Còn vài tuần nữa vợ chồng tôi sẽ về thăm lại quê hương.
Tìm Internet
những bài viết về thành phố Saigòn ngày nay, văn hóa, con người, những
địa điểm ăn uống v.v., tôi tình cờ đọc được bài này đáng chú ý. Bài này
nói về người Việt Nam trên đất Mỹ nơi tôi đang sống. Xin chép lại để mai
mốt đọc lại kỹ hơn.
” Đấy là câu nói như thốt lên của những người đã đến Mỹ. Chuyện người
Mỹ không khóa cửa là chuyện xưa lắm rồi. Nhưng tôi vẫn muốn nói lại.
Bởi câu chuyện người Mỹ không khóa cửa chứa đựng bao điều suy ngẫm khi
tôi phải chứng kiến những gì ngược lại ở Việt Nam.
Ngày đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi ở tạm trong ngôi nhà của một gia đình
Mỹ đang đi nghỉ cuối tuần. Một người bạn của tôi lần đâu đến Mỹ đã
không thể hiểu vì sao một ngôi nhà đẹp như thế, nhiều đồ đạc như thế mà
không khóa cửa. Tôi đã giải thích nhưng người bạn ấy vẫn băn khoăn mãi
đến gần hết chuyến đi. Trong cái đêm đầu tiên ấy, khi người bạn đi ngủ
bèn mang theo cả chiếc túi sách đựng hộ chiếu và một ít tiền lên giường
vì sợ đang đêm kẻ trộm mò vào nhà ăn cắp. Tôi hiểu tâm trạng ấy. Nỗi ám
ảnh về những chuyện mất mát ở khách sạn hay trong chính nhà mình đã theo
đuổi bạn tôi không rời.
Trong những ngày cuối cùng ở Mỹ, một người bạn nhờ con trai tôi mua
giúp một cái ipad2 qua mạng. Một chiều đi chơi về, tôi thấy chiếc ipad2
được đóng gói cẩn thận để trên bậc cầu thang trước cửa nhà sát ngay vỉa
hè khu phố. Cho dù đã bắt đầu hiểu một phần nào đó nước Mỹ nhưng bạn tôi
vẫn rất bị “sốc”. Chiếc Ipad2 được đóng gói để một nơi rất dễ nhìn thấy
và chỉ cách lối đi bộ một hai bước chân mà thôi. Đấy là một khu phố
vắng vẻ gần như nhà nào biết nhà ấy. Nếu ai đó muốn lấy cái ipad2 kia
thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần bước ba bước và nhặt lên. Tất cả quá dễ
dàng và an toàn. Nhưng không ai lấy chiếc ipad2 đó. Không ai lấy bất kỳ
những gì mà những người vận chuyển hàng hóa để trước cửa nhà của khách
hàng. Người già đi qua không lấy. Người trẻ đi qua không lấy. Những
người làm công việc vệ sinh môi trường đi qua cũng không lấy. Và có lẽ
những người vô gia cư đi qua cũng không lấy.
Lối sống ấy không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sống nghèo khó hay
thiếu thốn…Đó là lối sống của văn hóa, luật pháp và lòng tự trọng. Đương
nhiên không phải tất cả những người Mỹ sống như vậy. Nhưng cách sống ấy
là cách sống của đại đa số người Mỹ. Xin đừng nghĩ là nước Mỹ giàu có
nên chẳng ai muốn ăn cắp. Người Mỹ là người tiêu tiền một cách kỹ lưỡng
và có kế hoạch nhất. Thực tế, người Mỹ vào siêu thị sẽ đứng khá lâu
trước một mặt hàng giá 2 đô 99 xu và một mặt hàng giá 3 đô 10 xu. Khi đi
ăn với bạn, họ trả không thừa một xu với số tiền họ phải trả. Mà khi
đó, một cái ipad2 giá ở Mỹ khoảng 800 đô la.
Chúng ta từng đọc trên báo Việt Nam viết về những làn sóng khổng lồ
người Mỹ ùa đến các siêu thị trong những ngày giảm giá và tai nạn chết
người đã xẩy ra khi những khách hàng chen nhau vào siêu thị để mua hàng
giảm giá. Một đô la có giá trị rất nhỏ với mức lương tháng trung bình
của người Mỹ là hàng ngàn đô la. Nhưng tôi đã quan sát trong nhiều năm
khi ở Mỹ cách tiêu một đô la của người Mỹ. Nhiều lúc, tôi có cảm giác họ
đang tiêu những đồng một đô la như tiêu những đồng tiền cuối cùng của
đời họ. Nói vậy để thấy họ quý từng đồng đô la như thế nào.
Ông cha ta có câu ” đói cho sạch, rách cho thơm”. Những tưởng đó là
lối sống của người Việt Nam ngày nay. Nhưng câu nói của ông cha chúng ta
đang bị vấy bẩn và làm lu mờ. Trong chuyến đi này, khi quá cảnh ở sân
bay Narita, Tokyo, tôi đã phải mở cái thùng giấy của mình cho an ninh
cửa khẩu Nhật khi họ soi thấy có một số bật lửa ga trong đó. Sau khi
kiểm tra xong, họ đã tự tay dán băng dinh chiếc thùng giấy của tôi một
cách cẩn thận như chính họ đang dán chiếc thùng của họ vậy.
Thế nhưng, khi về đến Hà Nội, chiếc thùng giấy của tôi đã bị rạch và
một số thứ trong thùng giấy đã biến mất. Cái vali có khóa ngầm cũng bị
đập vỡ. Chiếc khóa kiểu như vậy không thể bị vỡ một cách vô tình như
thế. Tôi không có chứng cứ để nói rằng những ai đó ở sân bay Nội Bài đã
rạch thùng, đập khóa vali và ăn cắp đồ của tôi. Nhưng tôi tin thùng hàng
của tôi đã bị rạch và khóa vali của tôi bị đập ở đó. Tôi không bao giờ
tin những nhân viên làm việc ở sân bay Narita, Tokyo đã làm cái việc xấu
xa đó.
Bởi ngay ở sân bay Narita, tôi đã chứng kiến nhân cách của người Nhật
ngay trong chính thời gian mà người Nhật vừa trải qua đại thảm họa sóng
thần. Tôi đã viết câu chuyện về nhân cách Nhật thông qua một người hầu
bàn ở câu chuyện trước. Những thứ tôi mất tính ra không phải là một món
tiền lớn. Nhưng hành động ăn cắp đã làm tôi nổi giận nhiều ngày. Mà
không chỉ là tôi, không ít hàng khách Việt Nam và báo chí đã lên tiếng
về những điều xấu xa tương tự mà họ là nạn nhân.
Đời sống của con người Việt Nam đã khác trước rất nhiều so với 10 năm
trước và quá nhiều so với những năm tháng ngèo đói trước kia. Nhưng
những hành động tham nhũng, tham ô, ăn cắp, lừa dối… của người Việt Nam
hình như mỗi ngày một gia tăng. Mấy ngày trước, chúng tôi đi du lịch ở
Nha Trang. Người hướng dẫn viên mỗi khi lên xe lại nhắc chúng tôi hãy
cảnh giác cao độ nếu không muốn bị móc túi, nếu không muốn mua phải hàng
giả. Anh cảnh báo chúng tôi rằng ngay cả mặt hàng yến sào đắt như vàng
cũng dễ dàng bị làm giả.
Đời sống kinh tế của đất nước được cải thiện rất nhiều và với một tốc
độ khá nhanh. Nhưng lòng tự trọng và lối sống văn hóa thì những người
có quan tâm đều nhận thấy nó bị đánh mất đi nhanh hơn và lan truyền rộng
hơn sự phát triển kinh tế nhiều lần. Nếu cứ đà này thì chỉ mươi năm
nữa, những người yếu bóng vía ra đường sẽ chỉ thấy nhan nhản những kẻ ăn
cắp và bọn lừa đảo.
Tại sao những năm tháng chiến tranh đầy thiếu thốn và hy sinh con
người Việt Nam lại sống với lòng tự trọng cao như vậy mà bây giờ giàu có
hơn thì lòng tự trọng ấy lại bị hoen ố quá nhiều ? Tôi biết rằng câu
hỏi của tôi quá ngây thơ nhưng tôi cứ phải hỏi. Mà đúng hơn đó không
phải là một câu hỏi mà là một tiếng kêu đau đớn và lo sợ. Và những điều
làm cho chúng ta đau đớn và lo sợ sinh ra từ nền giáo dục của chúng ta.
Nền giáo dục ở đây xin đừng hiểu chỉ là nhà trường mà là cách quản lý và
điều hành xã hội. Không có sự thật nào ngoài sự thật này.
Lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 19 năm, tôi thực sự ngạc nhiên vì những
ngôi nhà ở Mỹ không đóng khóa cửa. Trong mỗi ngôi nhà của họ có biết bao
thứ đắt tiền. Nhưng không mấy ai lọt vào nhà người khác để lấy cắp. Có
nhiều lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất là ý thức làm người của họ cùng với
sự trợ giúp cho ý thức sống ấy là luật pháp và cách quản lý xã hội. Còn
ở đất nước chúng ta, nhiều ngôi nhà khóa ba tầng bảy lớp vần bị phá tan
tành.
Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy
phút. Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam
có ý thức về việc đó cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được. Khi
tôi nói vậy, nhiều người thấy mệt mỏi rã rời vì nghĩ đến chặng đường dài
đến tận…100 năm. Nhưng cho dù có phải đi đến 1000 năm thì chúng ta cũng
phải đi chứ không còn cách nào khác.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều“
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen