Mittwoch, 13. August 2014

Ls Lê Công Định kể chuyện: Cao kiến nhà sản!

 

LS Lê Công Định
 
"họ bỗng dưng bày hết cả 7 điện thoại lên bàn
và yêu cầu tôi ngồi yên phía sau..."
Vừa rồi một người bạn của tôi, đảng viên ĐCSVN, hỏi vì sao ngày xưa tôi dùng chi cả 7 điện thoại, đến nỗi khi bị bắt phía công an bày lên bàn chụp hình tất cả. Câu hỏi này tôi cũng thường nghe nhiều từ lúc ra tù. Nhân đây xin kể sự thật. 

Cho đến tháng 6/2009 tôi có hai số điện thoại, một cho giao dịch công việc và một cho quan hệ bạn bè, nên chỉ dùng 2 máy điện thoại mà thôi. Khi công an ập vào bắt tôi và khám xét văn phòng làm việc, họ lục tung các tủ đựng đồ đạc cá nhân của tôi và lôi ra mọi thứ, trong đó có 5 điện thoại đã hư mà tôi không còn sử dụng nữa.

Tôi giải thích đó là các điện thoại hư và không có sim bên trong, họ mở ra kiểm tra và cũng biết tình trạng như thế.
Tuy nhiên, sau đó một người trong số họ bỗng dưng bày hết cả 7 điện thoại lên bàn và yêu cầu tôi ngồi yên phía sau. Tôi chưa kịp suy nghĩ mục đích của hành động đó, thì một người cầm máy ảnh từ ngoài cửa phòng bước vào chụp nhanh một tấm hình. Đến lúc ra tù tôi mới thấy bức ảnh này xuất hiện khắp nơi trên mạng như một bằng chứng rằng tôi đã có nhiều hoạt động bí mật, không đường đường chính chính, nên mới sử dụng cùng lúc nhiều điện thoại như vậy. Quả là khôi hài! Nghe tôi kể, người bạn đảng viên ĐCSVN lắc đầu, kết luận: “Nhà sản lắm chiêu trò quá! Tôi cũng thuộc nhà sản nhưng không nghĩ ra nổi mấy trò đó!”

Một chuyện khác, sau khi kết thúc điều tra vụ án của tôi, Cơ quan an ninh công bố bản kết luận điều tra, mà về sau Viện Kiểm sát dựa vào đó “xào nấu” thành bản cáo trạng, rồi Tòa án “nêm nếm” thành bản án, trong đó có một chi tiết rất lý thú. Đại ý, các bản văn này đều ra nêu sự kiện, rằng nhóm chúng tôi đã cố tình lập các hộp thư điện tử (emails) và đặt ra mật khẩu riêng (password) cho những emails đó “nhằm đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng”! Lúc một điều tra viên vào gặp và yêu cầu tôi đọc, nêu ý kiến, rồi ký nhận bản kết luận điều tra. Khi xem đến chi tiết nêu trên tôi đã bật cười ha hả.

Anh điều tra viên nhìn tôi, hỏi có chuyện gì thú vị à, tôi trả lời rằng dù tôi hoàn toàn không đồng ý với nội dung và nhận định của bản văn này, chắc chắn các anh sẽ vẫn giữ nguyên, không thay đổi, nên miễn cho tôi có ý kiến theo yêu cầu; tuy nhiên, đối với chi tiết về password riêng của các emails, các anh nên sửa lại, vì ai lập email mà chẳng phải đặt mật khẩu một cách tự động, bởi đây là vấn đề kỹ thuật bắt buộc, nếu đánh giá một sự việc đương nhiên theo hướng có âm mưu lén lút như vậy, thiên hạ ắt sẽ cười nhạo cả ngành an ninh. Anh điều tra viên gượng cười một cách khó chịu, nhưng vẫn không sửa, vì sau đó tôi có dịp đọc lại các bản kết luận điều tra, cáo trạng và bản án, thì thấy họ vẫn giữ nguyên chi tiết hài hước ấy.

Thêm một chuyện khác, có lần trong lúc thẩm vấn tôi, một điều tra viên đã lên giọng chê trách tôi phụ lòng của nhà nước cho tôi đi du học nước ngoài, khi thành tài trở về, đã không phục vụ nhà nước để đền ơn, mà còn quay lại “chống phá” (!?). Tôi trả lời, xin lỗi anh, tôi không nhận một xu của nhà nước Việt Nam để đi du học, nhưng lại được chính phủ Pháp và chính phủ Mỹ cấp học bổng sang học ở nước họ, nên nếu không mang ơn 2 chính phủ đó, sao tôi lại phải đền ơn nhà nước Việt Nam cho chuyện du học này (?). Anh ấy đáp tỉnh bơ, nếu nhà nước cấm không cho anh xuất cảnh thì làm sao anh đi du học được, riêng điều đó thôi cũng là cái ơn phải trả (!?). Tôi nhìn anh điều tra viên sững sờ và thầm nghĩ đó cũng là lý lẽ sao (?). Hóa ra công dân cần được ban phát quyền tự do đi lại, chứ không hẳn đã được Hiến pháp Việt Nam mặc nhiên thừa nhận quyền ấy. Thật là cao kiến!
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen