Nỗi niềm của một nguyên đảng viên “thôi
sinh hoạt Đảng”
Đỗ
Như Ly
TÔI VÀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Nhân ngày 03-02
năm nay, tôi chẳng dám kính thưa kính gửi gì cả mà chỉ là có dịp giãi bày những
nỗi niềm của một “nguyên” đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam
(ĐCSVN).
Tôi hướng tới
Đảng Cộng sản Việt Nam
Tuổi ấu thơ niên
thiếu, ai chẳng được ông bà cha mẹ… dạy bảo hướng theo một lối sống lẽ đời, để
khi trưởng thành là người lao động có ích cho gia đình, người tốt có cống hiến
cho xã hội, gọi là thành tài thành danh. Tôi cũng may mắn được nằm trong số đó.
Khi đã biết, nhớ được, tôi đã được dạy bảo “cháu không được dối trá, tham lam,
phải thương người nghèo khó”….; “con không gây gổ, phải nhường nhịn, dĩ hòa vi
quý”… Lớn hơn, ông bà chẳng còn, bố phải trốn chạy Đội Cải cách ruộng đất vào
Sài gòn, sợ chết oan trong các cuộc đấu tố. Tôi thoát khỏi cuộc sống trong gia
đình một cách bất đắc dĩ.Thời 1954, hàng ngày đến trường luôn được nghe: “Thế
giới đại đồng, không còn chiến tranh…, xã hội cộng sản chủ nghĩa làm theo năng
lực hưởng theo nhu cầu” và “đấu tranh giai cấp, tiêu diệt giai cấp bóc lột địa chủ, tư sản….” Lớn hơn lại
được rao giảng“chuyên chính vô sản”, “Nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp triệu lần nhà nước
tư bản chủ nghĩa”, “nói dối có lợi cho cách mạngvẫn cứ làm”… Đấy là lý luận.
Còn thực tế thì bao nhiêu gương trong suốt sáng láng từ những người chịu đựng lao tù, chiến sĩ hy sinh thân mình trong chiến đấu, nhà tư bản không tiếc tài sản, nhà trí thức không màng cuộc sống giàu sang xứ người… đến cả có người không hề nghĩ đến cuộc sống riêng tư, bôn ba khắp năm châu bốn biển để “tìm đường cứu nước”, cả đời cống hiến cho “lý tưởng cộng sản”…. luôn luôn, thường xuyên ghi vào bộ não ít nếp nhăn trong điều kiện người dân nghe BBC phải lén lút, vụng trộm… (mà có phải ai cũng có cái “đài” đâu, “người trong biên chế nhà nước bậc trung” hàng năm mới được nhà nước phân phối bán cho một cái “Xiên-Mao” hay Orionton bị thu gọn băng tần chỉ nghe được đài Tiếng nói Việt Nam thôi) thử hỏi làm sao tôi không “nhiễm” tư tưởng, “lý tưởng cộng sản” do ĐCSVN “tuyên truyền giáo dục”! (Thực tế đã chỉ ra, không “nhiễm”, anh sẽ bị gạt ra ngoài xã hội, ngoài đội ngũ tức thì, đừng hòng được sống bình thường chứ nói chi đến được sống là người tử tế, có nhân phẩm – tự do – bình đẳng. Cuộc đời của Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Hữu Loan, Tuân Nguyễn, Trần Xuân Bách, Trần Độ… không đủ chứng minh sao?!). Thế là cậu bé 12, 13 tuổi cầm cờ đỏ sao vàng hồ hởi đi đón “đoàn quân trở về” năm nào “tích cực” trong mọi công việc của nhà trường để được đeo khăn quàng đỏ “mảnh tam giác phía sau tượng trưng cho Đảng, hai mảnh phía trước lần lượt tượng trưng cho Đoàn (Thanh niên Lao động, cánh tay đắc lực của Đảng), cho Đội Thiếu niên Tiền phong theo thứ tự lớn nhỏ. Cũng vì “không xuất sắc, tiến bộ” nên không được chuyển lên đoàn TNLĐ khi hết tuổi thiếu niên, lại phải “phấn đấu” hơn hai năm mới được kết nạp vào đoàn TNLĐ. Ra đời kiếm sống, không dám “phấn đấu” trở thành đảng viên ĐCSVN nữa vì biết thân phận mình bị “án treo” – con địa chủ đi Nam, nhưng trong ý nghĩ vẫn “chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”, vẫn thường xuyên hát “đảng cho tôi sáng mắt sáng lòng…”, hình ảnh người đảng viên ĐCSVN vẫn là những thần tượng mà tôi muốn noi theo,vươn tới. Tôi biết, hướng tới “lý tưởng cộng sản”, ĐCSVN như vậy đó!
Tôi “phấn
đấu”, hờ hững vào ĐCSVN
Sau khi bản thân
được “THẦY TÔI” (bài số 391 trên DĐXHDS) giải oan, niềm tin vào chân lý, vào con
người, vào công bằng, lẽ phải… như được sống lại trong tôi, tôi sống hết mình
chỉ cho công việc chẳng phút giây nghĩ đến cấp bậc, lương bổng, địa vị, “phấn
đấu” vào ĐCSVN…. Tôi sống, làm việc
chỉ theo bản năng trách nhiệm, danh dự, tính quy củ, kỷ luật, chịu khó chịu khổ…
tự nhiên như lẽ trả nghĩa cho đời, trả ơn cho nhiều người đã thương, yêu, thông
cảm, sẵn lòng giúp đỡ, bao bọc, cưu mang, nâng đỡ… tôi mà quy tụ, đỉnh cao là
thầy tôi. Thế thôi! Hơn 20 năm sống dưới chế độ cộng sản, gần chục năm sống,
quan hệ với người dân thành phố “phồn hoa giả tạo”, nhất là những tin tức
từ các nước Tiệp Khắc, Ba lan, Đông Đức qua bạn bè, người thân dội về làm tôi
thờ ơ, hờ hững việc “phấn đấu” trở thành đảng viên ĐCSVN. Tuy nhiên trong ý
nghĩ của tôi “sự lãnh đạo của ĐCSVN” vẫn là đương nhiên, mặc định. Đảng
vẫn là “niềm tin tất thắng”… Có
lẽ vì thế các đảng viên trong công ty, đã báo cho tôi, làm “Đơn Xin vào Đảng”.
Tôi không còn cảm giác hớn hở của đứa bé được vào Đội Thiếu niên Tiền phong đợt
đầu trong trường học của thủ đô vừa được giải phóng 1954. Tôi cũng chẳng có cảm
giác thỏa mãn, tự hào của tuổi 18 khi được kết nạp vào “đội hậu bị của
đảng”. Thực tình tôi hờ hững, phân
vân. Nhưng, cuối cũng tôi đã viết cái đơn xin xỏ đó, thứ nhất để muốn thanh minh
cho cái “lý lịch gia đình” sinh ra tôi chẳng chính trị chính em gì cả và
càng không có tội lỗi gì với dân với nước; thứ hai có điều kiện trình bày phải
trái, đấu tranh với những việc chưa hẳn đúng (theo ý nghĩ của tôi), không công
bằng cho những người không là đảng viên ĐCSVN trong đơn vị; thứ ba để khẳng định
mình trong đơn vị trước xã hội, trước Đảng. Chẳng hề có chút ý nghĩ để “tiến
thân” như bao người muốn vào ĐCSVN hiện nay. Và lời thề trong đơn “trung
thành tuyệt đối với Đảng, với chủ nghĩa cộng sản” càng như là một dòng chữ vô hồn, như mẫu
viết sẵn, chẳng hề tâm huyết như ba lý do trên. Đến nỗi, trong buổi họp Chi bộ
xét chuyển tôi trở thành đảng viên chính thức, tôi thực thà: “cả đêm qua, tôi
suy nghĩ có nên làm đơn chuyển chính thức hay không?”. Vì vậy, ở Chi bộ và ở cả
Đảng Ủy số phiếu đồng ý chuyển tôi thành đảng viên chính thức chỉ là “đồng
thuận cao”, chứ không là “tuyệt đối 100%” như nhiều trường hợp khác. Có lẽ tôi không
thành “đảng viên trung kiên” bắt nguồn là vậy?! Trong công ty, tôi vẫn
làm việc như xưa, tận tụy, công tâm, chẳng nề hà việc khó việc dễ… nên hơn một
tuổi đảng, tôi đã được Chi bộ bầu vào Cấp ủy và lần đó nếu tôi tự bầu cho mình
thì đã là Bí thư Chi bộ cơ quan, một Chi bộ “đầu não” của toàn công ty. Oai
chưa?! Trưởng thành nhanh chưa?! Lực lượng kế cận xứng đáng chưa?!… Tuy nhiên,
con đường hoạt động chính trị không phải là mơ ước, sở trường của tôi. Tôi sinh
hoạt Đảng chỉ vì tôi đã ở trong một tổ chức. Tôi cảm thấy khổ khi phải ngồi nghe
học tập đường lối, chính sách, nghị quyết này, chỉ thị nọ, nhất là những buổi
nghe tuyên huấn, tuyên giáo nói chuyện về tình hình thời sự trong, ngoài nước.
Danh hiệu đảng viên của tôi chẳng làm tôi vinh dự, ưỡn ngực xưng tên với ai;
nhưng khái niệm về “lý tưởng cộng sản”, hình ảnh về những con người
cộng sản, nhất là lãnh tụ tiền bối cộng sản VN, vẫn còn khá đậm màu huyền thoại
trong tôi; song tôi vẫn là tôi, người lao động có kỹ năng, trách nhiệm, kỷ luật…
Nhưng…
Tôi dằn vặt, đau
đớn “Thôi sinh hoạt Đảng”
Bận rộn việc
công, việc tư để “tồn tại” trước thời buổi nhà nhà nuôi heo, kỹ sư phải đi bán
hột gà tự mình nuôi… , sự chán nản, ngờ vực trong tôi cứ âm thầm như những siêu
vi ngày càng lan rộng trong cơ thể, để đến khi về hưu sinh hoạt trong chi bộ với
sự khác biệt trình độ, chênh lệch nhận thức tư duy… của các đảng viên; cùng sự
phát triển như bão tố của Internet, bao nhiêu thông tin ào ạt, nhảy xổ vào bộ
não nhòe nhoẹt về “lý tưởng cộng
sản” của tôi. Những ngờ vực về kinh tế chính trị học Mác-Lê thời sinh viên
tôi phải thi lại vì lần đầu viết theo nhận thức của tôi khác với bài giảng của
cán bộ giảng dạy, có thời cơ trỗi dậy. Những tài liệu của đảng CS Liên xô được
bạch hóa, những tư tưởng mới của ngay các cán bộ gạo cội cộng sản trong nước… đã
hoàn toàn thuyết phục tôi một cách khách quan, tự giác, tự nhiên… chứ chẳng chút
nào miễn cưỡng như các báo cáo, nghị quyết, chủ trương nghe phát ớn phát oải,
chỉ buồn ngủ khi phải bị nghe…
Đấy là “ní nuận”!
Còn thực tế, sự sụp đổ của Liên Xô, bức tường Berlin bị xô đổ, các nước đông Âu
rã tan, hiện tượng “mèo trắng mèo đen” ở Trung Quốc, Việt Nam phải vĩnh
biệt với nền “kinh tế kế hoạch, chỉ
huy” để chuyển sang nền “kinh tế
thị trường” tuy còn cái đoạn ruột
dư “định hướng XHCN”… đã dần giúp tôi hiểu rõ thực chất về “lý
tưởng cộng sản”. Nhất là thực tế xã hội đã làm tôi không tiêu hóa nổi cái
“lý tưởng cộng sản”, trong khi đời sống của các tầng lớp nhân dân sau mấy
năm được hưởng gió lành “đổi mới” của ĐCSVN được dễ thở một chút, còn sau đó
càng ngày càng khó khăn, cơ cực đi. Hồi “cải cách ruộng đất”, tôi còn dễ
dàng “ní giải” an ủi “thôi thì coi như nhà mình làm phúc cho các người nghèo
hơn” khi đất thổ vườn giữa làng bị Đội chia cho 6 “bần cố nông” và một phần làm trường Mẫu giáo của thôn.
Nhưng nay, những đại diện cho các tập đoàn này, phe cánh kia đã ngang ngược
tuyên bố với dân làng tôi: “các ông, các bà có bán (ruộng đất) cho chúng tôi thì
mới xây được nhà cửa (quy hoạch) được; còn không, chẳng khi nào các ông các bà
xây được nhà đâu”. Đấy! Tầng lớp đại, đại, đại chủ đất hiện ra lù lù, sờ sờ giữa
xã hội của ĐCSVN, còn “địa chủ” chỉ là danh từ còn trên sách báo mà thôi.
Sai ở đâu? Phải chăng không là từ “đất đai là của toàn dân do nhà nước quản
lý” mà nguồn gốc là từ cái “lý
tưởng cộng sản” của đảng CSVN hay sao?
Chỉ vì cái “lý
tưởng cộng sản” mà ĐCSVN đã giấu diếm, bưng bít, bán đứng quần đảo Hoàng Sa
và một phần quần đảo Trường Sa cho nước “anh em cùng hệ tư tưởng” nên
những năm qua đã gây oan khiên cho bao người nói lên sự thật trái ý ĐCSVN, đã
đang và còn gây bao mất mát, khổ đau hoặc sự chịu đựng nhục nhã cho ngư dân miền
Trung nói riêng, người dân Việt nói chung. ĐCSVN đã là tổ chức đầu tiên trong
lịch sử nước ta làm mất đất đai, biển đảo của Tổ tiên dày công lập nước với bao
máu xương đồng bào, đã ngang nhiên phớt lờ ý kiến của hơn 90 triệu dân Việt
(ngay cả, hơn 3 triệu đảng viên chắc gì đã 100% đồng ý với cách xử lý của những
người cầm đầu của ĐCSVN). ĐCSVN đã không đủ dũng cảm sám hối vì tội lỗi này với
Dân tộc, Tổ quốc. ĐCSVN có đủ trí tuệ để đưa đất nước hình chữ S này tiến kịp
các nước lân bang không, chúng ta cũng đã hình dung được! Xã hội bị tha hóa, đồi
trụy, sa đọa về mọi mặt, những người điều hành đất nước phần lớn thì ăn cắp, ăn
cướp, chia chác nhau với hệ thống chằng chịt nên họ bảo vệ, che đậy cho nhau như
mèo giấu của quý! Những người cầm trịch nhà nước, người thanh liêm một chút
(cũng có thể do “sạch vì chưa nhìn thấy bẩn”) thì bảo thủ, xơ cứng, máy móc,
sách vở, giáo điều, lý thuyết tăm tối, chắp vá, “đầu Ngô mình Sở”, lý
luận cùn xơ, suy nghĩ hủ lậu, hành xử thô thiển, hèn hạ, bỉ ổi…; người có vài
lời “chém gió” thì tham lam, ích
kỷ, nhân cách có hạn… chưa nói đến trí tuệ, tri thức toàn diện của nguyên thủ
quốc gia còn hạn hẹp. Hiện thực đó là những “nhân chứng” hùng hồn cho cái xã hội
tương lai của “lý tưởng cộng sản” ở đất nước mà tôi từ thuở ấu thơ, họ
hàng tôi, đời ông cố tôi về trước là nông dân đang hướng tới, mơ ước
ư?
Tôi day dứt, dằn
vặt loay hoay với ý tưởng ra đảng, chỉ vì tôi còn nghĩ tới động cơ, hoài bão
nghĩ đến Dân tộc, Tổ quốc của những người cộng sản tiền bối, cho dù họ đã lầm
lẫn trong phương pháp, một lối đi; những người cộng sản lớp sau ngây thơ đã ngã
xuống một cách ngoan ngoãn, hiến thân vì “lý tưởng cộng sản”. Và rồi, cái thằng “Anh tờ nét” là thủ phạm
đã giúp tôi quyết định làm đơn “Thôi sinh hoạt đảng” (04-4-2011). Hắn đã cung
cấp cho tôi bao nhiêu sự thật, bao điều trước đây tôi bị che đậy, lừa dối. Vào
giai đoạn đó, điểm đỉnh là vụ xử án “hai bao cao su đã qua sử dụng”… đó là… đó
là… Nên nhận thức của tôi cũng mới chỉ đến đó, mới là “thôi”, để trưởng ban Tổ
chức Quận ủy còn lo “nhỡ sau này chú lại xin sinh hoạt lại thì sao?” chứ
chưa được rứt khoát như một số bầu bạn của tôi đã thẳng thừng “bảng đỏ” (bỏ
đảng) cho dù đã từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”, “về Nam giải phóng quê hương”, đã từng
là “biệt động Sài Gòn”, đã từng
bị chế độ Cộng hòa Sài Gòn “cho sống và sanh con ở nhà tù Côn Đảo”… Qua đó tôi
mới thấm thía được một khái niệm rất đơn giản: nhận thức đòi hỏi một quá trình,
phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, đời sống của mỗi người, phụ thuộc vào nguồn thông tin và cả khả năng (não
bộ) của từng người… Và nhận thức luôn luôn đi ngược với sự trung thành. Song,
nhận thức chỉ làm người ta vươn lên đỉnh cao, chứng tỏ người ta sáng suốt, tinh
tường hơn mà thôi, tất nhiên nhận thức tiến bộ hơn chắc chắn là sự nhận thức lại một khái niệm, một quan điểm… Vì vậy, những ai còn vấn vương với trung
thành có cần thiết lăn tăn, mất ngủ nữa không? Còn với ai vẫn muốn “giữ con
ngươi của đôi mắt” thì sao không nghĩ sâu thêm giữ “con ngươi” cuối
cùng là để làm gì, nếu không phải vì giữ con người? Phải đặt cuộc sống
của con người lên trên bất cứ lý thuyết viển vông, ảo
tưởng nào khác mà ĐCSVN đang “mò mẫm”và phải thừa nhận một cách cay đắng,
xót xa “… đến hết thế kỷ này ,không biết đã có CNXH hoàn thiện ở
Việt nam hay chưa…”. Nhiều người hiện nay cứ trách móc các cụ lão thành cách
màng là thế này thế nọ, tôi cho rằng như vậy hơi khắt khe và không hiểu cho các
cụ. Tôi dám cả quyết thời các cụ “nóp với gươm”, “cùng nhau đi Hồng binh” hay “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chưa hề biết rạch ròi về
cộng sản như chúng ta ngày nay. (Cảm ơn sự tiến bộ của nhân loại, khoa học kỹ
thuật truyền thông, nếp sống của các nước tiên tiến đã mở mắt cho tôi). Thế thì
chúng ta cứ phải tăng cường đối thoại để tất cả mọi người sẽ “ngộ” ra!, “nói phải củ cải cũng nghe”. Thời đại nay, lý lẽ và
thực tế cuộc sống mới thuyết phục được mọi người, mới thu phục được lòng
dân, ai không thấy điều đó mà cứ
hành xử theo lối mòn của hàng trăm năm trước chỉ là nhũn não mà
thôi!
Sau khi tôi “thôi
sinh hoạt Đảng” (cũng phải hơn 5 tháng với mấy thủ tục nhiêu khê, có dịp tôi sẽ
kể sau) tôi cảm thấy nhẹ nhõm, hoàn toàn thoải mái; tuy việc “được kết nạp
vào Đảng” của tôi khó gấp ba lần
người bình thường khác. Tôi đã thực sự từ bỏ được “lý tưởng cộng sản”! Bye! Bye! Cộng
sản!
Mấy lời
cuối
Tôi biết bài viết
này, tối thiểu có người khó chịu, có người chau mày, đập bàn… tuy tôi không nổi
tiếng, là người của công chúng như ông Lê Hiếu Đằng, TS Phạm Chí Dũng, nhà văn
Phạm Đình Trọng… nhưng rất có thể tôi cũng vẫn có thể sẽ gặp ít nhất là một số
phiền toái, còn cao hơn nữa là gì chắc các bạn cũng hình dung ra. Tôi dự đoán
như vậy, vì chỉ mấy bài viết như bài Tập làm văn của học sinh trung học về những
kỷ niệm riêng tư, suy nghĩ cá nhân gửi cho Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự mà Công an khu
vực đã đến “thăm sức khỏe chú” tại nhà riêng và yêu cầu khai “Lý lịch cá
nhân” theo mẫu B18 sặc mùi tội phạm (“các mối quan hệ có liên quan phạm pháp,
tiền án, tiền sự”) và ngày mọi
người đưa Ông Lê Hiếu Đằng về “miền yên tĩnh” cũng lại bị hỏi “chú có
đi đưa tang không?”. Vâng!
Nghiệp vụ của công an, họ cứ làm; nhưng chẳng lẽ tôi là một người dân nước Cộng
Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc mà ĐCSVN đang “lãnh
đạo triệt để, toàn diện” xây dựng
XHCN tiến lên Cộng sản chủ nghĩa, có sự tự do “gấp triệu lần các nước…” mà lại
không được mở miệng nói những suy nghĩ của mình ư? Họ thích cấm tôi suy nghĩ,
cấm tôi nói ra những điều khác ý họ. Cấm tôi nói thì họ làm được, vì họ sẽ
“khâu” miệng tôi lại, bằng đủ mọi cách do họ có cả “hệ thống chính
trị” đầy quyền lực. Còn cấm tôi suy
nghĩ thì các bạn nghĩ họ có “đạo đức, văn minh”, có thông minh, thực tế
và làm được không? Thế đó! Họ hành xử với tôi và những người khác như thế nào,
đấy chính là họ tự lột cái mặt nạ dân chủ, tự do, hạnh phúc mà tự họ tô vẽ mỹ
miều để lộ ra cái gì thì chúng ta đủ nhận ra (độc tài, toàn trị, độc
ác).
Thực tế cuộc sống
sẽ soi rọi ra cả những cái kim nằm dưới đáy biển, chẳng thế lực nào giấu diếm,
che đậy, bóp méo mãi chân lý được!
Sài gòn, Xuân con
ngựa 2014
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen