Montag, 12. Oktober 2015

Hoa Kỳ, có nên tin cậy


Nguyên Thạch (Danlambao) - Hiện tại, Biển Đông mà phần lớn biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đang là một vấn đề nóng bỏng và nhức nhối, sự gặp mặt giữa chủ tịch Tàu cộng Tập Cận Bình với Tổng thống Obama, giữa hai siêu cường, họ sẽ có những tính toán gì?. Hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại sự "bán đứng" như đã từng xảy ra cho VNCH, chúng ta chờ xem.
*  
Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh Việt Nam nhưng với tri thức rất hạn hữu về những gì sau bức màn bí mật về cuộc chiến này bởi nó mang nhiều ẩn số sâu kín của cuộc chiến ý thức hệ trên cục diện toàn cầu giữa Cộng sản Chủ nghĩa và Tư bản Chủ nghĩa. Với kiến thức cùng tầm nhìn có giới hạn cho một đề tài khá rộng lớn, nên những điều mà tôi trình bày, dĩ nhiên sẽ có nhiều thiếu sót và có thể đôi khi mang tính phiến diện. Tuy nhiên, không vì vậy mà tôi chọn thái độ câm lặng. Hơn thế nữa, điều tôi nêu ra đây không phải là chỉ để phê phán, bất đồng hoặc ngay cả việc thù oán người Mỹ, mà là tôi muốn bày tỏ những cảm nhận và sự nhận định của một con dân Việt Nam qua những giai đoạn dâu bể của cuộc đời mà sự đau đớn, buồn tủi tưởng như tận cùng của bất hạnh và sự bất hạnh ấy vẫn kéo dài cho mãi tận hôm nay.

Căm thù cộng sản là thái độ của rất nhiều người, trong đó có cá nhân tôi, nhưng thù ghét cộng sản không có nghĩa là tôi hoàn toàn yêu thích hay đồng thuận với thái độ cùng chủ trương của giới cầm quyền Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Vấn đề chiến lược của Hoa Kỳ trên toàn thế giới là những vấn đề vô cùng quan yếu và rộng lớn. Là một người Việt Nam, tôi xin mạo muội đem những vấn đề của Hoa Kỳ trong cuộc chiến vừa qua, những tháng năm sau đó, cũng như những vấn đề của hiện tại. Cho nên bài viết này chỉ đề cập đến những gì có liên quan đến đất nước tôi mà thôi.

Nhân loại không ai muốn chiến tranh nhưng sự tranh chấp giữa hai hoặc nhiều quốc hay ngay cả cục diện của thế giới, đôi khi cũng cần đến nó để giải quyết những bất đồng, những xung đột mà thương thảo không đạt đến mục đích. Đồng thời chiến tranh cũng có thể kết thúc một cách nhanh chóng (mặc dù nó đang xảy ra rất nóng bỏng) từ các chính trị gia có mối liên hệ trực diện quyết định mỗi một khi các cuộc thương lượng đã đạt tới mục đích. Bởi thế mới có câu: "Vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh". Việt Nam Cộng Hòa là một thí dụ điển hình trong cuộc chiến vừa qua trên bàn cờ thế giới mà rất nhiều người cảm nhận rằng miền Nam Việt Nam chỉ là một con chốt trên bàn cờ ấy.

Henry Kissinger
Sự uất hận kèm theo cả tủi nhục cho toàn thể Quân Cán Chính VNCH và đại đa số đồng bào miền Nam qua sự phản bội của Mỹ. Vào lúc bấy giờ, Chính quyền Mỹ sẵn sàng thí con tốt VNCH nhỏ bé để đạt đến những tính toán lớn lao hơn. Ở một góc độ nào đó, miền Nam Việt Nam cũng rất tự hào và mãn nguyện vì chính VNCH đã góp phần rất lớn qua sự hy sinh của mình để cho thế lực Mỹ đạt được mục tiêu rộng lớn hơn là đánh sập được khối cộng sản Đông Âu và cái nôi của nó ở Liên Xô khiến Hiệp định Ba lê 1973 được hình thành và cuối cùng là ngày Quốc Hận 30 tháng Tư 1975. VNCH đã bị nhận lãnh sự cưỡng bức tàn độc của các chính khách Mỹ mà trong đó Henry Kissinger gốc Do Thái với bàn tay lông lá, là một tên asshole (mất dạy) nhất trong các tên asshole.

Thiết nghĩ, không những chỉ cá nhân tôi căm hận khinh ghét tên asshole này mà ngay cả chính cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng còn mang nỗi hận đến tận chốn tuyền đài. Ông Thiệu là một trong những nhân vật nòng cốt trong chính trường miền Nam, đã thấu hiểu hơn ai hết về nội tình giữa Mỹ và VN. Tôi đóan chắc rằng ở một nơi nào đó, ông vẫn còn nhớ câu nguyền rủa và khinh miệt của tên Henry Kissinger: "Mẹ kiếp, sao nó chưa chết phức cho rồi". "Why don't these people die fast? The worst thing could happen would be for them to linger on" câu này đã được ghi tại trang 641, phần nói về The Fall of Viet Nam, April 1975, trong cuốn Kissinger the Biography của Walter Isaacson. (1) Đó là chúng ta chưa đề cập đến việc người Mỹ đã có những tác động sai lầm cho nền Đệ nhất Cộng hòa và bản thân chí sĩ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.
 
Những vấn đề nghiêm trọng giữa Mỹ, Tàu, CS Bắc Việt và VNCH cùng những bí ẩn của nó, không phải cũng có thể dám nói ra được cho nên suốt quảng đời lưu vong còn lại, cựu Tổng thống VNCH vẫn hằn trong im lặng niềm uất ức trong lúc sinh thời lẫn nơi ngàn thu vĩnh viễn.

Hôm nay nêu vấn đề này, tôi bỏ mặc sự dòm ngó nếu có của CIA hay từ những cặp mắt "cú vọ" và có thể ghi vào sổ đen, tôi cũng không ngại, đồng thời mong những ai đã một thời có trách nhiệm cũng như nắm bắt được nhiều bí ẩn lên tiếng.

Như đã nói, tôi luôn nhìn vấn đề giữa Mỹ và VNCH ở một góc độ khách quan, luôn đem lên bàn cân mà cân đo đong đếm những gì mà trong quá khứ lẫn hiện tại Mỹ đã làm cho VN khiến cho mãi đến giờ này đất nước và dân tộc tôi phải bị chìm đắm trong đau đớn, khổ ải dưới tròng ách cộng sản bạo tàn, mụ mị và toàn trị.

Chính quyền Mỹ và những nhà chính trị đôi khi đã bị ảnh hưởng và điều khiển (control) bởi những thế lực tài phiệt tư bản mà đa phần thế lực này chỉ coi trọng quyền lợi của riêng băng nhóm họ mà đánh mất đi những tiêu chí cao đẹp của nền Dân chủ, Dân quyền, Đạo lý và Nhân bản mà toàn thể nhân loại đang hướng đến cũng như trân quí những gì mà người Mỹ và các quốc gia văn minh đã và đang cố gắng thực hiện.

Tôi rất cảm ơn những gia đình Mỹ đã có những đứa con hy sinh cho lý tưởng tự do, đồng thời cũng rất tri ân của hơn 58.000 chiến binh Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh đã vĩnh viễn nằm xuống cho những gì mà họ đã đặt niềm tin. Cảm nghĩ này khổng chỉ có ở bản thân mà tôi nghĩ toàn dân miền Nam cũng có đồng cảm nhận. Những điều tôi nêu ra đây là nhắm vào những tập đoàn tài phiệt đã sử dụng uy lực của họ để ảnh hưởng cũng như tác động tạo nên nhiều hình ảnh xấu, điều đó đã làm giảm đi phần nào của sự hy sinh cao cả của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Tôi căm hận Hồ Chí Minh và đảng của ông đã lợi dụng vũ khí của Nga Tàu để gây nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn với mục đích là cướp cho bằng được miền Nam Tự do, Nhân bản để cuối cùng là ngày hôm nay dân tình khốn khổ, è vai gánh vác bao nợ nần thay cho bọn cướp ngày đang ngày đêm đục khoét tài sản của quốc gia. Những tên cướp ngày này đã và đang đẩy đất nước và dân tộc vào con đường lầm than tụt hậu và lạc hậu, thua sút cả các nước láng giềng nơi mà hơn 40 năm trước các nước này nhìn Sài Gòn như một ước mơ.

Tôi giận và rất bất mãn chính phủ Hoa Kỳ ngày xưa đã giúp chúng tôi một cách nửa vời. VNCH đã là đồng minh sát cánh với Mỹ để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản vào giai đoạn đó nhưng Hoa Kỳ chỉ giữ vững vị thế quốc gia của mình mà nhẫn tâm ngoảnh mặt quay lưng, bức tử một người bạn đồng tâm chiến đấu một cách không thương tiếc.

Tôi thường gặp và nghe một số người Việt Nam tị nạn trên đất Hoa Kỳ nói về quê hương thứ II của họ một cách kịch cỡm. Họ yêu thương (?) Mỹ xem ra hơn cả nơi mà họ đã sinh ra, họ tự hào một cách thái quá đến độ như vô thức, tôi nghĩ, những gì vượt quá xa giới hạn đều được coi là lố bịch. Những người này đã vì quá bận rộn với đời sống mới, cơ hội mới, công việc hái ra tiền đã khiến họ không còn thời gian để suy ngẫm về những gì mà những chính khách trong guồng máy chính phủ của họ gây ra cho mảnh đất đã từng là nơi mà họ đã chôn nhao, cho một số lượng lớn đồng bào kém may mắn còn đang thoi thóp mãi tới hôm nay dưới gọng kiềm của cộng sản Việt Nam cũng như của Tàu Cộng. Phải chăng những người Mỹ gốc Việt này đã chỉ nhìn vào những điều tốt mà chính quyền của họ đã làm mà vô ý hoặc cố tình quên đi những mặt tiêu cực, những cái xấu của các phe phái ở Mỹ đã gây nên?. Có thể tôi sẽ gặp phải sự phản đối nào đó được núp bóng dưới nhiều dạng thức khác để chụp mũ hoặc đả kích cái bản tính ngay thẳng vì dám nói lên sự thật nhưng tôi tin rằng những người có cùng cảm nhận như tôi, từ nay sẽ không còn cảm thấy cô đơn trong nỗi niềm uẩn khúc.

Tôi và các bạn sống và tranh đấu cho tương lai Việt Nam sẽ có một chính phủ luôn tôn trọng Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. Ngày đất nước không còn cộng sản ấy, chúng tôi sẽ trở lại VN cho dẫu rằng đang ở Mỹ, ở Anh, ở Canada, Pháp, Úc hay bất cứ nơi đâu để cùng đồng bào quốc nội xây dựng lại những tàn phá, đổ nát... hệ quả từ một cơ chế xuẩn ngu đã gây ra.

Tôi hy vọng rằng những nhà đấu tranh, các Tù nhân lương tâm mà tiêu biểu là: Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy hay ngay cả Cù Huy Hà Vũ hoặc sắp đến là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Lý, Việt Khang... cũng sẽ bị tống khứ ra khỏi nước nhưng tất cả vẫn tiếp tục giữ vững niềm tin và lý tưởng của mình và cũng sẽ trở lại Quê Hương khi có cơ hội.
 
Tôi thường nghe không phải từ một người mà là khá nhiều người ta thán rằng họ đang chờ một minh quân, những người trí thức tài ba đức độ có thể lãnh đạo quần chúng để dân chúng ủng hộ và đi theo con đường đấu tranh đạp đổ cộng sản.

Trần Huỳnh Duy Thức và các nhà đấu tranh đã chấp nhận tù đày nghiệt ngã, không phải là người tài ba đức độ đó sao?. Các Anh Chị ấy không xứng đáng là những người lãnh đạo để đánh gục cộng sản, để vận hành trí tuệ cùng năng lực của họ để phát triển đất nước ư?.

Chờ ai và chờ đến bao giờ mới dậy nên cuộc cách mạng lật đổ chế độ ngu xuẩn và hung tàn bạo ngược?. Hay chỉ là ngụy biện, chỉ viện cớ chưa có "Minh Quân" để giấu đi cái tâm trạng thờ ơ vô cảm cùng sự hèn nhát của mình?.


Hiện tại, Biển Đông mà phần lớn biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đang là một vấn đề nóng bỏng và nhức nhối, sự gặp mặt giữa chủ tịch Tàu cộng Tập Cận Bình với Tổng thống Obama, giữa hai siêu cường, họ sẽ có những tính toán gì?. Hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại sự "bán đứng" như đã từng xảy ra cho VNCH, chúng ta chờ xem.

Tôi không đánh mất đi lý tưởng của cuộc sống, của kinh tế, xã hội, chính trị và pháp luật nhưng kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp và cuộc đời nhiều khi cũng có lắm trò mèo. Để kết thúc, xin tạm mượn câu: "Ải nhân gian, ai chưa qua, chưa phải là người".

11/10/2015
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen