Montag, 18. August 2014

NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI ĐỨC


Phạm Thị Hoài
 
Quê hương thứ hai của tôi khác hẳn quê hương thứ nhất. Khí hậu, thể chế chính trị, tổ chức xã hội, ngôn ngữ và văn hóa, đời sống hàng ngày, phong tục tập quán và tính cách con người, cây, nước, không khí và bầu trời… Cả chó, mèo, vịt, chim bồ câu và vi khuẩn cũng khác. Chỉ có dân số, diện tích [1] và vài chục năm trong lịch sử cận hiện đại là tương đối gần nhau. Tôi thuộc phe không tin rằng bộ gene sinh học góp phần quyết định số phận của một dân tộc [2], vậy mà nhiều khi phải phân vân: Người Việt và người Đức dường như được hai tạo hóa nhào nặn bằng hai chất liệu không thể khác nhau hơn.

Chẳng hạn: tạo hóa của người Việt cho họ năng khiếu hạnh phúc ở kích thước khiêm tốn. Tạo hóa của người Đức cho họ biệt tài than vãn ở tầm cao. Ta hãy lấy một ví dụ.
Trong báo cáo về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm ngoái của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đạt 31 điểm, dưới trung bình gần 20 điểm, xếp thứ 116/177; Đức đạt 78 điểm, trên trung bình gần 30 điểm, xếp thứ 12 [3].
Lẽ ra có thể nhìn sang Nhật (xếp thứ 18), Mỹ (xếp thứ 19), Pháp (xếp thứ 22) hay Ý (xếp thứ 69) để tự an ủi thì người Đức lại bất mãn khủng khiếp về vị trí chỉ đứng thứ 12 của mình. Và nguyên nhân khiến họ không lọt Top Ten những nước trong sạch nhất đã được chỉ ra rành rọt: cho đến nay Công ước Phòng chống Tham nhũng của Liên Hiệp Quốc mà Đức kí từ năm 2003 chưa được phê chuẩn. Lí do chính nằm ở thủ tục điều chỉnh Bộ Luật Hình sự để phù hợp với Công ước này, trong đó điểm kẹt lại nằm trớ trêu ở điều 108e về tội hối lộ dân biểu. Nhưng ở đất nước làm cái gì cũng phải lên lịch từ thế kỉ trước này, điều chỉnh Luật Hình sự cần không dưới 5 năm [4]. Vậy là người Đức có thêm 5 năm để than vãn. Cách đây không lâu Tổng thống của họ phải từ chức, xuất phát từ vụ vay tiền – vâng, vay chứ không phải cướp, vay trả dần, cộng cả lãi suất – của vợ một doanh nhân để mua nhà. Một vị từng là ứng cử viên cho chức Thủ tướng thì đi diễn thuyết cho các doanh nghiệp, với tổng thù lao lên đến gần một triệu Euro một năm [5]. Cả hai đều không chính thức phạm luật, song vẫn bốc mùi. Cứ thế này, dân Đức than thở, họ sẽ thành một nước “cộng hòa chuối”.
Người Việt dĩ nhiên cũng than thở và hơn cả than thở, họ bức xúc. Họ phẫn nộ và cương quyết. Họ có một điều luật cho phép xử tử hình kẻ nào tham ô từ 500 triệu tiền Cụ Hồ – tức 25.000 dollar – trở lên. Ở Đức, hối lộ cộng tham ô cộng trốn thuế 44 triệu dollar nặng nhất cũng chỉ xứng đáng 8 năm 6 tháng tù, như trường hợp ông xếp ngân hàng Gribkowsky trong vụ bê bối mua bán bản quyền truyền hình giải đua xe F1. Song hành trình với tham nhũng của người Việt không phải là đường một chiều. Nó giống một bùng binh hơn. Ở đó mọi người cùng chen lấn, giành giật và chửi rủa để nhích lên từng centimet, cùng hành hạ nhau và mang ơn nhau, cùng thay phiên trong các vai nạn nhân, ân nhân và thủ phạm. Cảnh tượng dĩ nhiên là đáng ngao ngán, tốc độ thảm hại, diện mạo con người méo mó, chân dung môi trường tàn khốc, nhưng một lúc nào đó, với xe để ởcần số 1 và lí trí để ở cần số 0, tất cả cũng ra khỏi bùng binh, cùng tràn đầy sung sướng, trước khi dấn thân vào bùng binh kế tiếp.
*
Một ví dụ khác:
Ngày 5/8/2014, một chiếc xe bus chở 48 người bị mất thắng ở Lâm Đồng, đâm vào vách núi, khiến 3 người thiệt mạng. Song 45 người bị thương còn lại, từ chấn thương phần mềm đến chấn thương cột sống, từ gãy xương chân tay đến vỡ xương chậu, nhưng thoát chết, vẫn đầy lòng biết ơn số phận và cảm ơn người tài xế đã dũng cảm hi sinh, bằng cách thà lao xe vào vách đá để chết ít còn hơn lao xe xuống vực mà chết tuốt. Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia lập tức viết thư chia buồn với gia đình người tài xế và biểu dương hành động anh hùng của ông. Hàng trăm độc giả bày tỏ lòng xúc động, cảm phục, ngưỡng mộ, coi đó là tấm gương đạo đức cao cả và lương tâm nghề nghiệp sáng chói, nhiều người đề nghị nhà nước truy tặng ông huân chương dũng cảm và danh hiệu liệt sĩ, nhiều người lấy đó để tự hào rằng Việt Nam luôn sinh ra những anh hùng.
Mùa Đông 2010, tại Sölden, một chiếc xe bus trên đường chở khách đi trượt tuyết từ Áo về Đức cũng mất thắng, tài xế cũng tìm mọi cách tránh lao xe xuống vực, cuối cùng cũng chấp nhận đâm vào một cọc bê tông và rơi xuống một đường trượt băng, khiến một người chết và 36 người còn lại bị thương. Tài xế bị thương nặng. Ông được coi là một người dày dạn kinh nghiệm, đã đào tạo 150 tài xế xe bus và theo các nhân chứng, đã phản ứng rất nhanh và chuyên nghiệp khi sự việc xảy ra, nếu không có thể chẳng ai sống sót. Song thay vì được cảm ơn chứ chưa nói đến chuyện anh hùng, ông bị truy tố với tội danh sơ ý làm chết người và sơ ý gây thương tích cơ thể. Ngoài Viện Công tố, gia đình của người bị thiệt mạng và những người bị thương hôm đó đồng tham gia tố tụng. Ông bị tòa kết án. Lí do: là tài xế, ông phải biết rằng chạy đường trơn, lại ở đồi núi, hệ thống phanh thường bị sử dụng quá giới hạn, cần cho xe nghỉ đủ để phanh hạ nhiệt và hoạt động hiệu quả trở lại. Tai nạn lẽ ra có thể tránh được và ông phải chịu trách nhiệm vì đã để nó xảy ra.
Cùng một hành vi, người Việt coi là anh hùng cao cả, đáng tuyên dương; người Đức kết án.
Người Việt biết ơn vì chết ít thay vì chết cả nút. Người Đức phẫn nộ, vì cái chết nào không đáng cũng là quá nhiều. Nếu không phải là con người lấy chính mình làm khuôn mẫu tạo ra Thượng đế mà ngược lại, thì Thượng đế của người Việt thật dễ tính, Thượng đế của người Đức khó khăn trăm bề.
Tôi thích ông khó tính hơn. Ngồi trên một chiếc xe bus ở Đức, tôi yên tâm rằng phanh xe không phải là một thế lực siêu nhiên, còn thì phúc, mất thì ráng chịu; hơn nữa tôi không trả tiền mua vé để được sống sót, chỉ vì bác tài xế dũng cảm sẽ hi sinh.
© 2014 pro&contra

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen