Montag, 16. Februar 2015

Tết nào cho gia đình bé gái 11 tuổi đi kêu oan

VRNs (11.02.2015) – Sài Gòn – Trong những ngày Tết cổ truyền VN, ai ai cũng nôn nao mong muốn được đoàn tụ  quây quần vui vẻ bên gia đình. Đó cũng là ước mơ nhỏ bé và giản đơn của cô bé Ngô Thị Cẩm Hiếu 11 tuổi, nhưng lại quá tầm tay khi cả cha lẫn mẹ đều là dân oan bị đẩy vào chốn lao tù.
Năm ngoái, Hiếu không được đón tết cùng với cha mẹ. Và, cũng ngót 4 tháng nay, kể từ sau khi phiên tòa phúc thẩm của Dân oan là cha mẹ bé Hiếu (ông Ngô Văn Huynh và bà Nguyễn Thị Tâm) kết thúc vào ngày 10.10.2014, bé Hiếu chưa được nhìn thấy cha mẹ một lần nào.
Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu Bé Hiếu nghẹn ngào ao ước trong những giọt nước mắt lăn tăn trên má: “Từ sau khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc, con chưa có một lần nào được gặp ba mẹ. Con mong muốn ba mẹ được thả về trước tết, để ba mẹ và con có thể được đón một cái tết thật là vui. Nếu điều đó không xảy ra thì con cũng mong muốn ba mẹ được thả ra, để về sinh sống với con. Con muốn nói với ba mẹ, mong ba mẹ sớm ra trại để về sinh sống với con, sống với con cho đến già, nghe con kể về chuyện học của con.”
Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu
Nỗi cô đơn của đứa trẻ thơ khi thiếu hơi ấm và vắng bóng tình thương của cha mẹ. Bé Hiếu khóc nức nở: “Những lúc ngủ một mình không có ba mẹ bên cạnh thì con rất là buồn, vì thiếu tình yêu thương của ba mẹ. Có rất nhiều đêm con đã khóc, con khóc rất là nhiều. Con càng nghĩ đến ba mẹ thì con càng nhớ đến ba mẹ của con. Tối ba mẹ thường ôm ấp con cho con ngủ. Con nghĩ, những lúc không có con bên cạnh, ba mẹ rất buồn, rất khốn khổ, rất cô đơn.”
Lần cuối cùng gia đình bé Hiếu được đoàn tụ bên nhau lâu nhất chính là trong phiên tòa phúc thẩm, khi ba mẹ đứng trước vành móng ngựa, còn Hiếu đứng khóc nghẹn từng cơn nhưng mạnh mẽ làm chứng cho ba mẹ trước Tòa. Bé Hiếu nói: “Tại phiên tòa, con kể lại vụ việc và nói anh Tư là người chứng kiến những vụ việc ông Tuyên đã gây ra. [Trước tòa], những lời nói của ông Tuyên là sai trái, không đúng. Con yêu cầu Tòa cho anh Tư vào làm chứng, nhưng Tòa đã bác bỏ yêu cầu con đưa ra.”
Cũng chính trong phiên tòa phúc thẩm lần đó, bé Hiếu lo lắng cho sức khỏe của cha mẹ. Bé Hiếu kể: “Sức khỏe ba con rất là yếu và mắt của ba con không còn nhìn rõ nữa. Sức khỏe của mẹ không còn khỏe khi mẹ ở nhà. Lúc đó, con đã nói với bố mẹ phải giữ gìn sức khỏe, không được suy nghĩ lung tung và làm những chuyện dại dột. Bởi vì nghĩ đến những [chuyện của] quá khứ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của ba mẹ và tâm lý của ba mẹ con. Ba mẹ con nói với con phải học cho thật giỏi, để đòi lại oan cho ba mẹ con.”
Niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ bé ấy bị chia ly bắt đầu vào năm 2010, từ một giao dịch dân sự được bảo kê và bao che bởi các cán bộ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, là con, anh, em chủ nợ – ông Nguyễn Bá Ngọ, Nguyễn Bá Tuyên… đã xiết nợ gây thiệt hại tài sản, đẩy gia đình  bé Hiếu mất đất, trở thành dân oan và ba mẹ phải tù tội. Cụ thể, ông Ngô Văn Huynh bị bắt vào ngày 4.7.2013. Hơn một tháng sau, vào ngày 29.08.2013, công an mời cả mẹ con bà Tâm ra Ủy ban xã làm việc và đọc lệnh bắt bà Tâm tại xã, trước sự chứng kiến ngỡ ngàng của bé gái chưa đầy 10 tuổi thấy mẹ bị còng tay, bị dẫn đi, còn bé được cô Bay- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã- chở về nhà hàng xóm. Từ đó, bé Hiếu bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời vạn biến trong một vùng thôn quê nghèo đói xa xôi, nhưng đã được người hàng xóm tốt bụng đỡ nâng. Những kí ức đau buồn và hoảng loạn ấy chắc chắn đã làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ và sẽ đi theo suốt cuộc đời bé Hiếu.
Bé Hiếu rơm rướm nước mắt và nhận xét khá sắc sảo so với độ tuổi về vụ án của gia đình mình: “Khi xảy ra vụ việc, điều con sợ nhất đó là ba mẹ con phải đi tù và sẽ không được ở cùng với con nữa. Tại vì nhà ông Tuyên rất giàu có và anh em nhà ông Tuyên đều có quyền lực, họ đã ép gia đình con đến đường cùng, đến nỗi họ làm cho gia đình con mất hết tài sản thì họ có thể làm cho ba mẹ con phải đi tù.”
Sau khi xảy ra vụ việc của gia đình, bé Hiếu đã phải xa cách ba mẹ do mẹ đi khiếu kiện suốt mấy tháng trời mới về nhà một lần. Bé Hiếu kể: “Con không cùng ở với mẹ nữa, mẹ phải đi thưa kiện đòi lại công lý cho gia đình con. Những ngày con đi học thì không ai đưa đón, [nên] con phải ở nhờ nhà hàng xóm, cuối tuần con mới được về nhà với ba. Mẹ con đi mấy tháng mới về một lần. Chỉ có những lúc con được nghỉ hè thì mẹ con mới về thôi. Con vẫn để cho mẹ con đi, để đòi lại công lý cho gia đình con.”
Sự thiếu thốn tình thương càng nghiệt ngã hơn khi cha mẹ Hiếu lâm vào chốn lao tù. Bé Hiếu mếu máo khóc: “Bố mẹ không còn ở với con nữa. Những lúc như vậy, con cảm thấy rất cô đơn, cô đơn vì không được ở cùng với ba mẹ.”
Có thể nói, những gì đã xảy ra là quá sức so với tuổi đời còn thơ dại của bé Hiếu, nhưng vì muốn giải oan cho cha mẹ, nên bé Hiếu phải vươn lên để sống làm người tốt. Bé Hiếu đơn sơ nói: “Lúc đầu tinh thần học của con khá sa sút, nhưng bây giờ con đã học tốt hơn rồi ạ. Tại vì việc của ba mẹ không có tiến triển gì và không biết tình hình của ba mẹ con như thế nào, nên con rất buồn. Các môn học, con học càng ngày càng yếu đi do con buồn. Có người khuyên con ráng sống, để có thể minh oan cho ba mẹ, nên từ đó con đã nghĩ thông suốt và cố gắng học thật giỏi. Mỗi ngày về, con dành hai tiếng làm hết tất cả các bài tập trên lớp và còn làm thêm các bài tập khác. Tối đến con ôn lại bài cũ để sáng mai thầy cô kiểm tra bài. Con quyết tâm học thật giỏi trở thành một luật sư tài giỏi, để có thể minh oan cho những người như ba mẹ con và có thể cứu giúp ba mẹ con thoát khỏi nỗi oan.”
Bé Hiếu cho biết thêm, hàng xóm, thầy cô, bạn bè ở trường biết sự việc gia đình không những đã cảm thông mà còn quý mến em nhiều hơn. Bé Hiếu nói tiếp: “Bạn bè trên lớp rất tốt với con, có rất nhiều người chơi thân, hàng xóm rất quý con. Ở trên lớp, bạn bè rủ con chơi nhảy dây hoặc đá cầu. Thầy cô đối xử rất là tốt, những lúc con gặp khó khăn bạn bè đều chia sẻ những nỗi khó khăn với con. Còn hàng xóm có nhiều người tốt bụng với con, con sang chơi họ làm bánh cho con ăn nữa. Nhà trường đã dành cho con một suất học bổng 1.000.000 VNĐ, bởi vì con là học sinh giỏi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn ạ.”
Sự hồn nhiên, vui tươi và hạnh phúc của bé Hiếu được tỏ lộ rõ khi bé trở về căn nhà cũ sau hơn nửa năm xa vắng.
Trên đường vào nhà của mình, Hiếu phải đi qua nhà của ông Tuyên, cha ông Tuyên… những người xiết nợ, mua được đất của gia đình bé Hiếu, và trở thành người bị hại, Hiếu nhìn và chỉ: “Kia là cụm cây đinh lăng của nhà con, đó. Bố ông Tuyên đánh về trồng trước nhà ông ấy!”.
Tại căn nhà có mái tranh rách nát, dụng cụ thô sơ, nghèo nàn, bừa bộn không ai dọn dẹp đã hồi lại tuổi thơ của Hiếu: “Hơn nửa năm nay con mới được trở về căn nhà này, con rất vui vì đây là nơi mà ba mẹ con đã sinh sống. Điều làm con nhớ nhất là những lúc ba mẹ cùng với con ăn cơm. Con thích ở trong này hơn, tuy nhà cách xa trường [khoảng hơn 6 cây số] và xa bạn bè thầy cô vì ở đây đã để lại cho con nhiều kí ức, là nơi sinh sống của ba mẹ con nên con rất thích. Con nghĩ rằng con sẽ không xa căn nhà này.”
Bé Hiếu nhớ lại những lúc cả gia đình quây quần bên nhau: “Lúc đó, gia đình con hạnh phúc đầm ấm. Buổi sáng ba thức dậy sớm nấu cơm cho hai mẹ con ăn. Những ngày con được nghỉ học, con ở nhà tự làm việc nhà, có khi con xuống rẫy phụ giúp ba mẹ rất là vui. Con đi quét lá điều, tưới cà phê… Nhà xa thì mẹ đưa con đi học. Buổi sáng khoảng 6 giờ 30, mẹ chở con đến trường học. Học xong đến trưa con về nhà cô giáo ăn cơm, rồi nghỉ trưa, đến chiều học tiếp. Khoảng 4 – 5 giờ chiều là mẹ chở con về nhà. Buổi tối được ăn cơm cùng với ba mẹ là điều con thích nhất. Những lúc đi làm cùng ba với mẹ là con vui nhất, lúc đó ba dạy con rất nhiều điều để biết cách làm vườn.”
Lục lọi nơi bàn học đã mục nát do mối mọt, bé Hiếu chỉ lấy ra hai cuốn sách  Luật Tổ chức Tòa án và Luật Thi hành án dân sự, và hai cặp kính cũ của ba mẹ đã cũ mèn. Bé Hiếu cho hay: “Đây là hai cuốn sách luật, con lấy hai sách này để đọc và tìm hiểu thêm về luật. Mẹ của con đã mua hai cuốn sách này, mẹ mua về để cho con đọc thêm. Mẹ mua từ năm con học lớp 4.”
Thời điểm Hiếu học lớp 4 chính là lúc mái ấm gia đình nhỏ bé của Hiếu bị chia rẽ mỗi người một nơi và Hiếu bắt đầu rong ruổi trên những bước chân nhỏ, chập chững trong hành trình kêu oan cho cha mẹ.
Được biết, trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 25.02.2013, Tòa án TAND huyện Bù Đăng tuyên ông Ngô Văn Huynh và bà Nguyễn Thị Tâm mỗi người 5 năm 6 tháng tù giam, với tội danh “cố ý gây thương tích” theo Điều 114 BLHS. Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 10.10.2014, Tòa đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, vì các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã điều tra không đầy đủ, chưa xem xét, xác định nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm trong thu thập, bảo quản vật chứng, cùng lúc có 2 quyết định khởi tố bà Tâm, chưa làm rõ nhiều tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn, không triệu tập nhân chứng… Ông Nguyễn Bá Tuyên –bị hại có nhiều lời khai mâu thuẫn, thiếu trung thực… Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay cha mẹ bé Hiếu vẫn không được tại ngoại.
Mãi gần hơn 4 tháng, vào ngày 28.01, công an tỉnh Bình Phước mời bé Hiếu lên lấy lời khai và đối chất với ông Nguyễn Bá Tuyên –bị hại. Bé Hiếu kể: “Buổi sáng họ mời con lên lấy lời khai. Họ yêu cầu con kể lại diễn biến sự việc. Họ hỏi con thương tích của con đã khỏi hay chưa và có cần đi giám định lại hay không. Ban chiều, con đối chất với ông Tuyên. Công an hỏi ông Tuyên thì ông ấy đưa ra những lời khai sai trái, ông Tuyên chối là không hề đánh gia đình con, không cầm cây nữa. Đó là những lời khai sai sự thật. Ông ấy nói sai sự thật để bao che cho hành động mà ông đã làm.”
Thiết nghĩ, vụ việc của gia đình bé Hiếu là một vụ án nhỏ nhưng gây ra hậu quả lớn và nghiêm trọng, làm tan nát cả một gia đình, khiến đứa bẻ chỉ mới 11 tuổi phải bơ vơ, không nhà không cửa, không có người chăm sóc. Trong khi đó, cả hai ông bà đều lớn tuổi, không còn sức khỏe và không đủ khả năng gọi là gây khó khăn cho việc điều tra, hoặc không thể tiếp tục phạm tội được nữa. Do đó, vì nhân đạo đối với bé Hiếu cần thiết phải cho ông Huynh hoặc bà Tâm tại ngoại để nuôi dưỡng và dưỡng dục bé Hiếu. Đặc biệt, trong phiên tòa phúc thẩm, nói lời cuối cùng trước khi Tòa nghị án, ông Huynh  – với hy vọng mong manh, có một người về lo cho bé Hiếu-  đã nhận hết tất cả các tội về ông và xin Tòa cho ông đi tù thay cho vợ ông, vì ông mong muốn bà Tâm được trở về chăm sóc bé Hiếu. Còn một người dân phát biểu : “Tôi biết, tụi nó lấy đất của gia đình này, nó ghét và trừng phạt ông bà này vì đi khiếu kiệ. Nhiều người biết, nhưng không ai dám lên tiếng”.
Không biết, Tết nào dành cho bé Hiếu trong năm Ất Mùi này?




VRNs (13.02.2015) – Sài Gòn – Ông Ngô Văn Huynh -cha của cô bé Ngô Thị Cẩm Hiếu được tại ngoại vào lúc 16 giờ, ngày 13.02.2015.
Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu vui mừng và reo lên: “Con lên công an Huyện từ 2 giờ chiều, con đợi khoảng 4 giờ thì ba con mới được ra. Con thấy rất là vui. Năm nay, con thật hạnh phúc khi được đón tết cùng với ba. Năm nay, mẹ con vẫn chưa được tại ngoại nên mẹ vẫn phải ăn tết ở trong trại giam. Mẹ không được ăn tết với con nhưng năm sau cả gia đình con sẽ được ăn tết với nhau ạ. Bây giờ, mắt ba con không còn nhìn được nữa, với lại sức khỏe của ba con yếu. Năm nay, con muốn chúc ba con có một cái tết thật là vui vẻ sau những ngày tháng ở trong trại giam và con mong cho ba sẽ sống mãi mãi cùng với con.”
 
Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu, con gái ông Ngô Văn Huynh
Bé Ngô Thị Cẩm Hiếu, con gái ông Ngô Văn Huynh
Ông Ngô Văn Huynh xúc động và hạnh phúc khi được ăn tết với con gái nhỏ: “Khi cán bộ thả tôi ra, tôi không biết đường nào đi về nhà, không có tiền có bạc, nên cán bộ trại giam đã cho tôi 50 ngàn. Lúc ấy, tôi cứ đi ra khỏi cổng trại giam. Ra khỏi cổng thì gặp bé Hiếu và nhỏ cháu đang đợi. Khi bước ra khỏi cổng trại giam thì tôi ôm chầm lấy con, hôn nó. Mừng. Không có bút mực nào tả xiết khi được gặp con mình. Năm nay, được ăn tết với con là đều mong muốn của tôi khi ở trong trại giam. Trước khi ra khỏi trại giam, tôi có đi ngang qua buồng của vợ tôi thì vợ tôi nhắn cố gắng chăm sóc bé Hiếu. Bây giờ, tôi được tại ngoại rồi, về nhà sẽ gắn bó với con và chăm sóc bé Hiếu.”
Niềm vui của gia đình bé Hiếu vẫn chưa được trọn vẹn khi mẹ Hiếu vẫn ở trong ngục tù. Nhưng với niềm tin đơn sơ và trong trắng thì Hiếu tin rằng, năm sau, cả gia đình sẽ được đoàn tụ với nhau.
Ông Huynh bùi ngùi chia sẻ về nỗi lo lắng của vợ chồng ông khi lâm vào chốn lao tù: “Khi tôi ở trong trại giam rất lo lắng, bởi vì cháu ở nhà có một mình mà xung quanh cái tỉnh Bình Phước này không có nội ngoại gì chăm non hết, nên vợ chồng tôi chỉ biết phó nó cho số phận thôi. Nhưng sau này có nhờ ông hàng xóm tốt bụng lo cho bé Hiếu, nên ở trong đó tôi an tâm, lo cải tạo.”
“Ở trong trại giam buồn lắm vì nỗi nhớ con không thể nào tả xiết được hết. Anh em trong trại giam có động viên cố gắng cải tạo, để được mãn hạn tù và đoàn tụ với gia đình thôi, chứ biết làm sao bây giờ. Buồn nhất là hai vợ chồng nằm trong trại giam mà đứa con mình nó còn nhỏ bơ vơ ở ngoài đời, thiệt là buồn không thể nào tả nổi.” Ông Huynh nói tiếp.
Vụ việc của gia đình ông Huynh xảy ra vào năm 2010, từ một giao dịch dân sự được bảo kê và bao che bởi các cán bộ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, là con, anh, em chủ nợ – ông Nguyễn Bá Ngọ, Nguyễn Bá Tuyên… đã xiết nợ gây thiệt hại tài sản, đẩy gia đình ông mất đất, trở thành dân oan và ba mẹ phải tù tội.
Được biết, trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 25.02.2013, Tòa án TAND huyện Bù Đăng tuyên ông Ngô Văn Huynh và bà Nguyễn Thị Tâm mỗi người 5 năm 6 tháng tù giam, với tội danh “cố ý gây thương tích” theo Điều 114 BLHS. Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 10.10.2014, Tòa đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, vì các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã điều tra không đầy đủ, chưa xem xét, xác định nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm trong thu thập, bảo quản vật chứng, cùng lúc có 2 quyết định khởi tố bà Tâm, chưa làm rõ nhiều tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn, không triệu tập nhân chứng… Ông Nguyễn Bá Tuyên –bị hại có nhiều lời khai mâu thuẫn, thiếu trung thực… Và, cho đến ngày hôm nay, ông Huynh đã được tại ngoại.
Ông Huynh cho biết, sau hơn 20 tháng bị giam cầm, sức khỏe ông yếu, thị lực kém. Tuy nhiên, vừa mới ra khỏi trại giam, ông chỉ mong muốn được đi làm thuê, làm mướn ngay để lo cho bé Hiếu, vì gia đình ông đã mất một phần, phần đất còn lại đã bán hoa màu cho người khác.
Qua câu chuyện của gia đình ông Huynh, cho thấy, ông là một người nông dân chân chất, chân lấm tay bùn, ham làm việc, không nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi và ăn mừng, sau khi ông vừa được tại ngoại, mà nghĩ đến ngay chuyện phải đi làm thuê, làm mướn.
Ông Huynh được tại ngoại và ăn tết cùng với bé Hiếu là một quà Xuân lớn nhất và hạnh phúc nhất dành tặng cho bé Hiếu -mới 11 tuổi đời đã can đảm, mạnh mẽ đi kêu oan cho cha mẹ. Thế nhưng, ông Huynh mới chỉ được tại ngoại, nhưng phiên tòa xét xử ông Huynh bà Tâm vẫn còn treo lơ lửng trên đầu ông bà, mà không biết ngày nào các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ mở lại phiên tòa và ông Huynh sẽ bị giam cầm trở lại bất kỳ lúc nào.
VRNs tin rằng, gia đình ông sẽ sớm được đoàn tụ trong nay mai và điều e ngại trên sẽ không xảy ra.
Huyền Trang, VRNs

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen