Freitag, 6. Juni 2014

Sài Gòn: Cuộc họp của các tổ chức Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam ngày 5/6/2014

Sài Gòn: Cuộc họp của các tổ chức Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam ngày 5/6/2014

Dân Luận tường thuật
Một cuộc họp của các tổ chức Xã Hội Dân Sự và tôn giáo vừa diễn ra tại chùa Liên Trì sáng ngày 5/6/2014. Trong cuộc họp có sự hiện diện 16 tổ chức Xã Hội Dân Sự. Có thể nói, đây là bước khởi đầu mới cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.
Với những mối lo ngại về hiện tình của đất nước đang diễn ra trong thời gian vừa qua, ngày hôm nay lần đầu tiên các tổ chức XHDS có thể ngồi lại với nhau đánh dấu một bước tiến dài cho phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam. Các tổ chức XHDS và tôn giáo có mặt trong buổi họp bao gồm:

1. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự
2. Hội Tù Nhân Lương Tâm
3. Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
4. Cao Đài
5. Phật Giáo Hòa Hảo
6. Tin Lành
7. Bạch Đằng Giang Foundation
8. Hội Phụ Nữ Nhân Quyền
9. Hội Anh Em Dân Chủ
10. Mạng Lưới Blogger Việt Nam
11. Con Đường Việt Nam
12. Hội Bầu Bí Tương Thân
13. Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế
14. Liên Đới Dân Oan
15. Hiệp Hội Dân Oan
16. Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo
 
Bs Nguyễn Đan Quế mở đầu cuộc họp

Mở đầu cuộc họp bác sĩ Nguyễn Đan Quế phát biểu: "Trải qua những khó khăn trở ngại đến hôm nay chúng ta mới có thể ngồi lại đây với nhau như thế này, đối với 1 xã hội dân sự thì chính sự khác nhau về tư cách, khác nhau về cách làm đã tạo nên sự đa dạng phong phú của phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay. Ngày hôm nay chúng ta ngồi tại đây, không phân biệt tuổi tác, chức sắc, tôn giáo, học hàm học vị xã hội cùng nhau ngồi trao đổi ý kiến với tinh thần cởi mở và dân chủ, cùng nhau ngồi hòa hợp lại để chuẩn bị cho sự thay đổi, chuyển đổi hiển nhiên của xã hội. Nó tùy thuộc vào sức mạnh quần chúng, sức mạnh xã hội dân sự phải đủ mạnh, và cái sự thay đổi đó phải đi ngay vào con đường tự do dân chủ mà dân tộc ta mong muốn, không phụ thuộc vào ngoại bang, không rối loạn không đổ máu."

Đại diện Cao Đài phát biểu

Nội dung của cuộc họp xoay quanh việc khẳng định các quyền tự do hội họp và lập hội, trao đổi phát biểu về công đoàn độc lập trong diễn biến công nhân bạo loạn vừa qua.

Theo phát biểu của nhà báo Phạm Chí Dũng thì đây là lần đầu tiên tại VN, từ năm 1975 cho đến nay các hội đoàn xã hội độc lập mới có thể ngồi lại với nhau, đây là một sự kiện thống nhất tương đối trong xã hội dân sự Việt Nam. So với cách đây 1 năm thì sẽ không hề có sự kiện này xảy ra, vào tháng 6 năm 2013 là khởi đầu cho chiến dịch bắt bớ 48 blogger trong năm 2012. Như vậy rõ ràng tình hình trong 2 năm vừa rồi đã có sự biến chuyển khá nhanh. Hầu như những người đại diện cho các tổ chức XHDS đã không bị chặn tại nhà, an ninh cũng không chặn ngoài kia mà họ chỉ nhìn theo dõi từ xa. Điều đó cho thấy rằng đây là một xu thế thay đổi tất yếu, cuộc họp mặt này tiếp nối cuộc gặp mặt các bạn blogger với phái đoàn thường trực Châu Âu của Liên Hiệp Quốc vào ngày 20 tháng 5 vừa qua. Và đó là một cuộc gặp đầu tiên của cơ quan Liên minh Châu Âu ngay thủ đô Hà Nội với các hội đoàn dân sự độc lập. Trước đây, chưa từng có tiền lệ này và đây là điều đáng ngạc nhiên. Việc thứ hai thúc đẩy cuộc họp mặt này chính là việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 vào thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ xưa đến nay dù xã hội có thối nát rệu rã như thế nào nhưng cứ mỗi khi đất nước lâm nguy thì lòng người lại hội tụ, cứ mỗi đất nước lâm nguy thì lại có một hội nghị Diên Hồng, nếu không phải Diên Hồng do nhà nước tổ chức thì cũng có Diên Hồng trong lòng dân và từ người dân mà ra. 

Anh Phạm Chí Dũng cho rằng, cuộc họp này là một hội nghị Diên Hồng nhỏ, cùng nhau ngồi lại tìm cách phát triển đất nước, làm sao để khắc phục những khó khăn của đất nước hiện nay. Một trong những khó khăn đó chính là họa xâm lăng của Trung Quốc. Trong bối cảnh tàu hải giám Trung Quốc đang liên tục vây hãm tàu hải giám Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có mối quan hệ đối tác chiến lược với phương tây đặc biệt là Hoa Kỳ, liên quan đến vấn đề hiệp định TPP và bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Nhà nước Việt Nam phải nhận ra đây là một cơ hội. Trong những diễn biến nhanh chóng hiện nay anh Phạm chí Dũng cho rằng, có thể đã có sự thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và nhà nước Việt Nam khiến một số quan chức Việt Nam đột ngột thay đổi thái độ quay sang ủng hộ những điều luật mà trước đây nhà cầm quyền ngăn cấm như việc hội họp, lập hội, biểu tình và có thể sẽ là thành lập công đoàn độc lập. Đã đến lúc các hội nhóm dân sự thống nhất lại và tận dụng cơ hội trong thời gian sắp tới, làm sao có thể phát triển về mặt số lượng, nâng cao chất lượng trong sinh hoạt XHDS, tác động nhằm thay đổi thể chế chính sách có tiêu cực trong đời sống nhân dân. Đặc biệt là cần phải hình thành công đoàn độc lập.
Anh Phạm Chí Dũng phát biểu trong cuộc họp

Nói về việc hình thành công đoàn độc lập, thầy Thích Thiện Minh phát biểu ý kiến: "Công đoàn hiện tại của nhà nước Việt Nam là một công đoàn phục vụ cho quyền lợi của đảng, cho nên các công đoàn hiện tại trong các công ty chỉ nhận lương của ban giám đốc, của các công ty đặt trụ sở tại Việt Nam chứ không phải nhận lương từ những người công nhân tự chính mình thành lập công đoàn để bảo vệ cho mình. Chính vì đó, mà công nhân đứng lên đình công, biểu tình không được hướng dẫn dẫn dắt sẽ trở thành làm những việc sai trái thậm chí vi phạm pháp luật. Chính vì lẽ đó mà 3 bạn trẻ Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là những người tự nguyện thành lập công đoàn để hướng dẫn, bảo vệ quyền lợi cho các công nhân tuy nhiên những bạn trẻ đó lại bị bóp nghẹt tiếng nói và đang nằm trong lao lý, mà chúng tôi thấy rằng các việc làm của bạn trẻ là đúng đắn phù hợp với xu thế quốc tế, phù hợp với các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã kí kết và tham gia..."

Trong buổi họp mặt, các tổ chức xã hội dân sự đã thống nhất với nhau về các quyền tự do hội họp và lập hội, đặc biệt là việc thành lập công đoàn độc lập, yêu cầu nhà nước trả tự do cho 3 nhà hoạt động bảo vệ công nhân là Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Hoàng Quốc Hùng, thảo luận phương hướng đấu tranh dân chủ và việc làm truyền thông xã hội sao cho hiệu quả. Kết thúc cuộc họp các nhóm xã hội dân sự thống nhất với nhau 1 tháng họp một lần để cùng nhau ngồi lại bàn thảo về hiện tình của đất nước cũng như phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay.

Được biết, một phái đoàn phật giáo Hòa Hảo đã bị an ninh ngăn chặn đến buổi họp mặt ngày hôm nay. Phía Lãnh Sự Quán Đức được mời đến dự buổi họp cũng bị chặn khi xe ngoại giao đi vào chùa Liên Trì. Các chốt cảnh sát giao thông được đặt rải rác khắp con đường đi đến chùa. An ninh mặc thường phục cũng được huy động đến rất đông, họ quay phim chụp hình từng người đến tham gia cuộc họp. Tuy nhiên họ chỉ quan sát từ xa và không có sự ngăn chặn thô bạo nào từ phía nhà cầm quyền.

Một nhà nước pháp quyền cần phải phát triển một nền dân chủ xã hội mà trong đó xã hội dân sự là một xu thế tất yếu không thể thiếu được. Hình thành xã hội dân sự ta có thể hạn chế bớt đi nạn quan liêu, tham nhũng, hối lộ, tham ô quyền thế và cửa quyền. Và chính những đoàn thể xã hội độc lập ra đời sẽ bảo vệ quyền lợi thiết thực của mình. Chẳng hạn như nghiệp đoàn của các luật sư, các tổ chức từ thiện, các tổ chức tôn giáo độc lập, các hội dân oan, đặc biệt là công đoàn độc lập bảo vệ cho công nhân cần phải hình thành. Nó phù hợp cho xu thế tất yếu phát triển của toàn cầu không riêng Việt Nam. Mặc dù trong quốc hội đã bàn thảo về việc hình thành các tổ chức dân sự nhưng vẫn thực hiện nhỏ giọt, chưa giải quyết đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân trong nước, đặc biệt là các đoàn thể xã hội. Cho nên những yêu cầu của 16 tổ chức XHDS là quyền được lập hội, quyền hội họp, quyền biểu tình và quyền thành lập công đoàn độc lập là những yêu cầu hoàn toàn chính đáng. Việc diễn ra cuộc họp này là việc thể hiện những yêu cầu chính đáng ấy, nhằm đưa ra các yêu sách yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cần phải đáp ứng những nhu cầu xã hội tất yếu này của nhân dân.
Một số hình ảnh trong buổi họp mặt:
 giả Trương minh Đức, đại diện cho Hội Anh Em Dân Chủ phát biểu


Cô Trần Thị Hài, đại diện cho Hội Phụ Nữ Nhân Quyền



blogger Nguyễn hoàng Vi, đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam


Anh Peter Lâm Bùi, đại diện Con Đường Việt Nam


Anh Hoàng Dũng, đại diện Hội Bầu Bí


Dân oan Trần Ngọc Anh, đại diện phong trào Liên Đới Dân Oan



Phạm Bá Hải, đại diện Bạch Đằng Giang Foundation

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen