Tờ Nikkei ngày 26/10 dẫn các nguồn tin ở Mỹ
cho biết việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối giảm bớt các hoạt
động cải tạo đảo ở những khu vực tại Biển Đông trong cuộc gặp riêng với
Tổng thống Barack Obama hồi tháng trước là nguyên nhân dẫn tới quyết
định của Mỹ điều tàu khu trục tới tuần tra ở vùng biển này.
Trong chuyến thăm chính thức Mỹ hồi tháng trước, Tổng thống Obama đã
mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới dùng bữa vào ngày 24/9, một ngày trước bữa
tiệc chính thức đón chào nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Nhà Trắng.
Tại cuộc bữa tiệc không chính thức này, chỉ có hai nhà lãnh đạo và
đội ngũ cố vấn. Các nguồn tin cho biết hoạt động cải tạo đảo của Trung
Quốc ở Biển Đông là một trong những chủ đề quan trọng mà Tổng thống
Obama đã nêu ra với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, trái với điều mà người đứng đầu chính phủ Mỹ mong muốn là
Trung Quốc giảm bớt các hoạt động xây dựng ở Biển Đông, Chủ tịch Tập Cận
Bình đã “nói không”. Các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết nhà
lãnh đạo Trung Quốc đã làm “chết đứng” Tổng thống Obama khi khẳng định
Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì các hoạt động tại khu vực này.
Sau cuộc gặp nêu trên, Tổng thống Mỹ đã đi tới quyết định mà nhiều
quan chức cấp cao nước này đã đề nghị. Ông đã yêu cầu cố vấn liên lạc
với Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
Tiếp đó, Tổng thống Mỹ đã cho phép Hải quân Mỹ lên kế hoạch và triển
khai tàu chiến tới vùng biển đang có tranh chấp để bảo đảm tự do hàng
hải.
Tờ Nikkei cho biết Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á
trước đó đã yêu cầu Mỹ cử tàu chiến tới khu vực. Theo đó, tự do hàng hải
và trật tự quốc tế ở khu vực Biển Đông đang bị thách thức bởi các hoạt
động của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng vùng biển này.
Theo Nikkei, quyết định của Tổng thống Obama sẽ được hoan
nghênh từ Tokyo. Chưa kể, nếu Trung Quốc tìm cách ngăn chặn tàu chiến Mỹ
và gây ra một cuộc xung đột nhằm thu hút thêm sự chú ý của dư luận quốc
tế, Nhật Bản hoàn toàn có thể can thiệp, đặc biệt là sau khi dự luật an
ninh mới của nước này đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, quân đội
Nhật Bản giờ đã được phép tham chiến tại nước ngoài để hỗ trợ đồng minh.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen