Montag, 17. November 2014

Ký ức 25 năm Cách mạng nhung: Tiệp Khắc, quê hương cách mạng nhung

000_ARP1784300-622
Prague, Tiệp Khắc ngày 22 tháng 11 năm 1989.
 AFP PHOTO/LUBOMIR KOTEK



Sau khi bức tường Bá linh sụp đổ, một đất nước tươi đẹp khác ở vùng Trung Âu là Tiệp Khắc cũng tuyên bố rời bỏ chủ nghĩa cộng sản. Và đất nước này chính là quê hương của danh từ Cách mạng nhung.

Quê hương của Cách mạng nhung

Khi đó tôi đang làm việc trong một nhà máy sản xuất ô tô tại Prague, chúng tôi đang đi học thêm tiếng Tiệp. Đầu năm 1989 chúng tôi chứng kiến những buổi tụ tập đông người ở thủ đô. Những buổi như vậy thường bị công an cảnh sát dùng xe phun nước để giải tán.”
Anh Nguyễn Cường, một thành viên của nhóm dân sự Văn Lang của người Việt tại Cộng hòa Czech nhớ lại những tháng trước khi những sự kiện làm thay đổi Tiệp Khắc bùng lên giữa cơn lốc cách mạng Đông Âu vào tháng 11/1989.
Một nhân chứng khác là anh Đoàn Hoa nghe thông tin về những cuộc biểu tình tại thủ đô khi anh đang làm việc tại một tỉnh nhỏ:
Tôi cảm thấy là cao trào đã lên rồi, chế độ cộng sản đang sụp, nhưng thú thật là không biết nó sụp như thế nào, và cũng không ai hình dung là nó sụp nhanh như thế. 
-Anh Đoàn Hoa
Tôi cảm thấy là cao trào đã lên rồi, chế độ cộng sản đang sụp, nhưng thú thật là không biết nó sụp như thế nào, và cũng không ai hình dung là nó sụp nhanh như thế. Mọi người chúng tôi nói với nhau ở nhà máy là chắc sẽ có đàn áp. Mà lúc đầu là có đàn áp thật. Nhưng khi lên cao rồi thì cái đàn áp nó tan đi. Và quân đội thì đứng ngoài không tham gia.”
Cao điểm mà anh Đoàn Hoa nói đến là tháng 11 cách đây 25 năm. Đỉnh điểm của nó là ngày 29/11/1989, khi mà vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản bị xóa bỏ khỏi Hiến pháp.
Nhưng trước năm 1989 lịch sử, trong xã hội Tiệp Khắc đã hình thành những nhóm đối kháng với đảng cộng sản cầm quyền mà tiêu biểu là nhóm Hiến chương 77 ra đời năm 1977. Một trong những người thành lập nó là nhà soạn kịch Vaclav Havel sau này thành Tổng thống được bầu một cách dân chủ của liên bang Tiệp Khắc sau năm 1989. Lịch sử của những tư tưởng dân chủ tại Tiệp Khắc hơn nữa đã hình thành từ rất sớm. Anh Lâm, là một sinh viên vào năm 1989 nói là một hình thức dân chủ đại nghị với quốc hội lập pháp đã hình thành từ năm 1918. Sau đó tinh thần dân chủ của đất nước này lại trải qua hai lần thử thách nữa là vào năm 1948 khi đảng cộng sản làm cuộc đảo chính dưới sự trợ giúp của quân đội chiếm đóng Liên Xô, và năm 1968 khi cuộc cách mạng Mùa xuân Prague thất bại. Chính ở Tiệp Khắc mà danh từ Cách mạng nhung được ra đời để chỉ một diễn biến cách mạng xảy ra êm thấm không đổ máu.
000_ARP1784274-400
Prague, Tiệp Khắc ngày 04 tháng 12 năm 1989. AFP PHOTO / PASCAL GEORGE.
Nhưng ngược lại với cuộc cách mạng ở Đức đưa đến việc thống nhất Đông và Tây Đức, sau cách mạng nhung, Tiệp Khắc tách ra làm hai nước cộng hòa là Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia.
Anh Hoàng Hùng hiện sống ở Cộng Hòa Czech nhận xét:
Ngay từ tời cộng sản đã có sự rạn nứt giữa Czech và Slovakia. Để giải quyết vấn đề đó thì sau Cách mạng nhung người ta tách ra. Theo tôi thì việc đó là hợp lý.”
Anh Đoàn Hoa, người quan tâm nhiều đến đời sống chính trị xã hội Tiệp Khắc ngay trước khi cuộc cách mạng nổ ra thì lại có ghi nhận rằng trong dư luận xã hội Czech và Slovakia hiện nay vẫn còn những quan điểm khác nhau về việc duy trì liên bang Tiệp Khắc hay chia đôi thành hai quốc gia như hiện nay.

Người Việt và cách mạng nhung Tiệp Khắc

Vào năm 1989 có một số khá đông người Việt học tập trong các trường Đại học hay làm việc ở các nhà máy theo hợp đồng hợp tác lao động với Việt Nam. Nhưng họ được quản lý khá chặc chẽ trong các nhà máy mà họ làm việc. Anh Văn, một công nhân lúc ấy nói rằng anh chỉ cảm thấy có điều khác lạ đang diễn ra những không biết rõ nó là cái gì.
Sự tham gia của người Việt Nam hầu như không có trong cuộc cách mạng ở Tiệp Khắc. Nhưng sau đó cuộc cách mạng này có ảnh hưởng lên cộng đồng Việt Nam ở đất nước này nhờ vào sự cố gắng của một số sinh viên tham gia vào việc dịch các ấn phẩm cách mạng được các trí thức Tiệp Khắc viết ra trong phong trào Samizdat, một hình thức văn chương chính trị phản kháng phát triển mạnh từ sau cuộc cách mạng mùa xuân Prague thất bại vào năm 1968. Anh Lâm, là sinh viên vào thời điểm 1989 nói:
Sau cách mạng nhung, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, thì người Việt cũng biết tới các tác phẩm đó. Sinh viên lập ra các tờ báo tự lập và phân phát cho anh em công nhân thời đó, dịch bài cho cộng đồng, cũng là một cái khiến sinh viên Việt Nam cảm hứng và làm theo.”
Anh Văn thì nhận xét về không khí sau cuộc cách mạng:
Gần như là nó mở tung hết cỡ, rất là thoải mái, rất là tự do trong vấn đề ngôn luận, thông tin. Lúc ấy bọn tôi mới cảm nhận được sự tự do.”

25 năm sau

 
Hiện người Việt ở đây gần như không hòa nhập vào xã hội cộng hòa Czech, đặc biệt về chính trị, trong số 50.000 người Việt ở đây chỉ có khoảng 2.000 người có quốc tịch Tiệp. 
-Anh Lâm
25 năm sau khi hai nước Czech và Slovakia không còn là cộng sản nữa, sự tham gia vào đời sống chính trị xã hội của người Việt tại đây rất hạn chế. Anh Đoàn Hoa nhận xét:
Mặc dù đã hơn 20 năm rồi sống trong xã hội tư bản, nhưng người ta rất ít quan tâm đến đời sống chính trị mà chỉ quan tâm đến công ăn việc làm của mình là chính.”
Anh Lâm cũng đưa ra nhận xét tương tự, còn anh Hoàng Hùng thì cho rằng người Việt tại Cộng hòa Czech hiện nay không hội nhập vào xã hội của nước này.
Hiện người Việt ở đây gần như không hòa nhập vào xã hội cộng hòa Czech, đặc biệt về chính trị, trong số 50.000 người Việt ở đây chỉ có khoảng 2.000 người có quốc tịch Tiệp.”
Kết thúc buổi trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Hùng nói rằng anh hy vọng thế hệ trẻ người Việt lớn lên ở Tiệp sẽ hội nhập vào xã hội nước này, chứ không như tình hình hiện nay là chỉ quẩn quanh trong các hội đoàn bị chi phối và khống chế bởi tòa đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở đây.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen