Lễ khánh thành tượng Đức Thánh Trần tại Little Saigon đầu tháng 9
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Sự
kiện các dân di cư tị nạn khi ra đi đã mang theo các thần của mình là
một sự kiện đã xảy ra từ lâu trong lịch sử nhân loại. Dân Hy Lạp trong
các thế kỷ thứ bảy và thứ tám kéo dài đến hết thế kỷ thứ năm trước Thiên
Chúa, khi có những cuộc tranh chấp nội bộ ở các đô thị-quốc gia, những
city-states, những polis, của họ, điển hình là hai đô thị Athens và
Sparta, các phe bại trận bị loại trừ phải bỏ xứ mà đi. Họ đã tạo nên một
đường viền Hy Lạp chung quanh Địa Trung Hải với những quốc gia-đô thị,
những polis mới ở nam Âu, ở Tây Á và luôn cả ở Phi Châu. Khi ra đi họ đã
mang theo văn minh Hy Lạp và đặc biệt là các thần linh Hy Lạp
của họ. Với những yếu tố văn
minh, văn hóa và đặc biệt là tín ngưỡng này, những đô thị-quốc gia mới
của họ, mặc dù vẫn giữ được những liên hệ lịch sử, văn minh và văn hoá,
đã trở thành hoàn toàn độc lập với các đô thị-quốc gia mẹ, đã tự mình
đứng vững và phát triển, không còn bị các quốc gia-đô thị mẹ chi phối về
phương diện chính trị và sinh hoạt hàng ngày nữa.
Người
Tầu khi di cư ra khỏi quê hương của họ cũng làm những việc tương tự.
Bằng chứng là các “chùa Tầu” đã hiện diện ở khắp thế giới và ở miền Nam
Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là ở Saigon. Tất cả đã trở thành nhũng nơi
thăm viếng mà du khách khi tới Saigon đều phải biết và ít nhiều ghé qua.
Chính người viết bài này hồi trước năm 1975, khi dẫn sinh viên đi du
khảo quanh vùng Thủ Đô Saigon, cũng đã ghé thăm những nơi này. Điều đáng
để ý là những nơi này luôn luôn có nhiều khách hành hương tới viếng
trong đó rất đông là người Việt. Nơi đây khói hương ngày đêm nghi ngút,
không bao giờ tàn lạnh.
Chiến tranh kết thúc, nhiều người Việt bỏ nước ra đi
Cho
tới nay, Cộng Đồng người Việt ở Hải Ngoại đã được gần tròn 40 tuổi, đã
trải qua giai đoạn sống còn, đã mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh về đủ mọi
phương diện để trở thành thành phần thứ hai độc lập với thành phần thứ
nhất của dân tộc Việt Nam.
Cộng
Đồng Hải Ngoại của chúng ta trẻ trung hơn, năng động hơn,có tiềm năng
hiểu biết cập nhật hơn, có nhiều khả năng phát triển hơn nhờ đã hình
thành và phát triển trong những quốc gia tân tiến nhất trên thế giới, so
với thành phần thứ nhất mỗi ngày già cỗi hơn, mòn mỏi hơn, kiệt lực
hơn, không còn đủ khả năng nhận thức và ngay cả sử dụng những khả năng
trí tuệ vẫn còn không ít của mình. Tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại có thể
vào và đã vào bất cứ một đại học danh tiếng nào nếu các em mong muốn và
được cha mẹ khuyến khích. Rất đông các em đã đạt được điều này. Cộng
Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã tự mình hội đủ mọi điều kiện
để tự đứng vững. Chúng ta
đã có đầy đủ nếu không nói là khá đông các chuyên viên trí thức thượng
thặng từ các khoa học gia, các giáo sư đại học, các học giả tốt nghiệp
từ các học viện lớn và hiện đang phục vụ trong các trung tâm, các viện
nghiên cứu bậc nhất trên thế giới để góp sự hiện diện của mình với các
sắc tộc khác. Chúng ta cũng đã có những chỉ huy cao cao cấp trong quân
đội, kể cả tướng lãnh. Chúng ta cũng có những chỉ huy trưởng khu trục
hạm tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, những nữ đại tá người nhỏ thó chỉ
đứng đến nách những đồng sự hay thuộc cấp của mình nhưng vẫn được họ
chào kính một cách trịnh trọng. Họ cũng là con em của chúng ta đó.
Trong
địa hạt chính trị, người Việt nay cũng đã đi rất sâu và rất cao trong
hệ thống chính quyền của nhiều nước, ở đủ cả ba ngành, ngay cả ở cấp
trung ương. Nhiều người trẻ cũng đã xuất hiện và đã thành công xuất sắc.
Họ thông thạo ngôn ngữ, được học, được sống và hiểu biết về xã hội nơi
họ đang cư ngụ. Họ bắt đầu thay thế cho thế hệ cha anh đã đến tuổi xế
chiều, nhưng vẫn hiểu biết về Việt Nam và thông thạo tiếng Việt.
Người Việt nay có cộng đồng lớn tại Mỹ
Sang
một địa hạt khác gần gũi với mọi người hơn là địa hạt giáo dục. Ở đây
tôi chỉ nói vế các cấp trung tiểu học và mẫu giáo, những cấp học cơ bản
liên hệ trực tiếp tới các em nhỏ của chúng ta trong cộng đồng. Con số
những thày cô giáo người Việt hiện diện trong các trường địa phương mỗi
ngày một nhiều. Nghề làm thày cô giáo không còn bị chê so với các nghề
khác như trong những thập niên đầu. Nhiều người tỏ ra đã yêu mến nghề
dạy học ngay từ khi còn học ở bậc trung và luôn cả tiểu học. Họ đã đạt
được ước vọng và sau nhiều năm hành nghề vẫn tỏ ra yêu nghề hơn bao giờ
hết. Nhiều người đã chuyển sang cấp chỉ huy làm
hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
các trường khi chán phụ trách lớp. Nên nhớ là, ít ra là ở Mỹ, dạy ở cấp
nào cùng được coi là quý, là trọng, không nhất thiết là ở bậc đại học,
nơi kiếm được một chỗ làm rất khó vì rất hiếm, cạnh tranh giữa các sắc
dân Á Châu rất nhiều, bè cánh phe phái rất nhiều. Điều quan trọng là ở
chính mình và hạnh phúc của chính mình.
Cộng
đồng của chúng ta đã độc lập, đã tự đứng vững và phát triển trong suốt
39 năm qua không hề phải nhờ và vào chính quốc. Trái lại, hàng chục tỷ
đôla hàng năm đã được gửi về làm giàu cho các cán bộ và các đại gia ở
trong nước. Có điều thay vì để yên cho thành phần thứ hai của dân tộc
này phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau song song phát triẻn, cùng
hưởng thì các “đỉnh cao trí tuệ” ở trong nước đã coi nó như một con gà
đẻ trứng vàng, tìm cách ảnh hưởng tới nó, bắt nó đẻ nhiều hơn, thậm chí
bắt và giết nó. Riêng trong phạm vi dạy tiếng Việt có người còn cổ võ
đưa các thày ở trong nước ra dạy ở các trường hải ngoại.
Cổ võ nhưng vị này không hề
quan tâm đến tình trạng suy đồi thậm tệ của tiếng Việt ở ngay chính
trong nước mà rất nhiều bài thuyết trình, khảo cứu đã được phổ biến
trong nhiều cuộc hội thảo ở khắp nơi trên thế giới, ở Mỹ. ở Canada, ở
Úc, ở Pháp, trên báo chí, truyên truyền thanh, truyền hình, trong những
năm qua.
"Chúng ta đã có một Siêu Quốc gia Việt Nam không có lãnh thổ, không có chính quyền, không có thủ đô nhưng tất cả đều nằm sâu thẳm trong lòng mọi người dân của nó."
Sự
hình thành của Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại coi như thành phần thứ hai
của dân tộc là một cơ hội ngàn năm một thuở chúng ta có được, sau khi
người dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều chục năm dài đầy chiến tranh,
đau thương, chết chóc và bất hạnh. Chúng ta đã không có được một lãnh
thổ duy nhất, một chính quyền chung nhưng chúng ta có những con người,
có chung một lịch sử, một nguồn gốc, đã ra đi trong cùng một hoàn cảnh,
một thời điểm. Nói một cách khác, chúng ta đã có một Siêu Quốc gia Việt
Nam không có lãnh thổ, không có chính quyền, không có thủ đô nhưng tất
cả đều nằm sâu thẳm trong lòng mọi người dân của nó. Một siêu quốc gia
như vậy thích hợp hơn với sinh
hoạt quốc tế trong thời hiện tại, thời mà biên giới giữa các nước đã mờ
dần trước sự phát triển chung của cả nhân loại. Cũng nói cách khác, nếu
trong thế kỷ 19, một học sinh người Anh được học rằng “Mặt trời không
bao giờ lặn trên Đế Quốc Anh” thì khác đi một chút, kể từ thế kỷ 20, một
học sinh Việt Nam phải được học rằng “Từ sau năm 1975, mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ.”
Cộng
Đồng của chúng ta đã vững mạnh và luôn luôn được các nhà cầm quyền bản
xứ che chở. Chúng ta không cần phải có sự giúp đỡ từ bên ngoài, nói
trắng ra là từ những người này. Phạm Nhan đã bị chém đầu từ
bảy thế kỷ trước tuy vẫn còn lảng vảng khắp nơi để kiếm máu dơ của phụ
nữ nhưng y sẽ không làm gì được chúng ta vì chúng ta đã có Đức Thánh
Trần và Chúa Liễu Hạnh luôn luôn hiển linh và che chở cho chúng ta.
Chúng ta hãy cùng nhau giữ cho tượng ngài quanh năm sạch sẽ và nếu có,
hương khói lúc nào cũng nghi ngút, để trở thành một thắng tích bất cứ ai
ghé Little Saigon đều phải ghé qua để tỏ lòng tôn kính ngài.
Chúng
ta đã khơi lại được mạch sống của bảy trăm năm trước. Chúng ta có sống
lại được với sức sống do tiền nhân truyền lại cho chúng ta hay không?
Điều này tùy thuộc ở chính chúng ta. Chúng ta sẽ coi quyền lực, danh lợi
tiền bạc của cá nhân hay phe nhóm là trọng hay sự tồn vong của cả dân
tộc là trọng. Đó là tùy thuộc chúng ta. Những người đang sống trên đất
mẹ của chúng ta xem ra khó mà làm được điều này vì dù có muốn họ cũng
không làm được và không được phép làm và cũng vì tất cả đều đã quá mòn
mỏi, khô cằn, nếu không nói là kiệt lực. Tất cả chỉ còn trông cậy ở
chúng ta và con cháu chúng ta.
Bài
viết phản ánh quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả. Ông Phạm
Cao Dương lấy bằng tiến sĩ sử học ở Đại học Paris, và dạy ở nhiều đại
học tại Sài Gòn trước 1975. Sau khi sang Mỹ, ông dạy về lịch sử, ngôn
ngữ Việt Nam ở một số trường tại Nam California trước khi về hưu.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen