Donnerstag, 27. Juli 2017

Chính sách kinh tế của Donald Trump sẽ tạo áp lực lớn hơn cho tỷ giá VND/USD năm 2017

Trước hết phải khẳng định, đồng nội tệ yếu chủ yếu là do sức khỏe nội tại của nền kinh tế yếu, các bất cân đối vĩ mô lớn, tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, những biến động kinh tế thế giới năm 2017, đặc biệt từ Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới giá trị đồng nội tệ và ổn định tỷ giá VND/USD. Doanh nghiệp cần làm gì?

(Ảnh minh họa: tygiavang.vn)
Kinh tế Mỹ được dự báo tích cực sẽ giúp đồng USD tăng giá, dòng vốn dịch chuyển mạnh hơn khỏi các nền kinh tế mới nổi; Việt Nam đối diện với thách thức tăng tỷ giá, tăng áp lực trả nợ công

Mặc dù chưa quyết định tăng lãi suất đồng USD, nhưng theo dự báo kinh tế toàn cầu 2017 của IMF, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi tốt hơn nhờ các đề xuất kích thích tài khóa của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, mức tăng trưởng GDP năm 2017 có thể đạt 2,3% và tăng trưởng GDP năm 2018 là 2,5%.
Chuyên gia kinh tế của IMF, Maurice Obstfeld, nhận định, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp, chính sách kinh tế mở rộng (tăng cường chi tiêu và giảm thuế) có thể làm gia tăng đáng kể sức ép lạm phát, qua đó đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất ở Mỹ. Theo ông Obstfeld, việc lãi suất tăng với tốc độ nhanh hơn và các hỗ trợ về thuế đối với các công ty Mỹ trong việc đưa lợi nhuận từ nước ngoài về nước có thể làm đồng USD tăng giá. Thực tế, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD (US Dollar Index) hầu như luôn ở mức trên 100 điểm kể từ tháng 11/2016 cho tới nay – thời điểm ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. 
USD mạnh hơn và khả năng FED tăng lãi suất khi nền kinh tế Mỹ phục hồi bền vững hơn sẽ khuyến khích dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, vốn được dự báo tăng trưởng ảm đạm trong năm 2017 và 2018, để quay trở về nơi đồng tiền mạnh hơn và mức lãi suất hấp dẫn hơn. Thực tế, xu hướng đảo chiều dòng vốn khỏi các thị trường mới nổi đã và đang lặng lẽ diễn ra vài năm trở lại đây. 
Tuy nhiên, việc nền kinh tế Mỹ phục hồi chắc chắn hơn cũng như đồng USD tăng mạnh hơn trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi không còn nhiều triển vọng sẽ khiến dòng vốn tháo chạy mạnh hơn. Việt Nam cũng đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn từ xu hướng này. Trong ngắn hạn, động thái này khiến cung ngoại tệ suy giảm tạo áp lực lớn hơn lên tỷ giá. Trong trung và dài hạn, nguồn vốn rút khỏi Việt Nam tác động phần nào tới tăng trưởng sẽ khiến nội lực nền kinh tế yếu đi, đồng VND yếu đi. 
Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng tác động đáng kể đến những quốc gia có cấu trúc nợ phụ thuộc vào đồng USD. Theo Reuters, nhà nước và doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi năm 2017 sẽ phải trả nợ khoản tiền tương đương 300 tỷ USD, cao hơn 33% so với năm 2016. Với Việt Nam, nợ bằng đồng USD chiếm 44% tổng nợ nước ngoài (năm 2016). Bởi vậy, nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam năm 2017 sẽ lớn hơn, tăng áp lực lên nợ công vốn đã vượt quá ngưỡng cảnh báo của IMF (không nên vượt quá 65% GDP). 
Chỉ số US Dollar Index Futures 2/2016-2/2017, DXY hầu như trên 100 điểm ngay sau khi Tổng thống Donal Trump đắc cử (14/11 cho tới nay)

(Nguồn: investing.com)
Xu hướng đảo chiều dòng vốn và đồng USD mạnh lên cũng gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi khi dư địa cắt giảm lãi suất hầu như còn rất ít. Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khó thực hiện được.
Nền kinh tế mất cân đối trầm trọng và tích trữ quá nhiều rủi ro, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp ồ ạt tháo chạy khỏi khối tài sản độc hại ở quốc gia này. 
Trong tháng 1/2017, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chính thức về mức thấp nhất: 2.998 tỷ USD – mức được cho là “nguy hiểm”[1] đối với nền kinh tế của nước này. Việc sụt giảm dữ trữ ngoại hối khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thắt chặt chính sách kiểm soát dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp tháo chạy khỏi nước này cũng như việc các doanh nghiệp, cá nhân chuyển tiền khỏi lãnh thổ. Dòng vốn rời Trung Quốc đã tăng tốc vài tháng gần đây, khi đồng CNY có năm mất giá mạnh nhất so với USD kể từ 1994, với mức giảm 6,5%. Theo Bloomberg Intelligence, chỉ trong 11 tháng, 739 tỷ USD đã rời khỏi Trung Quốc. 
Trung Quốc buộc phải siết chặt chính sách nhằm chống đỡ lại vòng lẩn quẩn gồm suy kiệt quỹ dự trữ, vốn tháo chạy và sụt giá của đồng nhân dân tệ, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD tăng giá do kinh tế dự báo phục hồi tốt hơn dưới thời đại của Trump. Gần đây nhất, chính quyền Trung Quốc đã áp một loạt các biện pháp hành chính khắc nghiệt nhằm hạn chế tối đa việc đổi CNY thành ngoại tệ; kể từ ngày 1/1 năm 2017, mỗi người dân Trung Quốc chỉ được đổi tối đa 50.000USD/năm.  
Các động thái này cho thấy khả năng giữ giá đồng CNY là hết sức mong manh. Sức ép mất giá đối với đồng tiền của Trung Quốc càng gia tăng khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump coi Trung Quốc như một quốc gia thao túng tỷ giá ngay trong ngày đầu tiên làm việc ở Nhà Trắng 20/1/2017. Ngoài ra, ông Trump cũng cảnh báo sẽ áp mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Khi đồng CNY mất giá, đồng VND đương nhiên sẽ chịu tác động mạnh . Năm 2015 khi đồng CNY mất giá 6,5% thì VND cũng nhanh chóng mất 4% tương ứng và năm 2016 đồng CNY mất giá 5% thì đồng VND mất khoảng 3% giá trị. 
Sở dĩ đồng VND mất giá theo đồng CNY bởi khối lượng trao đổi thương mại lớn giữa hai nước (cả chính ngạch và tiểu ngạch), Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam. Mặc dù trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu nhập siêu. 
Về lý thuyết, đồng CNY phá giá thì nước nhập siêu sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa Trung Quốc rẻ đi sẽ trở thành thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước bởi thị trường nội địa chưa được bảo vệ bằng các rào cản kỹ thuật khác. Mặt khác, đồng CNY yếu đi, nếu đồng VND không điều chỉnh thì hàng hóa Việt Nam sẽ đắt hơn, mất khả năng cạnh tranh hơn tại thị trường Trung Quốc, do đó giảm xuất khẩu sang Trung Quốc làm gia tăng tình trạng thâm hụt thương mại với quốc gia này.
Hiệu quả chính sách “tỷ giá trung tâm” của Ngân hàng nhà nước (NHNN) còn nhiều dấu hỏi
Ngân hàng nhà nước (SBV) cho biết sức mạnh đồng nội tệ VND (được đo lường qua chỉ số VND-Index[2]) được định giá qua rổ tiền tệ gồm 8 loại ngoại tệ chính, được tính theo phương pháp “trung bình gia trọng” của đồng tiền các nước gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Biên độ tỷ giá trung tâm áp dụng là +/-2%, +/-3%.  
Tuy nhiên, theo dõi tỷ giá trung tâm với biến động chỉ số US Dollar Index (DXY) thì dường như biến động của tỷ giá trung tâm và sức mạnh đồng USD không tương xứng. Trong giai đoạn chỉ số DXY tăng vọt (lên tới 103 điểm ngày 20-23/12/2016) thì tỷ giá trung tâm vẫn ở mức 22,155VND/USD, mức này thấp hơn cả khi chỉ số DXY dưới 100 điểm trong gần 1 tuần từ 30/1 đến 4/2, giai đoạn này, tỷ giá trung tâm ở mức 22,196 – 22,198 VND/USD. Cho tới ngày hôm nay, 13/2/2017, chỉ số ở mức 100.94 (nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh ngày 20-23/12/2016 là 103.29), thì tỷ giá trung tâm do SBV công bố tăng vọt, định giá ở mức 22,234 VND/USD, tăng  (!)
Trong một diễn biến khác, trên thị trường tự do, biến động của tỷ giá VND/USD dường như bám sát với sức mạnh của đồng USD hơn và vẫn giữ một khoảng cách so với tỷ giá niêm yết chính thức. Chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá niêm yết chính thức vẫn có một khoảng cách lớn khi tỷ giá trung tâm không bám sát sức mạnh đồng USD trong khi thị trường tự do hết sức nhạy cảm.
Doanh nghiệp có thể phòng ngừa rủi ro tỷ giá ngay trong hợp đồng thương mại, sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa, bảo hiểm rủi ro tỷ giá và tính đến việc trích lập quỹ phòng rủi ro tỷ giá.
Việc chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá ở các doanh nghiệp trong nước còn khá nhiều hạn chế, thậm chí ngay cả khi tính đến bảo hiểm rủi ro tỷ giá, hầu hết các doanh nghiệp Việt mới dừng lại ở việc sử dụng các hợp đồng quyền chọn ngắn hạn (khoảng 3 tháng). Các doanh nghiệp thường không bảo hiểm cho các nghĩa vụ thanh toán dài hạn, chẳng hạn như các khoản vay hoặc nghĩa vụ thanh toán LC, thanh toán hợp đồng bằng đồng USD trung và dài hạn ở nước ngoài; đến khi thị trường biến động mạnh thì mới tham gia vào các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro dài hạn như Hoán đổi Tiền tệ chéo (CCS)… ; lúc đó, chi phí để bảo hiểm đã tăng rất cao so với lúc thị trường còn đang ổn định. Với các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại hối lớn trong kinh doanh thì cần tính đến việc trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. 
Việc chú trọng bảo hiểm rủi ro tỷ giá thông qua các hợp đồng phái sinh (kỳ hạn, tương lai, quyền chọn, hoán đổi) giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro tỷ giá, ổn định dòng tiền. Doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh thay vì đầu cơ kinh doanh tỷ giá, một lĩnh vực mà doanh nghiệp không có nhiều thông tin và chuyên môn.
Nguyên Hương – Minh Ngọc
[1] Theo IMF, các quốc gia nên duy trì dự trữ ngoại hối tương đương khoảng 30% nợ ngắn hạn phải thanh toán bằng ngoại tệ, 15% các khoản nợ khác, 10% cung tiền M2 hoặc 10% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tính toán từ dữ liệu do PBOC công bố, mức dự trữ dưới 3.000 tỷ USD là mức “nguy hiểm” theo khuyến nghị của IMF.
[2] Khác với các chỉ số giá tiền tệ của nhiều quốc gia khác được thị trường tài chính quốc tế ghi nhận và theo dõi, thì chỉ số VND-Index của Việt Nam cho đến nay chưa được ghi nhận cũng như chưa được giám sát, theo dõi bởi bất kỳ tổ chức tài chính quốc tế nào. Chỉ số này do SBV tính toán và công bố.
Sent from Yahoo Mail for iPad
__._,_.___

Posted by: Luong Nguyen <luonguyen2133@yahoo.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen