Dienstag, 7. Januar 2014

Cam Bốt : Chính quyền gia tăng trấn áp, đối lập tạm lui tìm cách phản công

Cam Bốt : Chính quyền gia tăng trấn áp, đối lập tạm lui tìm cách phản công 

Nhân viên an ninh và dân sự được vũ trang được huy động trấn áp đối lập tại quảng trường Tư do ở Phnom Penh ngày 4/1/2014
Nhân viên an ninh và dân sự được vũ trang được huy động trấn áp đối lập tại quảng trường Tư do ở Phnom Penh ngày 4/1/2014
REUTERS/Samrang Pring

 Sau vụ thẳng tay tay bắn vào công nhân biểu tình  làm nhiều người thiệt mạng, chính quyền Cam Bốt tiếp tục chiến dịch trấn áp phong trào phản kháng đồng thời quy tội phe đối lập kích động gây rối. Trước tình thế đó, lãnh đạo đối lập phải tạm lui nhưng vẫn không từ bỏ ý định đòi Thủ tướng Hunsen từ chức. Trước ngày kỷ niệm 35 năm quân đội Việt Nam giải phóng Cam Bốt khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, mùng 7 tháng Giêng năm 1979, không khí trấn áp ở thủ đô Phnom Penh tiếp tục căng thẳng. Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh tường trình :

 Chính quyền gia tăng trấn áp
Sáng nay, 5 người hoạt động chống trục đuổi nhà gồm: Yorm Bopha, Tep Vanny, Phan Chhunreth, Song Srey Leap, và Bo Chhorvy đã bị cảnh sát bắt khi đang trên đường đến trước cổng Tòa Đại Sứ Pháp tại Phnom Penh đưa kiến nghị đòi thả những nhà hoạt động cho quyền có nhà ở bị bắt hôm cuối tuần rồi. Đây là đợt bắt giữ mới nhất khi chỉ còn một ngày là chính quyền làm lễ kỷ niệm ngày 7/1, ngày bộ đội Hà Nội đánh bại Khmer Đỏ và rồi lưu lại xứ Chùa Tháp 10 năm.

Thứ Sáu tuần qua, khi Thủ Tướng Hun Sen vừa về Phnom Penh sau chuyến đi Hà Nội, công luận mục kích các bước đi mạnh bạo của chính quyền, một là quyết dẹp bỏ cuộc biểu tình của mấy trăm công nhân ngành may mặc ở khu vực phía Nam Phnom Penh, nơi tập trung nhiều hãng may dệt và khu lưu trú của nhiều ngàn công nhân; Hai là bắn chết 5 công nhân biểu tình, theo con số mới nhất, và bắn bị thương khoảng 10 công nhân.
Chưa hết, bước qua ngày thứ Bảy, chính quyền quyết định dẹp tan khu vực của người biểu tình tại Công Viên Tự Do, phá nát hết các trang bị của phe đối lập dựng lên tại đây. Theo các nhân chứng tại chỗ, họ thấy nhiều người mặc thường phục, cách để tóc và màu da giống như người Việt, nằm trong số nhân viên nhà nước đi đánh dẹp biểu tình.
Từ tình hình đó, hai nhân vật lãnh đạo đối lập đã lui vào bóng tối. Hiện nay, chưa ai biết họ ở đâu. Có người phỏng đoán hai ông Sam Rainsy và Kem Sokha chạy vào Tòa Đại Sứ Mỹ lánh nạn. Có người nói hai ông tạm thời ở một nơi khác tại Phnom Penh. Tuy nhiên, nguồn tin từ phe đối lập cho biết, hai ông vẫn an toàn và vẫn kiên trì cuộc xuống đường bất bạo động.
Những cuộc xuống đường rầm rộ của mấy trăm ngàn người vào tuần trước đòi ông Hun Sen từ chức đã gây không khí phấn khởi cho người dân Phnom Penh và cũng đặt một áp lực khiến gây sự lo sợ cho chính quyền, đặc biệt là gia đình ông Hun Sen, nên buộc họ phải mạnh tay để tiếp tục giữ quyền lực thống trị trên xứ Chùa Tháp.
Có thể nói rằng, cuộc bầu cử Quốc Hội nhiệm kỳ này đã đẩy Cam Bốt vào cuộc khủng hoảng chính trị mới mà đến nay vẫn chưa có lối ra. Chính quyền mới đây loan báo sẽ chia số ghế của Đảng Cứu Nguy Dân Tộc cho các đảng phái khác, dù rằng các đảng nhỏ này không chiếm được một ghế trong cuộc bầu cử ngày 28/7/2013. Quyết định chia ghế như thế đã chính thức đẩy phe đối lập ra hẳn đường phố, và thành lập một Quốc Hội độc đảng, hay một Quốc Hội bao gồm phần lớn của Đảng Nhân Dân Cam Bốt và các đảng vệ tinh của họ.
Điều đáng lưu ý là quyết định này được thông báo sau chuyến đi Việt Nam của ông Hun Sen, và càng chú ý hơn khi đài Truyền Hình Việt Nam chuyển tải thông báo này nhưng lại không thông báo việc chính quyền Cam Bốt bắn chết người khi đàn áp biểu tình.
Đối lập lui về thế thủ nhưng không từ bỏ kế hoạch đã định
Những người biểu tình hiện nay đã trở về nơi sinh sống, phần lớn ở miền quê. Thế nhưng tình cảm của họ vẫn đọng lại ở các cuộc xuống đường. Chính quyền dẹp tan cuộc biểu tình trên bề mặt nhưng tâm trạng chống đối một chính quyền độc tài không bị đánh mất trong tâm tư của đa số người dân Cam Bốt.

Đứng trước tình hình thoái lui của phe đối lập, nhiều người đang đặt câu hỏi, đối lập sẽ làm gì trong những ngày sắp tới. Nguồn tin của phe đối lập cho biết, chính quyền đang tìm cách trấn áp để ông Sam Rainsy phải bỏ Cam Bốt chạy ra ngoài lánh nạn như mấy lần trước đây. Tuy nhiên, theo khẳng định của phe đối lập, ông Sam Rainsy sẽ không ra đi và quyết ở lại để tiếp tục cuộc xuống đường đấu tranh cho dân chủ.
Có tin vào ngày 8/1 ông Sam Rainsy sẽ mở cuộc họp báo để thông báo về tình hình chính trị hiện nay của Cam Bốt và các bước đi kế tiếp của đối lập. Vào giữa tháng này, có thể hai ông Sam Rainsy và Kem Sokha phải ra trả lời trước cơ quan tư pháp về cái sai trái mà chính quyền gọi là kích động bạo lực.
Chính quyền đang áp dụng bài bản cũ, tức là họ một mặt dùng lực lượng an ninh trấn áp thẳng thừng để bảo vệ chế độ, và dùng cơ quan pháp luật để kết tội những người hoạt động đối lập là phá rối trật tự, dùng bạo loạn để lật đổ chính quyền hợp pháp.
Với cách tiến hành không bạo động, đối lập Cam Bốt dễ bị đánh tan khi an ninh nổ súng nhắm vào họ. Tuy nhiên, chiếc ghế thủ tướng suốt đời của ông Hun Sen không an toàn tuyệt đối và có thể bị đổ ngã khi mà lòng dân cứ không yên về cung cách cai trị hiện nay của ông.
Kỷ niệm ngày 7/1, mối quan hệ hai chính quyền và tình thế người Việt tại Cam Bốt
Ngay sau phái đoàn hùng hậu của ông Hun Sen rời Việt Nam thì một phái đoàn khác của Cam Bốt do Chủ Tịch Quốc Hội Heng Samrin đến Hà Nội với mục đích thắt chặt quan hệ hai nước và đặc biệt là để cám ơn nhà nước Việt Nam đã từng giúp Cam Bốt hồi sinh sau đại nạn diệt chủng của Khmer Đỏ. Ông Heng Samrin phát biểu nhân chuyến đi này là chỉ có chính quyền Việt Nam giúp đỡ Cam Bốt, trong khi Cam Bốt kêu cứu thế giới thì không ai đến giúp.
Cả hai chuyến đi của ông Hun Sen và ông Heng Samrin diễn ra trước ngày 7/1, điều này khẳng định hai chính quyền hiện nay quyết củng cố thành quả của họ kể từ sau ngày 7/1/1979. Lúc viếng thăm Việt Nam theo tin từ báo chí Việt Nam và đài VOA chương trình tiếng Khmer thì ông Hun Sen đã xưng bí danh Việt Nam khi nói chuyện với các cựu bộ đội từng tham gia chiến dịch đánh vào Cam Bốt đêm 24/12/1978, và trong cuộc nói chuyện ông đã nói bằng tiếng Việt với âm giọng Miền Bắc, cạnh đó ông Hun Sen cũng trao phong bì cho từng cựu bộ đội, trong mỗi phong bì có 200 Mỹ Kim dành cho mỗi người.
Ngày 7/1 năm nay đến trong không khí mà người dân Cam Bốt bày tỏ tình cảm chống Việt khá mạnh qua các cuộc biểu tình trong nửa tháng qua. Điều này khiến chính quyền phải thắt chặt an ninh nhiều hơn. Trong cuộc biểu tình hôm thứ Sáu tuần rồi, nhiều hàng quán của người Việt đã bị đập phá tan nát, tổn hại tài sản nghiêm trọng, gây tâm lý hỗn loạn cho một số gia đình người Việt.
Tinh thần bài Việt của những người thuộc phe đối lập không tan rã, trái lại điều này gây ra một nguy cơ tiềm tàng cho tương lai. Liệu rằng khi chế độ Hun Sen không còn thì có xảy ra tình trạng giết người Việt hay không? Không ai đoán trước được. Một điều nữa, từ khi chính quyền Hun Sen thiết lập bang giao với Việt Nam, chính quyền Việt Nam đầu tư vào Cam Bốt rất nhiều, vừa vì quyền lợi của chế độ tại Việt Nam, vừa trong thế cạnh tranh với Trung Quốc. Chính vì những quyền lợi kinh tế - chính trị này mà Hà Nội cần sự cầm quyền vững bền của chế độ hiện nay tại Cam Bốt.

__._,_.___

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen