Montag, 18. August 2014

Phan Khôi, nhà báo khí phách

 
 
Hoàng Yên Lưu
 
Trong lịch sử Báo chí Việt Nam, kể từ nhóm học giả người Việt chủ trương những tờ báo đầu tiên như Gia định báo (1865), Thông loại khóa trình (1888), Nông cổ mín đàm (1901)… như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn văn Giàu, Diệp văn Cương, Trần Chánh Chiếu và Nguyễn Chánh Sắt… cho đến nay, kể cả Phạm Quỳnh và Nguyễn văn Vĩnh, khó tìm ra cây viết nào trên trường ngôn luận đóng góp nhiều bài vở, thời gian và tâm huyết cho báo chí như Phan Khôi (1887-1959).
Phan Khôi cũng là người viết cho nhiều tờ báo khác nhau ở cả ba miền đất nước dưới nhiều bút hiệu khác nhau như Chương Dân, Khải Minh, Tân Việt và Tú sơn… về đủ loại đề mục, từ xã hội, lịch sử, văn học tới thi ca.

- Ở Hà nội là các tờ Đăng cổ tùng báo (phát hành 1907), Nam phong tạp chí (phát hành 1917), Thực nghiệp dân báo (1920), Hữu Thanh (1921), Phụ nữ thời đàm (phát hành 1930), sau đó có lúc Phan Khôi được mời làm chủ bút.
- Ở Sài gòn, Phan Khôi viết cho Lục Tỉnh tân văn (khoảng 1919) sau đó lại bỏ ra Bắc.
Trong khoảng từ 1930 tới 1933, ông trở lại miền Nam, cộng tác với các tờ Đông pháp thời báo, Thần chung, Trung lập, Phụ nữ tân văn.
Từ 1935 tới 1936, ông viết cho báo ở Huế là Tràng an và cho ra tờ Sông hương. Ông cũng cộng tác với báo viết bằng tiếng Trung hoa (tờ Quần Báo) ở Chợ lớn.

Những bài báo thông thường chỉ có giá trị trong một giai đoạn. Nhưng tác phẩm báo chí của Phan Khôi, cũng như của Phạm Quỳnh, có nhiều bài đến nay vẫn còn giá trị, nhất là loạt bài về chữ Quốc ngữ, về quan điểm tân tiến về Nho giáo, về lịch sử cận đại, và về cải cách thi ca.
Cuộc đời của Phan Khôi, kể từ khi gia nhập làng báo (tờ Nam phong) vào một năm trước 1919 cho tới khi ông bị bẻ bút sau vụ Nhân văn-Giai phẩm vào năm 1958, trong bốn mươi năm ông sống nhờ ngòi bút, cống hiến tâm huyết cho độc giả và cuối đời chịu búa rìu dư luận nghiệt ngã nhất, chết trong thầm lặng cũng vì báo, cũng vì mục tiêu chân lý.
Đọc lại những bài báo Phan Khôi đã viết, độc giả dễ dàng nhận thấy ngòi bút của ông rất sắc sảo.
Ngòi bút của Phan Khôi bén nhậy hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông đã dùng nó như lưỡi gươm để phụng sự lý tưởng tự do và duy tân vì ý thức được khéo dùng nó thì nó mạnh hơn đao kiếm đúng như một tư tưởng Tây phương đã nói: “The pen is mightier than the sword” .
Trên luận đàn, Phan Khôi đã gây ra nhiều cuộc bút chiến nổi tiếng khiến cho những học giả đương thời như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh phảỉ nể phục trước lý luận vững chắc, đầy sức thuyết phục như bài tranh luận về tác phẩm Nho giáo của họ Trần và bài Cảnh cáo các nhà học phiệt gợi lại vụ án văn chương Truyện Kiều tranh cãi giữa Phạm Quỳnh của Nam Phong và Ngô Đức Kế của Hữu Thanh.
Còn khi chủ trương tờ Sông hương vào năm 1936 ở Huế, Phan Khôi tranh luận với linh mục Sảng đình Nguyễn văn Thích về giá trị đạo đức của cuốn Làm đĩ (Vũ Trọng Phụng) mà báo của Phan Khôi cho đăng tải thì gặp sự phản đối của người chủ trương tờ Vì Chúa.
Phan Khôi cũng bút chiến với Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật về Quốc học, với Hải Triều về duy tâm, duy vật và với Trần Huy Liệu và Huỳnh Thúc Kháng về lịch sử cận đại.
Gọi ông là nhà báo “giang hồ khí phách” không ngoa. Nhớ thuở còn tờ Phong hóa của nhóm TLVĐ, cây bút Hoàng đạo đã giễu cợt cuộc đời lênh đênh trên biển văn mặc của Phan Khôi như sau:
“Cung thiên di của ông gặp Vũ tinh nên ông nay đây mai đó như con vịt trời, gặp Cự môn vì thế khẩu thiệt đảo điên, nay cãi lý luận với ông Trần Trọng Kim, mai cãi luân lý với ông Nguyễn Khắc Hiếu.”

Cũng vì lòng chính trực, cũng vì phụng sự thiên chức của một cây viết có khí phách tôn trọng sự thực nên Phan Khôi đã đứng ra thay mặt giới cầm bút tiến bộ ở miền Bắc sau hiệp định Genève trở về Hà nội lên tiếng đòi tự do cho văn nghệ. Từ đó ông bị công kích tới mức bị bôi nhọ và bị cấm cầm bút cho tới khi tạ thế vào 1959.
Đến nay “tuyên ngôn” của ông vì chân lý, vì tự do cho báo chí trong một đoạn văn ông viết trong Giai phẩm mùa thu (1956) vẫn được thế hệ sau trân trọng nhắc tới.
Đây có thể là khát vọng và di chúc của Phan Khôi trong những năm hoạt động trên trường ngôn luận:
“Sau khi về Hà Nội không lâu, giữa một cuộc tọa đàm ở trụ sở Hội Văn nghệ, một cán bộ cao cấp lấy tư cách cá nhân đề ra cái vấn đề “tự do của văn nghệ sĩ”. Cái vấn đề ấy được giải thích là: Có một số văn nghệ sĩ nào đó đòi tự do hay là có ý đòi tự do, mà tự do một cách bừa bãi, đến nỗi “ví như một kẻ kia đi trên đường phố, thấy có người ôm cái cặp da đẹp, giật ngang lấy đi, rồi nói rằng đó là tự do của mình vì mình thích cái cặp da”. Do đó, kết luận là: phải có lãnh đạo, văn nghệ sĩ phải ở dưới quyền lãnh đạo.

Tôi thấy vấn đề đặt như thế không đúng. Sự thực trước mắt chúng ta không hề có như thế.
Bao nhiêu văn nghệ sĩ từng theo kháng chiến, không luận ở Việt Bắc, ở Nam bộ, ở Khu V, đều đã ở trong Hội Văn nghệ, đều đã bằng lòng chịu lãnh đạo rồi, nếu họ không bằng lòng chịu lãnh đạo thì họ đã không ở trong Hội Văn nghệ. Còn những văn nghệ sĩ ở vùng mới giải phóng, họ còn ở lại đây tức là họ rắp tâm chịu lãnh đạo, nếu không thì họ đã đi vào Nam. Tóm lại, văn nghệ sĩ hiện nay có mặt ở miền Bắc không ai đòi tự do bừa bãi hết, không ai định “đánh giật cặp da” hết, tôi không biết vì sao lại đặt ra vấn đề ấy.
Quả thật như vậy, văn nghệ sĩ của chúng ta chẳng những đáng yêu mà lại đáng thương nữa. Họ biết trước kia họ đã đi sai đường, họ ngoan ngoãn chịu lãnh đạo. Mồ ma Tô Ngọc Vân, anh là một họa sĩ cụp vẽ mỹ nhân, năm 1948, anh còn vẽ bức tranh màu đề là “Hà Nội đứng lên”, trình bày một người thiếu phụ tuyệt đẹp đứng hiên ngang trong đống lửa, chung quanh là những cái bếp đổ vì bom đạn.
Thế mà sau đó anh chừa hẳn cái vai cụp ấy. Ở Triển lãm Hội họa năm 1952, trong một bức tranh không có thể không có phụ nữ, thì anh vẽ một đám bà già và gái bé. Còn Thế Lữ, có lần tôi hỏi tại sao anh không làm thơ như trước kia. Anh trả lời rằng đợi đến bao giờ anh “chỉnh” lại được tâm hồn, cảm thông được với quần chúng cần lao, bấy giờ anh sẽ làm. Thứ văn nghệ sĩ như thế, mà nói họ đòi tự do, dù chưa phải là tự do bừa bãi, cũng đã oan họ lắm rồi, oan mà không có chỗ kêu.
Có lẽ bởi nhìn thấy ở một khía cạnh nào rồi nhận định hẳn như thế, nên từ đó lãnh đạo gắt hơn, kỳ tiêu diệt thứ tự do ấy của văn nghệ sĩ. Nhưng, sự thực, thứ tự do ấy vốn không có thể bị tiêu diệt, mà cái cá tính của văn nghệ sĩ, cái nghệ thuật tính của văn nghệ, nhân đó, tuy chưa bị tiêu diệt, chứ cũng đã bị thương.
Chưa nói đến cá tính và nghệ thuật tính. Ngay đến ý kiến, ngôn luận của quần chúng văn nghệ dù rất bình thường, không có gì hại, cũng bị kìm hãm. Tôi là một người đã chịu cái điều khó chịu ấy, tôi nói ra đây tưởng không có ai ác đến nỗi bảo tôi là dựng đứng hay xuyên tạc như bên địch.”
Tiếc thay lời trình bày nguyện vọng chân chính của văn nghệ sĩ lại bị từ chối bằng bạo lực và trừng phạt.
Tại sao Phan Khôi được độc giả đón nhận nồng nhiệt? Trả lời câu hỏi này, xin dẫn ý kiến của nhà phê bình Thiếu sơn Lê Sĩ Quý.
Thiếu Sơn kể lại khi họ Phan cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn ở Sài gòn, bà Nguyễn Đức Nhuận chủ bút tờ báo này đã trả lương cho ông rất cao: “Khoảng 1930 một bài văn được trả 5 đồng tiền nhuận bút là hậu lắm rồi. Vậy mà Phụ nữ tân văn dám trả 25 đồng một bài cho ông Phan. Một tháng 4 bài 100 đồng tức là hơn lương cao cấp ở Huyện, Phủ. Như vậy đâu phải văn chương hạ giới rẻ như bèo.
Phải nói là mắc như vàng mới đúng. Nhưng cũng phải nói thêm là chỉ văn chương Phan Khôi mới được giá như thế và chỉ có ông bà Nguyễn Đức Nhuận mới dám trả tới giá đó má thôi. Hầu hết độc giả bỏ 15 xu mua PNTV đều chỉ muốn coi bài của Phan Khôi hay Chương Dân, những bài viết gẫy gọn, sáng sủa, đanh thép với những đề tài mới mẻ, những lý luận thần tình làm cho người đọc say mê mà thống khoái. Cái đặc biệt của Phan Khôi là chống công thức (non-conformiste).”
Thành công của Phan Khôi trên luận đàn được đương thời và hậu thế đánh giá rất cao.
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan gọi ông là “Một tay kiện tướng” và “Ngự sử văn đàn”, thi sĩ Vũ Hoàng Chương thì công nhận “đại danh ông tú Phan Khôi như sấm dậy vang tai” và Giáo sư Thanh Lãng nhận xét Phan Khôi là “một khuôn mặt đẹp đẽ nhất thời đại”. Và còn khá nhiều mỹ từ khác nhằm chiêu tuyết cho một Phan Khôi bị nhóm hãnh tiến ở Hà nội vào 1956 như Nguyễn Công Hoan, Phùng Bảo Thạch và kể cả Thế Lữ và Tế Hanh, xúm nhau “hạ bệ” sau vụ Nhân văn-Giai phẩm.
 Hoàng Yên Lưu

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen