi mà tương quan lực lượng vẫn chưa cân sức giữa đảng và chế độ độc tài toàn trị CS tại Việt Nam với các lực lượng chống đảng và chế độ. Nghĩa là “tình thế cách mạng chưa chín muồi” nên các đảng viên dù phản tỉnh vẫn giấu mặt chờ thời, để có “vỏ bọc đảng viên” thực hiện “đấu tranh nội bộ” chống lại những sai trái của Đảng, dù không đạt hiệu quả cao, nhưng an toàn và ít nhiều góp phần thúc đẩy Đảng lùi dần về phía dân chủ, tạo ra “tình thế cách mạng chín muồi”. Đây là cách biện minh của những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời. Phải chăng Nguyễn Đăng Trừng cũng đã và đang thực hiện theo cách biện minh này?

Cách biện minh trên có phải chỉ là ngụy biện để che đậy thực chất hèn nhát của các đảng viên CS dù phản tỉnh vẫn không giám công khai nói lên và chứng tỏ sự phản tỉnh của mình bằng hành động? Để có câu trả lời chính xác, đề nghị các đảng viên CS sản phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt hãy đọc lại lời của cựu đảng viên Lê Hiếu Đằng sau khi phản tỉnh đã Viết trong những ngày nằm bịnh như lời trăn trối với các đồng chí cùng cảnh ngộ trước khi nhắm mắt, rằng “ … Tôi muốn nhắn anh chị em đảng viên trong đảng còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi bằng thời điểm này để tỏ thái độ để đấu tranh. Nếu bây giờ cứ nói tình hình lúc này chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc, thì bao giờ mới đúng lúc, mới chín muồi? Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à? Quan điểm ấy rất là tiêu cực, mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày.. .. Tôi hy vọng nhân sỹ trí thức đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã hội dân sự mạnh thì nhân sỹ trí thức phải làm.Vậy thôi.” Nguồn Bô Xít VN

Vậy thì, từ sự kiện đảng viên CS Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng, những đảng viên CS phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt cần rút ra bài học kinh nghiệm gì?

Theo thiển ý, để tránh tình trạng bị “bắn sẻ” như đảng viên Nguyễn Đăng Trừng (khai trừ từng đảng viên phản tỉnh, phản đảng) hay “phản tỉnh lẻ tẻ” chẳng có hiệu quả gì, cần thiết phải có sự liên kết “phản tỉnh tập thể” cùng lúc của tất cả các đảng viên đã và đang “phản tỉnh nửa vời và còn giấu mặt”. Vì chỉ có như thế mới tạo được sức mạnh và sức nặng tổng hợp đủ vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ nền chuyên chính vô sản (bảo vệ Đảng), tạo ra được “Tình thế cách mạng chín muồi”, buộc được “bộ não xơ cứng của đảng” phải chuyển đổi theo ý nguyện của nhân nhân và chiều hướng có lợi cho dân cho nước.
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen