Dienstag, 27. Oktober 2015

Chẳng có gì đáng tiếc…


Đỗ QuânChẳng có gì đáng tiếc...
Hôm 12 tháng 10, tờ The New York Times đưa tin Playboy, tạp chí chuyên đăng hình phụ nữ khỏa thân, suốt 62 năm nay, đã công bố từ Tháng 3 năm 2016, những hình ảnh khỏa thân hoàn toàn sẽ không còn xuất hiện trên mặt tờ báo tháng này nữa.
Tuy bản tin của NYT được một số người đọc chú ý, đã có những người trẻ ngơ ngác hỏi nhau “Playboy là báo gì vậy?”
“Playboy là báo gì vậy?” Sự ngơ ngác đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định của Playboy.
H 2

Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, mặc dù các tạp chí ngoại quốc được phép nhập cảng về các nhà sách hay mua qua bưu điện, nhưng tờ Playboy không nằm trong danh sách chính thức được nhập về Việt Nam. Có lẽ thời gian mà người Việt Nam biết đến tờ Playboy là khoảng từ năm 1965 trở về sau. Ngày đó, những tờ tạp chí khổ lớn, nhiều hình hấp dẫn, in trên giấy láng, dầy cui, nặng chịch này đã trở thành một món hàng bán được khá tiền của mấy bà chuyên đi mua đổ lạc xoong, giấy báo cũ khi họ mua được từ các người quét dọn những chúng cư của quân nhân Mỹ hay các nhà tư nhân cho Mỹ thuê.
Những tờ tạp chí này sau đó được đưa ra chợ sách cũ góc rạp Nam Quang – góc Lê Văn Duyệt – Trần Quý Cáp, bên cạnh trường trung học tư thục Trường Sơn. Từ chợ sách Lê Văn Duyệt, tờ tạp chí kín đáo chui vào cặp các anh lớn, rồi rơi xuống sàn nhà vào tay các cậu em lớp nhỏ trung học. Họ giấm giúi chuyền nhau dưới gầm bàn…
Thật ra thì tờ Playboy chẳng những không lấy gì làm tội lỗi cho lắm vì nó còn có giá trị văn chương văn học nữa. Trong tờ tạp chí này ngoài hình mát mẻ còn có rất nhiều bài vở, từ tài liệu nghiên cứu, nghị luận, đến phỏng vấn, truyện ngắn. Viết cho tờ báo là hầu hết những tên tuổi lừng danh hậu bán thế kỷ 20 trong lãnh vực văn chương, văn học. Phía truyện ngắn chẳng hạn, như các nhà văn khoa học giả tưởng Ray Bradbury; Arthur Clarke; Ian Fleming, tác giả loạt tiểu thuyết gián điệp 007; Vladimir Nabokov, nhà văn đoạt Nobel – tác giả Lolita, Stephen King, vua kinh dị; Saul Bellow, kịch tác gia; Margaret Atwood, nữ văn sĩ Canada tên tuổi …
Nhưng đúng là người ta biết đến Playboy đầu tiên vì những tấm hình màu, và đặc biệt là tấm hình chiếm trọn 2 trang giữa, được gọi là “spread”. Những hình này thường được cẩn thận gỡ ra khỏi tờ báo, ghim lên vách tường.
4Đế chế PlayboyHugh Marston Hefner, người sáng lập ra tờ tạp chí, và sau đó là đế chế Playboy, đã mừng thượng thọ cách đây gần chục năm. Ông sinh năm 1926 ở Chicago.
Sau khi tốt nghiệp ngành tâm lý học ở Đại học Illinois, Hugh Hefner làm việc cho tạp chí danh giá Esquire ở Chicago với vị trí biên tập viên quảng cáo. Năm 1953, lúc ấy chàng 26 tuổi, có vợ nhưng đời sống hôn nhân không vui vẻ lắm, Hefner nhất định phải làm một cái gì đó nếu không muốn “Cuộc đời của tôi chẳng là cái gì hơn một sự lập lại cuộc đời của ba má tôi.”
Khi tờ Esquire dọn nhà sang New York, Hefner không đi theo, ở lại Chicago để mở tờ báo riêng của mình, một tờ báo dành riêng cho nam giới, và chủ đề là “cô nàng nhà bên cạnh” (the girl next door). Đây là một quyết định khá mạo hiểm, vì theo chính Hefner kể lại trong một cuộc phỏng vấn, Chicago thời đó là một thành phố đa số dân là người Công giáo. Gia đình anh là những tín đồ Methodist bảo thủ. Khi anh nói chuyện về tờ báo với cha, một kế toán viên, để vay tiền, ông đã từ chối. Bà mẹ giúi cho anh $1,000. Bà là một nhà giáo. Hefner nói, bà biết anh dùng tiền để làm “báo người lớn” và “bà không chấp nhận tờ tạp chí nhưng chấp nhận anh con trai.”
H 6Tuy nhiên, Hugh Hefner khẳng định, và tái khẳng định sau này, tờ báo mà anh làm không phải chỉ là toàn về sex và phụ nữ. Tờ tạp chí anh sẽ làm là một tờ báo có nội dung “entertainment for men”, cổ động cho một “phong cách sống”, trong đó sex chỉ là một phần. Hefner viết trên trang quan điểm của số báo đầu tiên rằng nam tính không chỉ là thể hiện ở những thú vui ngoài trời như vượt thác, săn gấu mà có thể chứng minh ở trong nhà, “Chúng ta thích căn apartment của mình. Chúng ta thích pha cocktails và làm một hai món hors d’oeuvre, đặt một đĩa nhạc lên máy hát để tạo không khí và mời một phụ nữ vào để cùng nhẹ nhàng thảo luận về Picasso, Nietzsche, jazz, sex.” Anh muốn dùng tờ báo với các bài vở, quảng cáo và hình khỏa thân để cổ động cho chủ nghĩa khoái lạc cao cấp – upscale hedonism.
Số Playboy đầu tiên ra đời tháng 12 năm 1953 với hình của Marilyn Monroe trên trang bìa, bán với giá 50 xu. Lúc đó, dĩ nhiên vừa khởi nghiệp, làm gì Hefner có tiền và có danh để thuê Marilyn Monroe làm người mẫu, bởi vậy, tấm hình này, và tấm hình spread (còn gọi là centerfolds) ở bên trong, do Tom Kelley chụp, được anh mua lại với giá rẻ từ công ty làm lịch John Baumgarth Calendar Company. M.M. chụp những ảnh này từ năm 1949, thời cô nàng chưa nổi tiếng và còn đói rách. Hefner đặt tên cái mục hấp dẫn của tờ tạp chí là “Sweetheart of the Month” – về sau được đổi lại thành “Playmate of the Month”.
F-CTF19907Tờ Playboy số ra mắt có đặc điểm là không đề ngày, chỉ in ngoài bìa là “first issue”, do ban điều hành thiếu tự tin, không biết là có số thứ hai hay không. Tổng số tiền vốn để ra báo lúc đó của Hefner chỉ là $8,000.
Hình ảnh Thỏ Bunny của Playboy là một trong những ba logo được nhận ra nhanh nhất trên thế giới, bên cạnh quả táo Apple và dấu swoosh – tượng trưng cho chuyển động và tốc độ, của Nike.
Tất cả số in của tờ Playboy đầu tiên, khoảng trên 50 ngàn tờ, bán sạch trong vòng vài tuần lễ. Viễn kiến “chơi bạo” của Hugh Hefner nhanh chóng có kết quả. Chỉ một năm sau, Playboy đã dư sức thuê thợ ảnh chuyên nghiệp và các “cô nàng nhà bên” làm mẫu độc quyền.
Tờ tạp chí mang logo hình con thỏ bunny đã đưa Playboy trở thành một đế chế, biến chàng trẻ tuổi Hugh Hefner trở thành một triệu phú, và đồng thời thành một playboy – ngày nay gần chín bó vẫn ham chơi. Năm 2012, lúc “mới lên 86 tuổi”, ảnh đã lấy vợ thêm một lần nữa, cô dâu Crystal Harris chỉ nhỏ hơn ảnh có 60 tuổi.
Tờ tạp chí cũng góp phần thay đổi quan điểm của cả thế giới về một thân hình phụ nữ đẹp! Người đẹp phải có bộ ngực và bộ mông thật to, to thấy sợ.
Đến cuối thập niên 1960, cứ mỗi 4 sinh viên đại học Mỹ thì có một người mua báo Playboy tháng.
Thời cực thịnh của Playboy là khoảng thập niên 1970, lên đến tột đỉnh với chừng 5 triệu tờ hằng tháng. Tháng 11 năm 1972, số báo với hình của Pam Rawlings ở ngoài bìa, được bán ra với một con số nhiều tạp chí nằm mơ không thấy: 7,161,561 tờ!
circa 1953:  Curvaceous Hollywood film star Jayne Mansfield (1932-1967), formerly Vera Jane Palmer. She had a short career as a kind of living parody of Marilyn Monroe in films such as 'The Girl Can't Help It' (1956), and 'Will Success Spoil Rock Hunter?' (1957).  (Photo by Hulton Archive/Getty Images)
circa 1953: Curvaceous Hollywood film star Jayne Mansfield (1932-1967), formerly Vera Jane Palmer. She had a short career as a kind of living parody of Marilyn Monroe in films such as ‘The Girl Can’t Help It’ (1956), and ‘Will Success Spoil Rock Hunter?’ (1957). (Photo by Hulton Archive/Getty Images)
Thành công của tờ tạp chí giúp cho Hefner xây dựng nên một tập đoàn kinh doanh – Playboy Enterprises, gồm nhiều hội quán tư, chuỗi hộp đêm và resort, nơi các hội viên, playboy, mang thẻ là chiếc chìa khóa hình con thỏ được những cô nàng xinh như mộng trong bộ đồng phục thỏ Bunny có cả tai lẫn đuôi phục vụ. PB Club có mặt ở nhiều tiểu bang ở Mỹ, Anh quốc, Jamaica, Bahamas, Nhật Bản, Phần Lan, Hy Lạp Beirut, và cả ở Ấn Độ.
Những sản phẩm mang logo của Playboy – từ quần áo, kim cài cà vạt, bật lửa, khuy măng xét, dây lưng và hầm bà lằng các thứ khác… cũng mang lại khẳm tiền cho Playboy Enterprises.
Dùng tiền làm ra được để hưởng thụ lối sống hưởng lạc cao cấp, và để làm thêm ra tiền, Hugh Hefner đã có hẳn một lâu đài – The Playboy Mansion, rộng hơn 2 ngàn mét vuông ở Los Angeles. Đây là nơi anh sống với “vợ” và “bạn gái”, chứa một số Playmate, tiếp khách, tổ chức các party.
Tờ Playboy còn giúp cho nhiều nàng kiều nữ – những Playmate, có được một bệ phóng để từ một cô gái tỉnh lẻ trở thành một ngôi sao, hay các nàng đã có chút tên tuổi tiến xa hơn nữa trong các lãnh vực cần đến thanh sắc và nhan sắc.
Cạnh tranh và hàng nhái
Sự thành công của Playboy dĩ nhiên là phải dẫn đến sự cạnh tranh và bắt chước. Nhiều tạp chí mát mẻ lần lượt xuất hiện. Một trong các đối thủ nặng ký nhất của Playboy là tờ Penthouse, gốc gác bên Ăng lê. Penthouse có ấn bản đầu tiên ở Anh quốc năm 1965. Vào Mỹ năm 1969, Penhouse công khai tuyên chiến với PB trong quảng cáo ra mắt “We are going rabbit hunting.” Penthouse và nhờ tâm lý dễ dãi hơn của người Âu châu, những hình ảnh trên tạp chí này bạo hơn, ác liệt hơn PB rất nhiều. Có người nói tờ báo này đã qua mặt PB – vốn cho đến ngày đó chỉ dám ở bên bờ an toàn của với những hình ảnh chỉ ở dạng “erotic” (khêu gợi), đi hẳn sang lãnh vực “pornography” (khiêu dâm). (Playboy Enterprises đã phản đòn bằng cách ra một tạp chí khác, đặt tên là Oui, đăng những hình ảnh không thua gì Penthouse). Penthouse, ngon lành hơn nữa, còn đưa cả đề nghị mua lại PB của Playboy Enterprises.
Trong số các đối thủ của PB còn phải kể tới tờ Hustler (1974) của Larry Flynt, cũng thuộc tầm cỡ tờ Penthouse. Trong thập niên cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhiều tạp chí khác cũng lần lượt ra đời, vời chủ trương cổ động cho lối sống khôi hài nham nhở và sex của nam giới như các tờ Maxim, Stuff và FHM.
Tại sao PB bỏ cuộc?
Playboy bị internet hại tới hai lần.
Đầu tiên, là chuyện trên internet ngày nay hình mát mẻ dễ kiếm, và miễn phí.
Tờ NYT viết hồi tháng trước, một trong các chủ biên của PB đến gặp chủ bút Hugh Hefner tại Lâu đài Playboy, đưa ra đề nghị thay đổi lớn cho tờ tạp chí đi đầu cuộc cách mạng tình dục ở Hoa Kỳ: PB nên ngưng đăng tải các hình ảnh phụ nữ khỏa thân.
Nhà chủ bút 89 tuổi, người có được sự nghiệp nhờ những hình ảnh đó, đã đồng ý.
Là dân tốt nghiệp ngành tâm lý, ông Hugh Hefner biết rõ hơn ai hết chuyện mỗi người chỉ có một thời. Là chuyên viên về chuyện sex, ông cũng biết rõ hơn ai hết cái gì lên thì cũng sẽ xuống.
Trong chương trình thiết kế lại tờ báo, PB vẫn sẽ có hình ảnh phụ nữ trong những tư thế khêu gợi, nhưng họ sẽ không còn khỏa thân hoàn toàn nữa.
Các nhân vật lãnh đạo của PB thú nhận rằng trên con đường chính tờ báo này vạch ra, họ đã bị qua mặt, Tổng giám đốc công ty PB Scott Flanders than, “Trận đánh đó đã xong và đã có kẻ thắng. Giờ đây người ta chỉ cần nhấp chuột một cái là có ngay được mọi hình ảnh sex không mất xu nào. Vì thế, tại thời điểm này chuyện đó quá xưa rồi.”
Mấy ông này có lý, và thực tế. Nước Mỹ ngày nay không còn ở trong thời đàn ông coi đọc PB là không có văn hóa, thiếu niên lấm lét chuyền nhau tờ báo. Ngày nay các ông nhỏ xài smart phone để tiếp cận các trang web khủng khiếp và gửi cho nhau những bức ảnh, đoạn video mà cha anh chúng thấy là hết hồn. Thế nên, dù cho có cả những bài viết văn chương, một tạp chí khiêu dâm như PB đã vừa hết thời, vừa chẳng còn giá trị thương mại nữa.
Theo dữ liệu của tổ chức kiểm định uy tín The Alliance for Audited Media, con số phát hành của PB đã rơi từ 5.6 bản in năm 1975 xuống còn 800,000 ngày nay. Thế là còn khá, nhiều tạp chí nhái theo PB đã chết ngủm.
Thương tổn thứ hai của PB do internet gây ra cũng là thương tổn chung của giới báo in và ngành ấn loát. Trong vòng vài năm gần đây, internet đã làm trầy trật không biết bao nhiêu tờ báo và tạp chí vì thông tin nhanh chóng, đọc một cách thuận tiện, và không mất tiền.
Những tờ báo khổng lồ và uy tín ở Mỹ như The New York Times, Los Angeles Times, tạp chí Time… đã phải giảm số lượng báo in, có tờ đóng luôn, để chú trọng nhiều hơn đến ấn bản – nay chỉ còn là “bản”, online.
Theo dữ kiện của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong năm 2014, số lượng phát hành của báo chí ở Mỹ – cả ngày thường lẫn ngày Chủ nhật, sau khi sụt đến hơn 10% vào năm 2009, đã nhích lên được chút ít năm 2013 nhưng đến năm 2014 tiếp tục rơi. Trong lúc đó, thu nhập từ quảng cáo của các báo in liên tục giảm, và từ bản trên mạng tăng được chút đỉnh. Đỉnh cao của thu nhập từ quảng cáo của các báo Mỹ năm 2005 là gần $50 tỷ, năm 2014 là khoảng hơn $20 tỷ một chút!
Giảm số in vì mất quảng cáo, mất quảng cáo nên phải giảm số lượng in là hệ quả lòng vòng, cái kiếp nạn của báo in toàn thế giới – chắc có thể trừ Việt Nam, nơi báo chí thuộc về nhà nước và làm ăn không cần có lãi vì được ngân sách trợ giúp để đóng vai trò tuyên truyền.
Thời báo in làm bá chủ làng thông tin đã qua. Báo đứng đắn sống còn không nổi, qua đời cũng chẳng có bao nhiêu người nhớ vì những gì mà thế hệ ngày nay cần đến đều có thể tìm được free trên internet. Cũng vậy, những người lớn lên cùng với Playboy nay chẳng còn bao nhiêu, giới trẻ bây giờ tìm được “hàng độc” hơn trên mạng, nếu các kiều nữ trên Playboy có kín đáo hơn, mà ngay cả nếu Playboy có mãn phần, thì cũng chẳng có gì đáng tiếc.
Đỗ Quân tổng hợp

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen