GS. Trần Gia Phụng
Việt Minh cộng sản đã giết Phạm Quỳnh (1892-1945) hai lần: Lần thứ nhất
hạ sát, che giấu và phi tang thân xác ông tại Huế năm 1945. Lần thứ hai, bóp méo
lịch sử, viết sai lạc về Phạm Quỳnh, nhằm hủy diệt luôn sự nghiệp và thanh danh
của ông. Một câu hỏi cần được đặt ra là lúc đó Phạm Quỳnh đã rút lui khỏi chính
trường, tại sao cộng sản lại giết Phạm Quỳnh, trong khi cộng sản không
giết Trần Trọng Kim và toàn bộ nhân viên nội các Trần Trọng Kim, là những người
đang còn hoạt động? Câu hỏi nầy cần tách ra làm hai phần để dễ tìm
hiểu:
Thứ nhất
Từ khi đến Trung Hoa hoạt động năm 1924, Hồ Chí Minh, điệp viên của Đê
Tam Quốc tế Cộng sản, lúc đó có tên Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, đã chủ trương “giết
tiềm lực”. Giết tiềm lực là tiêu diệt tất cả những cá nhân có khả năng tiềm tàng
mà không chịu theo chủ nghĩa cộng sản hay đảng Cộng Sản, có thể sẽ có hại cho
đảng Cộng sản trong tương lai. Những người nầy về sau có thể sẽ hoạt động chính
trị và có thể sẽ gây trở ngại, gây nguy hiểm cho sự phát triển của cộng sản. Nạn
nhân danh tiếng đầu tiên của chủ trương giết tiềm lực của Hồ Chí Minh là Phan
Bội Châu (1867-1940). Phan Bội Châu bị Lý Thụy bán tin cho Pháp, để Pháp bắt
Phan Bội Châu năm 1925 tại nhà ga Thượng Hải, nhằm đoạt lấy tổ chức của Phan Bội
Châu. (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả,
bản dịch của Nguyễn Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb.
Văn Nghệ, 1999, tt. 84-85.)
Từ đó, Hồ Chí Minh và phe đảng thi hành chủ trương giết tiềm lực, ngầm
thủ tiêu rất nhiều thanh niên sinh viên hoạt động chính trị, và nhất là năm
1945, khi nắm được quyền lực, Việt Minh (VM), mặt trận ngoại vi của Ðảng Cộng
Sản Đông Dương (CSĐD), đã giết hầu hết những nhân tài không theo VM.
Tại Huế, VM tìm tất cả các cách nhắm cô lập vua Bảo Đại. Cách tốt nhất là
cách ly nhà vua với những người có khả năng và uy tín thân cận bên cạnh nhà vua,
trong đó quan trọng hơn cả là Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi. Do đó, VM ra lệnh bắt
Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi cùng con của ông Khôi là Ngô Đình Huân ngày
23-8-1945. Đồng thời VM sắp đặt những người của VM như Tạ Quang Bửu, Phạm Khắc
Hòe vây quanh rỉ tai nhà vua, phóng đại về kháng chiến, về Việt Minh. (Bảo Đại,
Con rồng Việt Nam, tr. 184.)
Theo David G. Marr trong Vietnam 1945, The Quest for Power, sau khi Phạm
Quỳnh và hai cha con Ngô Đình Khôi bị bắt, người Nhật can thiệp một cách yếu ớt
không hiệu quả. Ngày 28-8, sáu người Pháp nhảy dù xuống một địa điểm cách kinh
thành Huế khoảng 20 cây số nhắm mục đích bắt liên lạc với vua Bảo Đại và các cựu
quan Nam triều. Lúc đầu, VM địa phương tưởng những người Pháp nầy là người của
phe Đồng Minh, cho họ trú tạm tại một ngôi nhà thờ, nhưng khi biết rằng đây là
những người Pháp có ý định tìm cách liên lạc với các quan chức Nam triều cũ, VM
liền giết bốn người, và cầm tù hai người đến tháng 6-1946. (David G. Marr,
Vietnam 1945, The Quest for Power [Việt Nam 1945, đi tìm quyền lực] University
of California Press, tt. 452-453.)
Trong khi cô đơn, lại bị Phạm Khắc Hòe xúi giục và hù dọa, vua Bảo Đại
tuyên chiếu thoái vị ngày 25-8-1945, và làm lễ thoái vị tại cửa Ngọ Môn ngày
30-8-1945, với sự hiện diện của đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu, Nguyễn
Lương Bằng, và Cù Huy Cận.
Theo hồi ký của Trần Huy Liệu, sau khi Nhật đầu hàng, người Pháp nhảy dù
xuống Huế, liền hỏi ngay đến Bảo Đại, Phạm Quỳnh và những người cộng tác với
Pháp trước đó. Việt Minh bắt được toán người Pháp nầy và “xử lý thích đáng” Ngô
Đình Khôi và Phạm Quỳnh. (Nguyên văn lời của Trần Huy Liệu). Theo lối chơi chữ
của Trần Huy Liệu, “xử lý thích đáng” có nghĩa là thủ tiêu hai ông Ngô Đình Khôi
và Phạm Quỳnh.
Nhiều người cho rằng việc người Pháp muốn kiếm cách liên lạc với cựu
hoàng Bảo Đại và Phạm Quỳnh (vì lý do gì không được rõ) vô tình đã làm cho VM lo
ngại, sợ rằng một khi người Pháp trở lui, Pháp sẽ nhờ Phạm Quỳnh và những người
đã từng làm việc với Pháp như Ngô Đình Khôi giúp Pháp lật ngược thế cờ, đưa cựu
hoàng trở lại cầm quyền.
Do đó VM vội vàng “mời” cựu hoàng Bảo Đại rời Huế ngày 4-9-1945, ra Hà
Nội làm cố vấn chính phủ, để cách ly cựu hoàng với cố đô, chiếc nôi của nhà
Nguyễn, đồng thời cách ly cựu hoàng với những cận thần cũ. Vì vậy VM giết ngay
các ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi ngày 6-9 để trừ hậu hoạn. Trong khi đó, nếu
người Pháp trở lui Huế, người Pháp cũng không hợp tác với Trần Trọng Kim, vì ông
Kim và nội các của ông bị gán cho là thân Nhật.
Thứ hai
Khi cướp chính quyền, VM đã chủ ý giết một số người trong đó có Phạm
Quỳnh. Việt Minh chủ ý giết Phạm Quỳnh vì:
1. Phạm Quỳnh muốn xây dựng nền quân chủ lập hiến tại nước ta, và cho
rằng cộng sản là “nạn dịch” gây bất ổn xã hội. (Phạm Quỳnh, “Ce que sera l’Annam
dans cinquante ans?” [Nước Nam sẽ ra sao năm mươi năm sau?], Essais
franco-annamites (1929-1932), Huế: Nxb. Bùi Huy Tín, 1937, tr. 500.) Phạm Quỳnh
muốn xây dựng nền quốc học trong khi Việt Minh muốn phổ biến chủ nghĩa cộng
sản.
2. Ở trong nước, Phạm Quỳnh tiêu biểu cho giới trí thức làm văn hóa, theo
chủ nghĩa dân tộc, lập trường quốc gia, bất bạo động, dấn thân hoạt động chính
trị. Việt Minh giết Phạm Quỳnh để đe dọa, uy hiếp và khủng bố tinh thần giới trí
thức hoạt động văn hóa trên toàn quốc. Đây là lối mà người xưa gọi là “sát nhất
nhân, vạn nhân cụ” (giết một người, mười ngàn người sợ).
3. Đối với nước ngoài, Phạm Quỳnh là người được Pháp ủng hộ và rất có uy
tín trên chính trường Pháp. Với đường lối ôn hòa, ông còn có thể được cả Nhật,
Trung Hoa (lúc bấy giờ do Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng cầm quyền), Anh, Hoa
Kỳ chấp nhận hơn là đường lối cực đoan theo Liên Xô của Hồ Chí Minh.
4. Hồ Chí Minh muốn chụp lấy ngay thời cơ tạo ra do khoảng trống chính
trị sau tối hậu thư Potsdam vào cuối tháng 7-1945, nên chủ trương tiêu diệt tất
cả những người nào có khả năng tranh quyền với Hồ Chí Minh, để cho ở trong cũng
như ngoài nước thấy rằng chỉ có một mình Hồ Chí Minh mới xứng đáng lãnh đạo đất
nước. Phạm Quỳnh đã từng là thượng thư bộ Lại, đứng đầu triều đình Huế. Đặc biệt
những điều ông viết về tương lai thế giới mà ông đưa ra từ 1930 trong bài “Ce
que sera l‘Annam dans cinquante ans?” [Nước Nam sẽ ra sao năm mươi năm sau?] đều
đã diễn ra đúng theo ông tiên liệu, như mối đe dọa của Nhật Bản, nạn dịch cộng
sản, xung đột Thái Bình Dương, đại hỏa hoạn ở châu Âu [thế chiến 2]. Nhờ thế mà
uy tín Phạm Quỳnh lên rất cao.
Phạm Quỳnh có uy tín và tư thế lớn đối với dư luận trong và ngoài nước,
là một trong những người có thể trở thành đối thủ đáng ngại của Hồ Chí Minh, nên
Hồ Chí Minh quyết tiêu diệt Phạm Quỳnh để tránh trở ngại về sau.
5. Khi mới nổi dậy năm 1945, để lôi cuốn quần chúng, Hồ Chí Minh và Mặt
trận Việt Minh tuyên truyền rằng Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, chứ không phải là
đảng viên cộng sản, và Hồ Chí Minh ra đi để tìm đường cứu nước, đồng thời Hồ Chí
Minh tự giấu thật kín chuyện xin vào học trường Thuộc Địa Paris mà bị loại. Một
chuyện nữa cũng thuộc loại “thâm cung bí sử” của Hồ Chí Minh là việc Nguyễn Ái
Quốc gia nhập Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie) ở Paris vào đầu năm 1922. (Jacques
Dalloz, “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale” [Người Việt trong
hội Tam Điểm thuộc địa], tạp chí Revue Française d’Histoire d’Outre-mer, Tam cá
nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d’Histoire d’Outre-mer, tr. 105) Hội
Tam Điểm là một hội có chủ trương chính trị đối lập với đảng Cộng Sản và là kẻ
thù của đảng Cộng Sản.
Cũng trong năm 1922, theo lời mời của chính quyền Pháp, Phạm Quỳnh đến
Paris diễn thuyết tại Trường Thuộc Địa (École Coloniale) ngày 31-5-1922 về đề
tài “Sự tiến hóa về đường tinh thần của dân Việt Nam từ ngày đặt bảo hộ đến
giờ”. Sau đó, Phạm Quỳnh ở lại Paris để đi diễn thuyết vài nơi, kể cả Viện Hàn
lâm Pháp. Trong thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh ghi nhật ký là đã gặp gỡ những
“chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi”, và không nêu tên những người ông đã gặp trong
nhật ký. Tuy nhiên, trên sổ lịch để bàn, Phạm Quỳnh ghi rõ: [Thứ Năm, 13-17]:
“Ăn cơm Annam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Villa des
Gobelins)”. [Tờ lịch Chủ nhật 16-7]: “Ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyền đến
chơi.” [Chủ nhật 16-7] [Chuyền có thể là Nguyễn Thế Truyền.]
Như thế, Phạm Quỳnh là một trong những người biết rõ tung tích Hồ Chí
Minh ở Paris, biết rõ Hồ Chí Minh đã gia nhập hội Tam Điểm Pháp, và đặc biệt
Phạm Quỳnh còn sống cho đến 1945 (Những người khác như Phan Châu Trinh, Phan Văn
Trường, Nguyễn An Ninh đều đã từ trần). Phạm Quỳnh là một nho sĩ chính trực nên
ông không tiết lộ cho vua Bảo Đại biết điều nầy, do đó nhà vua mới bị Phạm Khắc
Hòe dẫn dụ về nhân vật Hồ Chí Minh. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, tt. 184-185).
Phải chăng vì là người đã lỡ “biết quá nhiều” về Hồ Chí Minh mà Phạm Quỳnh bị Hồ
Chí Minh ám hại?
Trần Trọng Kim – Hồ Chí Minh
Do những lẽ trên, nếu không có những người Pháp nhảy dù xuống Huế như tác
giả David G. Marr viết hay Trần Huy Liệu kể, cộng sản cũng vẫn giết Phạm Quỳnh.
Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim đều là hai nhà văn hóa, và chính trị nổi tiếng trên
toàn quốc. Trần Trọng Kim viết khảo cứu có tính cách hoàn toàn chuyên môn, chứ
không có chủ trương chính trị lâu dài; nội các Trần Trọng Kim gồm những chuyên
viên cần thiết cho việc xây dựng cơ sở căn bản trong giai đoạn chuyển tiếp từ
chính quyền Pháp qua chính quyền Việt. Trần Trọng Kim ít biết về những hoạt động
của Hồ Chí Minh lúc còn ở Paris.
Ngược lại, Phạm Quỳnh trước tác với một ý hướng chính trị rõ ràng: xây
dựng một nền văn hóa dân tộc, bảo tồn quốc túy, nâng cao trình độ văn hóa của
dân chúng bằng cách phổ biến văn hóa Âu tây, dịch thuật những tư tưởng dân quyền
của Montesquieu, Voltaire, Rousseau. Phạm Quỳnh tham gia triều đình Huế cũng
nhắm đến một chủ đích rõ ràng: tranh đấu ôn hòa, nhưng cương quyết yêu cầu Pháp
trả lại chủ quyền cho triều đình, và xây dựng một hiến pháp làm luật lệ căn bản
của quốc gia.
Ảnh hưởng văn hóa và chính trị của Phạm Quỳnh khá rộng rãi trên các tầng
lớp quần chúng, nhất là giới trí thức trung lưu, từ lớp trí thức Nho học đến cả
lớp trí thức và thanh niên tân học. Tạp chí Nam Phong được các lớp người ưu tú ở
các địa phương lúc bấy giờ trên toàn quốc xem như loại sách báo giáo khoa chỉ
đường. Đó là điều mà cộng sản chẳng những không thể chấp nhận và cũng không thể
dung thứ, vì cộng sản muốn nắm độc quyền lãnh đạo chính trị, độc quyền yêu nước,
độc quyền chân lý.
Xin hãy chú ý thêm ngày Phạm Quỳnh bị sát hại. Phạm Quỳnh bị bắt ngày
23-8-1945, và bị giết ngày 6-9, nghĩa là ông không bị nhóm VM địa phương Huế
giết liền khi họ nổi dậy. Vua Bảo Đại thoái vị ngày 30-8-1945 với sự chứng kiến
của đại diện chính phủ Việt Minh từ Hà Nội đến là Trần Huy Liệu (bộ trưởng bộ
Tuyên truyền), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (bộ trưởng không bộ nào tức quốc
vụ khanh). Phạm Quỳnh bị giam giữ một thời gian, rồi mới bị giết ngày 6-9-1945,
nghĩa là lúc đó đã có mặt của đại diện trung ương của VM và của đảng
CSĐD.
Khi đã có sự hiện diện của đại diện trung ương, các cán bộ VM địa phương
chắc chắn không dám tự tiện ra tay, mà chắc chắn phải có ý kiến của trung ương.
Nhóm Trần Huy Liệu cũng không thể tự quyết định được việc nầy. Như vậy phải
chăng chính nhóm Trần Huy Liệu đã đem lệnh từ Hà Nội vào Huế để giết Phạm Quỳnh?
Và lệnh đó từ đâu, nếu không phải là từ Hồ Chí Minh?
Sau khi Phạm Quỳnh bị giết, hai người con gái đầu của ông là Phạm Thị Giá
và Phạm Thị Thức ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh. Dưới đây là lời kể của bà Thức:
“…Tháng 8 năm 1945, Thầy tôi ra đi!… Sau đó, chị tôi [tên Giá] và tôi nhờ một
anh bạn là Vũ Đình Huỳnh ngày ấy là garde-corps [cận vệ] cho cụ Hồ, giới thiệu
đến thăm cụ và hỏi truyện [tức chuyện Phạm Quỳnh]. Cụ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về…
Và trong thời kỳ khởi nghĩa quá vội và có thể có nhiều sai sót đáng tiếc…”
(Hồi ký viết tại Paris ngày 28-10-1992 của bà Phạm Thị Thức, nhân kỷ
niệm 100 năm sinh niên Phạm Quỳnh, tài liệu gia đình).
Phạm Quỳnh bị giết ngày 6-9-1945. Hồ Chí Minh cướp chính quyền ngày
2-9-1945, ra lệnh “mời” Bảo Đại ra Hà Nội, và Bảo Đại rời Huế ngày 4-9-1945. Như
thế có nghĩa là Hồ Chí Minh đã về Việt Nam, đã cướp được chính quyền, đã nghĩ
đến cựu triều đình Huế, đến việc đưa Bảo Đại ra Hà Nội, vậy chắc chắn Hồ Chí
Minh không thể quên hay không biết chuyện Phạm Quỳnh. Lối lý luận của Hồ Chí
Minh là cách chối tội thông thường cổ điển của VM:
“Mất mùa là tại thiên tai,
Được mùa là tại thiên tài đảng ta”
Được mùa là tại thiên tài đảng ta”
Giết xong Phạm Quỳnh, cộng sản tính việc hủy diệt luôn hình ảnh sáng chói
của nhà văn hóa Phạm Quỳnh, tức giết Phạm Quỳnh lần thứ hai. Việc nầy thì không
thể nói là Hồ Chí Minh không biết gì cả. Đảng Cộng Sản quy chụp cho Phạm Quỳnh
tội “phản quốc, làm tay sai cho Pháp”. Gần 40 năm sau, trong Từ điển Văn Học,
gồm 2 tập, mỗi tập trên 600 trang, gồm nhiều người viết, do Uỷ ban Khoa học Xã
hội xuất bản tại Hà Nội năm 1984, vẫn không có mục “Phạm Quỳnh”. Khi viết về các
nhóm văn hóa, sách nầy không thể loại nhóm Nam Phong vì nhóm Nam Phong có khá
nhiều tác giả nổi tiếng.
Nói đến nhóm Nam Phong, trang 121-123, tập 2, tác giả Nguyễn Phương Chi,
trong ban biên tập từ điển, vẫn còn gọi Phạm Quỳnh là “bồi bút, phản động”. Hơn
thế nữa, năm 1997, trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, do nhà xuất bản Văn
Hóa, Hà Nội ấn hành, Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên tập, mục “Phạm
Quỳnh”, trang 758-759, hai tác giả nầy viết: “Hoạn lộ của ông [chỉ Phạm Quỳnh]
lên nhanh như diều gặp gió vì gắn bó mật thiết với các quan thầy thực dân… Ngày
23-8-1945, Phạm bị các lực lượng yêu nước bắt ở Huế, rồi sau đó bị xử bắn ở l.
[làng] Hiền Sĩ, t. [tỉnh] Thừa Thiên, hưởng dương 53 tuổi.”
Các tác giả cộng sản thường đưa ra chiêu bài yêu nước và dân tộc để quy
chụp những người không theo khuynh hướng của cộng sản là phản động, phản quốc,
trong khi chính vì Hồ Chí Minh khăng khăng đi theo cộng sản Liên Xô mà Việt Nam
không được các nước Đồng Minh thừa nhận sau năm 1945. Cũng chính vì đảng Cộng
Sản chủ trương ý thức hệ cộng sản mà gây ra mâu thuẫn quốc cộng, phá hoại tình
đoàn kết dân tộc, là một trong những nguyên nhân chính đưa đến chiến tranh Việt
Nam từ 1946 đến 1975, và hậu quả còn kéo dài mãi cho đến ngày nay.
Sau năm 1954, rồi 1975, chính đảng Cộng sản Việt Nam đã nhập cảng và áp
dụng một cách máy móc chính sách văn hóa Mác, Mao và kinh tế chỉ huy rập theo
khuôn Liên Xô và Trung Cộng, đã làm cho Bắc Việt rồi cả Việt Nam suy kiệt về mọi
mặt cho đến ngày nay mà chưa tìm ra lối thoát.
Nếu nói rằng: Phạm Quỳnh hợp tác với Pháp để mưu cầu chủ quyền cho Việt
Nam, bảo vệ quyền lợi của quốc gia là làm tay sai cho ngoại bang, còn Hồ Chí
Minh và đảng cộng sản theo Nga Hoa, bán đứng quyền lợi đất nước, thì không phải
là tay sai ngoại bang? Nếu nói rằng Phạm Quỳnh hợp tác công khai với Pháp, viết
bài trình thuật rõ ràng các hoạt động của ông là phản quốc, trong khi Hồ Chí
Minh làm gián điệp cho Đệ tam Quốc tế Cộng sản, cầu viện Trung Quốc và Liên Xô
là không phản quốc?
Nếu nói rằng Phạm Quỳnh viết bài quảng bá học thuật Âu tây, đề cao tư
tưởng dân quyền của Voltaire, Montesquieu, Rousseau là không có tinh thần dân
tộc, còn cộng sản phổ biến tư tưởng Marx, Lenin, và nhất là chủ nghĩa Stalin thì
gọi là gì? Phạm Quỳnh dịch thơ Corneille, Racine là bồi bút, còn Tố Hữu làm thơ
gọi Stalin là ông nội, “thương cha thương mẹ thương chồng / thương mình thương
một thương ông thương mười”, thì không bồi bút?
Nói cho cùng, nếu Phạm Quỳnh chỉ là người học trò bình thường của
Voltaire, Montesquieu hoặc Rousseau thì cũng đáng mừng cho dân tộc Việt
Nam, vì tư tưởng của các nhà học giả Pháp nầy là ánh sáng soi đường cho
nhân dân toàn thế giới xây dựng nền tự do dân chủ phân quyền pháp
trị.
Trong khi đó Hồ Chí Minh là “một người học trò trung thành của Các Mác và
V. I. Lê-nin” (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh,
tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr. 160), và
nhất là người học trò xuất sắc của Stalin, thì thực tế lịch sử đã chứng minh
rằng đó là hiểm họa độc tài đen tối khốc liệt nhất từ trước đến nay trong lịch
sử Việt Nam.
Dầu sao, việc tuyên truyền của cộng sản một thời gây nhiễu xạ hình ảnh
của Phạm Quỳnh và ảnh hưởng không ít đến dư luận dân chúng, làm nhiều người, kể
cả vài kẻ tự mệnh danh là trí thức tiến bộ, hiểu sai về Phạm Quỳnh, và hiểu sai
luôn về một số nhân vật chính trị theo khuynh hướng quốc gia dân tộc.
Phạm Quỳnh đã từng nói: “Về phần tôi, tôi đã chọn con đường của tôi. Tôi
là một người ở buổi giao thời và tôi sẽ chẳng bao giờ được cảm thông…”.
(Thư ngày 30-12-1933 của Phạm Quỳnh gởi Louis Marty, Hành trình nhật ký, Paris:
Nxb. Ý Việt, 1997, phần “Dẫn nhập”, không đề trang).
Ngày nay, sau những biến động đảo điên của thời cuộc, mọi người nên công
tâm tìm hiểu Phạm Quỳnh và nhìn lại sự nghiệp của ông. Trước ngã ba đường vào
đầu thế kỷ 20, giữa cựu học, Tây học, và tân học, Phạm Quỳnh chọn con đường tân
học, cải tiến và hoàn chỉnh văn học Quốc ngữ để làm phương tiện xây dựng quốc
học, vừa bảo vệ quốc hồn quốc túy, vừa bồi đắp thêm bằng cách du nhập những tinh
hoa văn hóa nước ngoài.
Chủ trương hòa nhập văn hóa (acculturation) của Phạm
Quỳnh xét cho cùng rất quý báu và cần thiết cho đất nước, vì nếu chỉ
mải mê tranh đấu chính trị và quân sự, mà không xây dựng nền văn hóa dân tộc dựa
trên quốc hồn, quốc học và quốc văn, thì người Việt vẫn bị trì trệ trong sự nô
lệ tinh thần. Những đóng góp của ông trong việc phát triển nền văn chương Quốc
ngữ thật lớn lao. Những vấn đề văn chương, triết lý tổng hợp đông tây ông đã
viết, những ý kiến do ông đưa ra trong các bài báo, kể cả những ý kiến ông tranh
luận về truyện Kiều, về Nho giáo, vẫn còn có giá trị. Giấc mơ của Phạm Quỳnh về
quốc học, quốc hồn lại càng cần được cổ xúy làm nền tảng giáo dục tinh thần cho
mọi người Việt Nam ngày nay ở trong cũng như ở ngoài nước. Phạm Quỳnh là nhà văn
hóa lớn của Việt Nam thời hiện đại.
Về chính trị, Phạm Quỳnh viết nhiều tiểu luận bằng tiếng Việt cũng như
bằng tiếng Pháp để tranh đấu thực hiện lý tưởng chính trị của ông. Nhiều người
thường đồng nghĩa nền quân chủ với phong kiến hoặc thực dân, nên cho rằng quan
niệm quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh là thủ cựu. Cần phải chú ý là Phạm Quỳnh
chủ trương bất bạo động. Ông chọn thể chế quân chủ lập hiến với hy vọng thúc đẩy
Việt Nam chuyển biến một cách ôn hòa trong trật tự.
Nhìn ra nước ngoài, hiện nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì nền
quân chủ lập hiến, nhưng vẫn là những nước hết sức dân chủ như Anh Quốc, Nhật
Bản, Thụy Điển, Bỉ… Ở trong nước, xét trên chiều dài của lịch sử, từ
ngày Pháp đặt nền đô hộ năm 1884 đến năm 1945, tuy các vua nhà Nguyễn bị người
Pháp khống chế, nhưng vua vẫn là biểu tượng cao cả của đất nước, nên các cuộc
nổi dậy kháng Pháp từ Bắc vào Nam đều quy hướng về một mối, đó là triều đình ở
kinh đô Huế. Trái lại từ năm 1945 trở đi, khi VM cộng sản cướp chính quyền,
người Việt Nam bị chia rẽ trầm trọng thành nhiều phe nhóm khác nhau, theo những
quan điểm khác nhau. Do đó, Phạm Quỳnh có phần hữu lý khi ông chủ trương cải
cách ôn hòa, và chọn quân chủ lập hiến theo đại nghị chế thay thế cho nền quân
chủ chuyên chế.
Ngày nay, cục diện chính trị Việt Nam đã thay đổi hẳn, quan niệm
quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh không còn phù hợp, nhưng không thể vì thế mà
phủ nhận tinh thần ái quốc, lòng can đảm và sự tận tình của ông trên con đường
phụng sự quê hương. Phạm Quỳnh đã âm thầm tranh đấu bất bạo động để đòi
hỏi chủ quyền cho đất nước. Ông đã hết lòng hoạt động vì nước và đã hy sinh vì
lý tưởng của mình. Đó là điều thật đáng trân quý nơi Phạm Quỳnh, nhà trí thức
dấn thân hoạt động chính trị.
Một điều đáng ghi nhận cuối cùng trong cách thức hành xử của Phạm Quỳnh.
Ông theo đuổi một lý tưởng chính trị trường kỳ và bất bạo động, nên ông luôn
luôn cố gắng làm những gì có lợi cho đất nước và đồng bào, đồng thời tránh không
làm bất cứ việc gì có hại cho quốc gia dân tộc. Phạm Quỳnh sống lương
thiện, không tham ô nhũng lạm, và cũng không hề gây tội ác giết hại đồng
bào. Thái độ nầy là điều mà rất ít nhà hoạt động chính trị của mọi
khuynh hướng thực hiện được, và là một điểm son sáng chói phân biệt Phạm Quỳnh
với những người ra hợp tác với Pháp để trục lợi cầu vinh.
Đây là điều cần phải được tách bạch. Trong việc hợp tác với Pháp, có hai
hạng người: hạng thứ nhất là những kẻ hợp tác để mưu cầu danh lợi riêng tư, lợi
dụng quyền thế, hống hách bóc lột đồng bào; hạng thứ hai ra tham chính, làm việc
với Pháp, không dựa vào quyền thế để hiếp đáp dân chúng, mà dùng quyền thế để
cứu giúp đồng bào, và vẫn giữ được khí tiết riêng của mình như Nguyễn Trường Tộ,
Pétrus Trương Vĩnh Ký, và biết bao nhiêu người vô danh khác.
Phải tránh vơ đũa cả nắm, và phải rõ ràng như thế mới hiểu được tâm trạng
cùng sự can đảm của những nhà trí thức, trong hoàn cảnh éo le của đất nước, dấn
thân hoạt động chính trị, phụng sự dân tộc, nhất thời đã bị hiểu lầm sau những
cơn lốc tranh chấp chính trị kéo dài trên quê hương yêu dấu, trong đó Phạm Quỳnh
là trường hợp điển hình nhất.
Trần Gia Phụng
__._,_.___
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen