Nguyễn Trần Sâm
Ảnh của tác giả. |
Như vậy là cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã 4 lần đến
Việt Nam.
Trong những hình ảnh mà người ta được thấy trong chuyến đi
của ông, ấn tượng nhất là cảnh ông đi – đúng hơn là không đi nổi – trên đường
phố (Hà Nội và Sài Gòn). Đám đông dân chúng đón ông, tất cả đều giơ tay về phía
ông, những ánh mắt nhìn ông thân thiện, hồ hỡi và ngưỡng mộ! Dường như họ
chờ đợi giây phút này đã từ lâu lắm.
Vì sao vậy? Vì sao nguyên thủ (và ở những chuyến sau là cựu
nguyên thủ) của một quốc gia mà mới vài chục năm trước bị chính giới và hàng
chục triệu người dân Việt Nam coi là kẻ thù, bây giờ lại được tất cả những
người gặp ông trên đường phố đón mừng với sự mong đợi và tình cảm chân thành
như vậy?
Phải nói là khoảng thời gian trên dưới 30 năm (lần đầu là
sau 27 năm, và lần gần đây nhất là sau 41 năm kể từ khi Mỹ rút khỏi VN) đã phát
huy tác dụng của nó. Nó đã xóa đi khá nhiều những ký ức và ấn tượng về cuộc
chiến, làm phai nhạt khá nhiều nỗi hận thù khi nhìn thấy người Mỹ rải bom đạn,
phá hủy nhà cửa và các công trình dân sinh, gieo rắc chết chóc cho dân thường.
Hơn thế, khoảng thời gian đó đã làm cho những người có suy nghĩ độc lập đặt ra
câu hỏi: “Vì sao Mỹ đến VN? Liệu có phải thuần túy vì mục đích cướp bóc tài
nguyên hoặc hủy diệt một dân tộc?” Và người ta ít nhiều đã nhận ra rằng nguyên
nhân sâu xa nằm ở chỗ khác. Thoạt nhìn, người Mỹ đúng là kẻ xâm lăng, vì nếu họ
không đến thì làm sao có cuộc chiến khốc liệt đó trên đất VN! Nhưng nhìn lại
lịch sử, bắt đầu từ Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản của Marx và Engels, thì ta sẽ
nhìn nhận vấn đề khác đi đáng kể.
Khoảng thời gian đó cũng đã làm cho dân ta thấy thêm được
nhiều điều khác. Họ đã nhận ra rằng những gì được nghe trước đây qua hệ
thống
tuyên truyền (nhất là ở miền Bắc) về phía bên kia, cơ bản là “nói lấy
được”,
kiểu như “Ngu nhất trên đời là tổng thống Mỹ”, hay chuyện ông Ngô Đình
Diệm
thông dâm với em dâu Trần Lệ Xuân (trong khi ngay cả đối thủ chính trị
của ông trong chính quyền VNCH cũng phải thừa nhận ông không bao giờ gặp
riêng một
phụ nữ nào), vân vân và vân vân… Qua hệ thống truyền thông, đặc biệt là
TV,
qua mạng Internet, qua những chuyến đi “Tây”, trong đó có Mỹ, qua câu
chuyện mà
những người đi “Tây” về kể lại, đa số đã nhận ra rằng xã hội Mỹ và các
nước
phát triển khác thực sự phấn đấu vì hạnh phúc của con người, và họ đã
đạt được
những thành tựu mà thậm chí người Việt ta còn không tưởng tượng ra.
Không chỉ
là sự giàu sang và khoa học với công nghệ hiện đại. Ở nơi đó người thất
nghiệp
cũng có thể có trên dưới ngàn đô mỗi tháng; thậm chí người tị nạn cũng
được nhà
nước sở tại quan tâm. Ở nơi đó những công dân không phải làm gì trừ việc
lao
động để bảo đảm cuộc sống cho mình và đóng thuế cho nhà nước. Ở nơi đó,
mọi
người đều được nói lên những điều mình nghĩ, kể cả những điều mang tính
chất
phê phán (có khi gay gắt) hệ thống nhà nước và cá nhân các quan chức cao
cấp.
Người ta đã nhận ra rằng tất cả những cái “ưu việt” của xã hội kiểu như
của ta,
của Tàu,… chỉ là sản phẩm của đường lối tuyên truyền. Người ta nhận ra
rằng
những sự kỳ vọng ấp ủ bao năm về cuộc sống hạnh phúc chỉ là hão huyền.
Hãy nhìn
kia, những đoàn dân oan, mất đất, mất nhà! Nhìn kia, những người muốn có
tự do
bị tước đi cả những thứ tự do sơ đẳng nhất!
Trong bối cảnh đó, một chính khách có tư thế đến từ một quốc
gia văn minh thực sự trở thành biểu tượng của niềm tin và hy vọng. Nếu ông ấy
vẫn là đương kim nguyên thủ thì cơ hội cho người dân thường tiếp xúc trực tiếp
với ông ấy gần như không có. Còn nếu ông ấy đã “về vườn” thì ông ấy có thể
thoải mái đi ra đường phố để người dân được nhìn thấy ông bằng xương bằng thịt,
và được chạm vào tay ông, vào áo ông. Chưa biết ông mang đến cho đất nước này
được những gì, và những thứ đó có đến tay được một người dân cụ thể nào đó
trong đám đông kia hay không, nhưng người dân đó vẫn vui vì được ở gần ông, một
con người mà người ta cảm thấy đáng tin cậy hơn nhiều so với những nhân vật
quyền thế đang trực tiếp chi phối đời sống xã hội ta và những người trước đó đã
bao năm hứa hẹn hão với dân chúng về thiên đường trên mặt đất. Họ đã bao năm
chờ đợi, đã hy vọng, và thất vọng…
Một lý do nữa để Bill Clinton được người dân Việt Nam hồ hởi đón
mừng như vậy là chính con người ông. Một người đẹp gần như hoàn hảo cả về dáng
mạo, tư thế và nhân cách. Một thân hình cao lớn và cân đối. Một gương mặt khả
ái và tươi tắn. Một tác phong đĩnh đạc nhưng vẫn khiêm nhường khi lắng nghe từ
đối tác cho đến đứa trẻ. Những bài nói cụ thể và sinh động, không sa vào hô
khẩu hiệu chính trị. Về hành động, ông còn là vị tổng thống Mỹ đã làm mọi việc
để tạo cơ hội và quyết định bỏ cấm vận, cũng như bình thường hóa quan hệ với
VN. Việc đó đã góp phần quan trọng để nước ta thoát ra khỏi tình trạng bế tắc
kéo dài 20 năm trước đó. Và những hoạt động của ông ngay cả khi đã rời chính
trường vẫn đang đem lại hạnh phúc cho hàng trăm ngàn người bất hạnh ở nhiều nơi
trên thế giới.
Nguyễn Trần Sâm
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen