Freitag, 28. Februar 2014

ĐIỂM GIỐNG NHAU GIÁP RANH CƯỜNG QUỐC ĐỘC TÀI VÀ THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG. CHÍNH BIẾN Ở UKRAINE VÀ THÁI LAN

ĐIỂM GIỐNG NHAU GIÁP RANH CƯỜNG QUỐC ĐỘC TÀI VÀ THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG.
CHÍNH BIẾN Ở UKRAINE VÀ THÁI LAN
tka23 post
   Những tháng vừa qua, cộng đồng quốc tế dồn sự chú ý vào hai cuộc biểu tình,  bạo lực, diễn ra tại hai quốc gia xa cách nhau về địa lý và chính trị. Đó là Ukraine ở châu Âu và Thái Lan ở châu Á.
Mặc dù có nhiều sự khác biệt, phong trào biểu tình ở hai quốc gia trên vẫn có những nét chung tiêu biểu mà bất kỳ một nền kinh tế đang phát triển nào phải đối diện, bắt nguồn từ sự chuyển đổi của kết cấu xã hội, mâu thuẫn địa phương  và sức ảnh hưởng có hạn của giới lãnh đạo.
Biến đổi xã hội
Căn cứ theo tài  liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Thái Lan xếp thứ 92 trên thế giới về GDP  đầu người, trong khi Ukraine là 106. Điều này có nghĩa là cả hai quốc gia đều thuộc diện “thu nhập trung bình”, không giàu nhưng cũng không nghèo.
Tại hai nước này, đa số người dân biết chữ và tỷ lệ dân số được hưởng nền giáo dục đầy đủ ngày càng gia tăng. Họ mong muốn có một chính phủ duy trì nền kinh tế vững chắc, tạo ra công ăn việc làm và cung cấp dịch vụ  cao.
Nền kinh tế của các quốc gia này hiện vẫn chưa đủ mạnh và an toàn, trong khi tương lai của người dân và con cái họ phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp của chính phủ”, Giáo sư Jack Goldstone, thuộc đại học George Mason (Mỹ), viết trong một bài báo trên trang Russia Direct.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng người dân hai quốc gia trên rất coi trọng vấn đề chống tham nhũng và tăng cường trách nhiệm giải trình, như một cách đánh giá, liệu đất nước có thể bắt kịp với mức sống của các nước giàu hơn, hay quay trở lại mức chuẩn của những nước nghèo.
Theo đánh giá năm 2013 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số nhận thức tham nhũng của Thái Lan là 102, trong khi của Ukraine là 144, trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ được điều tra.
Mặt khác, thể chế chính trị của hai nước đều đi theo mô hình dân chủ phương Tây, nhưng tình trạng gian lận bầu cử, lạm dụng chức quyền và chia sẻ lợi ích kinh tế cho người ủng hộ, diễn ra khá thường xuyên.
Theo sử gia nổi tiếng Thái Lan Nidhi Eoseewong, hàng triệu nông dân gia nhập tầng lớp trung lưu, đấu tranh đòi hỏi quyền được đại diện, trong khi đó tầng lớp tinh hoa, bao gồm cả tầng lớp trung lưu cũ, không chấp nhận điều này.
Phe áo vàng phản đối Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, là bởi cho rằng họ “mua chuộc” người nông dân  qua các chính sách ưu đãi, từ đó làm tổn hại đến lợi ích của tầng lớp trung và thượng lưu.
Còn tại Ukraine, tiêu điểm của phong trào biểu tình không chỉ còn xoay quanh hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU), mà tập trung vào kết cấu quyền lực hiện tại. Trước khi truất phế  cựu tổng thống Viktor Yanukovych, phe đối lập từng yêu cầu ông từ chức, để mở đường cho cuộc bầu cử mới. Họ tố cáo ông tập trung quá nhiều quyền lực trong tay, khuynh đảo cả quốc hội. Rất nhiều đề nghị cải cách được đưa ra, nhằm thay đổi luật hiện hành và thậm chí là cả hiến pháp.
Mâu thuẫn địa phương
Từ sau khi giành được độc lập năm 1991, Ukraine luôn ở trong tình trạng mâu thuẫn giữa hai miền đông và tây. Sự mâu thuẫn này thể hiện qua kết quả mỗi lần bầu cử, bắt nguồn từ lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa.
Tại Ukraine, người dân nói tiếng Nga ở cả phía đông và phía nam. Tại một số nơi, như bán đảo Crimea, nó là ngôn ngữ chính. Điều này chủ yếu là do lượng lớn người nhập cư từ Nga trong thời Xô Viết.
Tại những vùng ở cực tây, nơi Ba Lan và Áo từng thống trị trong hàng trăm năm, cư dân nói tiếng Ukraine, có xu hướng dân tộc chủ nghĩa và đồng nhất với Trung Âu.
Nhiều chuyên viên  cho rằng, nếu như cựu tổng thống Yanukovych tập hợp lực lượng tại khu vực miền đông, thì miền tây đất nước nhất định sẽ có hành động tương tự nhằm bảo vệ cho quan điểm một đất nước Ukraine duy nhất.
Tại Thái Lan, cuộc đấu quyền lực giữa Bangkok và các tỉnh miền đông bắc đông dân bắt nguồn từ hơn 100 năm trước. Cuộc bạo loạn năm 1902 tại khu vực đông bắc bị chính quyền quân sự đàn áp đẫm máu.
   Bầu cử dân chủ và sự phát triển của đảng phái chính trị do Thaksin lãnh đạo, cũng như sự quan tâm đặc biệt của ông với khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các tỉnh miền bắc phát huy sức mạnh chính trị.
Khu vực này với ưu thế có lượng cử tri chiếm một phần ba toàn quốc, có thể quyết định chính phủ nào được phép cầm quyền. Chính vì vậy, chính phủ buộc phải có những chính sách lấy lòng người dân nơi đây, thậm chí là những quyết định gây nhiều tranh cãi. Điều này khiến người dân thủ đô Bangkok khó lòng chấp nhận được.
Lãnh đạo yếu thế
Các nhà lãnh đạo của Ukraine và Thái Lan đều đã bước sang nhiệm kỳ thứ hai trong thời gian cầm quyền. Họ phải đối mặt với những rắc rối  liên quan đến một số quyết định đã đưa ra, tạo cớ cho phe đối lập tận dụng.
Bà Yingluck tuy mới chỉ làm thủ tướng chưa trọn một nhiệm kỳ, nhưng được cho là thừa hưởng di sản và sức ảnh hưởng chính trị của anh trai. Ông Thaksin từng hai lần thắng cử.
Cuối năm 2013, đảng Pheu Thai cầm quyền do bà đứng đầu đề nghịt dự luật mở rộng phạm vi ân xá cho những người liên quan đến tình trạng bạo lực trong giai đoạn 2006-2010, mà phe đối lập cho rằng sẽ mở đường cho cựu thủ tướng Thaksin về nước.
Gia đình Shinawatra được miền bắc và đông bắc ủng hộ, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Bangkok, miền trung và miền nam.
Còn ông Yanukovych bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình sau khi bị lật đổ trong cuộc cách mạng Cam năm 2004. Tháng 11/2013, ông từ chối ký một hiệp định thương mại với EU và chấp nhận thỏa thuận tài chính với Nga, làm bùng lên phong trào biểu tình chống chính phủ. Kết quả là chính phủ của Yanukovych bị lật đổ và ông buộc phải rút chạy về Kharkov, căn cứ chính trị ở miền đông. Từ đó , không ai biết ông đang ở đâu. (Yanukovych đề nghị Nga bảo vệ) Hiện ông trốn sang Nga.
Theo giáo sư Goldstone, các nhà lãnh đạo ở cả hai nước đều không có đủ quyền lực để ra lệnh cho quân đội can thiệp. Bất kỳ sự đàn áp nào của chính phủ cũng có thể gây tác dụng ngược và củng cố thêm sức mạnh cho lực lượng đối lập. Nếu các cuộc biểu tình tiếp tục phát triển, chính phủ sẽ hướng tới sự thỏa hiệp hoặc lãnh đạo từ chức.
Tại Ukraine, cựu tổng thống Yanukovych buộc phải cách chức tướng
Volodymyr Zamana, tổng tham mưu trưởng lục quân. Lý do là vì ông Zamana từng công khai phản đối quyết định thiết lập tình trạng khẩn cấp và tuyên bố “không ai có quyền sử dụng quân đội để hạn chế quyền công dân”.
Nhưng lần điều động nhân sự này không cứu vãn nổi cục diện chính trị bất lợi với Yanukovych, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát chống bạo động và người biểu tình khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Đảng Các khu vực, đảng của ông Yanukovych, ra thông cáo khiển trách các mệnh lệnh của tổng thống và đổ hết trách nhiệm lên đầu ông.
Còn tại Thái Lan, quân đội là lực lượng chính trị có sức ảnh hưởng quan trọng trên chính trường nước này trong hàng chục năm qua. Chính quân đội đã phát động cuộc đảo chính năm 2006, lật đổ cựu thủ tướng Thaksin. Tuy nhiên, quân đội Thái Lan hiện vẫn giữ vững lập trường trung lập, bất chấp sức ép từ người biểu tình chống chính phủ.
Theo CNN, bằng cách làm tê liệt Bangkok, các thủ lĩnh của phong trào chống đối chính phủ hy vọng sẽ khiến chính quyền Yingluck phải áp dụng những biện pháp cứng rắn, hoặc có thể khuấy động bạo lực trong phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ. Sau đó, họ sẽ tận dụng sự bất ổn này để tuyên bố chính phủ không có khả năng cầm quyền hợp pháp, và tạo một cái cớ cho quân đội khởi động một cuộc đảo chính .
TỔNG HỢP

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen