Donnerstag, 29. Oktober 2015

Tôi đi xem phim VIETNAMERICA và chuyện ba bà “làm thật”


 
Sơn Tùng
 
 
Sau khi chiếu ra mắt ở vài nơi, phim VIETNAMERICA đã được giới thiệu với khán giả Vùng Hoa-Thịnh-Đốn vào hai ngày 17 (thứ bảy) và 18 (chủ nhật) tháng 10, 2015 mà kết quả sơ khởi được Bà Nancy Bui, tức Ký giả Triều Giang, nhà sản xuất phim, Hội trưởng Hội Bảo Tồn Lịch sử Văn hóa Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation, VAHF) cho biết là tốt đẹp, về tinh thần cũng như tài chánh.
 
Hiển nhiên, đây là thành quả của những nỗ lực của nhiều người trong nhiều tháng, từ việc làm phim đến việc đem phim đi chiếu. VAHF đã liên tiếp phổ biến những tin tức về cuốn phim này. Vì vậy, nhiều hay ít, mọi người đã biết đây là một cuốn phim tài liệu về thảm kịch thuyền nhân diễn ra với hàng triệu người ồ ạt ra khơi trên những con tàu nhỏ bé sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt với cái chết của tự do tại Miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975.
 
Những cuộc vượt biển đầy hiểm nguy với bão tố và hải tặc – lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam – đã kéo dài trong nhiều năm và hàng trăm ngàn người đã không bao giờ trở lại mặt đất.
 
Đây là một bi kịch lớn không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn của cả nhân loại nhưng chưa bao giờ được đưa lên màn ảnh, dù Hollywood đã thực hiện nhiều phim về chiến tranh Việt Nam với những câu chuyện bịa đặt và tình tiết ly kỳ giả tưởng.
 
VIETNAMERICA (Việt Mỹ) là cuốn phim tài liệu đầu tiên về thuyền nhân, và không do Hollyhood sản xuất. Khi được Bà Triều Giang cho biết đã làm xong cuốn phim vào tháng 5 năm nay, đã gửi đi tham dự vài hội liên hoan phim ảnh quốc gia Hoa Kỳ và quốc tế và đã được vài giải thưởng, tôi đã kinh ngạc và thán phục. Mới trước đó đôi tuần, gặp Nhà văn Uyên Thao, trong lúc nói chuyện với nhau về sinh hoạt văn học, văn nghệ ở hải ngoại, anh bày tỏ mơ ước làm được một cuốn phim về người vượt biển.
 
Tôi chỉ biết Bà Triều Giang viết báo và làm hội trưởng Hội VAHF chứ chưa bao giờ nghe chuyện làm phim! Về sau được biết thêm một phần trích từ cuốn phim dài 18 phút mang tên MASTER HOA’S REQUIEM  đã đoạt giải Special Jury Remi Award, The Best Texas Production của WorldFest ở Houston, Texas, và The Best Production của Dallas International Film Festival.
 
Master Hoa’s Requiem là câu chuyện có thật về cuộc vượt biển của ông Nguyễn Tiến Hóa cùng với vợ con trong chuyến tàu gồm 75 người mà cuối cùng chỉ còn mình ông ta sống sót tới được Đảo Bidong, Malaysia. Câu chuyện này là phần chính của VIETNAMERICA dài 90 phút chiếu.
 
Tình cờ, nhân vật Nguyễn Tiến Hóa lại không phải là người xa lạ với tôi. Tháng 5 năm 1982, tôi tới Trại Bidong thì ông ta đã ở đó được vài tháng. Chiều chiều ông ta thường ngồi hướng nhìn ra biển khơi nhấp nhô những đợt sóng, kể cho những người vây quanh về chuyến đi thảm khốc của ông khi gặp hai chiếc tàu hải tặc. Tiền của bị cướp, phụ nữ bị hãm hiếp, kể cả vợ ông. Ông ta đã nổi điên và khi chiếc tàu thứ hai kéo đến, ông ta đã đánh hạ mười mấy tên hải tặc Thái Lan trước khi rơi xuống biển. Nghe nói Nguyễn Tiến Hóa là võ sư VOVINAM và là trung úy huấn luyện viên võ thuật trong quân đội VNCH. Hình như khi ấy ông ta đang chờ ở Bidong để ra tòa tại Thái Lan với tư cách nhân chứng trong vụ án do Cao Úy Tị Nạn LHQ khởi tố nhờ những hình ảnh do một thương thuyền Nhật Bản chụp được. Vụ kiện về sau không thành vì vấn đề anh ninh của ông Hóa.
 
Nay, gần 35 năm sau, Nguyễn Tiến Hóa, với mái tóc bạc trên đầu, tự đóng vai chính mình để làm một cuộc hành trình ngược trở lại Mã Lai đi tìm mộ vợ con nơi những nghĩa trang hoang phế chôn những xác thuyền nhân vớt được trên biển hay sóng đánh vào bờ. Họ đã tới bến nhưng không còn sống để hít thở bầu không khí tự do.
 
Ngoài câu chuyện của ông Nguyễn Tiến Hóa còn vài trường hợp của những người khác, như Lương Xuân Việt, như Dương Nguyệt Ánh, như Trần Tử Thanh… Họ đã ra đi bằng những cách khác nhau, nhưng vì cùng một lý do: họ không thể sống dưới chế độ cộng sản. Họ đã may mắn đến được bến bờ tự do và nước Mỹ đã cho họ một quê hương mới. Với quyết tâm và bền chí, họ đã hội nhập thành công. Nguyễn Tiến Hóa, tuy vẫn chưa xóa hết được ác mộng trong những giấc ngủ, đã làm lại cuộc đời, hiện làm chủ một võ đường ở Texas và dạy Tai Chi cho những người lớn tuổi gồm đủ mọi sắc dân trong cộng đồng địa phương. Lương Xuân Việt theo cha mẹ rời khỏi Việt Nam năm 1975 lúc lên mười, nay là một vị tướng trong Quân đội Hoa Kỳ, Dương Nguyệt Ánh trở thành một nhà chế tạo bom...
 
Rất nhiều con em người Việt tị nạn, thế hệ thứ hai, những công dân Mỹ gốc Việt, đã không biết và tự hỏi vì sao họ có mặt trên đất nước này, và cha mẹ họ đã đến đây bằng cách nào, đã làm sao để vươn lên trên quê hương mới.
 
VIETNAMERICA đã cho họ câu trả lời. Cuốn phim đã được chiếu ở vài nơi và đã tạo  nhiều tiếng vang, nhưng lần ra mắt tại Vùng Washington đã có một ý nghĩa đặc biệt. Không phải vì đây là thủ đô nước Mỹ, nhưng vì ngoài hai xuất chiếu ở một rạp tại Virginia phim còn được chiếu tại Newseum, tức viện bảo tàng truyền thông của nước Mỹ, một cơ sở đồ sộ hiện đại tại trung tâm thủ đô Hoa Kỳ, nơi lưu trữ mọi tài liệu, dữ kiện liên quan đến những gì đã xảy ra trên mặt đất được tường trình qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, mạng điện tử... Dĩ nhiên trong đó có Chiến tranh Việt Nam mà truyền thông Mỹ đã bị kết tội là thiên lệch và đóng vai trò quan trọng đưa đến kết thúc bi thảm ngày 30.4.1975.
 
Tối 17 tháng 10, tôi đã tới Newseum không phải chỉ để xem VIETNAMNERICA mà còn để nói với truyền thông chính dòng Mỹ rằng SỰ THẬT rồi cũng có lúc phải lên tiếng. Và đã lên tiếng ngay tại nơi cần lên tiếng. Ban quản trị Newseum đã tỏ ra công tâm khi cho trình chiếu VIETNAMERICA tại đây và cùng thời gian còn mở cuộc triển lãm hình ảnh về Chiến tranh Việt Nam qua truyền thông chính dòng Mỹ, những hình ảnh cho thấy sức mạnh của báo chí Mỹ và vì sao Mỹ đã thất bại tại Việt Nam và làm cách nào báo chí Mỹ đã đồng lõa với tội ác của cộng sản tại Việt Nam.
 
Tôi đã vui mừng khi thấy người Việt tới tham dự đông đảo. Những ngày trước buổi chiếu phim tôi đã lo ngại sẽ có ít người tới vì giá vé 100 và 200 Mỹ-kim, vì khó khăn di chuyển và chỗ đậu xe tại Washington, và vì thói quen thờ ơ của đa số người Việt.
 
Dường như “chúng ta” chỉ thích làm những gì có lợi cho bản thân mình, ít khi chịu làm cái gì cho lợi ích cộng đồng hay xã hội. Nếu có làm thì chỉ thích “làm chơi”, làm những cái dễ làm và nhường cái khó làm cho người khác.
 
Bà Triều Giang và Hội VAHF đã chọn cái khó để làm và đã “làm thật”. Mấy năm trước VAHF đã hoàn thành chương trình phỏng vấn 500 người Việt tị nạn tiêu biểu tại Mỹ để đưa vào một số trường đại học nhằm mục đích sửa lại phần nào những sai lầm và thiên lệch trong sách báo và giảng dạy do phe tả đưa ra. Nay, VAHF với tay không lại làm một cuốn phim tài liệu về thuyền nhân và về người Mỹ gốc Việt trong khi có nhiều tổ chức mang những danh xưng to lớn không làm, hay không làm được.
 
Khi Bà Triều Giang tới Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, tôi đã gặp riêng bà hai lần và được nghe bà than phiền về một vài nhân sự trong vùng, nhưng cũng do đó được biết những khích lệ và trợ giúp đáng quý VAHF đã nhận được khi đem phim tới đây chiếu ra mắt, trong đó bà đặc biệt nhắc đến ba người con của “anh em HO” đã giúp cho Hội mỗi người mười ngàn Mỹ Kim, cộng với sự yểm trợ của nhiều người khác cùng tiền bán vé trong các lần chiếu ra mắt, VAHF chỉ còn nợ 70 ngàn Mỹ-kim trong tổng kinh phí  350 ngàn Mỹ-kim thực hiện cuốn VIETNAMERICA.
 
350 ngàn Mỹ-kim để làm một cuốn phim 90 phút chiếu! Không ai có quyền đem so sánh VIETNAMERICA với các phim do Hollywood thực hiện với phí tổn hàng chục triệu đô-la!
 
Biết như thế sẽ hiểu được sự hy sinh, lòng can đảm và quyết tâm “làm thật” của những người đã góp công sức vào việc thực hiện cuốn phim này mà đứng đầu là nhà sản xuất Triều Giang. Và cuốn phim cũng không thể thực hiện được nếu không có tiền, trong đó sự đóng góp hào sảng của “ba người con HO” rất quan trọng và rất có ý nghĩa.
 
Sự đóng góp của ba người trẻ ấy, ba chủ nhân của các công ty V247, AB Realty Mortgage và Luraco Technologies, đã giúp cho VAHF đỡ được một gánh nặng về tài chánh, mặt khác đã cho thấy tính cách quan trọng và chính đáng của chương trình tái định cư cựu tù nhân chính trị Việt Nam thường được gọi một cách ngộ nhận là “chương trình H.O.” vào đầu thập niên 1990 với khoảng 300 ngàn người vừa cựu tù cải tạo và gia đình họ. Nay, sau 25 năm, nghĩa cử của ba người trẻ chủ nhân của ba công ty đã nói rất nhiều về sự thành công của thế hệ thứ hai của “HO” trên nước Mỹ và về sự trả ơn của họ cho quê hương mới cũng như đóng góp vào cuộc chiến đấu cho tự do tại Việt Nam của thế hệ đi trước vẫn còn tiếp tục trên một mặt trận khác. Ba người này đã có mặt tại buổi chiếu phim ở Newseum và đã được mời phát biểu.
 
Cũng có mặt trong buổi chiếu phim đặc biệt này là Bà Khúc Minh Thơ, nguyên chủ tịch Hội Gia đình Tù nhân Chính trị Việt Nam, người được nhiều cựu tù cải tạo coi như ân nhân của họ. Danh nghĩa ấy không sai, nếu biết được những gì Khúc Minh Thơ và Hội GĐTNCTVN đã làm trong hơn hai mươi năm để vận động cho tù nhân chính trị tại Việt Nam được trả tự do và được tái định cư tại Hoa Kỳ. Chỉ hai năm sau khi cựu quân, cán, chánh VNCH bị lùa vào các nhà tù được gọi là “trại cải tạo”,  và thế giới bên ngoài không ai muốn nghe chuyện Việt Nam nữa, Hội GĐTNCTVN đã được thành lập tại Washington và đi gõ cửa Quốc Hội Mỹ, gõ cửa Bộ Ngoại giao, gõ cửa cả Tòa Bạch Ốc và đại diện (chưa có đại sứ) Cộng sản Hà-nội tại Liên Hiệp Quốc, và qua làn sóng đài VOA nhắn về Việt Nam “Chúng tôi KHÔNG QUÊN CÁC ANH”.
 
Khi ấy, nằm mơ cũng không mấy ai nghĩ rằng có ngày tù cải tạo sẽ được trả tự do và đi Mỹ. Nhưng Khúc Minh Thơ “không quên các anh” và tiếp tục “níu áo” các dân biểu, nghị sĩ  Mỹ, đặc biệt là Bob Dole, Ted Kennedy và John McCain…Tôi đã gặp Bà Khúc Minh Thơ lần đầu tại một trong những buổi tiếp tân được Hội GĐTNCTVN tổ chức tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ để vận động cứu tù nhân chính trị Việt Nam mà kết quả đã thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”.
 
Giữa thập niên 1980, Tổng thống Ronald Reagan ký sắc lệnh chỉ định ông Robert Funseth, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao, đặc trách thương thảo với Hà-nội về vấn đề tù nhân chính trị Việt Nam. Sau đó TT Reagan tiếp Bà Khúc Minh Thơ tại Văn phòng Bầu dục Tòa Bạch ốc và cam kết không quên những chiến sĩ Việt Nam anh hùng khiến Bà Thơ bật khóc trước mặt ông tổng thống Mỹ.
 
Tin đồn về tới Việt Nam, hồ sơ cựu tù cải tạo gửi sang Hội GĐTNCTVN không còn chỗ chứa dưới căn hầm nhà Bà Khúc Minh Thơ và chuông điện thoại reo ngày đêm. Khi ấy chưa có Internet, chưa có cả máy FAX. Hội GĐTNCTVN không có quỹ và không xin tiền đồng hương. Bà Khúc Minh Thơ đã phải dùng tiền lương công chức khiêm tốn của mình để trả tiền điện thoại viễn liên, bưu phí gửi tài liệu đi VN và thuê người làm hồ sơ chuyển sang Bộ Ngoại Giao.
 
Ngày 30.7.1989 ông Funseth ký với Hà-nội thỏa hiệp về việc ra đi của cựu tù cải tạo Việt Nam, mở đầu cho chương trình “H.O.” Có lẽ không ai vui hơn Bà Khúc Minh Thơ dù đã xuýt mất nhà vì thiếu tiền trả ngân hàng. Nay, sau 25 năm, ông Funseth vừa qua đời mấy tuần trước. Một thế hệ khác đã trưởng thành trong “đại gia đình HO”. Sức khỏe Bà Khúc Minh Thơ cũng đã suy yếu nhiều và bà có một ước mơ cuối đời: thế hệ thứ hai sẽ cùng nhau dựng một tượng đài cảm ơn nước Mỹ.
 
Từ câu chuyện Bà Khúc Minh Thơ “làm thật”, hết lòng với việc làm nhân đạo mà xuýt mất nhà, tôi không thể không nói tới một phụ nữ khác cũng vì đã “làm thật”, tận tụy với một lý tưởng cao đẹp mà đã mất nhà: Irina Zisman.
 
Bà Irina là một ký giả người Nga thông thạo tiếng Việt, nhân viên ban Việt ngữ tại Đài Phát thanh Mạc-tư-khoa thời cộng sản Sô-viết. Năm 1992, chỉ một năm sau khi Liên-sô sụp đổ, bà đã lập ra “Radio Irina”, hay “Tiếng nói Tự do từ Mạc-tư-khoa”, để hướng về Việt Nam cổ vũ cho nhân quyền, dân chủ với những tin tức xác thực và bình luận sắc bén, phát đi từ cái nôi của “cách mạng vô sản”. Không có tiền, bà xin nhà thờ và vài tờ báo ở Mạc-tư-khoa trợ giúp. Không bao lâu sau, một tổ chức chính trị của người Việt tị nạn tại Mỹ nhập cuộc, hứa bảo trợ Đài và đưa Irina tới nhiều cộng đồng người Việt ở Mỹ, Canada và Âu Châu để vận động gây quỹ. “Cuộc hôn nhân” không kéo dài lâu vì Irina cảm thấy bị mất độc lập và không còn nhận được tiền nuôi Đài (mỗi tháng khoảng 5 ngàn Mỹ-kim).
 
Một nhóm bạn ở Washington được thành lập để vận động quyên tiền nuôi Đài vì nghĩ rằng chỉ cần 5 hay 6 ngàn người trong số khoảng hai triệu người Việt ở hải ngoại khi ấy bỏ ra mỗi tháng “một Mỹ-kim” là đủ để duy trì tiếng nói đấu tranh quan trọng này. Bà Irina cũng tin tưởng như thế, và trong khi chờ đợi tiền từ Mỹ, bà đã phải vay tiền của bọn “xã hội đen” để duy trì Đài. Nhưng rồi tiền từ “hai triệu người Việt ở hải  ngoại” không bao giờ đến, ngoài đóng góp của vài cá nhân không đủ nuôi Đài và trả nợ.
 
Trong khi đó vì ảnh hưởng nguy hiểm của “Radio Irina” tại Việt Nam, Cộng sản Hà-nội đã làm áp lực mạnh với chính quyền mới tại Nga để đóng cửa đài phát thanh này. “Radio Irina” tắt tiếng và Irina bị bọn chủ nợ “xã hội đen” đòi tiền và hăm dọa bắt cóc con gái. Irina phải bán căn chung cư ở trung tâm Mạc-tư-khoa và dọn đi vào ban đêm tới một căn nhà nhỏ ở ngoại ô.
 
Nay, hơn 20 năm sau, tôi là một trong vài người Việt ở hải ngoại còn liên lạc với Irina. Mỗi khi nhìn vào đôi mắt xanh biếc như bầu trời mùa hè không mây của Irina, tôi thường tự hỏi cái gì đã khiến người phụ nữ “dị chủng” này yêu Việt Nam hơn nhiều người Việt?
 
Một mình Irina Zisman đã làm được cái mà mấy triệu người Việt ở hải ngoại không làm được. Cũng như Khúc Minh Thơ và Triều Giang, đã làm được những điều mà người khác không làm được. Chỉ vì họ “làm thật”.
 
Sơn Tùng
Virginia, Tháng mười 2015
 
 
 
c133f3d6-433c-41c9-adfb-1b20733e49f3.jpeg
Ảnh Cát Linh (RFA)
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen