Freitag, 16. Juni 2017

SỐC VỚI ĐÁM CƯỚI QUÊ

SỐC VỚI ĐÁM CƯỚI QUÊ, GIA ĐÌNH RA GIÁ TIỀN MỪNG CƯỚI “HẲN HOI” CHO KHÁCH MỜI
Cách đây vài ngày, em có tham dự tiệc cưới của con gái bà hàng xóm. Tuy nhiên đám cưới này khiến em cảm thấy bực mình nên muốn chia sẻ lại đây. Mong rằng chị em nếu tổ chức đám cưới thì đừng nên khiếm nhã, mất lịch sự như vầy.
Dự là khi ngồi vào bàn tiệc, em bất ngờ thấy trên bàn có tờ giấy viết tay, ghi rõ chi phí làm đám cưới, từ việc mua vàng cưới, thuê quần áo, chụp ảnh,… cho đến việc đặt tiệc, thuê xe, in thiệp cưới,… 

Ứng theo số tiền chi ra đó là “đề nghị” khách mời phải gửi đúng số tiền mừng cưới sao cho phù hợp, tùy vào số ghế (1 ghế = 300K, 2 ghế = 500K,…).

Ban đầu em cứ nghĩ, chắc có ai đó viết “chơi” trêu khách khứa. Chỉ khi thấy bàn bên cạnh có thấy tờ giấy tương tự, em bèn quay sang hỏi cô khách kế bên thì cô ấy nói: “Đúng rồi cháu, đây là tờ giấy nhà này ghi”. Em vô cùng bất ngờ vì cách thức “moi” tiền trơ trẽn kiểu này, chưa kể còn ghi rõ “Đi đám cưới là giữ giùm, rồi sau sẽ trả lại” và kèm theo số tài khoản cô dâu, chú rể, và cha chú rể cho khách “quên” mang tiền, hoặc không đến dự được.

Choáng với đơn yêu cầu tiền mừng cưới (Nguồn: FB)
Nói thật, từ thời cha sinh mẹ đẻ tới giờ, em chưa bao giờ gặp đám cưới nào “khiếm nhã” thế này. Bức xúc quá em bỏ đúng 300 ngàn đồng (= 1 ghế) vào bao thư rồi ra về. Thật sự, ban đầu em chỉ định đi 200 ngàn vì ở quê là thế, với em lại không khá giả mấy. Nhưng vì không muốn mang tiếng nên em đành “bỏ thêm” cho xong chuyện.
Em không biết khách mời hôm đó cảm giác thế nào, chứ riêng em thì sẽ “cạch mặt” đám cưới kiểu này, Bởi vì, đám cưới là ngày vui, dù lời hay lỗ, cũng không nên khiếm nhã như vậy. Chưa chắc họ đã “lời” mà mang tiếng cho cô dâu chú rể, ảnh hưởng đến bộ mặt hôn nhân.
Tổ chức đám cưới là đôi bên phải lên “kế hoạch”, sao cho phù hợp với túi tiền gia chủ, chứ đừng đua đòi rồi quay sang moi tiền người khác. Đám cưới lời hay lỗ là do gia đình tự cân nhắc. Đặc biệt, họ phải bỏ ngay quan niệm: “Đi đám cưới là giữ giùm, rồi sau sẽ trả lại”.
Gửi tiền mừng cưới chỉ là “hình thức” chúc may mắn, do đó khách mời có bao nhiêu mừng bấy nhiêu, không nên có ý nghĩ, chờ cô dâu chú rể trả lại. Ngược lại, cô dâu chú rể cũng đừng “hứa” trả lại để mang tiếng sau này. Giả sử sau khi cưới nhau, hai vợ chồng ở Cà Mau bỏ ra Hà Nội sinh sống, thì đường nào trả lại?
Đám cưới là ngày trọng đại. Thế nên, các cặp đôi đừng biến ngày này thành trò hề trong mắt thiên hạ. Khách đến có thể “cười cười” cho qua chuyện, chứ trong lòng họ chẳng hề mặn mà gì với đám cưới này đâu. Hãy nhớ, niềm vui lớn nhất trong ngày cưới không phải là tiền bạc, mà là lời chúc phúc thật lòng từ phía người đến dự.
Quan trọng nhất là không khí ngày cưới phải vui tươi. Lời khuyên “vừa lòng khách đến vui lòng khách đi” rất đúng trong trường hợp này. Có thể đám cưới này nhỏ, món ăn đơn giản, trang trí nhợt nhạt,… nhưng bù lại, nếu được nhà trai nhà gái đón tiếp chân tình, niềm nở,… thì tự khắc khách mời sẽ thấy vui.
Ảnh Internet
Một số lưu ý tránh tổ chức đám cưới khiếm nhã:
1. Gia đình hai họ phải nồng nhiệt đón khách mời, không nên phân biệt đối xử: Gặp khách đến là chào, vui vẻ. Không được coi trọng khách sang mà coi thường khách bình dân. Đối đáp đàng hoàng khi khách mời hỏi thăm, chụp hình.
2. Không đòi hỏi tiền quà cưới, không vuốt ve “moi” thêm tiền: Tuyệt đối không ghi “yêu cầu” thô thiển hay nhắc khéo về tiền quà cưới. Gia đình hai họ không nên “trầm trồ” khi nhận được quà cưới lớn, mà thờ ơ chê bai quà cưới nhỏ.
3. Không gây ồn ào, khiến mọi người muốn bỏ về sớm: Tôn trọng khách mời, hạn chế mở nhạc quá lớn khiến mọi người “điếc tai”. Coi trọng số đông, không nên vì 1 người mà ảnh hưởng nhiều người. Cẩn thận các phát ngôn gây phản cảm.
4. Thực đơn đảm bảo đủ khẩu phần, dư được nhưng không được thiếu: Một bàn tiệc hoàn thiện, đủ phần ăn,… sẽ giúp ghi điểm với khách mời. Bởi vì khách mời rất quan tâm yếu tố này. Tránh việc 1 bàn tiệc ngồi quá đông, phần ăn bị thiếu gây khó xử.
5. Đám cưới kết thúc: Cô dâu chú rể có thể trực tiếp cảm ơn khách mời ngay hôm đó. Còn nếu không kịp, cả hai có thể nhắn tin gửi lời cảm ơn, hoặc cảm ơn qua FB với hình ảnh khách chung vui.
Dù bạn là ai, dù đám cưới lớn hay nhỏ, dù khách đông hay ít,… thì hãy luôn tôn trọng khách mời. Đừng vì “tiền” mà mất đi lòng tự trọng. Ấy mới là đám cưới thành công.
Theo WTT

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen