Samstag, 11. Januar 2014

Xã Hội Dân Sự tại Nông Thôn Việt Nam

 
Xã Hội Dân Sự tại Nông Thôn Việt Nam
(Civil Society in Rural Vietnam)
Bài của Đoàn Thanh Liêm.
Trong khoảng mười thế kỷ tự chủ, cha ông chúng ta đã xây dựng được một xã hội tương đối phát triển, ổn định và hài hòa. Nhất là tại các vùng nông thôn, thì các thuần phong mỹ tục vẫn được củng cố, duy trì qua bao nhiêu thế hệ. Kể cả sau khi bị mất chủ quyền vào tay người Pháp vào giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, thì cái lề thói sinh họat truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình, cũng như ngoài xã hội Việt nam vẫn không bị phá hoại, mai một hư hại đi là bao nhiêu.
Từ ngàn xưa, cha ông chúng ta vẫn thường nêu cao khẩu hiệu “Phép vua thua lệ làng”, ngay dưới thời quân chủ phong kiến mà quyền hành của nhà vua được coi như tuyệt đối (Absolute monarchy).Vào thời đó, tại các miền nông thôn đã có chế độ “Xã thôn tự trị” (Community Autonomy), tức là tại các làng xã, chính quyền và dân chúng địa phương được dành nhiều quyền tự trị rông rãi, chứ không bị quá ràng buộc, lệ thuộc vào chính quyền ở trung ương tại kinh đô do nhà vua điều khiển. Mỗi làng xã đều có ngân sách riêng để tự mình lo trang trải các chi tiêu của địa phương, và như vậy là các hương chức có quyền thâu thuế để nộp vào ngân sách của làng. Dĩ nhiên là họ cũng có trách nhiệm thâu thuế cho chính quyền cấp tỉnh,cũng như cấp trung ương. Tức là cũng có 3 cấp chính quyền tương tự với ở các quốc gia văn minh ngày nay trên thế giới.

Phân tích chi tiết hơn về sinh họat xã hội tại nông thôn từ hồi trước 1945, ta thấy người dân phần đông được sống thoải mái trong bầu không khí yêu thương gắn bó của dòng tộc và tình liên đới tương trợ lẫn nhau của xóm giềng. Cái nếp sống thanh bình thân ái đó mà được duy trì lâu ngày, đó là nhờ nơi đức độ và uy tín của các bậc tôn trưởng là những vị lãnh đạo tinh thần tại hạ tầng cơ sở nông thôn trong xã hội cổ truyền Việt nam từ ngàn xưa, mà ngay dưới thời Pháp thuộc thì cũng vẫn còn giữ vững được. Các vị tôn trưởng này gồm một số quan chức đã hồi hưu, các vị đồ nho vốn là thầy dậy học cho các sĩ tử ở địa phương, các vị tu sĩ Phật giáo, Công giáo, và một số những nhân sĩ “xuất thân từ những dòng họ vốn có danh giá và được trọng vọng tại địa phương” v.v…Đây chính là những thành phần cốt lõi, rường cột của cộng đồng địa phương tại mỗi xóm làng ở nông thôn nước ta từ ngàn xưa. Chính cái tập thể giới lãnh đạo này từ nhiều thế hệ đã duy trì được nếp sống an vui, trật tự, điều hòa và nhân ái tại hạ tầng cơ sở nông thôn của chúng ta.
Và nhờ các vị tôn trưởng này mà Xã hội Dân sự ở nông thôn đã giữ vững được vị thế và vai trò quan trọng của mình trong cộng đồng dân tộc. Như ta đã biết, khái niệm về Xã hội Dân sự (XHDS) mới chỉ được phổ biến thông dụng trong mấy chục năm gầy đây, nhất là sau khi chế độ toàn trị cộng sản bị sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô từ năm 1989 trở đi.Đó là một khu vực cùng tồn tại song hành với khu vực Nhà nước và khu vực Thị trường, để tạo thành cái Không gian Xã hội ( The Social Space = The State + The Marketplace + The Civil Society). Và theo định nghĩa như vậy, thì ngay trong xã hội cổ truyền ở nước ta hay tại Trung hoa, trước khi đảng cộng sản nắm trọn quyền hành để thiết lập nên một chế độ độc tài chuyên chế toàn trị (totalitarian dictatorship) nhằm chiếm lãnh độc quyền không những về chính trị, kinh tế, xã hội, mà còn cả về mặt văn hóa, tinh thần và tâm linh nữa, XHDS vẫn tồn tại trong sinh họat thường ngày của các cư dân tại mỗi địa phương. Tức là từ khi đảng cộng sản chiếm được trọn bộ quyền hành rồi, thì họ đã chi phối không những bộ máy Nhà nước, guồng máy kinh tế, mà còn khống chế, lũng đoạn toàn bộ khu vực XHDS nữa. Ta sẽ phân tích chi tiết khía cạnh này trong phần tiếp theo sau đây, khi so sánh tình hình ở nông thôn ở hai giai đoạn trước và sau năm 1945 kể từ khi đảng cộng sản lên nắm chính quyền.

1/ Như ta đã biết, trước khi người Pháp xâm chiếm nước ta, thì ngay đến giữa thế kỷ XIX, nền kinh tế Việt nam hoàn toàn là nền kinh tế nông nghiệp và tuyệt đại đa số nhân dân ta đều sinh sống tại nông thôn. Thời đó hầu như chưa có kỹ nghệ, mà chỉ có tiểu thủ công nghiệp, cũng như buôn bán nhỏ lồng trong đại bộ phận là sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, kỹ thuật thô sơ và năng xuất còn rất thấp. Đa số người dân suốt đời quanh quẩn trong phạm vi làng quê được bao bọc bằng lũy tre xanh vây xung quanh làng, do vậy mà họ quen biết lẫn nhau, gắn bó thân thiết với nhau và có tình liên đới tương trợ lẫn nhau mỗi khi “tắt lửa tối đèn”, hay gặp khi “trái gió trở trời, tai trời ách nước” v.v… Gia đình nào thì cũng phải lo việc “Hiếu, Hỷ” tức là việc tang ma, giỗ chạp cho cha mẹ, ông bà, hay đám cưới đám hỏi cho con cháu ; mà thường gọi là việc “Quan, Hôn, Tang, Tế”. Và mỗi lần như vậy, thì bà con lối xóm cùng nhau xúm vào giúp đỡ gia chủ trong mọi chi tiết thông thường của những loại biến cố của sinh họat gia đình thường xuyên như thế này. Họ giúp đỡ nhau bằng cách cho mượn chén bát, nồi niêu, bàn ghế, giúp làm lều rạp che, giúp cả việc nấu nướng để đãi ăn cho cả hàng trăm thưc khách. Và nhất là còn cho khách từ xa đến trú ngụ tại nhà mình, bởi lẽ căn nhà của gia chủ thường không bao giờ đủ rộng rãi để có thể chứa được số đông bà con của chính họ từ phương xa mà đến như vậy.
Người nông dân lại còn giúp đỡ nhau ngay cả trong việc xây cất, sửa chữa nhà cửa và cả trong việc đồng áng theo thể thức “Vần công, đổi công cho nhau”, nay cho nhà này, mai lại đến nhà mình v.v… Nhờ các việc giúp đỡ lẫn nhau như vậy (mutual assistance), mà bà con trởthành gắn bó, liên kết thân mật chặt chẽ với nhau. Từ đó, nếp sống cộng đồng có cơ được an vui, phấn chấn và mỗi thành viên cảm thấy thoải mái, thân thương với môi trường sinh hoạt đấy ắp tình người, tình xóm giềng, nghĩa đồng hương. Đến nỗi mà nhân gian có câu :”Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Thứ nhất cận lân, thứ nhì cận thân”, tức là có ý nói : “Cần phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, thân thiết với bà con láng giềng kề sát với mình”, giống như người Mỹ thường nói : Good neighborhood.
Và như đã ghi ở trên, chính các bậc tôn trưởng được mọi người trong xóm làng tín nhiệm, cảm phục và mến yêu vừa do đức độ, tài năng bản thân và cũng vừa do uy tín của các bậc tiền nhân đã từng có công đức lớn lao đối với dân làng, thì các vị đó đã đóng vai trò của giới lãnh đạo cho toàn thể cộng đồng địa phương xóm làng. Các nhân vật này, ta có thể còn tìm thấy dấu tích của họ như đã được ghi chép khá trung thực, chính xác trong các cuốn gia phả của nhiều dòng họ, mà hiện nay con cháu bao nhiêu đời sau vẫn còn giữ được. Khảo sát cặn kẽ gia phả của những dòng họ danh giá tại địa phương, chúng ta còn có thể thấy rõ được những công trạng to lớn, những đóng góp tuyệt vời của các bậc “sĩ phu quân tử” này đối với địa phương cơ sở mà dòng tộc của họ đã lâu đời lập nghiệp và sinh sống tại đó. Các nhân sĩ này cũng còn được liệt kê trong những cuốn Địa dư chí của mỗi địa phương. Và nhiều nơi, dân làng lại còn lập miếu thờ các “bậc tiên hiền”, để ghi nhớ công đức của các vị đã đóng góp nhiều cho sự phát triển và hưng thịnh của địa phương. Trên một phạm vi rộng lớn hơn, ta có thể tham khảo nơi cuốn “Bách Việt tiên hiền chí” do nhà biên khảo Trần Lam Giang mới công bố cách nay vài ba năm.

Dĩ nhiên, nông thôn của chúng ta thời xưa cũng chẳng phải là cõi thiên đàng với mọi sự đều tuyệt vời, hoàn hảo. Mà vẫn còn nhiều mặt trái với những hủ lậu, tham nhũng áp bức do giới cường hào ác bá gây ra.Các khuôn mặt tiêu cực này đã được khắc họa rõ nét trong văn học như là “Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo”, “Nghị Hách trong Giông Tố” v.v…Nhưng nói chung, thì xã hội cổ truyền ở làng quê vẫn còn bảo tồn được nhiều tính cách lành mạnh, hòa nhã, nhân ái và lương hảo theo đúng với truyền thống đạo đức của dân tộc. “Sơn hà xã tắc, tôn ti trật tự”, cũng như nền nếp sinh họat “trên thuận dưới hòa” vẫn được người dân coi trọng. Tình trang an hòa ổn định tại hạ tầng cơ sở nông thôn như thế này, một phần lớn đó là nhờ nơi công lao, đức độ và uy tín của các bậc tôn trưởng của mỗi địa phương như đã ghi ở trên. Nhưng tiếc thay, sau năm 1945 kể từ khi người cộng sản lên nắm chính quyền, thì họ đã phá tan tành cái nền nếp truyền thống tốt đẹp đó ở nông thôn của nước ta. Trong cơn hăng say điên lọan của cuộc cách mạng đẫm máu với khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, đảng cộng sản đã phát động một cuộc tàn sát, tiêu diệt toàn bộ hệ thống lãnh đạo tại nông thôn, và thay vào đó là tầng lớp cán bộ của họ, mà được đào tạo trong tinh thần “Hận thù giai cấp, Bạo lực cách mạng, Vô sản chuyên chính”.

2/ Kết quả là sau trên 60 năm người cộng sản nắm giữ độc quyền trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và cả đến văn hóa, tâm linh trên cả nước, thì Xã hội Dân sự tại nông thôn đã hòan toàn bị phá nát hoang tàn.Tại làng quê, không còn thấy bóng dáng của một vị tôn trưởng vốn được người dân mến thương và thần phục như xưa nữa. Đầu tiên là cuộc “Cải cách ruộng đất” rập theo khuôn mẫu của Trung quốc,chính quyền cộng sản Việt nam đã gửi các “Đội cải cách” xuống tận các thôn xóm để phát động cuộc đấu tố rất man rợ, sắt máu làm tiêu diệt mọi thành phần có tên tuổi ở địa phương. Chỉ trong có mấy năm, mà chiến dịch này đã hạ sát, bỏ tù hàng mấy trăm ngàn người, tịch thu mọi tài sản ruộng đất, nhà cửa của các nạn nhân bị quy kết là thuộc thành phần địa chủ. Các đội cải cách này có toàn quyền sinh sát đối với các nạn nhân, nên dân gian mới nói :” Nhất Đội, nhì Trời”, tức là họ còn có quyền thế hơn cả ông Trời nữa.Có thể nói trong lịch sử mấy ngàn năm, chưa bao giờ nông thôn Việt nam lại bị tàn phá kinh hoàng như trong đợt cải cách ruộng đất vào giữa thập niên 1950 như thế này. Đây rõ rệt là một cuộc “Đại khủng bố” nhằm tiêu diệt toàn bộ hệ thống lãnh đạo Xã hội Dân sự tại thôn quê miền Bắc nước ta.
Tiếp theo là chiến dịch “Tập thể hóa ruộng đất” được phát động cũng tàn bạo quyết liệt không kém việc cải cách ruông đất nói trên. Tất cả các thửa đất tư hữu của người dân đều bị cưỡng bức xung vào “hợp tác” và nông dân bị biến thành người làm công, làm “nông nô”, được trả lương rất thấp kém, đến độ không thể nuôi sống cho riêng bản thân mình, nói chi đến cưu mang cho cả gia đình.Vì thế mà nông dân phải tìm cách làm thêm nhiều nghề vụn vặt hầu đắp đỗi qua ngày.
Rốt cuộc là cả hai chiến dịch Cải cách và Tập thể hóa ruộng đất này đã phá tan hoang tất cả nền nếp sinh hoạt của hương thôn mà cha ông chúng ta đã phải dầy công khó nhọc suốt bao nhiêu thế hệ mới gây dựng ra được.Vì kinh tế suy xụp, người dân lâm vào cảnh bần cùng đói kém, lại cộng thêm với cuộc chiến tranh Nam Bắc mỗi ngày một leo thang khủng khiếp, khiến cho tình trạng xã hội càng thêm tiêu điều, khốn khổ. Vì thế, có thể nói là khu vực Xã hội Dân sự truyền thống đã bị tan rã, vô hiệu hóa để mặc cho các tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản như Đoàn Thanh Thiếu niên,Hội Phụ nữ,Mặt Trận Tổ quốc v.v…tha hồ mà tung hoành “một mình một chợ, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”!

Vì chủ trương”Bạo lực cách mạng, Chuyên chính vô sản, Tranh đấu giai cấp, Dân chủ tập trung”… rất là cực đoan, quá khích đến độ cuồng tín theo sách lược của Staline, Mao Trạch Đông, cho nên các cán bộ, viên chức cộng sản ở nông thôn không hề có được uy tín và sự mến phục của quần chúng nhân dân, như trường hợp của các vị tôn trưởng tại làng quê hồi trước 1945 như đã mô tả chi tiết ở trên.Thành ra tại các miền quê nơi thôn xã đã có tình trạng “trống vắng lãnh đạo” (the vacuum of leadership), khiến cho người dân không còn có thể sinh họat theo lối “an cư lạc nghiệp”, như trong cảnh thanh bình, yên ấm thuở xưa. Và khu vực Xã hội Dân sự đã bị tê liệt, tan rã không còn sinh khí năng động, phấn khởi mà lại an hòa với tình nghĩa đôn hậu, chân chất của xóm làng trước đây nữa. Có thể nói tình trạng xã hội bế tắc, hoang tàn như vậy là một vết thương rất ư trầm trọng, đã hằn sâu trong lòng dân tộc Việt nam, mà chế độ cộng sản đã gây ra từ trên nửa thế kỷ nay. Và phải mất nhiều thế hệ nữa, thì dân tộc ta mới có thể lần lần phục hồi, củng cố tái thiết lại . Bởi vì cái lòng hận thù, uất ức vốn bị dồn nén từ bao nhiêu năm nay trong các gia đình ở nông thôn chúng ta, thì không thể ngày một ngày hai mà giải tỏa, dẹp bỏ hết ngay đi được.Cũng như về mặt tích cực, ngay trong số con cháu của những “danh gia vọng tộc” ngày trước, thì cũng phải mất nhiều năm nữa họ mới gây dựng và quy tụ lại với nhau, hầu nối tiếp được cái sứ mạng cao quý, mà tổ tiên của họ đã có thời hoàn thành một cách xuất sắc, như đã được ghi lại trong sử sách cũng như trong lời truyền tụng của dân gian.

Công cuộc tái kiến thiết và phục hồi lại Xã hội Dân sự hiện đang được thực hiện tại các nước Đông Âu và Nga từ 20 năm nay, kể từ ngày chế độ cộng sản sụp đổ, để trả lại quyền tự quyết cho nhân dân các quốc gia này được nhận lấy trách nhiệm hàn gắn những hận thù đổ vỡ trong xã hội, và tạo ra được một bàu không khí phấn khởi, nô nức nơi mọi tầng lớp quần chúng trước vận hội mới của đất nước mình. Và đây mới rõ ràng là một hành trình của mỗi dân tộc đó để” trở về lại với cuộc sống bình thường” của chính mình (the return to the normal way of life), như nhà xã hội học Max Weber đã từng viết ngay từ đầu thế kỷ XX.

Đó cũng là một kinh nghiệm quý báu cho dân tộc Việt nam chúng ta, để chuẩn bị bước sang giai đoạn “hậu cộng sản”trong một tương lai không còn xa vời nữa vậy./

California, Tháng 11 năm 2008

Đoàn Thanh Liêm

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen