Samstag, 23. August 2014

Cán bộ nguồn” bỏ trốn: Liệu sẽ có một phong trào đào thoát?

"....Điều lạ lùng là vào những năm trước, thi thoảng mới nghe đến chuyện cán bộ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài. Điển hình của hiện tượng này là vụ việc gây chấn động: nguyên ủy viên bộ chính trị, phó chủ tịch quốc hội Việt Nam Hoàng Văn Hoan đã bỏ trốn sang Trung Quốc nhân một chuyến đi chữa bệnh ở Đông Đức vào năm 1979...."


12/13 quán quân Olympia không muốn về nước sau khi đã học xong.

Trong nhiều năm sau đó, dường như vấn đề “tị nạn” của cán bộ được xem là “bí mật quốc gia” đến mức rất ít tin tức lọt ra ngoài, dù trong nội bộ vẫn xầm xì về chuyện “người ở kẻ đi”.

Nhưng chỉ trong tám tháng đầu năm 2014, lần lượt Bộ Công thương rồi chính quyền Cần Thơ buộc phải báo cáo về những “cán bộ nguồn” của các cơ quan này lưu lạc miền đất hứa ở Hoa Kỳ. Hiện tượng này phản ánh sắc thái nào và liệu có dẫn đến một làn sóng “di trú” ồ ạt công chức Việt Nam sang phương Tây trong những năm tới?

Bao nhiêu ngàn cho Việt Nam?

Cho tới nay, ở Việt Nam chưa có những biến động chính trị đủ lớn để có thể khuấy động một phong trào số đông dịch chuyển dân số sang “Thế giới tự do”.

Lý do còn lại hầu như thiên về kinh tế. Hiện tượng có đến phân nửa số du học sinh của Việt Nam tìm cách ở lại, và trong thực tế phần lớn trong số một nửa đó đã ở lại nước ngoài, là một minh chứng rất điển hình. Trong số đó, dư luận thường đong đếm không ít con cái của quan chức Việt Nam.

Không thể cho rằng xu hướng ở lại nước ngoài của du học sinh không ảnh hưởng đến tâm lý của diện công chức và viên chức nhà nước. Một hình ảnh rất gần gũi hoàn toàn có thể tham khảo là hiện tượng tương tự ở Trung Quốc. Vào năm 2011, lần đầu tiên cơ quan chức năng của quốc gia “đồng chí” với Việt Nam đã phải công bố về chuyện có đến 18.000 - 20.000 doanh nhân và cán bộ người Trung bỏ ra nước ngoài trong hai chục năm trước đó, làm chảy máu một lượng ngoại tệ lên đến khoảng 20 tỷ USD. Tổ chức tuyên giáo Bắc Kinh đã gầm gừ lên án số người đào thoát này là “không có lòng yêu nước”!

Thế nhưng khác hẳn với thái độ minh bạch dù là tối thiểu của người anh em “Mười sáu chữ vàng”, giới lãnh đạo Việt Nam lại hầu như không dám thống kê và công khai danh tính của số cán bộ mà có thể đã “di trú” trong rất nhiều năm trước, cho dù dư luận về hiện tượng “chảy máu nhân lực” là luôn ồn ã.

Song trùng với nhịp điệu suy sụp kinh tế trong ít nhất bảy năm qua, cũng không ít dư luận về việc các đại gia và giới quan chức Việt tìm nhiều cách đưa người thân và tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Những địa chỉ của người Việt tìm đến cũng khá tương đồng với giới quan chức Trung Quốc: Mỹ, Canada, Úc, Anh…

Làn sóng “đào ngũ” không còn xa?

Nguồn cơn bất ổn kinh tế và có thể dẫn đến xã hội loạn lạc thường là một lý do muôn thuở cho một phong trào di cư ra nước ngoài. Trên một phương diện nào đó, hiện tượng này cũng có thể so sánh với trào lưu thoái đảng đang lan tràn trong lớp đảng viên về hưu ở Việt Nam. Tuy con số công bố về ra đảng là rất thấp so với tổng số 3,7 triệu đảng viên còn trong danh sách, nhưng một số thông tin từ các nguồn khác nhau đánh giá phải đến 40% hoặc hơn số đảng viên về hưu đã và đang thoái đảng ở nhiều hình thức như không nộp hồ sơ đảng viên, không đóng đảng phí, không sinh hoạt đảng tại địa phương, âm thầm xin ra khỏi đảng… Tỷ lệ này lại khá tương hợp với số phần trăm du học sinh Việt Nam không quay về nước.

Lúng túng vẫn hoàn lúng túng. Tình trạng cán bộ công chức “đào ngũ”, trốn ra nước ngoài đã khiến cho các cơ quan nhà nước phải đối diện nhiều vấn đề đau đầu: ngoài bài toán lãng phí tiền của, vật lực mà nhà nước đã bỏ ra để đào tạo nguồn nhân lực này, còn có bài toán về quản lý con người, đặc biệt với những cán bộ, công chức đang đảm đương những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, giữ những đầu mối thông tin liên lạc không kém phần quan trọng, liên quan đến yêu cầu “bảo vệ bí mật nhà nước”. Dù đã có Luật Cán bộ công chức, nhưng chẳng cơ quan nào làm được gì để chế tài những cá nhân có hành động “xoay trục”, nhất là xoay sang “kẻ thù số một”.

Song trong thời gian tới, khác nhiều với lý do khó khăn và bất ổn kinh tế những năm trước đây, rối loạn chính trị có thể là một nguyên cớ hiện hữu ở Việt Nam. Có lẽ không ít quan chức đã chuẩn bị cho tâm thế “xử lý khủng hoảng” và tư thế sẵn sàng nhảy lên máy bay “biến” ra nước ngoài, dẫn đến một làn sóng “đào ngũ” trên diện rộng, tương tự hiện tượng từng xảy ra ở các nước Bắc Phi vào năm 2011 và Ukraine chỉ mới vào đầu năm 2014 này.


Viết Lê Quân

( Việt Nam Thời Báo )

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen