Mittwoch, 18. Juni 2014

Hậu quả của một nền giáo dục duy ý thức hệ


Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-06-17
 

06172014-sgk-kinhhoa.mp3Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
000_Hkg8782036-600.jpg
Các bản đồ cổ được trưng bày tại một cuộc triển lãm về Trường Sa và Hoàng Sa tại Bảo tàng Quân đội Hà Nội vào ngày 10 tháng 7 năm 2013.
AFP photo
 




Ngày 9/6/2014 Trung Quốc tung một đòn mới trên phương diện pháp lý và ngoại giao nhằm củng cố vị thế của họ trong các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Đó là việc họ đề nghị lưu hành tại Liên hiệp Quốc các tài liệu bản đồ và sách giáo khoa được nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phát hành, tức là miền Bắc Việt Nam lúc đất nước chưa thống nhất. Nội dung các tài liệu này được Trung Quốc diễn dịch rằng Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng sa và Trường sa, mà tên theo Trung Quốc gọi là Tây sa và Nam sa.
Nguyên văn đoạn văn trong cuốn sách giáo khoa địa lý lớp chín mà TQ đưa ra như sau:
“Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây sa đến các đảo Đài Loan, Hải Nam, quần đảo Hoàng bồ Châu sơn,… làm thành một bức Trường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc.”
Trong cuộc họp báo chiều ngày 16/6/2014, các viên chức ngoại giao Việt Nam tiếp tục đưa các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo tranh chấp, tuy nhiên vẫn chưa có lời giải thích chính thức nào được đưa ra để giải thích nội dung cuốn sách giáo khoa địa lý lớp chín mà TQ đang viện dẫn.
Một cựu quan chức bộ ngoại giao Việt Nam là Trần Công Trục trong một bài trả lời báo Giáo dục nói rằng đó chỉ là những tài liệu dùng để dạy học. Giáo sư Trần Hữu Dũng từ Hoa Kỳ có nhận định về lý lẽ của ông Trục rằng:
Trong một Quốc gia mà chính nhà nước sọan, in và phân phát những tài liệu này thì khó lòng mà nói rằng đó không phải là chủ trương của nhà nước.
- Giáo sư Trần Hữu Dũng 
“Trong một Quốc gia mà chính nhà nước sọan, in và phân phát những tài liệu này thì khó lòng mà nói rằng đó không phải là chủ trương của nhà nước.”
Trong phần cuối của bài đăng trên báo Giáo dục, Tiến sĩ Trần Công Trục còn nói:
“Trong đó không thể không nói đến tư duy ý thức hệ được hình thành và liên kết trong thời kỳ chiến tranh lạnh…”
Câu phát biểu này của ông Trục được minh họa bằng đoạn sau đây trong cuốn sách giáo khoa mà Trung Quốc dùng làm chứng cớ chuyện Việt Nam công nhận chủ quyền của họ:
“Hiện nay Đài Loan và các đảo xung quanh còn bị đế Quốc Hoa kỳ và bọn tay sai Tưởng Giới Thạch chiếm giữ, đấy là một mối đe dọa đối với nền an ninh của Trung Quốc, của Viễn Đông và miền Tây Thái Bình Dương.”
image-250.jpg
Bản đồ hiển thị vị trí giàn khoan HD 981 của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông được trưng bày tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm 05/6/2014. AFP photo
Tuy nhiên khó có thể lấy lý do cho việc tranh chấp chủ quyền bằng …Ý thức hệ.
Ông Phùng Hoài Ngọc, một người học tập và lớn lên ở miền Bắc trước năm 1975, nguyên trưởng khoa ngữ văn đại học An giang nói với chúng tôi về việc chi phối của ý thức hệ trong nền giáo dục Việt Nam, nhất là ở miền Bắc trước kia:
Các môn khoa học xã hội nhân văn ở miền Bắc rõ ràng mang tính chính trị quá nặng, rõ ràng là nó bị chính trị áp đặt quá nặng rồi. Cái điều này là quá rõ.”
Và theo ông Ngọc thì môn Địa lý vẫn thường được xem là một môn nằm trong khối khoa học xã hội nhân văn.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA, kỹ sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một người rất quan tâm đến ngành giáo dục Việt Nam cho rằng tính chính trị hóa là một trong nững điểm yếu kém của giáo dục Việt Nam hiện tại. Một nhà giáo khác là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nói về mục tiêu giáo dục của ngành giáo dục Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam như sau:
Đảng mở ra cái giáo dục chẳng qua là để đào tạo những công cụ, những người phục vụ cho cái công cuộc mà Đảng chủ trương.”
Các môn khoa học xã hội nhân văn ở miền Bắc rõ ràng mang tính chính trị quá nặng, rõ ràng là nó bị chính trị áp đặt quá nặng rồi. Cái điều này là quá rõ.
- Ông Phùng Hoài Ngọc
Dĩ nhiên sách giáo khoa làm ra là để phục vụ cho mục tiêu giáo dục. Trong trường hợp của nước Việt Nam cộng sản là phục vụ cho các chủ trương của đảng. Điều này đảng cộng sản Việt Nam cũng không hề giấu giếm trong các tuyên bố của các quan chức của họ. Một trong những mục tiêu của đảng trong những năm chiến tranh lạnh chính là quan hệ đồng minh ý thức hệ với Trung Quốc.
Trớ trêu thay người đồng minh ý thức hệ đó vào năm 1979 đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu với người anh em cùng lý tưởng của mình. Năm 2014 về nguyên tắc cả hai Quốc gia vẫn là đồng minh ý thức hệ của nhau, và đối lập với họ, vẫn là đế Quốc Hoa kỳ và tay sai như trong sách giáo khoa địa lý của năm 1974. Nhưng cũng chính người đồng minh ý thức hệ từ Bắc Kinh nay lại giương cao trang sách địa lý thấm đẫm nghĩa tình ý thức hệ mà đòi biển đảo.
Thực tế đã diễn ra không như ý thức hệ, nước Việt Nam 40 năm sau ngày in cuốn sách giáo khoa ấy đã khác, sách giáo khoa địa lý lớp chín hiện nay cũng không còn những dòng chữ đó. Nhưng sự bao trùm của ý thức hệ trong giáo dục Việt Nam đã để lại hệ lụy khó lường cho Việt Nam hiện nay, vì theo như lời Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Úc nói rằng cái cách biện giải giấy tờ, tài liệu có liên quan đến chủ quyền theo kiểu ý thức hệ là không thuyết phục.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen