GHI NHANH CUỘC “KHÁCH THĂM”
NHÀ CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH
Đại tá NGUYỄN ĐĂNG QUANG
Chiều 19/11/2014 Hà Nội đã vào cuối thu, lạnh. Tôi tranh thủ đến thăm sức khỏe lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Tôi quen biết cụ đã gần 40 năm nay và rất kính trọng và khâm phục cụ về nhân cách, đạo đức cũng như tấm lòng của cụ đối với dân và đất nước. Dù năm nay đã 99 tuổi song cụ vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và minh mẫn! Mặc dù hơn tôi 26 tuổi song cụ vẫn coi tôi là một người bạn vong niên thân thiết. Tiếp tôi, ngoài cụ còn có con gái cụ là nhà văn Nguyên Bình và chồng chị là anh Trịnh Văn Trà, một đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Tôi đứng lên chào và xin phép cụ ra về vì đã tâm tình và trò chuyện với cụ hơn một tiếng đồng hồ thì cụ bảo tôi cố nán lại ít phút để dự buổi cụ tiếp đoàn khách của Thành ủy Hà Nội đến thăm cụ.
Năm phút sau khách đến. Dẫn đầu là Ủy viên Thường vụ Thành ủy kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cùng 5 quan chức của Đảng, gồm: Một chuyên viên của UBKT Thành ủy; ông Phó bí thư Quận ủy Đống Đa; ông Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Đống Đa; bà Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên và ông Bí thư chi bộ nơi cụ sinh hoạt Đảng.
Đoàn khách đi luôn vào nội dung cuộc viếng thăm: Hỏi cụ có phải là người ký vào Thư ngỏ 61 (toàn văn xem tại đây) không và ai là người chấp bút, thảo ra thư đó? Họ thuyết phục cụ tuyên bố rút tên khỏi danh sách 61 đảng viên ký Thư ngỏ đó vì đã vi phạm vào quy định của Đảng, đặc biệt là "19 điều cấm" mà Đảng không cho đảng viên làm.
Cụ khẳng đinh chính cụ là người ký vào Thư ngỏ 61 đó, và vì cụ nhiều tuổi đảng nhất, 75 năm tuổi đảng, nên anh em xếp cụ lên danh sách đầu tiên. Còn ai là người soạn thảo thư đó thì cụ nói là mọi người ngồi trao đổi với nhau, đều nhất tri và đồng tình những nội dung cấp thiết phải kiến nghị với Lãnh đạo Đảng như nội dung Thư ngỏ đã nêu rõ, còn ai là người chấp bút khởi thảo thì không quan trọng, cụ không đáp ứng câu hỏi này vì cụ cho rằng mọi người ký vào Thư ngỏ thì đều có trách nhiệm như nhau và sẵn sàng đối thoại, tranh luận công khai và dân chủ với lãnh đạo Đảng về những vấn đề mà Thư ngỏ 61 đã nêu lên. Liệu Đảng có đồng ý đối thoại và tranh luận công khai với nhóm 61 đảng viên ký vào Thư ngỏ này không ?
Còn về yêu cầu cụ tuyên bố rút tên khỏi danh sách những người ký tên Thư ngỏ này thì cụ nói không, dứt khoát không bao giờ tôi rút theo yêu cầu của các anh! Còn việc đoàn “đến thăm” kết luận rằng cụ cùng 61 đảng viên ký tên tập thể vào Thư ngỏ là vi phạm qui định của Đảng và "19 điều cấm" không cho đảng viên làm thì cụ hoàn toàn bác bỏ, cụ nói chính những qui định đó đã triệt tiêu tinh thần dân chủ trong đảng và ngay "19 điều cấm" cũng vi phạm Điều lệ Đảng !
Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy trách cụ là tại sao cụ không trực tiếp góp ý kiến với Đảng theo con đường mà Đảng đã qui định mà lại tán phát những quan điểm sai trái, làm cho đảng viên và người dân hoang mang, dao động? Cụ trả lời là cụ rất thất vọng vì trong suốt gần 10 năm qua cụ đã kiên trì và chân tình góp ý, đã không
dưới 10 lần viết thư tay gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban CHTW Đảng và
cả Tổng Bí thư nhưng không lần nào cụ được hồi âm, trả lời! Cụ nói: Đến
như cụ 16 năm là Ủy viên Trung ương Đảng (Khoá III), là
lão thành cách mạng, có 75 năm tuổi đảng, mà các anh ấy trốn tránh,
không thèm trả lời thì thử hỏi những góp ý, kiến nghị của các đảng viên
khác các anh ấy coi ra gì? Lãnh đạo Đảng ngày nay chỉ thích nghe những ý kiến xu nịnh, thuận tai của bọn cơ hội, giáo điều,
nhưng ngược lại họ coi các ý kiến phản biện và những đóng góp chân
tình, xây dựng, tâm huyết và khoa học của rất nhiều nhân sỹ trí thưc và
đảng viên là những ý kiến có “động cơ xấu”, thậm chí còn bị chụp mũ là
“suy thoái, biến chất” hoặc “bị các thế lực thù địch xúi giục”! Đấy
chính là một trong các lý do cụ ký tên vào Thư ngỏ 61 và công khai thư
đó cho nhân dân biết sau khi thư đó đã gửi chuyển phát nhanh cho TBT,
BCT, BBT và tất cả gần 200 UVTW Đảng.
Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy trách là việc tán phát Thư ngỏ đó trên mạng là sai trái, làm cho các đảng viên hoang mang, dao đông, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng. Nghe đến đây tôi phải
xin phép cụ Vĩnh để có đôi lời với ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy. Tôi nói:
“Vâng, thưa đồng chí Chủ nhiệm UBKT, tôi nguyên là cán bộ Bộ Công an,
đã về nghỉ hưu 11 năm nay và là một trong 61 đảng viên ký tên vào Thư
ngỏ 61. Ý kiến đồng chí vừa nói rất đúng. Nếu có ai hoang mang, dao động và không tin vào sự lãnh của Đảng thì người đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Phú Trọng nói "Đến hết thế kỷ này không biết là đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?"
Đồng chí TBT không phải nói ở chỗ riêng tư mà phát biểu chính thức
trong một buổi thảo luận Tổ đại biểu ở Quốc Hội khóa XIII để góp ý cho
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 tháng10 năm ngoái và đã được VTV, VOA và
TTXVN loan tải rộng rãi! Chính phát biểu bi quan đó của đồng chí TBT
làm tôi thực sự dao động, hoang mang và không còn tin vào sự lãnh đạo
hiện nay của Đảng nữa, và đây cũng chính là một trong các lý do khiến
tôi ký vào Thư ngỏ 61. Lúc nãy tôi có hỏi về di chúc của Chủ tịch HCM
và đồng chi trả lời là di chúc của Bác Hồ rất đúng và tuyệt đối đúng!
Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí. Di chúc của Bác không căn dặn
Đảng ta xây dựng CNXH mà chỉ dặn Đảng xây dựng một nước Việt Nam hòa
bình, thống nhất, độc lập, giàu mạnh và xây dựng một xã hội công bằng,
dân chủ văn minh thôi, và trong di chúc không có một từ nào Bác đề cập
đến chủ thuyết Marx-Lenine và căn dặn nhân dân và đảng ta phải kiên định
con đường này! Vậy tại sao Đảng ta không làm theo di chúc của Bác?
Ông
Chủ nhiệm UBKT Thành ủy không trả lời trực tiếp mà chuyển sang việc đề
cập đến thành tựu lãnh đạo cách mạng của Đảng. Ông gợi lại chuyện 75 năm
trước (1939) khi cụ vào Đảng và thoát ly tham gia cách mạng thì đất
nước ta còn nghèo lắm, dân ta còn khổ lắm nhưng nhờ
sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng nên ngày nay nước ta đã hết
nghèo, dân ta đã hết khổ, nay thì nhà nào cũng có ít nhất một xe máy thì
làm sao cụ lại nói đường lối của Đảng là sai lầm, cần phải từ bỏ con
đường xây dựng CNXH theo mô hình Xô-viết ? Ông ta còn nói rằng Đảng đã và đang kiên định con đường XHCN, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, xã hội ta không có người bóc lột người, Đảng
không cho phép bọn tư bản bóc lột giá trị thặng dư nhân dân lao động
VN, hiện nay nhân dân làm theo sức và hưởng theo lao động, mai này khi
tiến lên xây dựng CNCS thì người dân sẽ làm tùy sức và sẽ hưởng thụ theo
nhu cầu! Về đối ngoại, Đảng ta cũng có chính sách khôn khéo và cương quyết với TQ, buộc họ phải rút giàn khoan HD981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của ta trước thời han. Đây rõ ràng là thắng lợi của ta...(!?).
Cụ Vĩnh nói: “Nó
rút chủ yếu là do sức ép quốc tế. TBT Nguyễn Phú Trọng không hề có một
lời nào lên án TQ. Hội nghị TW9 đang họp, cũng không hề có một tuyên bố
nào. Rồi đến Quốc Hội họp cũng không ra tuyên bố hoặc nghị quyết lên án TQ, Chính phủ cũng vậy! Sao nay lại tự nhận là do ta đấu tranh kiên quyết , mạnh mẽ nên buộc nó phải rút? TQ không bao giờ từ bỏ dã tâm bành trướng, xâm lược nước ta.Đảng
phải hết sức cảnh giác và phải thực sự dựa vào nhân dân và phải đặt lợi
ích của đất nước,của dân tộc lên trên lợi ích của Đảng thì mới có thể
thắng lợi kể cả trong xây dựng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc, và đừng
có quá nhẹ dạ tin vào 16 chữ vàng và 4 tốt , kẻo sẽ bị lừa và dễ mất
nước”!
Đại
tá Trà dù đã rất kiên nhẫn ngồi nghe từ đầu, song đến đây ông không kìm
được, ông nói: “Nghe các đồng chi lập luận, tôi không thể thông! Đồng
chí khẳng định VN chỉ có thể chọn mô hình XHCN để xây dựng đất nước,
ngoài ra không có con đường nào khác. Thế thì đồng chí giải thích tại
sao lãnh
đạo Đảng và Nhà nước ta đi hết nước tư bản này đến nước tư bản kia để
van nài họ công nhận nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường? Phải chăng điều đó chứng tỏ chính Đảng không tin vào CNXH và thú nhận học thuyết Marx-Lenine là bế tắc?”.
Không
thấy vị Chủ nhịêm UBKT Thành ủy và các vị khách trả lời, tôi nói: “Cho
đến lúc này, ngay cả Hội đồng lý luận Trung ương cũng như các nhà nhà lý
luận của Đảng cũng không có ai đưa ra được một định nghĩa có sức thuyết
phục thế nào là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh
tế thị trường và Chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại và giao thoa cùng
nhau được! Có cái này thì không có cái kia và ngược lại”.
Cụ
Vĩnh nghe vị Chủ nhiệm UBKT Thành ủy thuyết giảng, chắc cảm thấy rất
mệt, song cụ vẫn vui vẻ nói: “Lúc nãy nghe đồng chí Chủ nhiệm UBKT Thành
ủy nói thời tôi vào Đảng và tham gia hoạt động CM đã cách đây 75 năm
rồi. Vâng, đồng chí nói đúng. Hồi đó tôi vào đảng là Đảng Cộng sản Đông
Dương sau này đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam, và tôi thấy Đảng tôi
chọn lúc đó đều rất trong sáng và thực sự vì dân tộc và đất nước, và nó
khác xa ĐCSVN hiện nay. Mong các đồng chỉ về và phản ảnh trung thực,
đầy đủ các ý kiến ta trao đổi hôm nay, và kiểm tra giúp các đơn thư mà tôi đã gửi lãnh đạo Đảng trong hơn 9 năm qua và nhắc họ cố gắng đọc và nghiên cứu. Nếu bố trí gặp trực tiếp tôi thì tốt, nếu không thì cố gắng hồi âm các thư tôi đã gửi.
Đoàn
“khách” cũng cảm thấy khó có gì để nói thêm nên đứng dậy xin phép ra
về. Ông Trưởng đoàn kính chúc cụ mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp ý kiến
xây dựng Đảng theo đúng quy định để Đảng thực sự trong sạch và vững mạnh.
Tôi về đến nhà là đã gần 6 giờ chiều, tuy khá mệt song cố gắng ghi lại trung thực nhưng chắc không đầy đủ nội dung cuộc gặp này,kẻo để lâu lại quên. Tôi nghĩ chắc đây chưa phải là cuộc thăm viếng và trao đổi cuối cùng. Và cũng không riêng với cụ Vĩnh, với những khác biệt giữa nhận thức và thực tiễn, giữa quyền hành và dân chủ như thế này, tôi nghĩ rằng những đoàn “khách” như thế này còn “hỏi thăm sức khỏe” nhiều người khác nữa, cho dù có góp ý với lãnh đạo đảng, nhà nước những ý kiến chân thành, xây dựng, nhưng “khác chủ trương, khác ý lãnh đạo”!
Tôi về đến nhà là đã gần 6 giờ chiều, tuy khá mệt song cố gắng ghi lại trung thực nhưng chắc không đầy đủ nội dung cuộc gặp này,kẻo để lâu lại quên. Tôi nghĩ chắc đây chưa phải là cuộc thăm viếng và trao đổi cuối cùng. Và cũng không riêng với cụ Vĩnh, với những khác biệt giữa nhận thức và thực tiễn, giữa quyền hành và dân chủ như thế này, tôi nghĩ rằng những đoàn “khách” như thế này còn “hỏi thăm sức khỏe” nhiều người khác nữa, cho dù có góp ý với lãnh đạo đảng, nhà nước những ý kiến chân thành, xây dựng, nhưng “khác chủ trương, khác ý lãnh đạo”!
NĐQ
Tác giả gửi BVB lúc 05:05, ngày 20-11-2014
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen