Nguyên Thạch (Danlambao)
- Sự thất bại của các quốc gia toàn trị là ở thái độ cùng những chính
sách độc tài, cả hai điều này đã đưa đến hệ quả thảm bại về nhiều mặt
trên bình diện quốc gia. Ở Việt Nam, đất nước và thể chế hiện hành đã
vấp phải những bước đi đầy chông gai bởi nó đã mang nhiều nghịch lý dẫn
đến sự mất độc lập khó tránh khỏi của một quốc gia.
Là con dân nước Việt, cho dẫu là ở nước ngoài hay ở trong nước, thì tất
cả đều có mối liên hệ cũng như trách nhiệm về một nơi mà chúng ta gọi là
Quê Hương. Chúng ta không thể nào chấp nhận hay tự hào về tình trạng
của đất nước ngày hôm nay.
Những tâm tư đau buồn này, nó không chỉ hiển hiện ở những người nghèo
khó, kém may mắn như lớp dân oan khắp ba miền, những trẻ thơ trong hoàn
cảnh gia đình túng thiếu thất học, những người già cả bệnh tật không nơi
nương tựa, mà nó còn luôn hiện hữu trong tâm tư nơi số người giàu sang
phú quí, có cơ ngơi ổn định và cuộc sống thành đạt.
Những trăn trở về đất nước, về xã hội và về con người, một quốc gia luôn
đội đít sổ về những bảng xếp hạng của thế giới, một xã hội mà đa phần
thành viên của nó luôn giữ thái độ thờ ơ vô cảm bởi vô vọng cho một
guồng máy đầy tiêu cực. Kinh tế suy sụp, tham nhũng tràn lan từ nóc cho
đến tận sàn, tận đáy, đạo lý suy đồi đến tận cùng của tàn độc, của gian
ác, người dân trở nên quen dần và bình thường hóa với sự gian dối, lọc
lừa, điêu ngoa, sa đọa...
Lối sống trong một bối cảnh như vậy, những tâm hồn còn mang chút suy tư,
còn chút tinh thần và trách nhiệm thì sẽ cảm thấy rất khổ sở đắng lòng,
luôn bị dằn vặt cào cấu và dĩ nhiên nhãn quang nhìn đời bằng những ánh
mắt kém vui hoặc không còn nghĩa sống.
Người Việt Nam dẫu ở hải ngoại hay quốc nội, thảy đều có những chỉ số
thông minh và hệ cơ bắp tương quan. Người Tàu ở Singapore hay Đài Loan
hoặc China cũng vậy, người Hàn cũng thế, dù Nam hay Bắc thì cũng là Đại
Hàn. Ai cũng hiểu rằng chính chế độ, chính thể chế chính trị đã tạo nên
sự khác biệt giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, giữa Trung cộng lục địa và Đài
Loan, Singapore. Cơ chế đã gây nên sự khác biệt về kinh tế, về nhân văn
và lề lối sinh hoạt của một quốc gia giữa cộng đồng các quốc gia trên
toàn thế giới và dĩ nhiên những điều đã nêu này, nó còn tùy thuộc vào
địa lý, khu vực... nhưng quan trọng hơn cả là tùy thuộc vào thành phần
lãnh đạo của quốc gia đó.
Một sự thật rất rõ nét mà chúng ta mục kích dường như mỗi ngày là khi
xem tin tức, khi nhìn vào màn ảnh của TV, những nhà lãnh đạo của các
quốc gia tiên tiến hay ngay cả những nhà lãnh đạo của các quốc gia ở mức
trung bình thì ta cũng vẫn thấy ở những nhà lãnh đạo này tỏa ra những
nét sáng sủa, thông minh, phong cách sang trọng lịch lãm. Ngược lại, khi
nhìn các lãnh đạo của Việt Nam thì... xin lỗi nói ra thì mất lòng và hổ
thẹn chứ những khuôn mặt lãnh đạo này chứa đầy những nét tối tăm thấp
kém.
Hai hình ảnh trên đã nói lên điều gì? Hẳn mọi người cũng đã có kinh
nghiệm trong cuộc sống, dáng dấp và phong cách cũng như trình độ của một
người sẽ nói lên người ấy ở vị thế, tầng lớp nào trong xã hội. Trong
phạm trù quốc gia cũng thế, tư duy và phong cách của những nhà lãnh đạo
sẽ nêu lên khá đầy đủ tầm cỡ, nhân văn, mức sinh hoạt về mọi mặt nơi mà
người lãnh đạo ấy đại diện.
Quay về những thực thể mà tất cả chúng ta nếu còn cảm thấy rằng mình vẫn
còn là một người Việt và vẫn còn có những ước nguyện, hoài bão cho một
Quê Hương tương lai thì chúng ta không thể không khỏi đau lòng hoặc thậm
chí đôi khi tuyệt vọng!
Hãy nói thật với nhau về những hiện tình của đất nước. Hãy nhìn nhận với
nhau về những mối nguy hại rất nguy hiểm. Hãy cùng nhau phân tách cũng
như cố gắng chia sẻ những thực trạng thê thảm của một Việt Nam hôm nay.
- Nền độc lập của Tổ Quốc: Ngoài những bưng bít, giấu giếm
có chủ ý của đảng CSVN, những chỉ dấu phổ thông mà những con mắt cùng
cái đầu bình thường cũng có thể nhận thấy được là Tổ Quốc của chúng ta
đã và đang lung lay trên nguy cơ mất nước toàn diện. Không phải một cách
vô cớ mà chúng ta muốn dấy nên phong trào "Chúng tôi muốn biết",
phòng trào này ngoài việc cảnh tỉnh khối dân tộc hãy cảnh giác về những
thái độ phản trắc của đảng CSVN cùng guồng máy toàn trị hiện hành mà họ
luôn xảo mị dưới chiêu bài "bí mật quốc gia". Chuyện của quốc gia là
chuyện đại sự, sự tồn vong của quốc gia là bổn phận và trách nhiệm của
toàn dân, nhà nước hay đảng phái chính trị chỉ là những cơ quan thừa
hành ý nguyện của tập thể dân tộc. Đảng phái chính trị và guồng máy đại
diện cho dân chúng phải có bổn phận trình báo mọi hiện tình thuộc phạm
vi quốc gia cho toàn thể quốc dân được biết để từ đó quần chúng sẽ chia
sẻ gánh lo và cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề.
Sự thất bại của các quốc gia toàn trị là ở ở thái độ cùng những chính
sách độc tài, điều này đã đưa đến hệ quả thảm bại về nhiều mặt trên bình
diện quốc gia. Ở Việt Nam, đất nước và thể chế hiện hành cũng đã vấp
phải những bước đi đầy chông gai, trở ngày bởi nó đã mang nhiều nghịch
lý, những nghịch lý này chắc chắn sẽ đưa đến sự mất độc lập ắt phải có
của một quốc gia.
- Về kinh tế: Ai cũng biết là Việt Nam hôm nay đã sa lầy
vào sự lụn bại của kinh tế, trong khi nền sản xuất đã và đang thoi thóp
trong cạnh tranh mà rõ nét nhất là phải đối mặt với sự lũng đoạn của
người "bạn" lân bang Tàu cộng. Bao kế hoạch, bao công trình hầu hết đã
bị thâu tóm và bị chỉ đạo bởi các thế lực kinh doanh dưới kế sách của
Hoa Nam nhằm phục vụ cho mưu lược xâm chiếm toàn diện của họ.
Tài nguyên bị sử dụng một cách bất hợp lý đưa đến cạn kiệt cũng như tác
hại nghiêm trọng về môi sinh, chất độc hại được có điều kiện xâm nhập từ
kẻ thù nhằm ngấm ngầm tiêu diệt dân Việt với đầy dẫy bệnh hoạn và
khuyết tật về cả hai mặt cơ thể lẫn tinh thần.
Với sự chi trả cho một hệ thống cầm quyền cồng kềnh cùng sự lãng phí của
nó trong khi mức thu nhập của quốc dân được xem là không đáng kể, thu
nhập kém, đưa đến tình trạng đóng thuế thấp hoặc trốn thuế, thực trạng
này tự nó đã không là những nền tảng vững chắc cho việc chi trả lương
phạn (mà riêng VN thì còn gọi là lương lậu) cùng những tiện ích tối
thiểu cần kíp khác. Bên cạnh gánh nặng không thể kham này là căn bệnh
tham nhũng dường như là bất trị, tài sản của quốc gia vốn dĩ đã èo uột,
lại càng rơi vào tình trạng ngụp lặn không lối thoát.
Có một vấn đề được xem là nan giải và rất nhức nhối, đó là vấn đề ngoại
tệ. Hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài, bất luận là tỵ nạn chính trị
hay ra khỏi VN với lý do di dân hay vì mục đích đi làm, hầu hết những
người này thảy đều biết họ là những cánh tay vươn xa về tận bên kia để
cưu mang, giúp đỡ bởi mối liên hệ không thể thoát. Họ dư hiểu rằng chính
đồng tiền của họ gởi về là cứu sống và giữ cho chế độ tồn tại mãi cho
đến hôm nay và không biết cho đến tận bao giờ!. Thực tế về việc gởi tiền
về VN, thật sự chúng ta đã cũng như đang gặp phải khó khăn. Để có được
giải trình cho vấn đề nan giải này, thiết nghĩ chúng ta chỉ còn có cách
là hãy giới hạn tối đa bằng mọi cách mà chúng ta có thể giới hạn được.
Việc cố gắng giới hạn này, nó sẽ giúp thu ngắn ngày về trên một Quê
Hương tự do và nhân bản.
Hiện tại nguồn dự trữ của ngân sách đã thật sự nguy ngập đến mức báo
động, nền kinh tế theo định hướng XHCN đã đến hồi lụn bại và sẽ đưa đến
sự phá sản toàn bộ. Mức báo động về "nợ công" đã đến lúc khẩn cấp, nếu
trì trệ, không còn cách giải quyết thì sẽ xảy ra vấn đề vỡ nợ, điều đó
nếu có xảy ra thì nó còn đồng nghĩa với sự mất mặt, mất uy tín (Ừ mà
cộng sản có mặt, có uy tín đâu mà mất nhỉ) và kéo sự sụp đổ chế độ.
- Về Quân sự: Như mọi người đã biết, sau cái ngày được gọi
là "Thống nhất đất nước" Việt Nam đã phải luôn đối đầu với bọn bành
trướng phương Bắc và quân đội VN gần như chuốc lấy sự thất bại qua các
cuộc chạm trán bằng quân sự. Gần đây, ngoài những nhân vật lãnh đạo
trong Bộ chính trị và Trung ương đảng CSVN đã bạc nhược khuất phục Thiên
triều một cách không nên có qua "Mật Nghị Thành Đô 1990" và những
chuyến quì gối đi chầu, nhà cầm quyền Trung Cộng còn gặt hái được ngay
cả tham vọng thâu tóm quyền bính của bạo lực đó là nắm luôn cả Bộ quốc
phòng và Bộ công an, hai thế lực mà theo quan điểm của những người cộng
sản là: "Lực lượng bạo lực chuyên chính", lực lượng này sẽ sẵn sàng dùng
bạo lực, vũ khí để đàn áp và tiêu diệt bất cứ sự chống đối nào đối
nghịch với chế độ.
Trước sự qui hàng của hai hệ thống có thiết bị vũ trang bằng súng đạn,
tàu bay, tàu ngầm, dùi cui và nhà tù... Trong khi người dân trong tay
không hề sở hữu được một tất sắt, câu hỏi được đặt ra trước 2 lực lượng
bất cân xứng này là: Chúng ta phải làm sao?.
- Về Xã hội: Dưới ách khống chế của CƠ CHẾ toàn trị, sự
bưng bít cấm cản thông tin đa chiều, tà sách kinh tế thị trường theo
định hướng XHCN, cùng bao sách lược mụ mị đã đưa đến hậu quả là trình độ
dân trí thấp, cộng với thái độ buông xuôi và vô vọng, con người ta chỉ
biết phản xạ theo bản năng sinh tồn ngoài (without) căn bản của đạo lý
và niềm tin. Một xã hội như vậy là một xã hội chết, một xã hội tê liệt
toàn diện.
Nêu lên những bức ảnh của xã hội hiện tại, tác giả không nhằm mục đích
bi quan hóa vấn đề nhưng thực tế thì xã hội của chúng ta là thê thảm đến
như vậy để thấy rằng nếu tất cả không cảnh tỉnh, không nhận diện được
những nguy cơ đang rình rập để vồ lấy chúng ta và sát hại bất cứ lúc
nào.
Thời gian sẽ không còn bao lâu, sẽ không cho phép chúng ta chần chờ gì
thêm. Hãy nhen nhúm và hãy dồn hết mọi nghị lực để dấy nên một cuộc cách
mạng cứu dân cứu nước. Trong những thứ tệ hại thì con người nên chọn
những cái tệ hại nào ít tổn hại nhất. Thực trạng của Việt Nam hôm nay,
đàng nào chúng ta cũng phải chết, chấp nhận cái chết cho tương lai của
dân tộc được tồn tại hay tất cả sẽ chết trong sự mất mát toàn diện, đó
là Việt Nam sẽ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới như hình ảnh của Nội Mông,
của Tân Cương hay Tây Tạng mà chúng ta đã nhìn thấy.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen