Sonntag, 25. Oktober 2015

Hiểm họa ở đồng bằng sông Cửu Long

Ngô Nhân Dụng
Tuesday, October 20, 2015 6:50:55 PM

 
Ðầu mối tai họa này là chính sách khai thác điện lực và dẫn thủy nhập điền của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc. Sông Mekong, tại Trung Quốc mang tên là Lan Thương (Lancang, 澜沧) chảy qua Tây Tạng và các tỉnh Thanh Hải, Vân Nam, trước khi đổ xuống phía Nam. Theo tạp chí World Rivers Review của cơ quan Sông Quốc Tế (International Rivers, IR), thì vào năm 2014, Trung Cộng đã xây dựng 7 đập thủy điện lớn ở đầu nguồn sông Mekong thuộc nước Tàu, con sông phát nguyên từ Tây Tạng chảy xuống Biển Ðông nước ta. Họ sẽ xây thêm 21 đập ngăn nước lớn khác trong 10 năm tới. Các nước hạ nguồn cũng bắt chước xây các đập nước khác; với dự án xây 11 con đập nữa.
Việc xây đập ảnh hưởng trên đời sống của các dân tộc phía dưới nguồn sông. Vào mùa không mưa, dân chúng hai bên bờ sông ở Lào, Thái Lan, phải dùng nước sông để tưới ruộng vườn, nay số lượng nước bị giảm. Khí hậu hai bên bờ sông cũng thay đổi vì khối lượng nước trong con sông có tác dụng giúp nhiệt độ ôn hòa, ít lên xuống hơn. Vì nhiệt độ thay đổi, đời sống các giống cá trong lòng sông cũng bị ảnh hưởng. Nhưng tai họa lớn nhất là nước biển lấn dần vào đất liền thì chỉ dân Việt ở đồng bằng sông Cửu Long gánh chịu. Ðập Don Sahong đang xây ở Hạ Lào, nhằm cung cấp điện cho Lào và Thái Lan sẽ ảnh hưởng lớn trên đời sống dân Campuchia và miền Nam Việt Nam.
Trong cuốn sách biên khảo viết dưới hình thức vừa tiểu thuyết vừa ký sự, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy Sóng, Bác Sĩ Ngô Thế Vinh đã mô tả hành động của chính quyền Trung Quốc: “Vào Tháng Tư năm 2001, Trung Quốc đã ký một thỏa hiệp về thủy vận trên sông Cửu Long nhưng chỉ với 3 quốc gia Miến Ðiện, Thái và Lào với kế hoạch vét lòng sông, cả dùng cốt mìn chất nổ phá tung những khối đá trên các đoạn ghềnh thác, các đảo nhỏ trên sông để khai thông mở rộng đường sông cho tàu lớn trọng tải từ 500-700 tấn có thể di chuyển từ cảng Tư Mao xuống Chiang Khong Chiang Sean Bắc Thái xuống thẳng tới Vạn Tượng. Trong khi Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia cuối nguồn, trực tiếp chịu ảnh hưởng của kế hoạch ấy thì bị gạt ra ngoài.”

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen