11/08/14 | Tác giả: Kông Kông
Mấy
năm trước đây không phải bỗng dưng ông Đại tá Tiến sĩ Trần Đăng Thanh
đem cái sổ hưu ra giảng cho trí thức Hà Nội. Sau bài giảng đó cũng không
phải bỗng dưng gặp làn sóng phản đối kịch liệt đến nỗi bây giờ nghe
nhắc đến ‘Cái sổ hưu’ là nhớ ngay đến tên ông Trần Đăng Thanh.
Vì chịu
đựng đói rách trong thời gian dài dằng dặt, từ kháng chiến chống Pháp,
từ “hạt muối xẻ làm đôi” dành cho chiến trường người Việt giết người
Việt, “Giải phóng miền Nam, tiêu diệt bọn Mỹ – Ngụy” (giàu có văn minh)
“xâm lược”! Ám ảnh đó là suốt đời. Ám ảnh đó đã ăn sâu vào tiềm thức của
từng người cho dù hiện tại có ‘no cơm ấm cật’. Đó là nỗi sợ tiềm ẩn
được giấu kín từ nơi sâu thẳm nhất. Vì thế bỗng dưng đem cái sổ hưu trần
trụi phơi ra ánh sáng là đương nhiên đụng vào bí mật cá nhân. Và phản
ứng của những người về hưu phải bùng nổ!
Lá Thư Ngỏ của
61 đảng viên, cựu quan chức cao cấp chế độ, kêu gọi bạch hóa sự kiện
Thành Đô và cải tổ nội bộ đảng, xác nhận con đường đảng đang theo, đang
lãnh đạo là sai lầm, sẽ gây hậu quả vô cùng tai hại cho tương lai đất
nước và dân tộc. “Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn
để thay đổi! Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn
dân nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho
sự phát triển và bảo vệ đất nước.” Đã hẳn việc cảnh báo, đòi hỏi là hoàn
toàn đúng. Cấp bách và thực tế. Một thực tế không phải chỉ có đảng viên
hưu trí mới thấy mà người Việt Nam đều trải nghiệm. Và thế giới cũng đã
hành động, đã ném chủ nghĩa đó vào sọt rác từ hơn 24 năm trước.
Thế
nhưng vì sao những vị ký tên trong Thư Ngỏ vẫn còn là đảng viên mà chưa
từ bỏ? Ông Lê Hiếu Đằng đã giằng xé tâm can trước khi về cõi khi quyết
định từ bỏ đảng cho thấy đây là một quyết định không hề dễ dàng! Lá thư
“viết trên giường bệnh” trước khi tuyên bố bỏ đảng nổi bật một điều: Ông
đã suy nghĩ ‘nát nước’. Vì cả một đời mang hoài bảo tốt đẹp nhất để đi
theo đảng, rồi từng bước từng bước đảng đạt thắng lợi, đưa lên bậc thang
danh vọng. Đảng ban phát cho cá nhân và gia đình con cháu đến đỉnh điểm
của giàu sang! Đảng là vua tập thể, lớn hơn thời phong kiến là chỉ có
một ông vua. Vì thế, ngay từ đầu ông Hồ Chí Minh, cho dù chủ trương “bài
Phong, đả Thực”, vẫn giữ lại chữ Trung của Nho giáo. Ông dạy “Trung với
Đảng”! Cho nên bỏ đảng là phản, là trọng tội, là coi như từ bỏ con
đường sống!
Hiện
tại ‘Cái sổ hưu’ không còn là giá trị vật chất đối với cán bộ đảng viên
cộm cán nhưng rõ ràng vẫn là cuốn rún sinh lực để họ tồn tại. Vì dứt
cuống rún là coi như dứt sự sống. Nhưng tiếc thay chỉ có thai nhi mới
cần cuống rún!
Vì,
đảng ngay từ đầu đã nhân danh hai giới cùng cực trong xã hội thời đó,
là nông dân và công nhân, để đấu tranh ‘giải phóng’ cho họ. Chiêu bài
mượn máu xương thân xác của những người cùng khổ đó đã thành công mỹ
mãn.
Thế
nhưng, mới chiếm được nửa đất nước sau núi xương sông máu từ mặt trận
Điện Biên Phủ thì có ngay Cải cách Ruộng đất tại miền Bắc. Khi chiếm
được cả nước thì có ngay Chính sách Tập trung cải tạo, Chính sách Kinh
tế mới và Chính sách đánh Tư sản mại bản tại miền Nam.
Sự
thật hiện nay, đang phơi bày rõ ràng nhất, là công nhân cả nước bị bóc
lột dã man tại các hãng xưởng, là nông dân cả nước bị cướp đất cướp nhà!
Với
chủ trương “tam cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) ngày trước của cán bộ
đảng viên đã đánh lừa được giới cùng đinh để họ hy sinh mạng sống và
những ngày đầu sau 30/4 lại được áp dụng tại miền Nam. Bấy giờ thì cùng
ăn, cùng ờ, cùng làm nhưng mục đích chỉ là bám thật sát, theo dõi thật
kỹ để làm sao ‘con mồi’ được đặt tên là “Tư sản mại bản” không thể chạy
thoát khi móng vuốt đảng vồ ra chụp. Cho nên hình ảnh cán bộ đảng viên
đối với người dân là hình ảnh những ác thần!
Gia
đình tôi ở Sài Gòn. Xóm tôi có khá nhiều nhà lầu đúc 2, 3 tầng nhưng
cũng có nhiều nhà mái lợp tôn. Hẻm thì xe hơi vô dễ dàng vì thế không
phải ‘xóm nhà giàu’ nhưng cũng không nghèo. Tuy là ‘dân thành phố’ nhưng
tình nghĩa hàng xóm láng giềng rất gần gũi. Ấy thế mà sau ngày 30/4 thì
hoàn toàn đảo lộn. Nhà nhà, người người đua nhau đem từ bàn ghế tủ
giường đến đủ thứ lỉnh kỉnh nhỏ nhặt bày ra đường bán đổ bán tháo. “Bán
cho trống nhà kẻo Việt cộng kiểm kê lấy hết”! Chẳng bao lâu sau nhà nào
cũng trống hoang trống hoách! Một số gia đình có thân nhân đi cải tạo
thì được cán bộ đảng viên đến tận nhà “động viên” đi kinh tế mới để đảng
khoan hồng cho về sum họp sớm. Giữa cảnh nháo nhào và hỗn loạn đó thì
một ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng trẻ tọa lạc trên 2 lô đất với một
khoảnh vườn, cạnh nhà tôi, đã di tản, có chủ mới dọn vào. Không lâu sau
chủ mới đập bỏ căn nhà xinh xắn đó để xây thành ngôi biệt thự ‘hoành
tráng’. Có sân rộng, có hồ cá kiểng, có cổng riêng dành cho xe hơi. Cửa
nhà trước kia thông thẳng ra đường, không rào giậu, bây giờ mọc lên một
hàng rào cao quá đầu người được xây kín bưng. Từ một ngôi nhà xinh xinh
gần gũi với xóm giềng bỗng chốc biến thành nơi thâm nghiêm kín cổng cao
tường!
Sau
đó không lâu công an khu vực thường la cà trong xóm để điều tra người
nào dám cả gan chơi trò ném bom bẩn vào ngôi biệt thự! Chủ mới đành cơi
cao hàng rào thêm nữa bằng kẽm gai đan kín để vừa giới hạn bom bẩn vừa
đề phòng trộm leo rào.
Từ
đó, ngôi biệt thự bề thế bỗng chốc biến thành một ‘pháo đài’ giữa xóm.
‘Pháo đài’ của cán bộ đảng viên đang “công tác” ở Thành!
Bây giờ chắc chắn cán bộ đó đã hưu trí nhưng không biết có ký tên trong Thư Ngỏ hay không.
Vì
thế giữa cán bộ đảng viên hưu trí với người dân có một khoảng cách khá
xa, nếu không muốn nói là thuộc giai cấp khác nhau. Một giai cấp thống
trị với một giai cấp bị trị. Một bên ngự trong ‘pháo đài’ với cuốn sổ
hưu, một bên phải bươn chải kiếm sống hàng ngày trên đường phố. Nên cho
dù nội hàm Thư Ngỏ có là toa thuốc thần diệu để chữa căn bệnh trầm kha
của đảng thì nó cũng không / hoặc khó có thể được giới dân dã lưu ý, vì
đó loại ‘toa thuốc đặc trị’ chỉ dùng để chữa bệnh cho đảng, chữa bệnh
cho giai cấp mới, chữa bệnh cho phe nhóm lợi ích nhà giàu!
Đó
là chưa nói đến sự dè bỉu chung chung của dư luận, ‘ôi… đấy chỉ là
chuyện phe nhóm đấu đá nội bộ với nhau’ hoặc ‘chỉ là chuyện trâu cột
ghét trâu ăn’… !
Vì
thế việc nhân danh người Việt Nam để tranh đấu đòi cải tổ nội bộ đảng,
đòi bạch hóa văn bản Hội nghị Thành Đô 1990 thì bài học máu xương mà
giới công nhân, nông dân bị nhân danh từ khởi đầu cuộc chiến đã có chứ
không phải đợi đến lúc nầy!
Tuy
nhiên, Thư Ngỏ chắc chắn đang có tác động trong giới cán bộ đảng viên
hưu trí, còn liệu họ có dám bước ra khỏi những ‘pháo đài’ đã tự xây kiên
cố mấy chục năm qua, từ bỏ đảng, vứt sổ hưu vào sọt rác là chuyện không
hề dễ. Khi chưa dám thực hiện được điều căn bản cốt lõi đó để hòa nhập
với xã hội thì tác động Thư Ngỏ khó được sự ủng hộ của “toàn xã hội” như
mong muốn, điều mà đảng viên nhà văn Nguyên Ngọc nhắm đến khi trả lời phỏng vấn của đài BBC.
“Chúng
tôi không hy vọng nhiều rằng cái đó (Thư Ngỏ) sẽ làm trực tiếp thay đổi
đến đối tượng mà chúng tôi gởi. Nhưng mà vấn đề là thế này. Nhất định
cơ chế đó, nhất định cách làm đó phải thay đổi, mà sự thay đổi đó phải
có sự đấu tranh của toàn xã hội”
Mà bị dân làm ngơ thì không bao giờ có cách mạng.
Mọi người thường gắn bó với tình yêu ban đầu. Vì tình yêu
nguyên thủy là kết tinh của ước mơ với hoài vọng cả đời người. Nhưng
sau thời gian dài chung sống mà cứ bị người yêu cắm sừng liên tục thì
con đường duy nhất còn lại là phải ly dị. Không có chọn lựa nào không có
thương đau nhưng không dám quyết định dứt khoát là tự chôn vùi cuộc đời
còn lại cùng với thanh danh. Và, điều thật quan trọng, là chôn vùi cả
tương lai con cháu.
Tự vứt bỏ thẻ đảng là vứt bỏ được gông cùm cho cá nhân và cho cả dân tộc.
Bao giờ thì Thư Ngỏ sẽ thành bản Tuyên Cáo của những
người không còn có chọn lựa nào khác hơn là từ bỏ đảng để tranh đấu, như
cố luật gia Lê Hiếu Đằng đã làm?
(Aug 10th, 2014)
© Đàn Chim Việt
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen