Montag, 5. Januar 2015

VÌ SAO CÁC QUỐC GIA CỘNG SẢN BỊ LẠC HẬU VÀ CHẬM TIẾN Phỏng vấn Stephen Young

Ngày hôm nay 4 quốc gia Nga, Tàu, Việt Nam và Bắc Hàn đã trở nên lạc hậu và chậm tiến. Giới lãnh đạo và trí thức cộng sản cố tìm cách tránh né trách nhiệm của mình, bằng cách đổ lỗi cho người khác. Kiểu theo một câu châm ngôm của dân Việt nói về Đảng Cộng sản: “ Mất mùa thì tại thiên tai; được mùa thì bởi thiên tài đảng ta.” Giới trí thức đặc biệt của Tàu và Việt Nam cho rằng tình trạng lạc hậu và chậm tiến là vì hoàn cảnh lịch sử và lý thuyết Khổng giáo.
Có phải như vậy hay không? Hay tại chính chế độ cộng sản?
 
Chúng ta hãy cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề này !
 
I ) Tình trạng lạc hậu, chậm tiến của 4 quốc gia Nga, Tàu, Việt Nam và Bắc Hàn là không thể chối cãi
 
Thật vậy, từ ngày chế độ cộng sản được thành lập đầu tiên ở Nga, rồi sau đó ở Đông Âu, Tàu, Bắc Hàn và Việt Nam, người ta tính sổ ngày hôm nay, thì không những ít nhất có 100 triệu người bỏ mạng vì cộng sản ( Theo Le livre noir du communisme – Crimes, terreur, répression của S. Courtois, N. Wert, J.L. Panné, A. Paczkowski, K. Bartosek, J.L. Margolin – Nhà xuất bản Robert Laffont – Paris 1997), mà còn có tình trạng lạc hậu, chậm tiến, tham nhũng, phản dân chủ, phản nhân quyền. Tình trạng này còn kéo dài tới ngày nay, cả ở những nước đã thoát khỏi chế độ cộng sản như Nga; và tất nhiên còn tồn tại ở những nước cộng sản còn lại như Tàu, Việt Nam, Bắc Hàn, Cu ba.
Chính vì vậy mà Quốc Hội Âu châu đã ra nghị quyết 1481 kết án chế độ cộng sản là một chế độ diệt chủng.
Ngay cả những người đã sống, lớn lên, được học tập, bị nhồi sọ bởi tuyên truyền cộng sản, nhưng sự thật vẫn là sự thật, lương tri con người cuối cùng vẫn chiến thắng những cái gì tàn bạo, dối trá. Tiêu biểu như ông Gorbatchev, cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Liên sô, tuyên bố: “Tôi đã bỏ hơn nửa đời người đấu tranh cho lý tưởng cộng sản; nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà tuyên bố rằng: cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nó láo “. Bà Angela Merkel, đương kim Thủ tướng Đức, người trưởng thành ở Đông Đức trước đây, được xem như nước cộng sản phát triển nhất; ông Medvedev, đương kim Tổng thống Nga, cũng đã tuyên bố tương tự: “ Chế độ cộng sản không những là một bộ máy tạo nên sự dối trá, lừa bịp, mà còn là một bộ máy giết người; không những giết chính dân tộc mình, mà còn giết cả những dân tộc khác.”
Tòa án quốc tế ở Pnomph Penh đang xử chế độ cộng sản diệt chủng Pol pot vì tội danh đã giết hơn 2 triệu dân Căm Bốt. Ở điểm này cộng sản Việt Nam cho rằng chính mình đã lật đổ chế độ Pol Pot, giải phóng dân Cam Bốt; nhưng phải suy xét kỹ, chế độ Pol Pot là do ai dựng lên. Chính cộng sản Việt Nam, mà người đó là Lê đức Thọ, con người được mệnh danh là anh Sáu Búa, vì đứng thứ sáu trong Bộ Chính trị, và chủ trương dùng búa giết người, thủ vai trò chính trong việc thành lập lên đảng cộng sản Căm bốt.
Trước tòa án, tên trùm giết người ở Pnomph Penh, được mệnh danh là Douce, đã nói rõ trước tòa rằng tất cả những thủ đoạn, kỹ thuật, đường lối giết người của chúng tôi là do Đảng Cộng sản Việt Nam dạy. Đảng Cộng sản Việt Nam giết người không thua gì Pol Pot, nhưng kín đáo và khôn khéo hơn, nên đã lừa dối được dư luận.
Không những là một tổ chức giết người, mà đảng cộng sản còn đưa nước mình tới chỗ chậm tiến và lạc hậu. Ta hãy nghe lời  ông Boris Eltsine, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, đặc trách đảng ở Moscou, cựu Tổng thống Nga, sau khi cộng sản sụp đổ, nói về tình trạng chậm tiến ở Liên sô, trong bài diễn văn nhậm chức Tổng thống, nhiệm kỳ đầu :
 “ Vào đầu thế kỷ 20 (ông ám chỉ cuộc cách mạng 1917  - Lời tác giả bài này), nước Nga đang ở trên cùng một con tàu với thế giới. Nước Nga không phải là nước đầu tàu, nhưng cũng ở trong những toa tàu hạng nhất. Thế rồi nước Nga nghĩ rằng tự mình có thể có một đường lối phát triển riêng biệt, đã tách khỏi đoàn tàu. Không dè, nước Nga dậm chân tại chỗ. Tình trạng phát triển của Nga ngày hôm nay, so với những nước phát triển khác, bị chậm cả 50 chục năm, nếu không muốn nói là cả thế kỷ.”
Ở đây chúng ta lấy sản lượng tính theo đầu người của một số quốc gia để so sánh. Tất nhiên tiêu chuẩn dùng sản lượng cũng không chính xác lắm; nhưng đây vẫn là cách tính được nhiều người biết từ trước đến giờ. Tôi vẫn dùng con số của năm 2009, cách đây 2 năm, vì tương đối đã được kiểm chứng, thay vì những con số mới nhất bây giờ, có thể kiếm dễ dàng trên Internet, nhưng chưa được kiểm chứng.
Sản lượng tính theo đầu người của Nga là 8513 $; của Trung cộng là: 3547 $;  của Việt Nam là: 1 034 $; của Bắc Hàn là: 571 $; trong khi đó của Nam Hàn là: 17 144 $; của Đài Loan là: 17 026 $; của Singapour là: 32 713 $, của Pháp: 42 864 $, của Đức: 41 309 $, của Anh: 35 950$, của Hoa kỳ: 42 772$, của Nhật: 41 138$.
Nói như ông Lý quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapour với những giới lãnh đạo cộng sản Tàu và Việt Nam, theo tường thuật của báo chí : “  Tiếc cho các Anh là đã chọn lầm chế độ cộng sản, nên nước các Anh mới lâm vào tính trạng lạc hậu, chậm tiến ngày hôm nay. Nhưng chúng tôi phải cám ơn các Anh, vì như vậy mà nước chúng tôi mới có ngày hôm nay.”    
 
I I )  Nguyên do tại đâu
 
Tuy nhiên vẫn có người, nhất là giới lãnh đạo và trí thức cộng sản, ở Việt Nam và Trung cộng, tìm cách đổ lỗi cho ảnh hưởng của chế độ quân chủ nặng nề và tư tưởng Khổng giáo.
Điều này tôi không phủ nhận.
Quả thật, nước Tàu và Việt Nam đã bị ảnh hưởng sâu đậm bời tư tưởng Khổng và chế độ quân chủ, nhất là quân chủ tập quyền, kéo dài quá lâu, nếu chúng ta so sánh 2 nước này với Nhật, mà sản lượng tính theo đầu người hàng năm là 41 138 $,  gần gấp 40 lần của Việt Nam và mười mấy lần của Tàu.
Nếu chúng ta chấp nhận giả thuyết, theo đó nhân loại đã trải qua 5 nền văn minh: văn minh trẩy hái lúc ban đầu, con người còn ăn lông ở lỗ, hái trái cây và săn thú chung quanh hang của mình. Sau đó vì cây trái và súc vật trở nên khan hiếm, con người phải đi xa để kiếm ăn, nó bước sang nền văn minh du mục. Nhưng dù đi xa, từ từ cây trái xúc vật cũng không còn nhiều; con người bắt buộc phải trồng trọt và nuôi xúc vật để sinh sống. Nó bước sang nền văn minh trồng trọt, định cư nông nghiệp, mà mô hình tổ chức nhân xã tương ứng là chế độ quân chủ, với trật tự xã hội: “ Sĩ, nông, công, thương “: thứ nhất là sĩ tức giai tầng có học, thứ nhì là giai tầng nông nghiệp, thứ ba là những người làm công nghệ, sau cùng mới tới giai tầng nhà buôn.
Nhiều người nghĩ là trong chế độ quân chủ chỉ có 4 giai tầng này. Nhưng họ đã lầm, vì còn có giai tầng cao nhất là vua, triều đình và con cháu, đó là giai tầng quí tộc. Sĩ còn đứng dưới giai tầng này, nhất là ở Á châu, Tàu và Việt Nam.
Với nền văn minh định cư nông nghiệp, con người đã có thể thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của mình. Một khi những nhu cầu thiết yếu được thỏa mãn, con người bước sang đòi hỏi những nhu cầu xa xỉ, như khi tôi có thể trồng lúa mì, nhưng tôi thích ăn gạo, thì tôi trao đổi với người trồng lúa, khi tôi có thể dệt vải, nhưng tôi thích mặc lụa, thì tôi trao đổi với người dệt lụa. Con đường tơ lụa cũng như con đường buôn bán gia vị để tăng khẩu vị trong lịch sử nhân loại thành hình là vì vậy.
Với sự trao đổi thương mại, con người từ nền văn minh nông nghiệp bước sang nền văn minh thương mại. Mô hình tổ chức nhân xã tương xứng của nền văn minh thương mại, là mô hình tổ chức nhân xã tự do, dân chủ và kinh tế thị trường. Chế độ dân chủ không những được cắt nghĩa dưới khía cạnh kinh tế, vì trao đổi là phải có ít nhất 2 người, mà được cắt nghĩa cả trên bình diện triết học nhị nguyên và tâm lý, ở chỗ nếu muốn buôn bán mà “độc nguyên, chỉ có một mình, thì buôn bán với ai “, và từ chỗ trao đổi hàng hóa, bắt buộc phải có đối thoại, phải có đa nguyên.
 
Tinh thần dân chủ đến từ chỗ đó, vì theo như Socrate: “ Nơi nào có đối thoại, nơi đó có tiến bộ và dân chủ “.
 
Trong thời văn minh thương mại, con người đã phát minh ra điện, điện thoại, máy điện tóan, con người không cần phải đi xa, mà có thể ngồi một chỗ để trao đổi, con người bước sang nền văn minh thứ 5 ngày hôm nay. Đó là nền văn minh tri thức, điện tóan.
Điện toán như đã nói ở trên, còn tri thức vì với nền văn minh này, sự giàu có của một quốc gia, dân tộc không còn được định bởi quốc gia đó có nhiều đất đai và nhân công dựa trên sức mạnh bắp thịt, chân tay, mà dựa trên sức mạnh trí tuệ, đầu óc con người. Nước nào giàu có, đó là nước có một đội ngũ trí thức có nhiều phát minh sang kiến, điển hình là Nhật Bản và Singapour ở Á châu. Nước Nhật là nước có động đất và núi lửa. Singapour là một nước rất nhỏ, diện tích là 620 km2, dân số là 5 triệu người, là một nước rất phát triển, nhờ ở một đội ngũ trí thức và chuyên viên đông đảo, sản lượng tính theo đầu người hàng năm là 32 713 $, gấp 30 lần Việt Nam, gấp 10 lần Trung cộng và gấp 60 lần Bắc Hàn.
Để có một đội ngũ trí thức nhiều phát minh sáng kiến, bắt buộc phải là chế độ dân chủ, vì dân chủ không những là mảnh đất cho phát triển kinh tế nẩy mầm, mà còn cho con người, trí tuệ con người phát triển, ngược lại với chế độ độc tài, con người phải suy nghĩ rập khuôn theo triều đình hay chính quyền độc tài, thì làm sao có thể có ý kiến hay, mới lạ, có phát minh, sáng kiến. Ở điểm này có nhiều người cho rằngSingapourNam Hàn và Đài loan trước đây vẫn là một nước độc tài. Nhưng họ đã vô tình hay cố tình lầm, vì độc tài ở những nước này không phải là một độc tài toàn diện. Lấy thí dụ điển hình như ở Singapour, mặc dầu do một đảng cầm quyền nhưng vẫn có đối lập, vẫn có tự do báo chí, vẫn có công đoàn. Lý quang Diệu độc tài là độc tài chống lại những cái gì xấu cho quốc gia dân tộc, như việc khạc nhổ ngoài đường, việc tham nhũng hối lộ, nghiêm ngặt thực thi luật lệ, không phải áp dụng cho một tầng lớp mà cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp. Khác hẳn với tình trạng xã hội của những nước cộng sản, hối lộ tham nhũng lan tràn, tệ nạn bất công xã hội gia tăng, luật lệ là chỉ để áp dụng cho dân thấp cổ bé họng, còn các ông lớn và con ông cháu cha thì ngồi xổm lên pháp luật.
 
Để cắt nghĩa tại sao văn minh Đông phương, nếu chúng ta kể cả các nước Ả rập, đến rất sớm, nhưng rồi khựng lại và bị vượt qua mặt bởi văn minh Tây phương, có nhiều lý do, nhưng lý do chính, đó là chế độ quân chủ, rồi tiếp sau đó là chế độ độc tài, độc tài cộng sản hay độc tài quân phiệt, độc tài bộ lạc, chủng tộc hay gia đình, kéo dài quá lâu, giết chết ý chí tiến thủ, phát minh sáng kiến của dân, và đã biến giai tầng sĩ phu trí thức, mặc dầu đứng trên 3 giai tầng khác, nhưng vẫn đứng dưới giai tầng quí tộc là triều đình hay dưới chính quyền độc tài với con ông cháu cha, làm cho người trí thức trở thành một bộ máy nhai lại, nhai lại cái gì do triều đình và chính quyền độc tài nhả ra. Thêm vào đó, với chính sách “ nếu thuận theo triều đình hay chính quyền thì được bổng lộc, nếu không thì bị trù dập, không những riêng cá nhân, mà cả gia đình, nhiều khi cả gia tộc “, làm cho người trí thức trở thành bộ máy “ Trên đội, dưới đạp “, trên thì đội quan quyền, dưới thì đạp dân. Câu tục ngữ Việt Nam “ Chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng “ là như vậy.
Thật thế, nếu chúng ta nghiên cứu lịch sử Tàu, thì chúng ta thấy rất rõ sự kiện lịch sử trên.
Nước Tàu là nước có nhiều phát minh sáng kiến rất sớm, nào là tơ lụa, địa bàn, thuốc súng, máy in v.v... Nước Tàu phát minh ra kỹ thuật in vào thế kỷ thứ bẩy sau Tây lịch, phải chờ đến thế kỷ thứ 15, Gutenberg mới phát minh ra máy in tại Âu châu. Chính người Tàu phát minh ra thuốc súng và la bàn, nhưng chính nhờ la bàn và thuốc súng mà người Tây phương đã đến xâu xé nước Tàu hồi giữa thế kỷ thứ 19.
 
Nhiều người cho rằng 3 triều đại lớn và huy hoàng nhất của lịch sử Tàu: đó là triều đại nhà Hán (206 trước Tl – 219 sau Tl); triều đại nhà Đường ( 618 – 823); và nhà Thanh ( 1660- 1911). Nhưng theo tôi, mặc đầu không phải là một triều đại, nhưng thời kỳ huy hoàng nhất của lịch sử Tàu, đó là thời kỳ Xuân thu (722 – 403 t TL) và Chiến quốc ( 403- 256 t TL). Không ai chối cãi được rằng vào thời đó, có những Lão Tử, Khổng Tử, Tôn Tử, Tuân Tử v.v…, và còn nhiều nhà học thuật tư tưởng khác, được mệnh danh là Bách gia chư tử, cả trăm nhà tư tưởng, học thuật.
Trước đó là triều đại nhà Chu (1134 – 722 t TL). Nhà Chu chính là chế độ quân chủ phong kiến, trên thì có vua, triều đình, dưới là hàng quí tộc, được vua phong hầu và cấp đất đai ( kiến ấp). Đây có thể nói là chế độ quân chủ tản quyền. Nhưng vì phong nhiều tước vị và đất nên triều đình trở nên càng ngày càng yếu, đã xẩy ra việc các công hầu xưng vương, xưng bá, coi thường triều đình. Đó là thời Xuân Thu Chiến quôc.
Nhiều người cho rằng đây là thời bất ổn, loạn lạc của xứ Tàu. Nhưng với cái nhìn của tôi, thì đây là thời duy nhất mà nước Tàu tương đối có dân chủ, nhất là đối với giới sĩ phu, trí thức, vì nếu họ bị bạc đãi, trù dập ở nước này, thì họ có thể chạy sang xứ khác để được yên thân, và nhiều khi còn được trọng dụng để quay về trả thù nước cũ đã đối xử tàn tệ với mình. Điển hình là Ngũ tử Tư, bị bạc đãi ở nước Sở, sau trốn sang nước Ngô, làm Đại nguyên Soái, mang quân về trả thù nước Sở.
Cũng chính vào thời đại này mà nhân tài được trọng dụng, vì mọi nước, nhất là nước lớn đều thi đua nhau tìm và chọn lựa nhân tài, điển hình là vua Tần mục Công của nước Tần đã bỏ ra 5 bộ da dê để mua Bách Lý Hề về làm Tể tướng, có thể nói là người đầu tiên đã làm cho nước Tần hùng mạnh, sau đó rồi mới tới Lữ bất Vi, Lý Tư, do đó mới có thể đánh bại những quốc gia khác.
Ngay cả Khổng Tử vào thời này cũng đã có thể mở trường dạy học một cách tự do, cho tất cả mọi con dân, chứ không phải dành riêng cho con cháu quí tộc, như trước đó, và ông ta đã có thể đi chu du nhiều nước để truyền bá tư tưởng, mà không bị cấm đoán, nếu như không nói là còn được giúp đỡ. Mặc dầu ông không thành công lắm trong việc làm quan, nhưng học trò của ông đã làm quan ở nhiều nơi.
Điều đáng tiếc là người ta chỉ thấy cái mặt bảo thủ, phong kiến của Khổng Tử, vì những chế độ quân chủ tập quyền, bắt đầu từ đời nhà Hán, đã lấy cái gì quân chủ phong kiến của Khổng làm nên ý thức hệ, để phục vụ triều đại mình, mà quên đi cái mặt dân chủ, như việc mở trường dạy học cho tất cả mọi người, cũng như những câu truyện về dân chủ, trong đó có câu truyện, theo đó, Khổng Tử, một hôm đi qua một khu rừng, thấy một bà cụ ngồi khóc. Khổng Tử hỏi tại sao cụ khóc, thì được trả lời rằng hổ báo đã ăn thịt con tôi và chồng tôi. Khổng tử hỏi lại tại sao ở đây có hổ báo mà cụ không dọn đi nơi khác để ở, thì được trả lời rằng dù ở đây có hổ báo, nhưng vị quan cai trị ở đây lại hiền từ, khác với những nơi khác.
Điều này Không Tử muốn ám chỉ rằng những chế độ, những quan cai trị độc tài, gian ác, còn nguy hiểm, giết dân hơn cả hổ báo.
 
Lịch sử cận đại đã chứng minh điều này : chế độ độc tài cộng sản đã giết cả 100 triệu người dân. Riêng Mao trạch Đông, theo 2 nhà sử gia Jung Chang và Jon Halliday, thì đã giết cả 70 triệu dân Tàu  ( Theo quyến sách Mao của Jung Chang và Jon Halliday – trang bìa sau - nhà xuất bản Gaillimard – Paris 2005).
 
Người ta có thể nói chế độ quân chủ độc tài tập quyền bắt đầu từ thời nhà Tần ( 221 – 206 t TL),  tiếp nối bởi nhà Hán ( 206 t TL – 219 s TL), rồi được tăng cường bởi nhà Nguyên ( 1279 – 1368), nhà Minh ( 1368 – 1660),  nhà Thanh ( 1660-1911) và ngày hôm nay với chế độ cộng sản ( 1949 cho tới hôm nay).
Người ta chỉ nhìn thấy mặt tích cực của Tần Thủy Hoàng, đó là đã thống nhất nước Tàu. Nhưng người ta đã không thấy mặt tiêu cực, đó là đã tạo nên chế độ quân chủ tập trung cực quyền, chấm dứt thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, một thời đại, theo tôi nghĩ là duy nhất mà nước Tàu có được tương đối dân chủ, nên thời đại này, cũng theo tôi nghĩ, đó là thời đại huy hoàng nhất của nước Tàu, nhân tài bối xuất, có hiện tượng «  Thuyền Nhân « , ( Boat People) : dân, nhất là giới trí thức, có thể chạy tỵ nạn từ nước này sang nước khác, và nhiều khi được tiếp đón nồng hậu, được làm quan lớn, như trên vừa kể, đó là Ngũ tử Tư và Bách lý Hề.
Chính trong thời đại Xuân Thu Chiến Quốc này, nước Tàu, qua ba nhân vật tiêu biểu của giới thương mại là Quản Trọng, Phạm Lãi và Lữ bất Vi, đã có ý định làm nước tàu chuyển mình từ văn minh định cư nông nghiệp, với mô hình tổ chức xã hội là quân chủ, với trật tự xã hội là «  Sĩ, nông, công, thương «, sang văn minh thương mại với ý định đảo lộn trật tự xã hội trên.
 
Nhưng cả ba người đều thất bại, vì chế độ quân chủ, giai tầng quí tộc quá mạnh, cộng thêm với giai tầng trí thức, bị giai tầng quí tộc biến thành quan lại, với đầu óc « Trên đội, dưới đạp «, đã kéo dài quá lâu ở Tàu, cho tới ngày hôm nay, với chế độ cộng sản, chẳng qua chỉ là một chế độ quân chủ trá hình, mà còn dơ bẩn, ác ôn, côn đồ hơn chế độ quân chủ trước đó.
 
Thật vậy, nước Tàu đã có những ý định thoát khỏi nền văn minh định cư nông nghiệp với mô hình tổ chức nhân xã quân chủ phong kiến, độc tài, từ lâu, rất sớm. Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc qua hình ảnh của Quản Trọng, Phạm Lãi và Lữ bất Vi.
 
Quản Trọng (725 – 645 tTL) : Tên ban đầu là Di Ngô, nên người ta thường gọi là Quản Di Ngô, được Tề Hoàn công phong làm tể tướng và tôn lên làm trọng phụ, trao hết quyền bính cho ông ở nước Tề, nước làm bá chủ đầu thời Xuân Thu. Có thể nói ông là người tiêu biểu đầu tiên cho giai tầng kỹ nghệ, thương gia nước Tàu, vì ông đã biết khai thác muối và sắt để bán cho dân. Ông còn lập những nhà quán có mãi dâm để làm giàu cho nước. Những tú bà hiện nay thờ Quản Trọng là vậy. Vào lúc đó ở nước Tề có 2 người công tử có thể lên làm vua. Ông và bạn ông là Bảo thúc Nha đã tính toán, chia ra mỗi người thờ một công tử, và hẹn nhau nếu ai thờ đúng thì sẽ giới thiệu người kia. Bảo thúc Nha thờ đúng, và đã giới thiệu Quản di Ngô với Tề Hoàn Công, lúc đầu Tề hoàn Công từ chối, vì Quản Trọng đã dùng cung bắn vào người Tề hoàn Công, may không chết, chỉ trúng vào thắt lưng, có đai thắt lưng che chở.
Nhưng sau đó vì lời thuyết phục của Bảo thúc Nha, Tề hoàn Công dùng ông, và không những trao hết binh quyền mà còn tôn làm thầy, vì vậy được phong là Trọng phụ.
Qua cuộc đời và những việc làm của ông, chúng ta có thể rút ra những kết luận sau :
Ông và Bảo Thúc Nha không còn quan niệm cổ hủ về chữ trung : «  Trai khôn không thờ 2 chúa. Gái chính chuyên chỉ có một chồng », vì 2 người đã chia nhau để thờ 2 chúa. Đây có thể nói là quan niệm cách mạng vào thời bấy giờ, và là một tính toán có tính cách thực tế và thương mại. Ông biết rõ rằng chế độ quân chủ phong kiến đã lỗi thời, nhưng vì giai tầng quí tộc còn mạnh và ngay cả người dân vẫn còn u mê, tin vào chế độ này ; nên ông đã dùng Tề hoàn Công như một cái dù, che chở cho ông trước những sự chống đối của giới quí tộc, để ông rảnh tay làm những việc khác. Ngay cả tôn thờ Thiên tử nhà Chu cũng vậy. Ông biết rằng nhà Chu đã hết thời, nhưng ông vẫn tôn thờ, để thực tế có thể đưa nước Tề lên làm bá chủ.
Về cách trị quốc và kiến quốc : Ông dùng những người có tài, chứ không nhất thiết là những con ông cháu cha của giòng quí tộc, thưởng phạt nghiêm minh, chứ không phải chỉ phạt dân thấp cổ bé họng và tha cho con ông cháu cha.
Về kinh tế, ngoài việc ông vẫn phải giữ một số đất đai cho giai tầng quí tộc, nhưng phần lớn đất đai còn lại, ông phân phát cho những ai, những gia đình nào có khả năng canh tác tốt. Ông còn khuyến khích công nghiệp, chia ra thành làng, tùy theo khả năng công nghiệp của mình, và ông khuyến khích sự trao đổi từ làng này qua làng khác. Đây là tinh thần chia công việc ( Division du travail ) theo quan niệm kinh tế bây giờ, và quan niệm «  Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh «.
Ông bỏ quan niệm lỗi thời nghề này quí hơn nghề kia. Ông khuyến khích việc khai thác sắt và muối, ngay cả mở những nhà điếm để làm giàu cho quốc gia.
Người ta có thể nói ông là người đầu tiên trong lịch sử nước Tàu, muốn chuyển từ văn minh định cư nông nghiệp, với mô hình tổ chức nhân xã quân chủ độc tài, sang văn minh kỹ nghệ, thương mại, với mô hình dân chủ, tự do, kinh tế thị trường. Nhưng ý định này đã thất bại sau khi ông chết, vì tinh thần bảo thủ và quan niệm quân chủ còn quá mạnh ở Tàu.
  
Phạm Lãi : Người ta không rõ ngày, tháng, năm sinh cũng như ngày, tháng, năm chết của ông ; nhưng người ta biết rõ ông sống vào cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc. Ông là một người tướng có tài, nhưng ông lại là một người giao thiệp rất rộng, biết nhiều người, biết nhiều người phụ nữ đẹp, trong đó có Tây Thi, mà tương truyền cho rằng đó là người yêu của ông; nhưng vì việc nước, ông đã hi sinh, cống hiến Tây Thi cho vua Ngô Phù Sai.
Ông đã giúp Việt Vương Câu Tiễn thành lập quân đội, để trả thù nước Ngô của vua Phù Sai. Ông có nhận xét tinh tế về con người và biết thời, biết thế. Mặc dầu ông giúp Câu Tiễn, nhưng ông biết rõ con người của Câu Tiễn chỉ có thể sống chung khi hàn vi, nhưng khi thành công, thì con người này trở nên độc đoán và tìm cách hại công thần. Ông khuyên Văn Chủng, một công thần lớn của nước Việt thời Câu Tiễn bỏ trốn đi, nhưng ông này không nghe, sau bị Câu Tiễn giết.
Về cái chết của ông, có 2 giả thuyết : 1) Giả thuyết thứ nhất cho rằng ông cũng bị Câu Tiễn giết một cách kín đáo và âm thầm ; 2) Giả thuyết thứ 2 cho rằng sau khi giúp Câu Tiễn thành công, ông cùng Tây Thi bỏ đi, trốn sang xứ Tề, làm ăn buôn bán giàu có, đổi tên họ thành Đào Công.
Tôi tin vào giả thuyết thứ 2 này, vì dựa trên quyển Sử Ký của Tư Mã Thiên, và tôi tin tưởng rằng Phạm Lãi là người đủ trí khôn và đủ quen biết, nhiều đường giây để chạy thoát khỏi Câu Tiễn. Hơn thế nữa ông còn là một Đại Tướng Quân, thế lực ông còn mạnh, nhất là vừa mới thắng vua Ngô Phù Sai, Câu Tiễn không dám làm gì ông.
Ông có thể được coi như người thứ nhì nhìn rõ sự lạc hậu, thối nát của chế độ quân chủ ; mặc dầu ông giúp Câu Tiễn, cùng khổ sở với Câu Tiễn, trong thời gian bị vua Ngô Phù Sai cầm tù ở nước Ngô ; nhưng ông cũng không tin tưởng ở con người này và chế độ quân chủ độc tài cực quyền, tất cả quyền hành thuộc về tay một người là nhà vua.
 
Lữ bất Vi ( 292 – 235 t TL)
 
Xuất thân từ một gia đình thương gia cuối thời Chiến Quốc. Theo truyện Đông châu Liệt quốc và ngay cả Sử ký của Tư Mã Thiên thì ông là «  Cha thật «  của Tần Thủy Hoàng. Nhưng có giả thuyết bác lại. Ở đây, tôi không là sử gia, nhất là của Tàu, tôi không dám bàn cãi. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa, Lữ bất Vi đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đưa hoàng tử Tử Sở về nước Tần, rồi lên ngôi vua, mà Tử Sở, dù sao chăng nữa cũng là «  cha chính thức «  của Tần Thủy Hoàng, chính vì vậy mà khi Tử Sở, tức Trần Trang vương chết, Tần Thủy Hoàng mới được lên ngôi kế vị. Ở điểm này, phải nói là sự lên ngôi của Tần Thủy Hoàng là có công lao của Lữ bất Vi.
Ông là tiêu biểu nhất cho giai tầng thương gia. Bố ông cũng là thương gia.
Tương truyền rằng một hôm Tần Thủy Hoàng về hỏi bố :
Làm ruộng lời hay đi buôn bán lời ?
-         Buôn bán lời.
Buôn bán vàng bạc, châu báu và buôn bán người, giúp họ lên làm vua, thì cái nào lời hơn ?
-         Buôn bán người lên làm vua thì rất khó nói. Nếu trúng, thì lời không biết thế nào mà kể, hơn tất cả mọi thứ buôn bán khác.
 
Chính vì vậy mà ông đã « đầu tư buôn bán «  hoàng tử Tử Sở, đang bị làm con tin ở Triệu quốc, giúp đỡ, gả người thiếp đã mang thai với ông, sau lập kế đưa về Tần làm thái tử, rồi lên làm vua và ông được chỉ định làm tể tướng.
 
Ông là một thương gia biết tiêu tiền, khi nào nên tiêu thì tiêu, không tiếc và dám mạo hiểm, như việc bỏ tiền ra cho Tử Sở để mua chuộc lòng người ; ông là một thương gia hào phóng. Việc ông mở ra «  Khách quán « , chứa cả ngàn khách thập phương, và biết hướng dẫn họ bàn luận về đủ mọi vấn đề, để làm ra quyển sách Lữ thị Xuân thu, cả vạn trang.
Đây là một quyển Bách khoa tự điển lúc bấy giờ. Ông không ngần ngại bắt chước những Tín lang quân ở nước Ngụy, Bình nguyên quân ở nước Triệu, Mạnh thường quân ở nước Tề, mở nhà khách, cho ở và cho ăn cả ngàn người thập phương, thường là những trí thức bị trù dập, bị đuổi giết ở xứ mình, nay phải lưu lạc. Đây là một hình thức «  Trung tâm thuyền nhân «  vào thời bấy giờ.
Nhưng hơn những người trên, vì ông biết hướng dẫn những trí thức thuyền nhân này bàn luận về đủ mọi vấn đề, để làm ra quyển Lữ thị Xuân Thu.
Điều này chứng tỏ ông là một nhà trí thức, không những vậy, mà còn là một nhà cách mạng, vì ông xuất thân là giai tầng thương gia, theo trật tự «  Sĩ, nông, công, thương «, lúc bấy giờ, đó là giai tầng thấp nhất, thế mà ông dám nghĩ « trèo cao « .
Theo như sử sách, thì ông thường dùng câu : «  Khắc châu, cầu kiếm « , để chê những trí thức bảo thủ, học từ chương, kinh điển, cố khắc vào đầu những điển tích, hư văn, sáo ngữ, mà quên đi sự biến chuyển của thế giới bên ngoài, được ông ví như một kẻ ngồi trên thuyền, không ý thức được thuyền đang đi, bị rớt kiếm, và lấy dao khắc vào mạn thuyền, nghĩ rằng kiếm rớt ở chỗ này, sau này sẽ tìm kiếm.
 
Đó là ông mỉa mai cái học từ chương, trích câu tầm cú, được chính thức và hệ thống hóa với Hán Vũ Đế và Đổng trọng Thư sau này.
 
Nhưng những ý định này bị thất bại vì nhiều lý do, trong đó ít nhất có 2 lý do chính :
 
Đó là chế độ quân chủ ở Tàu quá ác ôn côn đồ, một thí dụ điển hình là chế độ tru di tam tộc và hơn thế nữa cửu tộc, mà không có ở đâu trên thế giới ; nhà vua và triều đình nắm tất cả từ quyền hành chính trị tới kinh tế qua câu nói : «  Vua là Thiên tử. Tất cả đều thuộc về nhà vua, từ thần dân cho đến gốc cây, ngọn cỏ ; «  Chỉ có ở Tàu mới có hiện tượng hoạn quan, và vua có thể có cả ngàn cung tần, mỹ nữ.
 
Lý do thứ hai là từ thời Hán Vũ Đế với Đổng trọng Thư, đã biến Nho giáo, mà phần chính là lấy tư tưởng bảo thủ của Khổng Tử và đồ đệ, quên đi phần tân tiến, dân chủ để biến thành ý thức hệ chính thức của triều đình, thành chương trình đào tạo kẻ sĩ, để bảo vệ triều đình và duy trì trật tự xã hội cũ : «  Sĩ, nông, công, thương « , biến kẻ sĩ thành một người công chức, có đầu óc «  Trên đội, dưới đạp «.
 
Cái học trở thành từ chương, sáo ngữ, học để có bằng cấp, để có chức vị, nhằm vinh thân phì gia trong xã hội, bắt đầu từ đó.
 
Những người có đầu óc thực tế, thực tiễn, hơi cách mạng một tý thì bị trù dập. Trường hợp của Vương dương Minh, sau này, với triết lý «  Tri hành đồng nhất «, vào thời nhà Minh ( 1368 – 1660), nhưng  họ Vương cũng bị trù dập, triết lý của ông lại gặp khó khăn ở Tàu, nhưng lại thịnh hành ở Nhật. Đây là một trong những lý do chính giúp nước Nhật có thể canh tân sớm và bắt kịp thế giới.
 
Trường hợp Việt Nam cũng vậy, vì trên phương diện ngoại giao, thì Việt Nam độc lập, nhưng trên phương diện văn học, luật lệ về trị quốc thì theo Tàu.
Chúng ta lấy một thí dụ điển hình, đó là Nguyễn công Trứ, có một vài ý tưởng tiến bộ, mà cũng bị triều vua Minh Mạng trù dập, thi cử lận đận, làm quan có lúc bị cách chức xuống làm lính. Những người có một vài tư tưởng cách mạng như Cao bá Quát, thì bị chém đầu.
Trở về với nước Tàu với cái học «  Khắc châu, cầu kiếm » từ thời Hán vũ đế và Đổng trọng Thư.
 
Hán vũ Đế (156 – 87 TTL)
 
Ông là vua thứ 5 nhà Tây Hán. Ông cai trị nước Tàu từ năm 140 TTL, lúc ông mới 16 tuổi, cho tới năm 87 TTL, trong vòng 56 năm, là một trong những ông vua ở ngôi vị lâu nhất của nước Tàu, sau Càn Long và Khang Hi. Ông được coi là ông vua tài ba, nhưng rất độc tài và tàn ác. Ông sùng bái đạo Nho, không theo chính sách vô vi của đạo Lão, thích Pháp gia, như người lập lên triều đại nhà Hán, Hán cao Tổ, như Tần Thủy hoàng lúc ban đầu, vì Tần Thủy Hoàng về cuối đời có khuynh hướng theo đạo Lão, vì muốn sống trường sinh, bất tử.
Đây là một trong những lý do làm cho Tần Thủy Hoàng trọng dụng Triệu Cao lúc cuối đời.
 
Suy ngẫm về những triều đại trước, thấy các vương hầu thường làm phản, Hán vũ đế quyết định bỏ hẳn chế độ phong kiến ( phong hầu và kiến ấp ). Chế độ quân chủ đã trở thành chế độ quân chủ tập trung từ thời Tần Thủy Hoàng, nhưng vào lúc này, mới chỉ là tập trung về chính trị, quân đội. Với Hán Vũ đế, là một chế độ tập trung về mọi phương diện và đã được hệ thống hóa, nhất là về văn hóa, giáo dục, với ý thức hệ Nho giáo, do Đổng trọng Thư và 50 người bác sĩ dựng lên. Chính họ Đổng đã hệ thống hóa đạo Nho trước đó và biến nó trở thành ý thức hệ chính thức của quốc gia, thành chương trình học để đào tạo nho sĩ.
Theo như sử sách, thì Hán vũ Đế, đã kêu Đổng trọng Thư, cùng với 50 người bác sĩ, họp ở điện Thái Hòa, bàn về «  Muối và Sắt « , nhưng trên thực tế là bàn về trật tự xã hội tương lai, vẫn giữ trật tự «  Sĩ nông công thương «  hay thay thế nó bằng một trật tự nào khác, vì xã hội Tàu lúc bấy giờ, vai trò của thương trở nên rất có ảnh hưởng thực tế trong xã hội, theo kiểu những câu nói : «  Nhất sĩ nhì nông, vác dá chạy rong, nhất nông nhì sĩ «  hay «  Nhất sĩ nhì thương, đến khi cần tiền, thì nhất thương, nhì sĩ «.
 
Vào lúc đó vấn đề buôn bán của nước Tàu cũng rất mạnh. Thành Hàm Đan vẫn là một trung tâm buôn bán lớn. Giới thương có rất nhiều ảnh hưởng, nhất là buôn bán muối và sắt.
 
Sau cả tháng bàn, Đổng trọng Thư và 50 người bác sĩ đưa ra đề nghị vẫn giữ trật tự xã hôi cũ : «  Sĩ nông công thương «, và lấy đạo Nho, được hệ thống hóa bởi Đổng trọng Thư và những nhà bác sĩ nói trên, làm ý thức hệ quốc gia, làm chương trình đào tạo kẻ sĩ, đồng thời cũng đề nghị phải đào tạo ra rất nhiều sĩ ở trong nước. Hai đề nghị này được Hán Vũ Đế chấp nhận. Chính vì vậy mà thời đó triều đình đã mở trương rất nhiều, có những trung tâm đào tạo sĩ với cả trăm dãy nhà, hàng chục ngàn học viên. Vào thời Vũ đế, như trên đã nói chỉ có 50 bác sĩ, thế mà chỉ 3 đời sau, thời Tuyên đế đã có tới 5 000 bác sĩ.
Cũng chính từ đó mà kẻ sĩ trở nên đông, nhưng trở thành những quan lại, một loại công chức, chỉ còn là một bộ máy nhai lại, học những cái đã có, những cái đã được chấp nhận của triều đình, hết ý chí sáng tạo.
 
Nước Tàu là một nước có nhiều phát minh sáng kiến trước đó, với Bách Gia Chư tử thời Xuân Thu Chiên Quốc, từ thời Hán Vũ Đế, với Đổng Trọng Thư, tới nay đã cả 2 000 năm, về mặt tư tưởng thì không có gì mới lạ, nhất là dưới thời cộng sản không còn phát minh sáng kiến nữa.
 
Đổng trọng Thư (179 – 117 TTL)
 
Ông xuất thân từ nhà nông, một đại địa chủ. Thưở bé đã rất ham học. Thời Hán Cảnh đế ( 159 – 141 TTL), ông đã giữ chức bác sĩ, có nghĩa là người giảng về kinh điển của Nho học. Khi Hán Vũ đế nối nghiệp Hán Cảnh đế, có lệnh tuyển chọn người hiền, có học. Ông đã ba lần dâng sớ, trong đó có bài Thiên Nhân Tam Sách nổi tiếng. Hán Vũ đế đã chấp nhận ý kiến của ông «  Bãi bỏ Bách gia, độc tôn Nho học « . Chính vì vậy mà Vũ đế đã trao cho ông cầm đầu 50 nhà bác sĩ khác, lo việc làm thế nào để trọng tôn Nho học, hay nói một cách khác đi là làm thế nào để vẫn giữ trật tự xã hội cũ, với tiêu đề «  Sĩ, nông, công, thương « , bao hàm ý nghĩa «  Trên sĩ vẫn có triều đình để giữ vững và kéo dài muôn thưở chế độ quân chủ «.
Đôi khi ông thấy Hán Vũ đế quá độc tài, tàn ác, như việc giết và hơn thế nữa chu di tam tộc những người tướng gửi ra trận mà bị thua, không cần biết đến lý do. Trong chính sách này, có việc tướng Lý Lăng bị thua trận, vì những sự đấu đá trong triều đình, có người ghét ông, không tiếp viện đầy đủ. Tư mà Thiên, truyền thống một gia đình sử gia, đã viết bênh vực Lý Lăng, làm phật lòng Vũ đế, nên bị tội phải thiến, mặc dầu đây là tội nhẹ, được Vũ đế thương tình, chứ không là phải chết.
Đổng trọng Thư có lần can dán vua, nên bị bỏ ngục, sau rồi cũng được thả.
Người ta có thể nói, từ thời Hán Vũ đế, với Đổng trọng Thư, cho tới ngày hôm nay, trải qua bao triều đại, nước Tàu phần lớn, nếu không muốn nói là hoàn toàn, đi theo chế độ quân chủ cực quyền, với trật tự xã hội «  Sĩ, nông, công, thương « , với ý thức hệ Nho giáo, lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh, Tam Cương, Ngũ Thường làm căn bản cho chương trình giáo dục và đã biến phần lớn kẻ sĩ thành những người chỉ biết dùi mài kinh sử, như Đổng trọng Thư, với chức bác sĩ có nghĩa là nghiên cứu kinh sử, có tính cách lý thuyết, nhai lại, mất hết tinh thần thực tế, thực tiễn, ý chí sáng tạo và phê bình.
 
Ở đây tin xin nói sơ về đạo Nho và đạo Khổng. Có người nghĩ rằng đạo Nho là đạo Khổng. Không hoàn toàn như vậy.
 
Đạo Nho có trước đạo Khổng. Chữ Nho, nguyên ngữ là chữ Nhu, có nghĩa là cần thiết. Đạo Nho có nghĩa là cái đạo cần thiết để con người sống trong xã hội. Nó có từ thời Tây Chu. Đó là những nguyên tắc căn bản, nói về tương quan giữa con người và con người, giữa con người và vũ trụ. Chính vì vậy chúng ta có Tam Cương là ba quan hệ chính : quan hệ giữa vua và tôi, giữa  cha và con, giữa vợ và chồng. Như tôi phải trung thành với vua, con phải nghe lời cha, vợ phải theo chồng. Ngũ thường, đó là nhân, nghĩa, lễ, trí tín. Nhân là lòng thương người, mến vật. Nghĩa là hành xử làm sao để hợp với đạo lý, hợp với lẽ phải. Lễ là cách tỏ vẻ có phép tắc, cung kính. Trí là sự hiểu biết. Tín là lòng tin cẩn đối với người khác và giữ sự tin cẩn của người khác đối với mình.
Tứ Thư là 4 bộ sách : Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử.
Ngũ Kinh là : là 5 bộ sách Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.
Những bộ sách trên là do Khổng Tử, học trò của Khổng Tử hoặc san định lại, hoặc viết ra,  hay chép lại.Chẳng hạn như chúng ta lấy Kinh Dịch, theo tương truyền, thì là do Văn Vương đời nhà Chu (1122 – 256 TTL), làm ra, trong thời gian ông bị vua Trụ nhà Thương (1776 – 1122 TTL) giam ở Dũ lý. Ông đã bấm độn, coi mai rùa, theo dõi thiên văn, để viết ra Kinh Dịch. Khổng Tử có nói là ông tiếc rằng không sống đủ lâu để nghiên cứu kinh này. Ông cũng nói là ông chỉ chép lại những cái gì của đời xưa và ông lấy hình ảnh Chu công Đán, một công thần nhà Chu làm mẫu người quân tử, lý tưởng của ông.
Vì vậy mà đạo Nho khác và có trước đạo Khổng là như thế. Nhưng về sau, nhất là từ thời Đổng trọng Thư, đã lấy sách vở của Khổng Tử và của học trò Khổng Tử như Tứ Thư, Ngũ Kinh làm nội dung chính cho chương trình đào đạo kẻ sĩ, nên người ta lầm cho rằng Nho giáo là Khổng giáo.
Tuy nhiên ở điểm này chúng ta phải nên nhớ là người ta chỉ lấy những phần bảo thủ, tôn quân, để làm ý thức hệ chính thức bênh vực chế độ quân chủ, chứ không lấy những phần có tính cách trọng con người, trọng dân, trọng dân chủ của Khổng và học trò, như câu chuyện về bà cụ khóc ở ven rừng vừa kể trên và câu nói của Mạnh Tử : «  Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh «  ( Dân là quí nhất, sau đó tới luật pháp và cuối cùng mới tới quan quyền ).
 
Như ngay cả tư tưởng của Khổng, chúng ta thấy nói nhiều tới bổn phận, nhất là bổn phận của kẻ dưới đối với người trên : bổn phận con đối với cha, vợ đối với chồng, dân đối với vua, mà không thấy nói đến bổn phận ngược lại từ trên xuống dưới, nhất là nói đến quyền lợi. Có người nói đến tính chất bảo thủ và phong kiến của tư tưởng Khổng học là ở chỗ đó.
   
 
Tiếp theo chế độ quân chủ độc tài tập trung, chuyên chế, chính sách giáo dục từ chương, kinh điển và nhồi sọ,  nước Tàu, Việt Nam, ngay cả  Nga và Bắc Hàn lại bị rơi vào chế độ cộng sản, một chế độ quân chủ tập quyền trá hình, mà thực tế còn tồi tệ, ác ôn, côn đồ và dối trá, chính sách giáo dục rập theo kinh điển, nhồi sọ, biến phần lớn trí thức trở thành thấp hèn,  hơn cả trăm lần chế độ quân chủ trước đó. Một thí dụ cụ thể, người ta thường nói đến độc tài của Tần thủy Hoàng trong việc đốt sách và chôn học trò, nhưng theo những nhà sử gia, thì vào thời đó, có không đầy 500 học trò bị chôn sống. Trong khi với Mao trạch Đông thì cả triệu sĩ phu trí thức bị giết; dân chết cả đến 70 triệu người (1).
Có người bảo rằng nước Tàu ngày hôm nay khác, từ ngày mở cửa với Đặng tiểu Bình, đã tăng trưởng mạnh, đã trở thành cường quốc thứ nhì trên thế giới, nếu theo tổng sản lượng quốc gia. Nước Tàu đã trở thành cường quốc thương mại, đang ở vào thời kỳ văn minh thương mại. Điều đó không hoàn toàn sai. Nhưng nước Tàu về chính trị vẫn còn là một chế độ độc tài quân chủ trá hình. Tuy nhiên theo tôi, thì nước Tàu đang chập chững bước vào thời kỳ văn minh thương mại, kỹ nghệ.
Nhưng chỉ là một thứ thương mại dơ bẩn, rừng rú, chỉ là cái gì cặn bã của thương mại, kỹ nghệ ; vì những nhà thương mại của Tàu không độc lập, vẫn phải dựa vào chính quyền để làm thương mại, vì họ bị ảnh hưởng xấu xa của tuyên truyền cộng sản, cho rằng là có thể làm bất cứ việc gì, không kể đạo lý, ngay cả làm hại người khác, đi đến giết người, để làm giàu. Kỹ nghệ của Tàu hiện nay chỉ là sao chép, không có một tý gì là sáng kiến, phát minh, sẵn sàng làm hàng giả, hàng nhái, không tôn trọng bản quyền.
 
Coi thường giai tầng thương mại, cho rằng những người làm thương mại không có đạo đức, chỉ biết kiếm lời. Đây là một điều lầm lớn của những người cộng sản, bắt đầu bởi Karl Marx. Thực ra về kinh tế, nói một cách giản tiện chỉ có 2 nhiệm vụ : sản xuất và phân chia sản xuất. Những người làm thương mại chính là làm nhiệm vụ phân chia sản xuất, thay vì để vào tay chính quyền, đưa đến sự kiện tham nhũng hối lộ, mà người ta thấy trong bất cứ một chế độ cộng sản nào.
 
Ông tổ của chủ nghĩa tư bản, đó là Adam Smith. (1723 – 1790). Người ta thường nói nhiều về ông qua quyển sách «  Recherches sur la nature et les causes de la richesse «  ( Ngiên cứu về bản chất và nguyên do của sự giàu có), xuất bản năm 1776, nhấn mạnh về thương mại, trao đổi và sự phân công, để tăng gia sản xuất; người ta quên đi quyển sách xuất bản trước đó, mang tên «  Théorie des sentiments moraux «  ( Lý thuyết về tình cảm đạo đức ), xuất bản trước đó vào năm 1759, nhấn mạnh đến đạo đức trong việc hành xử của con người, ngay cả trong lãnh vực thương mại, dựa lên câu châm ngôn của Tây phương, mà Á châu cũng có. Đó là câu đơn giản : « Đừng làm điều gì cho người khác mà anh không muốn họ làm cho anh «. Câu này sau đó cũng đã được những nhà luật học, sọan ra bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền năm 1948, lấy làm kim chỉ nam. Thật vậy, ngay trong lãnh vực buôn bán, người ta bỏ đồng tiền ra để mua hàng của mình, thì mình cũng phải biết làm thế nào để không hại người ta.
Ngày hôm nay ở Việt Nam và Trung cộng thì hoàn toàn ngược lại, phần lớn những người cộng sản làm thương mại coi thường đạo đức, một nhà buôn có thể làm bất cứ cái gì ngay cả giết người để kiếm lời. Trường hợp sữa được sản xuất ở Trung Cộng với chất Mélanine, đầu độc cả trăm ngàn đứa bé Trung cộng và thế giới, đã nói lên quá đủ tinh thần thương mại rừng rú, man dại của Tàu và Việt Nam hiện nay.
Nếu chúng ta nghiên cứu về sự hình thành thương mại và kỹ nghệ của Tây phương vào đầu thế kỷ thứ 18 tới nay, thì chúng ta thấy những nhà thương mại và kỹ nghệ của họ rất độc lập, không cần dựa vào chính quyền, và họ có tinh thần vì người khác. Điển hình là  Davison Rockfeller ( 1839 – 1937), ngoài việc là nhà thương mại và kỹ nghệ, ông còn là một mạnh thường quân, cấp nhiều học bổng, xây dựng nhiều viện nghiên cứu, như việc xây dựng đại học Chicago, và viện Rockfeller, viện này đã đóng góp rất nhiều trong lãnh vực nghiên cứu đủ mọi ngành, không những ở Hoa kỳ, mà cả trên thế giới. Hiện nay chúng ta thấy có Bill Gates. Ông đã giúp đỡ những trẻ em bệnh tật  ở thế giới rất nhiều. Bên Âu châu, nhiều nhà thương mại và kỹ nghệ khác, nhưng ở đây tôi chỉ nói đến  Alfred Krupp (1812 – 1887), người đã sáng chế ra cách đúc thép hay nhất vào lúc bấy giờ. Vua nước Phổ, Wilhelm Đệ I, khuyến dụ ông nhiều lần vào giai tầng quí tộc, nhưng ông từ chối, mặc dù  vậy ông vẫn có thể làm giàu và phát triển không cần phải dựa vào chính quyền như giới thương mại Tàu và Việt Nam hiện nay.
 
Người trí thức, theo định nhĩa nguyên ngữ, là người hiểu biết ( trí) và luôn thức tỉnh ( thức), trong khi mọi người ngủ. Tuy nhiên họ phải có can đảm nói lên sự hiểu biết và thức tỉnh của mình. Chế độ quân chủ và ý thức hệ Nho giáo, ở bên Tàu, đã làm cho trí thức chỉ còn biết cái học từ chương, không thực tế, qua việc uốn nắn câu văn, dùng những sáo ngữ, không thực tế, rập khuôn theo những cái gì trước đó, do quyết định của triều đình. Đó là trí thức nhai lại, học để có bằng cấp, địa vị, không còn can đảm nói lên sự thật.
Ngay quan niệm về kẻ sĩ của người xưa, cho rằng khi gặp thời, tức gặp «  minh quân « , thì ra phò vua, giúp dân ; khi không gặp thời, tức sống dưới thời «  bạo chúa« , thì lui về ở ẩn. Quan niệm này nói lên sự hèn nhát của trí thức, vì chính lúc không gặp thời, vào lúc những bạo chúa trị vì, người trí thức phải can đảm nói lên sự sáng xuốt của mình, và can đảm đứng ra cứu dân, giúp nước, trừ bạo chúa, mới phải đạo làm người. Trí thức của thời quân chủ đã vậy, trí thức của thời cộng sản còn tệ hơn nhiều; vì độc tài quân chủ chỉ là độc tài cá nhân, hay nhiều lắm ở triều đình, còn độc tài cộng sản là độc tài đảng trị, đi xuống ngay cả thôn xóm. Độc tài cộng sản là độc tài toàn diện. Những nhà trí thức nếu không nói theo những điều mà Bộ Chính Trị và Trung Ương đảng nhả ra, thì bị trù dập đến chết. Mao trạch Đông đã từng ví « trí thức không giá trị bằng cục phân. »
Theo nhà văn hào Anh, Georges Wells, trong quyển « 1984 », tiên đoán sự sụp đổ của cộng sản vào năm 1984, mà còn nói đến sự độc tài cộng sản, độc tài gian ác chưa từng có trong lịch sử loài người, vì nó đã biết sử dụng khoa học để phục vụ độc tài, như việc dùng máy bay trực thăng để nhìn qua của sổ của dân, để theo dõi đời sống riêng tư, cá nhân của dân. Quyển sách mang tên 1984 là vì ông tiên đoán sự sụp đổ của cộng sản vào năm 1984, trên thực tế cộng sản đã sụp đổ vào năm 1989, khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Khoảng cách thời gian từ sự tiên đoán đến thực tế không có lâu. Cũng trong một quyển sách nổi tiếng khác « Trại súc vật «  (The Animal Farm) , G. Orwells đã ví cộng sản như loài súc vật.
Đúng như câu trong Kinh thánh, nói về kẻ vô thần, mà ngày hôm nay áp dụng cho những người cộng sản cũng không sai :« Nó đã tự ru ngủ bằng một lý thuyết đơn giản, sai lầm và trái với sự thật. Nó đã tự khoác lên người một bộ áo đạo đức giả ; nhưng bản chất thật của nó thì vô cùng gian manh, giảo quyệt, ác ôn và côn đồ. Nó đã hạ thấp hình ảnh tốt đẹp và cao thượng của con người xuống hàng súc vật, rắn rết và bò sát « .
Chính vì lẽ đó mà ông Medvedev,đương kim Tổng thống Nga, và bà Angela Merkel, đương kim thủ tướng Đức, đã nói chế độ cộng sản, giới lãnh đạo cộng sản là một bộ máy sản xuất sự dối trá, lừa bịp và giết người.
Thử hỏi một quốc gia sống dưới một chế độ như vậy, thì làm sao có thể tiến bộ, phát triển. Vì vậy nên chế độ quân chủ, ý thức hệ Nho giáo cũng chỉ là nguyên do xa xôi, còn chế độ cộng sản mới là nguyên do gần và chính của sự kém phát triển tại những nước như Nga, Trung cộng, Việt Nam và Bắc Hàn.
Một thí dự điển hình là chúng ta hãy so sánh Nam Hàn và Bắc Hàn, Singapour, Đài Loan và Trung cộng. Xa hơn nữa là tình trạng phát triển giữa 2 miền nam và bắc Việt Nam trước thời 1975.
Những nước như Nam Hàn, Singapour, Đài loan cũng bị ảnh hưởng sâu đậm bởi Nho giáo, Khổng giáo và tư tưởng quân chủ; nhưng họ đã biết chấp nhận chế độ dân chủ, mặc dầu mới đây, không theo chế độ cộng sản, ngày nay họ đã tiến bộ, phát triển không thua gì các nước tiền tiến Tây phương, Mỹ, Anh, Pháp, Đức.
Lấy trường hợp 2 nước Bắc Hàn, theo cộng sản, và Nam Hàn theo chế độ tự do, dân chủ.  Bắc Hàn, diện tích là 120 540km2 ; dân số : 23 909 800 ; tổng sản lượng 13, 66 tỷ $ ; sản lượng tính theo đầu người hàng năm 571 $, đứng hàng thứ 207 trên 231 quốc gia. Nam Hàn, diện tích 99 260 km2 ; dân số : 48 758 000 dân ; tổng sản lượng là 835, 90 tỷ $ ; sản lượng tính theo đầu người hàng năm 17 144 $, đứng hàng thứ 15 trên 231 quốc gia (Le nouvel Observateur – Atlaséco 2 011).
Không nói đâu xa, nói đến Việt Nam chúng ta, trước năm 1975, tình trạng phát triển của miền Nam không thua gì, mà còn hơn cả Nam Hàn, ở Á châu chỉ có thua Nhật Bản. Vào năm 1963, cuối thời Đệ Nhất Cộng Hoà, sản lượng tính theo đầu người hàng năm của miền Nam là trên 80 $ ; trong khi đó của Đài Loan và của Nam Hàn chỉ mới có 50 $, thời Đệ Nhị Cộng Hòa, miền Nam cũng hơn cả Nam Hàn và Đài loan. Ngày hôm nay, với sự cai trị của cộng sản, hơn 36 năm ở miền nam và 57 năm ở miền bắc, giới lãnh đạo cộng sản đã biến nước Việt Nam thành một trong những nước tụt hậu nhất thế giới, với sản lượng tính theo đầu người hàng năm là 1 034 $ bằng 1/17 của Nam Hàn và cũng bằng 1/17 của Đài loan, vì sản lượng tính theo đầu người của nước này là 17 026 $.
Ngay cả những nhà kinh tế cộng sản, như ông Lê đăng Doanh, trong một bài phỏng vấn của đài BBC, đã phải công nhận rằng, sau năm 1975, ông vào thăm miền Nam, ông đã nhận thấy cơ sở hạ tầng kinh tế miền Nam rất phát triển, điện nước, máy cày đã xuống tận nông thôn. Người nông dân sống đầy đủ và thoải mái. Sau đó cộng sản vào, phá hủy tất. Kiểu như nhà văn Soljennytsine nói : «  Cộng sản là một loài đến từ hành tinh khác, với ý nghĩ và mục đích duy nhất là phá hủy giết hại tất cả những gì thuộc hành tinh con người «.
Ngày hôm nay cộng sản Việt Nam nói rằng đổi mới, nhưng thực ra là đã sao chép những gì đã thực hiện ở miền Nam trước đó. Nhưng sao chép dở và vụng về vì ngu dốt và vì tham nhũng hối lộ.
 
Nam Hàn không thua gì những nước phát triển tân tiến Mỹ, Anh, Pháp. Nền giáo dục Nam Hàn là một trong những nền giáo dục đứng đầu thế giới. Cách đây ít lâu, Tổ chức những nước phát triển (OCDE), có làm một cuộc thăm dò trình độ hiểu biết tổng quát của những người thợ chuyên môn ở những nước phát triển, cho ta thấy Nam Hàn đứng đầu. Nước Pháp là nước rất hãnh diện về kỹ thuật xây dựng lò nguyên tử, nghĩ rằng nước Quatar sẽ chấp nhận hợp đồng cho Pháp xây, thế mà khi ra đấu thầu, Nam Hàn lại trúng, vì kỹ thuật xây cất không thua Pháp, mà còn rẻ hơn và đúng thời hạn. Ngành điện thoại cầm tay là ngành kỹ nghệ tân tiến nhất hiện nay, thế mà trong 3 tháng vừa qua của năm nay, hãng Samsung của Nam Hàn đứng đầu, bán ra với 27 triệu cái, hãng Appel của Hoa kỳ với 17 triệu, hãng Nokia của một nước Bắc Âu, thứ 3, với 10 triệu cái.
 
Tóm lại, người ta có thể nói nguyên nhân sâu xa của sự tụt hậu, chậm tiến so với những nước khác của 4 nước Trung Cộng, Nga, Việt Nam và Bắc Hàn, nhất là của Trung Cộng, Việt Nam và Bắc Hàn là chế độ quân chủ, cái học kinh điển, nhồi sọ, làm cho Tàu, Việt Nam, Bắc Hàn bị tụt hậu. Nhưng nguyên nhân chính và gần, đó là chế độ cộng sản, một chế độ quân chủ trá hình, nhưng tồi tệ hơn nhiều (1).
Đúng như lời Lý quang Diệu nói : «  Tiếc cho những nước như Tàu, Việt Nam, Bắc Hàn theo cộng sản, nên không thể phát triển mạnh được như chúng tôi. »
 
                               Paris ngày 29/12/2011
                                      Chu chi Nam

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen