Tuy Hòa ngày 10/08/2014,
Bố của con!
Ròng
rã đợi chờ 1 tháng trời cuối cùng cũng tới ngày để được đi thăm bố yêu
quý của con. Bố biết không, mỗi lần đi thăm bố là mỗi lần mẹ con con
mong ngóng, chờ đợi, đếm từng ngày với tâm trạng hồi hộp, lo lắng và cả
hy vọng nữa. Hy vọng lần thăm này sức khỏe của bố sẽ khá hơn lần trước
hoặc ít ra là sẽ không tệ đi. Nhưng lần nào cũng vậy, sau mỗi chuyến
thăm bố về, nỗi lo lắng, xót xa lại nhân lên. Sức khỏe của bố ngày càng
xấu đi bố ạ.
Như
thường lệ, ba mẹ con phải chuẩn bị, sửa soạn cho chuyến thăm từ mấy
ngày trước. Me nấu sẵn cho bố
những món bố thích: thịt kho mặn, canh khổ qua nhồi thịt và mấy thứ
khác. Chỉ là những món ăn dân dã thôi, nhưng nó chứa đựng tình yêu
thương, sự săn sóc của mẹ dành cho bố.
Bố
biết không, mỗi khi làm những món đó mẹ đều rất công phu chọn lựa vì mẹ
nghĩ là mỗi tháng chỉ được đi thăm có một lần, tức là bố chỉ có 1 bữa
ăn ấy là tươm tất, ấm cúng thôi. Mấy mẹ con thao thức, hồi hộp đến mất
ngủ từ đêm hôm trước.
Sáng
sớm hôm sau, con cùng mẹ dắt chiếc xe Honda “cà tàng”, người bạn đồng
hành với gia đình ta bao lâu nay, lên đường đến trại tù thăm bố.
Bố
ơi! Hôm nay là ngày 15 tháng 7 âm lịch, ngày Vu Lan báo hiếu rồi bố ạ.
Thế mà bố của con vẫn ở đang bị đọa đày trong chốn lao tù chỉ vì không
chịu sống quỳ, chỉ vì biết hiếu nghĩa với non sông. Không biết đến bao
giờ, anh em con mới được tự tay rót mời bố chén nước sau bữa cơm đạm bạc
ngay tại ngôi nhà đơn sơ, ấm áp của chúng ta. Một cử chỉ “báo hiếu”
thật nhỏ bé
mà khó thế này sao bố? Nghĩ tới đây, con không ngăn được nước mắt bố ạ.
Bây giờ vẫn đang mùa gió nồm bố ạ! Gió to quá làm chiếc xe “cà tàng” cứ lắc đảo như muốn hất tung hai mẹ con xuống đường.
Con
với mẹ chạy xe ròng rã gần hai tiếng đồng hồ để đến trại giam. Tới nơi
đã gần 2 giờ chiều. Mẹ nóng ruột, cứ đi lại không yên, rồi ngó mắt trông
bố. Nhưng người ta yêu cầu mẹ ngồi trong phòng thăm gặp chứ không cho
mẹ
đứng ở cửa trông ra ngoài, dù chỉ cách có vài bước chân để được nhìn
thấy bố.
Tới gần 3h30 chiều, công an mới dẫn bố ra.
Bố ơi! Bố yếu hơn lần trước con gặp. Lần này, bệnh phù nề của bố còn nghiêm trọng hơn.
Bố
kể trong tù bố chỉ ăn cơm với canh rau muống thôi. Con biết bố
là một người ăn uống không kén chọn. Hồi ở nhà món gì bố cũng ăn được,
dở hay ngon bố đều ăn hết, không chê gì mà vô đây bố không nuốt được đủ
biết là đồ ăn tệ đến mức nào. Không có thức ăn bố phải ăn muối. Nước
sạch trong trại lại thiếu trầm trọng nên tình trạng phù nề tay chân của
bố không giảm đi tý nào. Bữa cơm tù chỉ có rau muống với muối thì sao mà
không ốm đau bệnh tật, không suy kiệt cho được. Lẽ nào người ta không
muốn bố trở về đoàn tụ với mẹ con con, với bạn bè đồng đội của bố? Nghĩ
tới đây con đau lòng lắm bố ạ. Và sợ nữa. Chẳng lẽ, người ta phải bằng
mọi giá để trả thù những người không chung lý tưởng, không chịu khuất
phục như bố và những người như bố hay sao?
Bố
ạ! Con không hiểu tại sao mỗi lần thăm nuôi lại phải làm bản tường
trình. Sao việc đó lại quá cần thiết và quan trọng với họ như thế. Chả
lẽ, cho mấy công an ngồi giám sát, ghi ghi chép chép cuộc nói chuyện của
bố với mẹ con con vẫn còn chưa đủ? Con có cảm giác như gia đình ta là
tội phạm trong mắt họ. Không có dù chỉ là một giây phút riêng tư, để
chúng ta nói với nhau một lời động viên khích lệ, hay một cử chỉ yêu
thương thôi. Thật xót xa bố ơi!
Bố
của con! Từ hôm thăm bố tới giờ, mẹ khóc suốt. Bệnh tình của mẹ ngày
một thêm trầm trong bố ạ. Giá như có thể gánh được phần nào bệnh tật hay
nỗi khổ đau của bố mẹ, anh em con nhất định sẽ gánh. Lần nào đi thăm bố
về mẹ con con cũng thêm phần lo lắng. Thương bố lắm bố ơi! Con cũng
không đủ can đảm viết tiếp thêm nữa. Con sợ lắm! Sợ rằng bố không đủ sức
chống chọi được với bệnh tật, không đủ sức để chiến thắng những âm mưu
hiểm ác trong chốn lao tù. Nhưng, con người ta luôn phải giữ niềm tin,
không được đánh mất hy vọng chừng nào còn có mặt trên thế gian này. Con
tin rằng bố sẽ chiến thắng. Vì bố là chính nghĩa.
Con mong rằng trong chốn ngục thù, bố cảm nhận được dòng tâm tư này của con.
Con yêu bố!
Con trai của bố
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen